Bài soạn dưới đây sẽ hướng dẫn các em nắm được một số kiến thức cần thiết của bài học và có thêm những gợi ý hay cho câu trả lời chuẩn bị bài trong SGK. Mong các em có thêm nhiều kiến thức hay và bổ ích, có thêm một tiết học tích cực trên lớp.
1. Tóm tắt nội dung bài học
- Các giai đoạn của văn học Việt Nam
- Xã hội và nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945
- Một số kiến thức cơ bản về các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại và nước ngoài đã học
2. Soạn bài Ôn tập phần Văn học
Câu 1: Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự phân hóa phức tạp thành nhiều bộ phận, nhiều xu hướng như thế nào? Nêu những nét chính của mỗi bộ phận, mỗi xu hướng văn học đó.
- Hãy làm rõ nguồn gốc sâu xa của tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng của văn học thời kì từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự phân hóa phức tạp thành nhiều bộ phận, nhiều xu hướng:
- Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 hình thành hai bộ phận và phân hóa thành nhiều xu hướng, vừa bổ sung cho nhau vừa đấu tranh với nhau.
- Do đặc điểm của một nước thuộc địa, chịu sự chi phối mạnh mẽ và sâu sắc của quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, căn cứ và thái độ đấu tranh chính trị của người cầm bút, chúng ta nhận thấy văn học từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945 hình thành hai bộ phận: bộ phận văn học công khai và bộ phận văn học không công khai.
- Văn học công khai là văn học hợp pháp, tồn tại trong vòng pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến. Do khác nhau về đặc điểm nghệ thuật, về khuynh hướng thẩm mĩ nên văn học công khai bị phân hóa thành hai hướng chính là văn học lãng mạn và văn học hiện thực.
- Văn học lãng mạn trong văn học công khai là tiếng nói của các cá nhân tràn đầy cảm xúc, đồng thời phát huy cao độ trí tưởng tượng để diễn tả những khát vọng, ước mơ; coi con người là trung tâm của vũ trụ, khẳng định cái tôi cá nhân, đề cao con người thế tục, quan tâm đến những số phận cá nhân và quan hệ riêng tư. → thường tìm đến những đề tài về tình yêu, về thiên nhiên và quá khứ, thể hiện khát vọng vượt lên trên cuộc sống tù túng, chật chội, dung tục, tầm thường hiện tại. Văn học lãng mạn coi trọng những cảm xúc mạnh mẽ, những tương phản gay gắt, những biến đổi tinh tế trong tâm hồn con người.
- Văn học hiện thực tập trung vào việc phơi bày thực trạng bất công, thối nát của xã hội đương thời, đồng thời đi sâu phản ánh tình cảnh khốn cùng của các tầng lớp nhân dân bị áp bức bóc lột với thái độ cảm thương sâu sắc. → lên tiếng đấu tranh chống áp bức giai cấp, phản ánh mâu thuẫn, xung đột giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Các nhà văn hiện thực thường đề cập đến chủ đề thế sự với thái độ phê phán xã hội đương thời trên tinh thần nhân đạo và dân chủ; họ chú trọng miêu tả, phân tích và lí giải một cách chân thực, chính xác quá trình khách quan của hiện thực xã hội thông qua những hình ảnh điển hình. Những sáng tác của họ có tính chân thực và thấm đượm tinh thần nhân đạo.
- Văn học không công khai bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, phải lưu hành một cách bí mật.
- Bộ phận văn học không công khai có thơ văn cách mạng bí mật, đặc biệt là thơ văn được sáng tác trong tù.
- Văn học cách mạng đã nhằm thẳng vào bọn thống trị thực dân cùng bè lũ tay sai, nói lên khát vọng độc lập, khát vọng tự do của nhân dân; thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và niềm tin tất thắng của cách mạng trong tương lai; bên cạnh đó là lí tưởng cách mạng của những con người trung kiên. Có nhiều tác phẩm thuộc bộ phận văn học không công khai nhưng vẫn được phép lưu hành trong một khuôn khổ nhất định, có thể thấy qua các sáng tác thời Đông Kinh nghĩa thục.
- Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự phân hóa phức tạp thành nhiều bộ phận, nhiều xu hướng:
- Nguồn gốc sâu xa của tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng của văn học thời kì từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945 là do sự thúc bách của thời đại.
- Xã hội Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 đặt ra nhiều vấn đề cho đất nước, cho cuộc sống con người và nghệ thuật mà ở thời kì trước chưa từng có.
- Nhân tố có tính chất quyết định cho sự phát triển là ở nội tại của nền văn học dân tộc. Từ xa xưa, dân tộc ta đã có một sức sống mãnh liệt mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Và sức sống đó được tiếp sức bởi các phong trào yêu nước và cách mạng.
- Sự thức tỉnh, trỗi đậy mạnh mẽ của cái tôi cá nhân sau nhiều năm bị kìm hãm. Chính cái tôi cá nhân là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của văn học, tạo nên những thành tựu rực rỡ cho văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Câu 2: Tiểu thuyết hiện đại khác với tiểu thuyết trung đại như thế nào? Những yếu tố nào của tiểu thuyết trung đại tồn tại trong tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh?
- Tiểu thuyết hiện đại khác với tiểu thuyết trung đại:
Tiểu thuyết trung đại | Tiểu thuyết hiện đại |
|
|
- Những yếu tố nào của tiểu thuyết trung đại tồn tại trong tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh:
- Còn mô phỏng cốt truyện từ bên ngoài và chịu ảnh hưởng của văn chương trung đại
- Chưa thoát khỏi kết cấu chương hồi
- Cách kết thúc có hậu
- Nhân vật có tính chất minh họa cho những quan điểm đạo đức…
Câu 3: Phân tích tình huống trong truyện ngắn "Vi hành" (Nguyễn Ái Quốc), "Tinh thần thể dục" (Nguyễn Công Hoan), "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân), "Chí Phèo" (Nam Cao)
- Truyện ngắn "Vi hành" (Nguyễn Ái Quốc), "Tinh thần thể dục" (Nguyễn Công Hoan), "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân), "Chí Phèo" (Nam Cao)
- Trong truyện Vi hành của Nguyễn Ái Quốc, đó là tình huống nhầm lẫn của đôi trai gái người Pháp trên chuyến tàu điện ngầm khi họ cho rằng nhân vật tôi là vua Khải Định. → hình ảnh Khải Định được khắc họa một cách rất tự nhiên, khách quan và hài hước.
- Truyện Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan là tình huống trào phúng: mâu thuẫn giữa mục đích có vẻ tốt đẹp của phong trào với thực chất mà phong trào mang lại. Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện là mâu thuẫn giữa chính quyền với người dân nghèo, giữa sự khuếch trương của bọn quan lại thực dân phong kiến với cuộc sống vật chất tầm thường của người dân, giữa việc theo tinh thần thể thao với miếng cơm hàng ngày.
- Tình huống truyện độc đáo trong truyện ngắn Chữ người tử tù: Hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, trên bình diện xã hội, họ hoàn toàn đối lập nhau. Một người là tên đại nghịch, cầm đầu cuộc nổi loạn nay bị bắt giam, đang chờ ngày ra pháp trường để chịu tội; còn một người là quản ngục, kẻ đại diện cho các trật tự xã hội đương thời. Nhưng họ đều có tâm hồn nghệ sĩ. Trên bình diện nghệ thuật, họ là tri âm, tri kỉ với nhau. → Tình huống truyện độc đáo thể hiện ở mối quan hệ éo le, đầy trớ trêu giữa những tâm hồn tri kỉ.
- Trong Chí phèo là tình huống bi kịch, thể hiện mâu thuẫn giữa khát vọng sống lương thiện, khát vọng làm người và tình trạng bị cự tuyệt làm người.
Câu 4: Đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Chí phèo (Nam Cao)
Đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Chí phèo (Nam Cao)
- Hai đứa trẻ
- Cốt truyện đơn giản là những dòng tâm sự chảy trôi, những cảm xúc, cảm giác mong manh mơ hồ
- Thủ pháp tương phản, đối lập
- Miêu tả tinh tế những biến đổi của cảnh vật và tâm trạng con người
- Ngôn ngữ, hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng
- Lời văn bình dị, giọng văn nhẹ nhàng, thấm đượm chất trơ, chất trữ tình
- Chữ người tử tù
- Tạo tình huống truyện éo le, độc đáo, đặc sắc
- Sử dụng thành công thủ pháp đối lập tương phản
- Xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có tính tạo hình, vừa cổ kính, hiện đại, vừa tạo được không khí cổ xưa
- Chí Phèo
- Xây dựng nhân vật điển hình (Bá Kiến, Chí Phèo)
- Miêu tả tâm lí nhân vật: sắc sảo, tinh tế
- Cốt truyện hấp dẫn, giàu kịch tính
- Ngôn ngữ sống động, tinh tế, vừa gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày
- Cách kể chuyện linh hoạt, ngôn ngữ kể chuyện đan xen nhiều giọng điệu
- Độc thoại nội tâm khéo léo kết hợp với văn tự sự
Câu 5: Nêu những nét chính trong nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng thể hiện qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia. Qua đoạn trích này, Vũ Trọng Phụng đã tập trung phê phán điều gì của xã hội tư sản đương thời?
- Những nét chính trong nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng thể hiện qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia:
- Nhan đề hàm chứa tính chất hài hước - Từ một tình huống trào phúng cơ bản – hạnh phúc của gia đình có tang → tác giả triển khai mâu thuẫn theo nhiều tình huống khác nhau, tạo nên một màn đại hài kịch phong phú và biến hóa.
- Xây dựng những chi tiết đối lập gay gắt nhưng lại cùng tồn tại tron cùng một sự vật, con người để từ đó làm bật lên tiếng cười.
- Miêu tả biến hóa linh hoạt, sắc sảo → xây dựng những bức chân dung biếm họa đặc sắc
- Ngôn ngữ mỉa mai, chế giễu.
- Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các thủ pháp như cường điệu, nói ngược, mỉa mai, so sánh bất ngờ, độc đáo… tất cả đều được sử dụng một cách đan xen, linh hoạt và mang lại hiệu quả nghệ thuật đáng kể.
- Qua đoạn trích này, Vũ Trọng Phụng đã tập trung phê phán: bản chất lố lăng, đồi bại của một gia đình đại bất hiếu đồng thời phản ánh bộ mặt thật của xã hội thượng lưu trước cách mạng tháng Tám.
Câu 6: Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng được thể hiện như thế nào qua việc triển khai và giải quyết mâu thuẫn kịch trong đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô)
- Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng được thể hiện qua việc triển khai và giải quyết mâu thuẫn kịch trong đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài:
- Hai mâu thuẫn của cơ bản của vở kịch và cũng là của đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là:
- Mâu thuẫn giữa nhân dân khốn khổ, lầm than với bọn hôn quân bạo tàn cùng phe cánh của chúng đã được giải quyết dứt khoát theo quan điểm của nhân dân. Tác giả đã để cho bạo chúa Lê Tương Dực bị giết ; đại thần Nguyễn Vũ tự sát ; đám cung nữ bị những kẻ nổi loạn nhục mạ, bắt bớ.
- Mâu thuẫn thứ hai giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời với lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân chưa được tác giả giải quyết một cách dứt khoát. Điều đó thể hiện ở chỗ Vũ Như Tô cho đến lúc chết vẫn không nhận ra sai lầm của mình, vẫn đinh ninh là mình vô tội. Vũ Như Tô không đứng về phía triều đình Lê Tương Dực nhưng lại muốn mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão nghệ thuật của mình nên đã khiến nhân dân rơi vào cảnh lầm than.
- Quan điểm: Cuối cùng Vũ Như Tô có tội hay có công? Vũ Như Tô đúng hay nhân dân đúng? Đó là những câu hỏi mà chính tác giả cũng không thể giải quyết một cách rạch ròi, dứt khoát được. ⇒ Chính tác giả đã bày tỏ nỗi băn khoăn của mình qua lời đề từ: "Đại Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc ?", chẳng biết "Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải ? Ta chẳng biết" và "Cầm bút chẳng qua là cùng một bệnh với Đan Thiềm".
- Như vậy, chân lí thuộc về Vũ Như Tô một nửa, còn nửa kia thuộc về quần chúng nhân dân. ⇒ Tác giả đã giải quyết mâu thuẫn thứ nhất theo quan điểm của nhân dân, nhưng không phê phán, quy tội cho Vũ Như Tô. Còn cách giải quyết mâu thuẫn thứ hai dường như có phần đem lại sự tiếc nuối, ngậm ngùi
- Hai mâu thuẫn của cơ bản của vở kịch và cũng là của đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là:
Câu 7: Bình luận quan điểm nghệ thuật của Nam Cao: "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có..." (Đời thừa)
- Quan điểm của Nam Cao thể hiện ý thức sâu sắc và đòi hỏi rất cao sự tìm tòi sáng tạo của nhà văn trong nghề văn.
- Ý kiến trên đã khẳng định yêu cầu hết sức quan trọng đối với tác phẩm văn chương nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung: người nghệ sĩ phải là người sáng tạo, phát hiện ra những cái mới.
- Đây là ý kiến phản ánh đúng bản chất của nghệ thuật đã được nhiều người thừa nhận theo những cách diễn đạt khác nhau.
- Ở đây, Nam Cao đã thể hiện điều đó một cách ngắn gọn bằng những liên tưởng hàm súc và giàu hình ảnh. Soi tỏ vào sự nghiệp sáng tác của Nam cao, chúng ta có thể thấy nhà văn thực hiện một cách nghiêm túc điều này. Trong cả hai mảng sáng tác của ông giai đoạn trước Cách mạng, hình ảnh những người nông dân và những người trí thức đều mang những nét riêng không lẫn với các tác giả khác. Ví dụ như ở mảng đề tài về người nông dân, Nam Cao cũng viết về người nông dân nhưng khi đi lại con đường mà Ngô Tất Tố hay Nguyễn Công Hoan đã đi. Ông tìm cách khám phá quá trình con người bị tha hóa, bị đè nén đến mức trở thành lưu manh. Từ đó, ông đặt ra các vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân sinh. Con đường sáng tạo nghệ thuật của Nam Cao là con đường của con người không bao giờ muốn lặp lại mình, đó là con đường luôn muốn làm mới mình.
Câu 8: Phân tích khát vọng hạnh phúc của Rô-mê-ô và Giu-li-ét trong đoạn trích Tình yêu và thù hận.
- Khát vọng hạnh phúc của Rô-mê-ô và Giu-li-ét trong đoạn trích Tình yêu và thù hận:
- Khi nỗi ám ảnh về hận thù giữa hai dòng họ xuất quyết liệt hơn. Rô-mê-ô sẵn sàng từ bỏ dòng họ của mình, thể hiện sự dũng cảm để đến với tình yêu.
- Điều mà Rô-mê-ô lo sợ là không có được, không chiếm được tình yêu của Giu-li-ét, sợ nàng nhìn mình bằng ánh mắt của sự hận thù (ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu).
- Cả Rô-mê-ô và Giu-li-ét đều ý thức được sự thù hận giưa hai gia đình, song nỗi lo chung của hai người là sợ không được yêu nhau.
⇒ Có thể thấy, tuy cả Rô-mê-ô và Giu-li-ét đều nhắc tới hận thù song không nhằm khơi dậy, khoét sâu hận thù mà chỉ để vượt lên trên hận thù, bất chấp hận thù. Sự thù hận của hai dòng họ tuy là cái nền nhưng tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét không xung đột với hận thù ấy. Đây là sự khẳng định quyết tâm xây dựng tình yêu và hạnh phúc của hai người.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Ôn tập phần Văn học để nắm toàn bộ kiến thức cần thiết của bài học.
3. Hỏi đáp về bài Ôn tập phần Văn học
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.