Biển Việt Nam là một phần của Biển Đông với 28 tỉnh, thành phố giáp biển, cứ 100km2 lãnh thổ đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần tỉ lệ trung bình của thế giới. Theo em thì biển có vai trò như thế nào với sự phát triển của đất nước? HỌC247 mời các em cùng tham khảo nội dung bài học Bài 13 Lịch sử 11 Cánh Diều để tìm thấy câu trả lời nhé!
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Tầm quan trọng của biển Đông đối với Việt Nam
a. Về quốc phòng, an ninh
- Việt Nam giáp với Biển Đông ở ba phía: đông, nam và tây nam, có đường bờ biển dài khoảng 3260 km, có khoảng 4000 hòn đảo lớn nhỏ nằm gần bờ và xa bờ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa hợp thành hệ thống đảo để bảo vệ vùng trời, vùng biển và đất liền. Các đảo và quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông còn là cửa ngõ, tuyến phòng thủ bảo vệ đất liền từ xa.
- Bên cạnh đó, nằm trên tuyến giao thông biển huyết mạch và là địa bàn chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông giữ vai trò bảo vệ an ninh hàng hải, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
- Trong tiến trình lịch sử, Biển Đông là con đường giao thương giữa các khu vực trong cả nước và giữa Việt Nam với thị trường khu vực và quốc tế. Biển Đông cũng là con đường giúp Việt Nam giao lưu và hội nhập với các nền văn hoá khác.
⇒ Biển Đông tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt Việt Nam trước những thách thức trong việc bảo vệ quốc phòng, an ninh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá.
Một góc đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) – “vọng gác tiền tiêu” của Việt Nam ở phía nam vịnh Bắc Bộ
b. Về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm
- Là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng, tài nguyên phong phú, Biển Đông góp phần quan trọng vào việc phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam như: giao thông hàng hải, công nghiệp khai khoáng, khai thác tài nguyên sinh vật biển, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch.....
♦ Về giao thông hàng hải:
+ Hệ thống các cảng biển nước sâu và cảng trung bình được xây dựng dọc bờ Biển Đông là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển thương mại hàng hải.
+ Ở Việt Nam có những cảng lớn giữ vai trò đầu mối vận chuyển hàng hoá trong nước và quốc tế, như: cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn,...
Cảng Hải Phòng
♦ Về công nghiệp khai khoáng:
+ Dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam có trữ lượng lớn với các bể trầm tích, như: Cửu Long, Nam Côn Sơn,... và có điều kiện khai thác khá thuận lợi.
+ Vùng biển Việt Nam còn chứa dựng tiềm năng lớn về quặng sa khoáng như: titan, thiếc, vàng, sắt, thạch cao, cát đen,... là những nguồn tài nguyên quý giá.
Bể trầm tích Nam Côn Sơn
♦ Về khai thác tài nguyên sinh vật biển, Biển Đông là vùng biển đa dạng về sinh học, riêng trữ lượng cá biển trên các vùng biển của Việt Nam ước tính khoảng 3 - 4 triệu tấn, khả năng khai thác 1,4 - 1,6 triệu tấn.
♦ Về du lịch:
+ Cảnh quan ở Biển Đông đa dạng với nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động....
+ Các bán đảo và đảo lớn nhỏ liên kết với nhau tạo thành quần thể du lịch như: vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), bãi biển Non Nước (thành phố Đà Nẵng), đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), phù hợp để phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch.
Một góc đảo Phú Quốc (Kiên Giang)
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)
1.2. Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa
a. Quá trình Việt Nam xác lập chủ quyền và quản lí đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa
- Các tư liệu lịch sử của Việt Nam và thế giới đều cho thấy Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, xác lập chủ quyền và quản lí liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
- Quá trình khai phá, xác lập chủ quyền và quản lí Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có thể chia thành những giai đoạn chủ yếu sau đây:
♦ Giai đoạn từ thế kỉ XVII đến trước năm 1884:
+ Vào thế kỉ XVII, chúa Nguyễn cho lập Đội Hoàng Sa đến khai thác sản vật, thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đến đầu thế kỉ XVIII, bên cạnh Đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo ở Biển Đông, chúa Nguyễn Phúc Chu còn lập ra Đội Bắc Hải (dưới sự kiêm quản của Đội Hoàng Sa). Đội Bắc Hải có nhiệm vụ khai thác sản vật, kiểm tra, kiểm soát, thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực Bắc Hải, đảo Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên.
+ Hoạt động của các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải tiếp tục được duy trì dưới thời Tây Sơn. Năm 1786, chính quyền Tây Sơn đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa chỉ huy 4 chiếc thuyền câu, vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra, chính quyền Tây Sơn còn thành lập các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba với nhiệm vụ thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
+ Dưới triều Nguyễn, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đã được tái lập (1803) và đặt trong tổ chức chung của các đội Trường Đà, có nhiệm vụ bảo vệ, quản lí và khai thác sản vật ở các khu vực biển đảo. Thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), hoạt động xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã diễn ra với các hình thức và biện pháp như: kiểm tra, kiểm soát, khai thác sản vật biển, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền,...
Hải đội Hoàng Sa
♦ Giai đoạn từ năm 1884 đến năm 1954:
+ Từ năm 1884 đến năm 1945, chính quyền thuộc địa Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, thông qua một số hoạt động như: dựng cột mốc chủ quyền, xây dựng hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện và thực hiện nhiều cuộc khảo sát khoa học,…
+ Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), Chính phủ Pháp tiếp tục thực hiện quyền quản lí đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Theo Hiệp định Ê-ly-dê ngày 8/3/1949, Pháp bắt đầu quá trình chuyển giao quyền kiểm soát hai quần đảo này cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu.
Cột hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa được xây dựng năm 1937
Bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa do Pháp xây dựng (1938)
♦ Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975:
+ Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo thoả thuận của Hiệp định Giơnevơ năm 1954, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được đặt dưới sự quản lí của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
+ Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thông qua việc: ban hành các văn bản hành chính nhà nước; cử quân đồn trú, dựng bia chủ quyền, treo cờ trên các đảo chính…
+ Trong giai đoạn này, về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Tuy Phước (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay).
♦ Giai đoạn từ năm 1975 đến nay:
+ Tháng 4/1975, lực lượng hải quân Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phối hợp cùng lực lượng đặc công Quân khu 5 tiến hành giải phóng quần đảo Trường Sa.
+ Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ năm 1976 là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thực hiện quyền quản lí hành chính và đấu tranh về pháp lí, ngoại giao để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
b. Cuộc đấu tranh bảo vệ, thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông
- Nhà nước Việt Nam qua các thời kì lịch sử có những hoạt động đấu tranh nhằm bảo vệ, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bảng khái quát về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam
Từ sau năm 1975 đến nay |
- Từ tháng 3 - 1988 đến nay, Việt Nam kiên trì đấu tranh ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và duy trì môi trường hoà bình, hợp tác trên Biển Đông. - Tháng 3 - 1988, nhiều chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh anh dũng khi bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc. |
Từ năm 1954 đến năm 1975 |
- Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm. - Tháng 1 - 1974, quân đội Sài Gòn thất bại trong việc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc. |
Từ năm 1884 đến năm 1954 |
- Năm 1946, chính quyền Pháp cho hải quân trú đóng ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa và yêu cầu quân đội Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo chiếm đóng trái phép. - Năm 1939, chính quyền Pháp gửi công hàm phản đối việc Nhật Bản kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. |
Trước năm 1884 |
- Dưới triều Nguyễn và Vương triều Tây Sơn, các đội thuỷ quân Hoàng Sa và Bắc Hải đã được tổ chức để bảo vệ và thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. - Những đội này có nhiệm vụ tuần tiễu giữ gìn vùng biển, ứng chiến với nạn cướp biển và các xâm phạm tại các đảo. |
Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa)
1.3. Chủ trương của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
- Trong bối cảnh toàn cầu hoá, xu thế liên kết và hội nhập quốc tế sâu rộng đang diễn ra, trên cơ sở truyền thống yêu chuộng hoà bình của nhân dân Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực hiện chủ trương nhất quán trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Một số biện pháp thực hiện chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình của Việt Nam, là:
+ Ban hành các văn bản pháp luật khẳng định chủ quyền, như: Hiến pháp năm 2013; Luật biển Việt Nam năm 2012; Luật Dân quân tự vệ năm 2019,…
+ Tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS);
+ Thúc đẩy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các biển ở Biển Đông (DOC).
Lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (2000)
Tàu Hộ vệ tên lửa 016 – Quang Trung của Hải quân Nhân dân Việt Nam
Bài tập minh họa
Là một học sinh, em cần làm gì để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?
Hướng dẫn giải:
Là 1 học sinh em cần:
- Tăng cường học tập, nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.
- Xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Việt Nam.
- Góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.
Luyện tập Bài 13 Lịch sử 11 CD
Qua bài học này, các em sẽ rút ra được những điểm quan trọng như sau:
- Nêu được tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Việt Nam về quốc phòng an ninh, về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm.
- Nêu được Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lí liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong lịch sử
- Trình bày được nét chính về cuộc đấu tranh bảo vệ, thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
- Nêu được chủ trương giải quyết của Việt Nam các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
- Trân trọng những thành quả đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử, sẵn sàng tham gia đóng góp vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam.
3.1. Trắc nghiệm Bài 13 Lịch sử 11 CD
Các em có thể hệ thống lại nội dung kiến thức đã học được thông qua bài kiểm tra Trắc nghiệm Lịch sử 11 Cánh Diều Chủ đề 6 Bài 13 cực hay có đáp án và lời giải chi tiết.
-
- A. Việt Nam.
- B. Lào.
- C. Campuchia.
- D. Thái Lan.
-
- A. khai thác sản vật (tôm, cá,…).
- B. cứu hộ tàu thuyền gặp nạn.
- C. xem xét, đo đạc thủy trình.
- D. dựng miếu thờ và vẽ bản đồ.
-
Câu 3:
Trong các bộ chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam, tên gọi nào dưới đây không được dùng để chỉ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa?
- A. Bãi Cát Vàng.
- B. Vạn Lý Hoàng Sa.
- C. Vạn Lý Trường Sa.
- D. Bạch Long Vĩ.
Câu 4-10: Mời các em đăng nhập xem tiếp nội dung và thi thử Online để củng cố kiến thức về bài học này nhé!
3.2. Bài tập SGK Bài 13 Lịch sử 11 CD
Các em có thể xem thêm phần hướng dẫn Giải bài tập Lịch sử 11 Cánh Diều Chủ đề 6 Bài 13 để giúp các em nắm vững bài học và các phương pháp giải bài tập.
Đang cập nhật câu hỏi và gợi ý làm bài.
Hỏi đáp Bài 13 Lịch sử 11 CD
Trong quá trình học tập nếu có thắc mắc hay cần trợ giúp gì thì các em hãy comment ở mục Hỏi đáp, Cộng đồng Lịch Sử HOC247 sẽ hỗ trợ cho các em một cách nhanh chóng!
Chúc các em học tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!
-- Mod Lịch Sử 11 HỌC247