YOMEDIA
NONE

Cảm nhận về tác phẩm Con chó Bấc.

Cảm nhận về tác phẩm Con chó Bấc.

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • Giắc Lân-đơn (1876 – 1916) là nhà văn Mĩ, tên thật là Giôn Gri-phit Lân-đơn, sinh ở bang San Phran-xi-xcô. Ông trải qua thời kỳ thơ ấu rất vất vả, từng phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Lân-đơn bắt đầu sự nghiệp sáng tác bằng những truyện ngắn đăng trên một tờ báo của sinh viên. Thời kì phát triển cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là vào đầu thế kỉ XX. Đoạn trích “Con chó Bấc” trích trong cuốn tiểu thuyết “Tiếng gọi nơi hoang dã” kể về Bấc, một con chó bị bắt cóc đưa lên vùng Bắc cực để kéo xe trượt tuyết cho những người đi tìm vàng. Bấc đã qua tay nhiều ông chủ độc ác. Chỉ riêng Giôn Thoóc-tơn là người đã có lòng nhân từ đối với nó. Sau khi Thoóc-tơn chết, nó rời bỏ con người, đi theo tiếng gọi nơi hoang dã và trở thành một con chó hoang. Đoạn trích đã thể hiện được một cách chân thực tình cảm của Thoóc-tơn dành cho Bấc và tình cảm của Bấc dành cho ông chủ của mình.

    Tình cảm của Thoóc-tơn với con chó Bấc là tình cảm yêu thương đặc biệt. Trong suy nghĩ cả anh, Bấc không phải là một con chó mà là con người, là đồng loại, là bạn bè, là đứa con thân yêu. Thoóc-tơn không chỉ cứu sống nó mà đối với nó còn là một người cha bởi chỉ có thể là một người cha mới có khả năng chăm sóc “con cái” của mình như vậy, chăm sóc chu đáo, tận tình và không còn giới hạn của sự thương yêu. Ấy là chưa nói cái cách chăm sóc của Thoóc-tơn không giống bất kỳ ai và hơn bất kỳ ai, hơn những cậu con trai của ông Thẩm, hơn những đứa cháu nhỏ của ông Thẩm đã đành, còn hơn cả cách đối xử “trịnh trọng và đường hoàng” của chính ông Thẩm nữa. Anh chào hỏi thân mật, nói lời vui vẻ, trò chuyện tầm phào, làm cho cả hai đều thích thú. Còn thích thú hơn nữa, ấy là cử chỉ thân ái của anh “túm chặt lấy đầu Bấc rồi dựa đầu anh vào đầu nó”, đẩy tới đẩy lui. Trong những phút cao hứng này, Bấc còn nghe những tiếng rủa rủ rỉ từ miệng anh khe khẽ thốt lên mà nó cho là “những lời nói nựng âu yếm”. Tình cảm của Thoóc-tơn dành cho Bấc thể hiện rõ nhất ở câu nói: “Trời đất! Đằng ấy hầu như biết nói đấy!”. Đó là một đứa trẻ đang học nói, đang muốn nói bằng một thứ ngôn ngữ riêng mà con người vẫn có khả năng hiểu được. Tất cả từ tấm lòng của Thoóc-tơn với con vật của mình. Tình yêu ấy, qua cảm nghĩ của Bấc được miêu tả bằng biện pháp song hành: lúc thì cử chỉ, khi thì lời nói, mở ra nhiều bình diện và nâng cấp, mỗi lúc một trìu mến, thương yêu lại tăng lên một bậc, tình nghĩa của Thoóc-tơn thật dồi dào không còn gì là giới hạn nữa.

    Trước tình cảm chân thành và đặc biệt của Thoóc-tơn, Bấc đã thực sự bị cảm hóa và “chinh phục”. Chó vốn là một loài vật không còn xa lạ gì với con người. Có lẽ vì thế mà nhà văn đã có những miêu tả của Xơ-kít, Ních và Bấc rất chân thực. Con chó thường nằm phục dưới chân chủ hàng giờ, mắt háo hức, tỉnh táo, ngước nhìn chủ hàng giờ hoặc có khi nằm ra xa hơn về một bên phía đằng sau để quan sát từng động tác của chủ. Bấc có tình cảm đặc biệt dành cho Thoóc-tơn tương ứng với những gì nó nhận được. Khi gặp được Thoóc-tơn, nó mới lạ lùng và choáng ngợp trước một cái gì lớn lao chợt đến. Ấy là tình thương yêu. Bấc thường “há miệng ra cắn lấy bàn tay Thoóc-tơn rồi ép răng xuống mạnh đến nỗi vết răng hằn vào da thịt một lúc lâu”. Bởi nó hiểu cử chỉ cắn vờ ấy là “cử chỉ vuốt ve”. Tuy vậy, Bấc cũng là một con vật có bản lĩnh, nó biết tiết chế sự “vuốt ve”. Ở điểm này nó khác hẳn với cô ả Xơ-kít có thói quen “thọc cái mũi của nó vào dưới bàn tay” của chủ cho đến khi được vỗ vé, cũng khác với con Ních “thường chồm lên tỳ cái đầu to tướng của cu cậu lên đầu gối Thoóc-tơn”. Không táo tợn mà lặng lẽ, thâm trầm “xem xét” và theo dõi “từng biểu hiện thoáng qua, mọi cử động hoặc đổi thay trên nét mặt” Thoóc-tơn không phải để ngờ vực hay xét đoán vu vơ mà bằng niềm sung sướng thầm thì với đôi mắt “háo hức, tỉnh táo, ngước nhìn lên” thật là mãn nguyện. Chỉ có điều, hạnh phúc đến với nó vì quá to lớn nên rất đỗi mong manh. Nó sợ đến một lúc nào đó, một ngày nào đó, giấc mơ đẹp đẽ kia chỉ còn là ảo ảnh, sẽ biến mất, sẽ tuột khỏi tầm tay. Đêm đêm, trong nỗi lo sợ mơ hồ, Bấc thường đang ngủ vùng dậy “trườn qua giá lạnh đến tận mép lều, đứng đấy, lắng nghe tiếng thở đều đều của chủ”. Chỉ có tiếng thở bình yên của chủ mới có thể làm cho thần kinh hoảng loạn của Bấc trở về với trạng thái thăng bằng.

    Đoạn trích vừa phản ánh trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà văn, vừa nói lên tình yêu thương loài vật của ông. Điều mà ông muốn nhắn gửi tới chúng ta là hãy hết lòng thương yêu loài vật, nhất là những loài vật có nghĩa, có tình.

      bởi thu trang 18/01/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Mỗi chúng ta đều không khỏi xúc động trước sự gắn bó của chàng trai Santiago và bầy cừu của mình. Một lần nữa, tình cảm giữa người và loài vật còn được nhà văn Jack London khắc họa đậm nét qua đoạn trích “Con chó Bấc” trích trong tiểu thuyết “The call of the wild”(“Tiếng gọi nơi hoang dã”). Ta cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự thông minh của chú chó.

    Cuộc gặp gỡ giữa Bấc và Giôn Thooc-ton là một điều may mắn với nó, bởi đó là “một ông chủ lý tưởng”. Khi nhìn lại những bước ngoặt cuộc đời mình, nó chưa thấy người chủ nào yêu thương mình thực sự như Thooc-ton. Với ông Thẩm, “đó là thứ tình bạn trịnh trọng và đường hoàng”, còn với những đứa nhỏ của ông “là trách nhiệm”, cho tới Pe-ron, Pho-rang-xoa, E-cot vì “nghĩa vụ và lợi ích kinh doanh”… Họ chỉ lướt qua số mệnh của nó như một cơn gió mà chẳng để lại những lưu luyến. Thooc-ton không chỉ là ân nhân của Bấc khi cưu mang nó mà còn dành tình thương yêu cho chó như là con cái của anh. Cách anh đối xử với đàn chó thật thân thiết: lời chào hỏi, nói chuyện thân mật… Những lúc trò chuyện “tầm phào” ấy cũng giúp ta cảm nhận được, tình cảm chân thành, giản dị của người chủ tới mỗi con vật cưng. Bằng một loạt động từ, nhà văn tái hiện một cách chi tiết tình cảm nồng nàn của Thooc-ton với Bấc: “túm chặt lấy đầu, dựa đầu anh vào đầu nó, đẩy tới đẩy lui, khẽ thốt lên những tiếng rủa”. Tình thương yêu được bộc lộ qua hành động cụ thể, không chút vụ lợi mà xuất phát từ trái tim nhân hậu. Ông chủ ấy trân trọng, muốn chở che, đùm bọc những chú chó. Có lẽ Thooc-ton lắng nghe tiếng nói của Bấc khi anh muốn kêu lên: “Đằng ấy hầu như biết nói đấy”. Tấm lòng của anh là giai điệu của tình yêu níu giữ bản chất lương thiện nó, là sợi dây cương vững vàng để con vật không nghe theo tiếng gọi của bản năng.

    Nhà văn Jack Lon-don có biệt tài đi sâu vào khắc họa thế giới của loài vật. Đó không chỉ cuộc sống hoang dã của bầy sói ở Bắc cực trong tiểu thuyết “ Nanh trắng” mà đoạn trích này, tác giả còn xây dựng hình ảnh Bấc là con chó tinh khôn. Nó thực sự được thuần hóa khi sống trong vòng tay của Thooc-ton. Cách nó đáp trả tình cảm của chủ những lần vui đùa thật độc đáo. “Há miệng ra cắn lấy bàn tay, ép răng xuống thật mạnh đến nỗi vết răng hằn vào da thịt một lúc lâu”. Cách đùa giỡn đó được Thooc-ton bằng lòng coi như cử chỉ vuốt ve. Giữa họ có một mối giao cảm mạnh mẽ để hiểu tình cảm của đối phương, cái nhìn của chú chó có sức mạnh kì diệu khi hai đôi mắt gặp nhau đều ngời lên tình cảm tự đáy lòng. Tâm trạng của Bấc khi đón nhận sự chăm sóc của ông chủ cũng cho thấy nó là con vật nhanh nhẹn, đáng yêu. “Vùng dậy trên hai chân, miệng cười, mắt long lanh”, nó hiểu được tình cảm tuyệt vời của chủ, một dòng cảm xúc mãnh liệt trào dâng trong lòng nó: “không có gì vui sướng, tưởng chừng như quả tim mình nhảy tung ra khỏi cơ thể vì ngây ngất”. Khoảnh khắc ấy là giây phút nó thực được sống. Ngòi bút tinh tế của tác giả đi sâu vào thế giới nội tâm của chú chó như lí giải sự khôn ngoan của nó. Biện pháp nhân hóa được sử dụng khéo léo giúp ta cảm nhận được âm vang tâm hồn sâu thẳm của Bấc. Bao đêm nó đắm chìm trong suy nghĩ miên man, “việc thay đổi chủ xoành xoạch…làm nảy sinh trong lòng nó nỗi lo sợ là không người chủ nào có thể gắn bó lâu dài”, “sợ Thooc-ton cũng biến khỏi cuộc đời nó”. Suy ngẫm của con vật cho thấy nó đã “ từng trải” và dù mạnh mẽ thế nào trong kéo xe trượt tuyết, Bấc cũng mong muốn nhận được sự săn sóc của người chủ thương yêu nó thật lòng. Không chỉ con người mới có những sợi dây tình cảm phức tạp mà loài vật cũng tiếng nói cảm xúc riêng, Jack Lon-don thấu hiểu điều đó.

    Với những nỗi niềm suy tư khiến Bấc có những cử chỉ khác biệt so với những chú chó khác. Nó luôn bị nỗi lo sợ xa cách ám ảnh nên có khi sực tỉnh “vội vùng dậy không ngủ nữa, lắng nghe tiếng thở đều đều của chủ…”. Ý nghĩ đó chi phối tình thương yêu của nó trở thành lòng “tôn thờ”, nó không săn đón những cử chỉ của Thooc-ton mà dè chừng. Một chuỗi động từ tái hiện chính xác sự lanh lợi, khôn khéo của Bấc: “ nằm phục, ngước nhìn lên mặt anh, chăm chú xem xét, quan tâm theo dõi từng biểu hiện thoáng qua…”. Trí tưởng tượng táo bạo của nhà văn giúp hình ảnh Bấc hiện lên sinh động qua trang viết. Đó quả là chú chó lanh lợi, trung thành.

    Ta từng ấn tượng sâu sắc với tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài được chứng kiến cuộc hành trình thú vị của chú dế Mèn với những quan sát tinh tế. Giờ đây, tâm trí ta cũng không khỏi xúc động trước tình yêu thương loài vật của nhà văn Mĩ Jack Lon-don trong đoạn trích “Con chó Bấc” khi tác giả lách ngòi bút đậm tô một cách sáng tạo “tâm tư tình cảm” của chú chó Bấc.

      bởi thanh duy 18/01/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF