YOMEDIA
NONE

Thuyết minh về chợ Bến Thành.

Thuyết minh về chợ Bến Thành.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (3)

  • Chợ Bến Thành, trước đây tọa lạc ở bến sông Tân Bình (sông Sài Gòn), cạnh một con đường vào thành Phụng, được gọi tên Bến Thành là vì chợ nằm gần bến nước của Thành Gia Định cũ và được xây cất trên một cái ao sình lầy (ao Bồ – Rệt).

    Năm 1859, khi thực dân Pháp đánh Thành Gia Định, chợ Bến Thành bị thiêu trụi, sau đó chợ được xây dựng lại ở vị trí Kho Bạc nằm trên đường Nguyễn Huệ với cột gạch, sườn gỗ và lợp lá… Năm 1870, chợ Bến Thành lần nữa bị hỏa hoạn, sau đó được xây dựng lại mới với 5 gian hàng: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Đến năm 1911, chợ lại được phá bỏ và xây dựng mới, cho đến 3 năm sau (năm 1914) mới chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Và năm 1985, chợ Bến Thành được sửa chữa lớn toàn bộ nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ bên ngoài cho đến ngày nay.

    Trải qua gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, chợ Bến Thành luôn giữ vị trí là một Trung tâm thương mại tiêu biểu của thành phố, đồng thời cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người dân thành phố và của cả nước. Cũng chính vì thế, chợ Bến Thành không chỉ là nơi mua bán mà còn là một biểu trưng văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực.

    Chợ Bến Thành có 4 ô cửa nhìn ra 4 con đường chính của trung tâm quận 1. Cửa Bắc nhìn ra đường Lê Thánh Tôn, cửa Nam nhìn ra đường Lê Lợi, cửa Đông nhìn ra đường Phan Bội Châu, cửa Tây nhìn ra đường Phan Chu Trinh và cổng chính có tháp cao nhìn ra Quảng trường Quách Thị Trang được gắn 4 chiếc đồng hồ trên đỉnh tháp. Chính từ những chiếc đồng hồ được bố trí theo 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt, hình thành tình cảm quen thuộc, sâu sắc và đặc biệt hơn đó là điểm nhấn tạo nên một chợ Bến Thành mà bất cứ du khách nào đã từng đặt chân đến đất Sài Gòn cũng đều muốn một lần ghé thăm chợ Bến Thành để rồi sau đó họ cùng có chung cảm nghĩ nơi đây chính là nhịp sống, là trái tim của người dân Sài Gòn.

    Trước năm 1945, chợ Bến Thành đã chứng kiến những cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng chống lại thực dân Pháp.

    Với tiếng còi “Một, hai”, với bài hát “Lên đàng”, với trùng trùng thanh niên tiên phong lấy bùng phía trước chợ làm nơi tụ họp ngày đêm. Chợ Bến Thành đã nhìn rõ từng gương mặt của người dân Sài gòn trong buổi đón ngày độc lập đầu tiên, rồi cũng tại bùng binh này dân quân Cách mạng tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hay “Vệ quốc quân một lần ra đi, nào có xá chi đâu ngày trở về” và rồi cũng có người đã không kịp trở về nhìn đất nước đổi mới, nhưng trước đó họ cũng kịp nhìn những chiếc đồng hồ lần cuối của chợ Bến Thành trước lúc ra trận.

    Hàng trăm ngàn người sinh viên học sinh, phong trào Công nhân trí thức và các Tôn giáo chống lại sự áp bức của chính quyền Mỹ – Thiệu, đặc biệt hơn là sự hy sinh của nữ sinh Quách Thị Trang ngay trước cổng chợ Bến Thành trong cao trào đấu tranh của Phật giáo chống lại chế độ độc tài chính quyền Ngô Đình Diệm, và địa điểm này nay được gọi là Quảng trường Quách Thị Trang.

    Nếu như trước đây chợ Bến Thành về đêm bạn có thể nghe được tiếng guốc đêm khuya, tiếng rao “Ai bột khoai, bún tàu, đậu xanh nước dừa đường cát…hôn”, tiếng lộc cộc của những chiếc xe thổ mộ, tiếng đàn độc huyền cầm nghe đến não ruột của những người ăn xin không nhà, thì ngày nay chợ Bến Thành về đêm nhộn nhịp hơn nhiều, đâu đó tiếng gọi nhau í ới của các nam thanh nữ tú ghé vào ăn vội thứ gì để lót dạ cho một cuộc du ngoạn về đêm ở đường phố Sài Gòn, hay tiếng cười đùa không ngớt của những đứa trẻ trong một gia đình nào đó khi cùng cha mẹ đến với các gian hàng ăn uống đêm của chợ mà không kịp về nhà để chuẩn bị cho bữa ăn tối của gia đình sau một ngày làm việc vất vả, hay những tiếng trả giá lơ lớ không đầu, không đuôi bằng tiếng Việt của một số du khách nước ngoài khi vào khu vực bán hàng lưu niệm…

    Năm 2004 – 2005 vừa qua, chợ Bến Thành đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận là chợ đạt chuẩn Văn minh – Thương nghiệp trong cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

    Có người nói, để xây một trung tâm thương mại mang tầm cỡ quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh thì không khó lắm. Song, để giữ gìn một chợ Bến Thành luôn luôn có nét đặc trưng, bản sắc riêng giữa những thay đổi về quy hoạch và kiến trúc ở trung tâm thành phố thì công phu hơn nhiều. Người dân Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung đã làm được điều đó gần suốt một thế kỷ qua. Vì đối với họ, chợ Bến Thành là một niềm tự hào, là một biểu trưng của thành phố năng động, là một công trình văn hóa.

    Thông qua báo Sài Gòn Tiếp thị, người tiêu dùng đã bình chọn chợ Bến Thành là "Điểm du lịch được hài lòng trong năm 2005".

      bởi hồng trang 13/01/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Chợ Bến Thành ở Sài Gòn trước khi bị Pháp xâm chiếm năm 1859 là một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Từ đó mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ Bến Thành được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3/1914.

    Sau năm 1975, chợ Bến Thành lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước. Năm 1985, chợ Bến Thành được sửa chữa lại toàn bộ bên trong, bên ngoài, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa. Hình ảnh chợ Bến Thành với tháp đồng hồ thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố.

    Trải qua nhiều năm thăng trầm của lịch sử, chợ Bến Thành vẫn là một trong những trung tâm mua sắm bậc nhất tại Hồ Chí Minh. Chợ Bến Thành là một thị trường nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, chợ Bến Thành được xem là một biểu tượng, điểm đến vô cùng thú vị cho không chỉ du khách quốc tế mà còn cả với người dân địa phương. Dạo quanh, mua sắm, khám phá chợ Bến Thành từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tour du lịch miền tây kết hợp du lịch Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành nổi tiếng là khu trung tâm mua sắm có vị trí đắc địa, cửa ngõ giao thoa của thành phố, nằm giữa đại lộ Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu và thương mại diễn ra sôi động, nhộn nhịp. Chợ Bến Thành có tới bốn cửa chính với Cửa Nam (cửa chính) nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang, cửa Bắc phía đường Lê Thánh Tôn, cửa Ðông phía đường Phan Bội Châu và cửa Tây hướng ra đường Phan Chu Trinh.

    Theo kinh nghiệm du lịch Sài Gòn, đến với chợ Bến Thành du khách có thể tìm thấy gần như hầu hết mọi thứ từ thông dụng đến hiếm có, từ bình dân đến cao cấp như thực phẩm, quần áo, trang sức, vật dụng, gia vị, quà lưu niệm, đồ điện tử… với chất lượng tốt.

    Bên cạnh những món quà lưu niệm, thời trang, đến chợ Bến Thành bạn sẽ thích thú khi được khám phá khu vực ẩm thực với hàng trăm món từ mọi miền của đất nước như phở Hà Nội, bánh bèo Huế, hủ tiếu Mỹ Tho, chả giò, các món bún, bánh xèo.

    Chợ Bến Thành đã trở thành một trong những biểu tượng du lịch của thành phố Hồ Chí Minh. Điểm du lịch hấp dẫn luôn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.

      bởi minh thuận 13/01/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Nhắc đến Sài Gòn ta không thể không nhắc đến một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh được mang tên chợ Bến Thành _ khu chợ cổ mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn.

     

    Chợ Bến Thành nằm tại  quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng vào thế kỉ XX, nhưng thực chất chợ có lịch sử hình thành từ thế kỷ XVII, lúc đó chợ nằm gần sông Sài Gòn và là nơi mua bán của các tiểu thương.

    Đến thời kỳ chống thực dân Pháp, chợ nằm bên bờ sông bến Nghé cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.

    Trải qua những thăng trầm của lịch sử, kiến trúc của chợ Bến Thành ngày nay mang diện mạo hoàn toàn khác so với thời kỳ đầu hình thành chợ. Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được người xưa mô tả như là “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông.

    Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền”.

    Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước. Trước thời điểm Pháp đánh chiếm Gia Định thì khu vực quanh thành có rất ít dân cư trú và chợ Bến Thành là đông đúc nhất.

    Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy vậy sau khi Pháp chiếm thành Gia Định bắn hỏa công thiêu rụi cả thành, thiêu hủy cả ngôi chợ ấy,tuy có được dựng lại nhưng đến thế kỷ XIX ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ.

    Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời người Pháp đã chọn một khu vực khác để xây dựng lại một khu chợ mới với kiến trúc tốt hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển, địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho, và cũng là chợ Bến Thành ngày nay.

    Trước mặt chợ Bến Thành là công trường Quách Thị Trang – trước kia là cái ao sình lầy gọi là Bồ-Rệt do viên xã Tây lúc ấy cho lấp năm 1912 và xây chợ Mới Sài Gòn. Cửa chính của chợ Bến Thành là cửa Nam, rất phù hợp với tiêu chí mở cửa chính trong kiến trúc Việt: Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam.

    Mặt Bắc chợ mới là đường Lê Thánh Tôn. Mặt Tây chợ mới là đường Phan Chu Trinh. Mặt Đông chợ mới là đường Phan Bội Châu. Chợ Bến Thành có 16 cửa gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ.Cửa Nam là mặt tiền của chợ Bến Thành hướng ra công trường Quách Thị Trang.

    Phía Nam chợ Bến Thành ngoài cửa Nam còn có cửa số hai, cửa số mười sáu.Điểm nổi bật nhất của cửa Nam đó chính là tháp đồng hồ, tháp có ba mặt và được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp.

    Phía dưới tháp đồng hồ, ở mặt tiền, có ba chữ “CHỢ BẾN THÀNH”, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô. Nếu như cửa Bắc rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây thì cửa Ðông lại bày bán các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc.

    Cửa Tây nổi bật với sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm… Khi trăng lên, chợ như khoác lên một tấm áo mới với sắc màu rực rỡ, tráng lệ trong không khí đông đúc, tấp nập, nhộn nhịp người qua lại, chợ đêm thường tập trung trên hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ chính.

    Có thể nói đây là thời gian “ sống thật” của chợ với nhiều hoạt động giao thương, thưởng thức ẩm thực đa dạng dành cho du khách và người dân bản địa.

    Có thể nói, chợ Bến Thành chính là chứng nhân của lịch sử , chứng kiến xuyên suốt công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước của người Việt, tuy đã được tu bổ nhưng nơi đây vẫn giữ được nét kiến trúc ngày trước gợi cho chúng ta nhớ về một thời kỳ đầy khốn khó và gian khổ. Không chỉ vậy chợ còn mang dấu ấn văn hóa rõ nét, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Việt.

    Ta có thể thấy giữa nhịp sống nhanh, tấp nập, hối hả, mang hơi thở hiện đại của Sài Gòn, đâu đó vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống ,cổ xưa như chợ Bến Thành để ta có những giây phút sống chậm lại, hòa mình vào không khí náo nhiệt mà bình dị, gần gũi của nơi đây.

    Chợ Bến Thành đã trở thành niềm tự hào của người dân Sài Thành, quảng bá những nét đẹp văn hóa, truyền thống của Việt Nam ra thế giới.

      bởi Huất Lộc 07/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON