YOMEDIA
NONE

Tả những đặc điểm nổi bật của vùng Tây Nguyên

Viết bài văn miêu tả những đặc điểm nổi bật của vùng Tây Nguyên

GIÚP MIK VỚI NHÉ

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Trước khi tìm hiểu về bản sắc văn hoá Tây Nguyên, chúng ta cần hiểu thế nào là bản sắc văn hoá. Bản sắc văn hóa là cái cốt lõi, đặc trưng riêng có của một cộng đồng văn hóa trong lịch sử tồn tại và phát triển, giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Nó thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống - ý thức của một cộng đồng, bao gồm: cội nguồn, cách tư duy, cách sống, dựng nước, giữ nước, sáng tạo văn hóa, khoa học - nghệ thuật... Khái niệm bản sắc có hai quan hệ cơ bản: quan hệ bên ngoài là dấu hiệu để phân biệt các cộng đồng với nhau và quan hệ bên trong chỉ tính đồng nhất mà mỗi cá thể trong một cộng đồng phải có.

    Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã nêu rõ: "Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, trở thành những nét đặc sắc của cộng đồng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng nước, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đầu óc thực tế, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, tế nhị trong ứng xử, giản dị trong lối sống".

    Như vậy, có thể hiểu bản sắc văn hóa như là yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc, và tới lượt nó, bản sắc dân tộc góp phần tạo nên bản lĩnh dân tộc, tức là sức sống và sự từng trải của dân tộc. Nhờ đó mà dân tộc có thể vững vàng và trường tồn trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử.

    Vậy, bản sắc văn hóa là gì? Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, với các giá trị đặc trưng mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn.Do vậy, muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn.

    Từ quan niệm chung đó, chúng ta có thể xem xét các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Tây Nguyên, được biểu hiện qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng, qua các lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên. Thông qua các biểu hiện đặc sắc này, chúng ta sẽ hiểu được những đặc điểm, bản sắc độc đáo, đặc thù của vùng văn hoá Tây Nguyên - một vùng văn hoá hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở của nền “văn minh nương rẫy”, khác cơ bản so với “văn minh lúa nước” ở vùng đồng bằng.

    Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi chứa đựng những giá trị kiệt tác của nhân loại. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo kỹ thuật diễn tấu mà cồng chiêng còn là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây.

    Văn hoá cồng chiêng được bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hoá trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị văn hóa của cồng chiêng ở Việt Nam có vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị vật chất; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá thị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử.

    Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của nhiều dân tộc thiểu số. Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu. Nhạc cụ cồng chiêng có nhiều cỡ, đường kính từ 20, 50 đến 60 cm, loại cực đại tới 90 - 120 cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 12 - 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18 - 20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.

    Các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có thể gõ vào giữa mặt chiêng hay đánh ngoài rìa tùy theo bài bản. Người Êđê đa số sử dụng loại dùi cứng tạo nên tiếng vang rất to nhưng lại có nhiều tạp âm. Người Bana thường sử dụng dùi làm bằng cây sắn là loại gỗ mềm hơn, tuy nét nhạc không vang bằng nhưng âm cơ bản nghe rất rõ. Loại dùi thứ ba làm bằng gỗ thường có bọc thêm một lớp bên ngoài (xưa kia người ta sử dụng da tinh hoàn của trâu, bò hoặc dê, về sau được bọc bằng vải rồi đổi sang bọc bằng cao su). Dùi loại này phù hợp nhất vì tạo nên âm thanh rất hay. Khi đánh cồng, bàn tay mặt của nhạc công vỗ vào núm cồng như xoa dịu. Trước đây một số nhà nghiên cứu tưởng rằng chỉ có một cách đánh bên ngoài mà thôi, nhưng về sau mới biết bàn tay trái nắm ở bên trong cũng tham gia biểu diễn với nhiều cách, hoặc nắm vào vành hoặc bóp vành rồi buông ra, giống như cách nhấn nhá trong các loại đờn dây hay cách ém hơi trong kỹ thuật hát. Thậm chí có khi nhạc công đeo thêm chiếc vòng để khi lắc tay thì chiếc vòng đụng vào mặt trong phối hợp với tiếng gõ bên ngoài.

    Người Tây Nguyên còn có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú và bài bản. Nếu dàn cồng chiêng ở các nước khác, chẳng hạn như Gamelan ở Java, Gong Kebyar ở Bali (Indonesia) hay Kulingtan, dân tộc Mindanao của Philippines, nhạc công luôn ngồi yên tại chỗ thì người đánh cồng chiêng Tây Nguyên luôn di động, còn động tác thì đa dạng như nghiêng mình, cúi người, khom lưng ... Người Bana và Giarai có phương pháp đánh chỉ điệu (một bài trầm đánh trên một vài giai điệu); người Êđê đánh theo cách thức từng chùm...

    Người dân Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hoặc chiêng bằng, mà thường dùng kết hợp với nhau. Trong đó, chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về nguồn cội.

    Giá trị của cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật chế tác mà nó còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng chiêng đại diện cho văn hoá Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Người Giarai, khi đứa trẻ được sinh ra, trong lễ hội "thổi tai", tiếng chiêng sẽ cấp cho đứa bé những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc. Chiêng còn sử dụng khi làm đám cưới, làm nhà mới, làm rẫy, đưa người chết ra mồ và cả khi bỏ nhà mồ. Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hoà nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của con người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến cho đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.

    Ngày 15/11/2005, UNESCO công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hoá vừa đa dạng phong phú, vừa độc đáo và giàu bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

    Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh giá trị của âm nhạc cồng chiêng đã được công nhận là "di sản văn hoá phi vật thể" của UNESCO, còn phải kể đến giá trị của sử thi. Đó là những áng anh hùng ca mà tuỳ theo ngôn ngữ mỗi dân tộc, được gọi là Khan (theo tiếng Êđê), là Hom (đồng bào Bana), là Hri (đồng bào Giarai), là Ot nrông (đồng bào Mnông)… Gọi là anh hùng ca là căn cứ vào âm điệu anh hùng trong các tác phẩm dân gian ấy. Nhưng có lẽ gọi một cách khoa học chính xác, đó là sử thi. Sử thi hình thành trên nền tảng văn hoá, văn nghệ dân gian thời sơ sử và thời cổ đại, trước hết trên nền tảng thần thoại. Thần thoại phản ánh nhận thức của người xưa về thế giới, về nhân loại, về cuộc sống… Thần thoại thường gắn liền với phong tục, tập quán, nghi lễ và ca múa nhạc nguyên thuỷ.

    Tây Nguyên là vùng đất sản sinh khá nhiều sử thi và do đó được các nhà khoa học gọi là "vùng sử thi". Từ sau sử thi “khan Đam San” của người Êđê được công bố đầu tiên từ năm 1927, đến nay đã phát hiện được trên 20 sử thi, trong đó có các sử thi nổi tiếng còn truyền tụng tới nay, như ĐămDi, Chilơkok, Khinh Dú, Đăm Đơroăn, Y Prao, và M’hiêng (của người Êđê), Ot mrông, Cây nêu thần, Mùa rẫy Bon (của Mnông) H’điêu, Chín chiêng, Zông (Giarai), Đăm Noi, Xing chi ôn, Diôông (Bana),… Sử thi không chỉ là đặc trưng, nét độc đáo duy nhất của vùng văn hoá Tây Nguyên, mà vùng này còn thể hiện tính thống nhất của mình qua nhiều hiện tượng văn hoá tiêu biểu khác, như âm nhạc cồng chiêng, văn hoá nhà mồ, các loại luật tục khác… Đây là một biểu hiện của sự thống nhất thể loại của vùng văn hoá Tây Nguyên. Diễn xướng sử thi ở Tây Nguyên thường diễn ra trong các dịp hội hè, tiếp khách, mừng nhà mới, cưới xin… ở nhà rông hay ở nhà dài. Các nghệ nhân vừa hát kể sử thi, vừa đệm nhạc, điệu bộ.

    Sử thi Tây Nguyên, do đó, là một giá trị tinh thần, được đồng bào Tây Nguyên lưu giữ trong trí nhớ và được diễn xướng trong các sinh hoạt cộng đồng mà chúng ta có thể gọi là “văn hoá sử thi”. Sử thi chứa đựng trong nó những tri thức bách khoa của cộng đồng các dân tộc. Nếu người Ấn Độ nói rằng, mọi cái hiện có ở Ấn Độ đều đã có trong “Mahabhrata” thì người Mnông cũng cho rằng mọi thứ trong cuộc sống của họ đều có từ thời Tiang, Yang (hai nhân vật sử thi). Vì vậy, kho tàng sử thi Tây Nguyên là một kho tàng văn hoá vô giá, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tây Nguyên.

    Bao trùm lên tất cả trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên có lẽ là lễ hội truyền thống, biểu thị những quan niệm của họ về con người, về vũ trụ ít nhiều còn thô sơ, chất phác nhưng họ rất tin thờ. Những lễ quan trọng - dù là phục vụ sản xuất hay cho con người - đều trở thành những hội vui, cuốn hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí các dòng tộc khác hoặc buôn lân cận (ví dụ như lễ cúng bến nước - hay còn gọi là uống nước giọt vào dịp cuối năm cũ hoặc đầu năm mới; lễ ăn cơm mới - đóng cửa kho lúa vào dịp thu hoạch mùa màng; lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả - phơ thi cho người đã khuất...). Mỗi hội lễ là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền văn minh nương rẫy.

    Có thể nói, lễ hội truyền thống Tây Nguyên - đặc biệt ở những lễ hội có hiến sinh trâu (thường gọi là lễ đâm trâu) – là môi trường duy nhất mà ở đó tất cả những tinh hoa trong văn hoá vật thể và phi vật thể của từng tộc người, từng nhóm địa phương, từng làng được thể hiện. Đến đây, ta sẽ được nghe tiếng chiêng ngân vang từ bộ cồng chiêng cổ nhất, có âm thanh hay nhất làng; được xem những thiếu nữ uyển chuyển bước trong vòng xoang theo nhịp trống chiêng; được chiêm ngưỡng những giàn cúng (cột gơng) với những tua đan bằng tre nứa, sặc sỡ sắc màu, vút lên giữa trời cao nguyên lộng gió; được thấy những bộ trang phục và đồ trang sức đẹp nhất, quý nhất; được say trong men rượu cần ấm nồng; được thoả sức tìm hiểu tập quán ẩm thực…

    Ngoài những nghi lễ nông nghiệp, những lễ hội đâm trâu nổi tiếng, người Tây Nguyên còn đặc biệt chú trọng những nghi lễ đối với người chết. Họ coi thế giới người chết đứng về một phía đối diện ngang tầm với người sống, và có thái độ ứng xử độc đáo. Đó là lễ “bỏ mả” - một biểu tượng nói lên ý nghĩa người sống tiễn biệt người chết, làm cho âm dương cách biệt hoàn toàn, để người chết đi vào thế giới của họ, để được đầu thai trở lại. Đó là một màn trình diễn tổng hợp của cả cộng đồng với tất cả những cái họ có: âm nhạc cồng chiêng, múa hoá trang, múa mặt nạ, con rối… trong chất men thiêng và sức mạnh cộng đồng. Đó là một màn diễn xướng không có lời biểu hiện ý niệm hoá thân từ cõi chết sang cõi sống dựa trên huyền thoại khởi nguyên về sự sinh thành loài người. Nhà mồ, với tư thế vươn lên chiếm lĩnh chiều cao giữa cảnh núi rừng bao la hùng vĩ được nhân lên bội phần bởi những đống lửa bập bùng lan toả trong không gian, bởi tiếng cồng chiêng âm vang ngút ngàn, đẩy nhà mồ cao tận trời xanh, phá vỡ mặt bằng tự nhiên tạo nên khoảng khắc hoàng tráng, sinh động giữa nơi âm u, tĩnh mịch của Tây Nguyên. Có thể nói, nhà mồ như biểu tượng cây vũ trụ với tiếng cồng chiêng và ánh lửa nối liền đất trời - con người - thần linh - cõi sống - cõi chết.

      bởi Nguyen Phat 23/10/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON