YOMEDIA
NONE

Tả lại 1 phiên chợ tết ở quê em

Hãy tả lại 1 phiên chợ tết ở quê em

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Chợ Viềng phủ Dầy họp một phiên duy nhất trong năm vào dịp đầu. Trên mọi miền đất nước, ở nhiều địa phương có những chợ chỉ họp phiên duy nhất trong năm khi Tết đến xuân về. Chợ phiên độc đáo này là nơi gặp gỡ tâm tình, trao duyên, là nơi sinh hoạt văn hoá dân gian, cầu chúc những điều may mắn tốt lành đến trong năm mới. Dưới đây là một vài phiên chợ nổi bật:

    Chợ mục đồng

    Chợ mục đồng là một phong tục đẹp của xã Yên Thư, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo các cụ già trong xã, chợ mục đồng là cuộc đi mua sắm về để “khao quân”. Sở dĩ như vậy là do chợ mục đồng gắn liền với hội “Mục đồng khao quân” diễn tả lại sự tích Đinh Bộ Lĩnh tập trận khi qua làng Yên Thư (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) để đánh dẹp sứ quân Nguyễn Khắc Khoan năm 968.

    Chợ họp vào ngày 28 tháng chạp, mỗi năm chỉ có một phiên. Buổi sáng, trẻ trong làng chia làm hai phe, cầm gậy đánh trận với nhau, bên nào có người ngã trước thì thua. Buổi chiều, các em mặc quần áo mới, không phân biệt phe phái, mang hoa trái vườn nhà bày bán tạo nên khung cảnh ồn ào tấp nập như một phiên chợ thật sự. Cũng người mua, kẻ bán; cũng xem hàng, chọn hàng. Nhưng người bán không cần bán đắt, người mua không cần mua rẻ, chỉ cần mua bán mau mắn, thuận lợi, giá cả phải chăng là người mua, người bán đều vui vẻ. Đáng tiếc là phong tục đẹp này đang dần mai một theo nhịp sống hiện đại.

    Chợ Khâu Vai

    Chợ tình Khâu Vai, thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, là một phiên chợ tình độc đáo của Việt Nam. Tích xưa kể rằng, Khâu Vai là nơi dừng chân cuối cùng của một đôi tình nhân chạy trốn không thành. Chàng trai người H’mông yêu cô gái Giáy, nhưng bởi sự hiềm khích giữa hai bộ tộc, họ dắt tay nhau chạy trốn để được sống với nhau trọn đời. Nhưng sức người có hạn, người của hai dòng họ bắt được chàng trai và cô gái khi họ lạc tới Khâu Vai vào ngày 27/03 âm lịch. Để tránh mối thù truyền đời giữa hai bộ tộc, đôi tình nhân đành chấp nhận chia tay, lấy Khâu Vai làm nơi hẹn gặp mỗi năm một lần vào đúng ngày mà họ dừng bước chân trốn chạy, cho đến tận khi từ giã cõi đời.

    Phiên chợ Khâu Vai họp tại một thung lũng xinh đẹp thuộc bản người Nùng. Dù đường xá xa xôi cách trở, hàng trăm người thuộc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy…ở Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, xa hơn là Lào Cai, Yên Bái cũng tìm về. Trước những năm 90, chợ có tên là Phong Lưu và là nơi hẹn hò của những người lỡ duyên phận nhưng chợ không buôn bán mặt hàng nào. Họ đến chợ với mục đích “tìm lại” bóng hình xưa kia của mình. Nếu gặp lại người xưa thì trò chuyện cho thỏa lòng nhớ mong, nếu chưa biết thì làm quen, kết bạn. Bất kể tuổi tác, già hay trẻ. Họ mang đến đây thức ăn sẵn, khi đến bữa bỏ ra cùng ăn với nhau gói cơm nếp, củ sắn, miếng bánh... tất cả đều là sản phẩm tự làm mang đi từ nhà và những bữa ăn như vậy càng làm cho họ có thêm những giờ phút hạnh phúc bên nhau.

    Buổi sáng, chợ tình Khâu Vai bắt đầu sống động như nó vốn có. Cả một khối màu sắc và âm thanh khổng lồ quyện vào nhau di chuyển trong một không gian chật hẹp. Con trai, con gái, tiếng hát, tiếng khèn va vào nhau đầy tình tứ...

    Những lời ca của đôi uyên ương lỡ dở, Người con trai hát buồn: "Trước đây ta đã thề với nhau/ Giữa chợ tình Khâu Vai/Nay em lại để quả Pao rơi xuống đất/Xin hỏi gió người yêu của ta đâu?".


    Người con gái đáp lại: "Em cũng buồn lắm anh ơi/Cũng tại cha mẹ ép duyên/Nên em đi ở nhà người/Tháng ba ngày chợ hẹn anh em lại về".

    Và có cả tiếng hát câu ca của chàng trai cô gái đang ngập tràn hạnh phúc: "Nếu em là hoa anh nguyện thành ngọn gió/Để hương em lan tỏa trong gió anh/Và như thế ai bảo là hai nhỉ/Ai tách nổi hương em trong gió đời anh". Phiên chợ tình Khâu Vai càng về đêm càng trở nên sâu lắng, chỉ có tiếng trò chuyện thì thầm và tiếng khèn, tiếng hát réo rắt gọi bạn tình vang lên từ những ngọn núi, đồi xa xa.

    Khoảng chục năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày chợ họp ngoài việc hò hẹn, gặp gỡ, người ta mang cả hàng hóa đến bán ở chợ. Do vậy đến chợ Khâu Vai, khách đến chợ cũng có thể mua, bán, trao đổi những sản vật.

    Chợ Viềng

    Chợ Viềng (Nam Định) mỗi năm chỉ họp đúng một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 Tết. Thật ra ở Nam Định có tới 4 chợ Viềng. Dù ở những miền quê khác nhau, nhưng nhìn chung đều họp vào những ngày đầu năm và thường gắn với một đền, chùa nhất định. Chợ Viềng Nam Trực bên cạnh chùa Bi thờ Từ Ðạo Hạnh. Chợ Viềng Liễu Ðề (huyện Nghĩa Hưng) họp ở khu vực đền thờ Triệu Quang Phục. Chợ Viềng Mỹ Lộc, cách Ðền Trần không xa. Còn chợ Viềng Vụ Bản, gắn với quần thể Phủ Giầy.

    Từ xa xưa, chợ Viềng Vụ Bản thường họp trước đền Ông Khổng và trên đường vào phủ Chính, vì thế còn có tên là chợ Viềng Phủ hay còn gọi là chợ Phủ Giầy. Có người lý giải rằng Nam Ðịnh trước đây là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Ðời sống vật chất và tinh thần ở đây sớm phát triển. Sự phát triển ấy đã thúc đẩy nhu cầu giao lưu văn hóa và tình cảm. Cùng với lễ hội và đền chùa, chợ, hội chợ cũng là những phương tiện giao lưu hữu hiệu. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân để giải thích vì sao trên đất Nam Ðịnh, chợ Viềng có ở nhiều nơi. Nhưng đông vui nhất vẫn là chợ Viềng phủ Dầy.

    Theo cổ lệ, tầm 6h sáng, người dân sở tại mới lục tục mang đồ truyền thống của phiên chợ Viềng ra bán như liềm, hái, quang, gánh, thúng, mủng, cuốc, xẻng vv...Đây là những vật dụng cần thiết cho người nông dân cầy bừa, cấy hái và chăm sóc cây trồng vật nuôi từ bao đời nay. Mua một món lấy may và để vững tin rằng mình có đủ sức khoẻ, sẽ chăm chỉ cầy sâu cuốc bẫm làm giàu suốt cả năm.

    Chợ Viềng ngày nay không còn nhiều những đồ nông cụ truyền thống như quang, gánh, thúng, mủng, liềm, hái, đòn càn, đòn gánh....nữa mà có đủ mọi mặt hàng cho tất cả tầng lớp người mua cầu may khác nhau, ngoài dụng cụ làm nông, phổ biến là cây-hoa cảnh và thịt bò. Đây cũng là phiên chợ nổi tiếng với cái tên “chợ đồ cổ”. Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả - một nét đẹp đáng yêu chỉ phiên chợ này mới có. Hình như "sự bán, sự mua" ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó - rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về đi lễ chùa cầu may cầu lộc. Chính vì vậy hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ Cầu May.

    Chợ Tam Bảo

    Cứ mỗi năm một lần vào sáng mồng một Tết Nguyên Đán, người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá có tục lệ đi chợ mua bán để lấy may. Chợ họp gần giếng Tam Bảo trong làng nên mang tên Tam Bảo. Tam Bảo theo Phật giáo là Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. Do đó chợ Tam Bảo còn được hiểu là chợ quý hiếm.

    Nét độc đáo của chợ này là nếu món hàng đáng giá 500 đồng thì người bán phải nói lên gấp 100 lần tức 50 nghìn đồng. Xong, nếu người mua đã trả giá rồi thì khi nhận hàng cũng chỉ phải trả đúng giá trị thực tế của nó là 500 đồng mà thôi. Cái quy ước tự nâng và hạ giá xuống 100 lần ấy đã tạo nên một tâm lý được hưởng may mắn giữa người bán (khi bán được bán giá cao) và người mua (khi mua được mua giá thấp). Cả hai đều được may mắn kéo dài cả năm. Chợ Tam Bảo không chỉ là một khái niệm mơ hồ trong việc trao đổi mua bán vào sáng mồng một Tết mà còn là dịp mọi người những nụ cười, những lời thân ái để bước vào một năm mới với hi vọng may mắn và hạnh phúc.

    Chợ biếu tặng/chợ nhân văn Gia Lạc

    Chợ Gia Lạc được hình thành cách đây hơn 100 năm dưới thời vua Minh Mạng. Người khởi xướng chợ là ông Hoàng Phủ Định Viễn tức Nguyễn Phúc Bính (ông Hoàng Mười), con thứ tư của Vua Gia Long.

    Lúc đầu chợ họp ngay trong khuôn viên phủ đệ của ông Hoàng này với mục đích vui chơi ba ngày Tết. Tương truyền khi lập chợ, ông Hoàng Mười có ý bảo hộ cho những người trốn nợ trốn thuế. Vào dịp cận Tết, những người nợ nần nhiều thường phải trốn chủ nợ, sợ bị xiết nợ không có tiền sắm Tết. Trong ba ngày Tết, người dân có thể đến phủ mua bán mà không phải lo sợ chủ nợ. Dần dần họp chợ Tết Gia Lạc trở thành tập quán của nhân dân trong vùng. Sau đó, vì những lý do khác nhau, chợ chuyển ra ngoài bờ sông gần bến đò chợ Dinh , rồi chuyển về địa phận làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang như bây giờ.

    Đầu xuân, người dân Huế có thú vui đi chợ Tết Gia Lạc, cốt để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, suôn sẻ. Theo tài liệu cũ cho biết, người ở vùng chợ Dinh, Gia Hội đi chợ này là để có dịp bói đò nhân năm mới vì phải qua sông. Nếu khi đến bến mà đò đang neo đợi, nghĩa là sẽ được thong dong trong năm mới. Ngược lại khi đến bến mà đò sang sông, ấy là điềm báo sẽ lận đận trong năm ấy. Lệ thường người đi phiên chợ Gia Lạc mồng 1 Tết mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn sẽ an bình trong năm mới, sau đó mới mua đặc sản của chợ theo sở thích.

    Hàng Tết ở chợ Gia Lạc rất đa dạng phong phú. Ngoài các loại hàng Tết như các chợ khác, Gia Lạc còn có những háng hoá đặc biệt riêng của mình: cau tươi, trầu lá, thịt heo quay và thịt bò tái. Cau phải là Cau Nam Phổ nổi tiếng đất Thần Kinh. Trầu phải là loại trầu Hương chợ Dinh lá thơm ngon. Heo quay hay bò tái phải dùng loại củi đun là củi hom bạch đàn, lửa phải đều thì thịt mới ngon. Ở chợ Gia Lạc còn có những đặc sản địa phương như rượu làng Chuồn, quýt Hương Cần, nem chua An Cựu, mứt gừng Kim Long, bánh đúc xanh Nam Phổ… và những hàng trang trí Tết từ những làng nghề thủ công truyền thống như tranh trưỡng liễn làng Chuồn, hoa Thanh Tiên, tranh thờ Làng Sình …

    Là chợ đông ngày đầu năm mới nên ở đây có nét đẹp thuần phong mỹ tục mà ở những chợ bình thường không thể có. Về vẻ thuần phong, đi chợ ngày Tết hẳn ai cũng ăn mặc đẹp, bởi đây là dịp chơi Xuân Người người đi chợ gặp nhau dù lạ dù quen đều chào hỏi nhau, chúc nhau năm mới. Các cô các bà bán hàng chào mời vui vẻ, nụ cười hớn hở. Ngày đầu năm nên ai cũng giữ lời ăn tiếng nói, tránh hết mức những lời thô tục, họ nhắc nhỏ nhau ăn nói nhẹ nhàng, chu đáo với khách mua, càng lâu ngày càng trở thành một tập tục đẹp. Đặc biệt, người bán kẻ mua không cần mặc cả, tránh dùng từ “mua, bán” mà nói “biếu, tặng” để lấy lộc, lấy phúc cho gia đình yên ấm cả năm. Bởi thế nên chợ Gia Lạc còn có tên là chợ biếu tặng.

    Ngày nay, chợ Gia Lạc tuy không còn tụ tập đông vui như xưa, không gian hoạt động nhỏ hẹp hơn trước nhưng người dân vùng này luôn gìn giữ nét đẹp truyền thống vẫn họp chợ kẻ bán - người mua, dù có thưa thớt người nhưng luôn đầy đủ các mặt hàng cơ bản: ngày mồng một người Huế ăn chay nên chợ chỉ bán cau trầu và rau quả, ngày mồng hai, mồng ba bán đủ thực phẩm tươi sống.

    Chợ Gà/chợ Ó

    Chợ gà của làng Xuân Ổ - tức làng Ó, thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh mở vào đêm mồng 4 Tết. Khi trời tờ mờ sáng, dân làng đã đến chợ. Tương truyền, theo quan niệm tín ngưỡng của nhân dân ngày xưa, họp tối để người trần thế và âm phủ có thể cùng đi dự chợ được.

    Chợ chỉ mua bán những con gà đen tuyền, vì cho rằng giống gà này có thể nhập được vào cõi âm dò xét tình hình nơi ấy về tâu bẩm với đấng Thành hoàng, để Ngài liệu bề phù hộ cho dân. Nhà nào có gà đen đem mang bán ở chợ để hiến tế Thành hoàng sẽ được hưởng phúc lớn. Chợ Gà vừa tan thì ngay trên khu vực chợ, nhiều quán trầu của các bà cụ mọc lên để cho các "liền anh", "liền chị" mời nhau xơi trầu và hát quan họ. Nếu quán chật chỗ thì họ lại trải thêm chiếu trên nền sân chợ, hoặc ngồi trên cánh đồng chung quanh mà hát suốt đêm.
      bởi Le Minh Anh 08/01/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON