YOMEDIA
NONE

Hướng dẫn soạn Thứ tự kể trong văn tự sự

Nhờ các bạn soạn giúp mk bài Thứ tự kể trong văn tự sự nha

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • THỨ TỰ KỂ TRONG VĂN TỰ SỰ
     
     

    I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

    1. Em hãy tóm tắt các sự việc trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng.
    a) Các sự kiện trong truyện đã được sắp xếp theo thứ tự như thế nào?
    b) Thứ tự các sự kiện ấy có ý nghĩa gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện?
    Gợi ý:
    - Tóm tắt các sự việc:
    + Giới thiệu hai vợ chồng ông lão đánh cá;
    + Ông lão đánh được cá vàng, cá vàng xin thả và hứa giúp ông toại nguyện mọi ước muốn;
    + Ông lão thả cá vàng mà chẳng cầu xin gì;
    + Lần thứ nhất ông lão ra biển xin cá vàng cái máng lợn mới theo đòi hỏi của vợ;
    + Lần thứ hai ông lão ra biển xin cá vàng cái nhà rộng theo đòi hỏi của vợ;
    + Lần thứ ba ông lão ra biển xin cá vàng cho vợ được làm nhất phẩm phu nhân theo đòi hỏi của mụ;
    + Lần thứ tư ông lão ra biển xin cá vàng cho vợ làm nữ hoàng theo đòi hỏi của mụ;
    + Lần thứ năm ông lão ra biển theo đòi hỏi của mụ vợ xin cá vàng cho mụ ta làm Long Vương, bắt cá vàng phải hầu hạ.
    + Vợ chồng ông lão trở lại cảnh nghèo khổ.
    - Các sự việc trong truyện đã được sắp xếp theo thứ tự tăng tiến, thể hiện ở năm lần ông lão ra biển cầu xin cá vàng: mỗi lần đòi hỏi của mụ vợ lại tăng thêm lên, ông lão tội nghiệp hơn, biển phản ứng dữ dội dần lên,...
    - Thứ tự tăng tiến của các sự việc lặp lại có tác dụng khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật, nhất là nhân vật mụ vợ tham lam, bội bạc.
    2. Đọc bài văn sau và thực hiện các yêu cầu:
    Cái tin thằng Ngỗ bị chó cắn rách cả bắp chân, được băng bó ở trạm y tế xã đến chiều nay đã truyền đi khắp xóm.
    Số là trưa nay, khi xóm làng đang yên tĩnh, thì vang lên tiếng kêu thất thanh, mỗi lúc một rõ: "Chó dại! Chó dại! Cứu tôi với!". Nhiều người nghe, nhận ra tiếng thằng Ngỗ, nên chẳng ai chạy ra cứu. Bởi dân trong xóm đã một lần mắc lừa thằng Ngỗ.
    Ngỗ mồ côi cha mẹ từ sớm, hiện sống với bà ngoại, một người quanh năm ốm yếu, nhà lại nghèo. Thiếu sự rèn cặp của bố mẹ, Ngỗ đi học bữa đực bữa cái, rồi cuối cùng bỏ học luôn, suốt ngày lêu lổng. Người trong xóm không ai muốn cho con cái mình chơi với Ngỗ. Một hôm, chẳng biết buồn tình thế nào, đang giữa trưa yên ắng, Ngỗ ta vun một đống tướng vừa cỏ, vừa rạ ở đầu làng, rồi đốt lên, gió từ cánh đồng làm cho lửa cháy rùng rùng. Thằng Ngỗ vừa chạy vừa la: "Cháy! Cháy! Cứu với!". Nhiều người tưởng thật chạy ra, có người còn xách cả xô nước, cầm câu liêm. Ngỗ thấy đánh lừa được nhiều người, cười khanh khách rồi bỏ chạy. Mọi người tức giận lắm. Có người nói với bà lão: "Bà phải đe cháu bà, cứ thế này rồi thì không hay đâu!". Bà ngoại đã khóc nhiều lần với cháu mà Ngỗ vẫn chứng nào tật ấy. Người trong xóm còn lo, chuyện chó dại cắn đâu chỉ băng bó mà xong, còn phải tiêm nhiều mũi vắc-xin mới yên được. Liệu thằng bé có rút được bài học hày không?
    (Phóng tác theo truyện cổ)
    a) Tóm tắt lại các sự việc chính của câu chuyện.
    b) Thứ tự thực tế của các sự việc có trùng với thứ tự được kể của các sự việc không?
    c) Kể theo thứ tự như vậy có tác dụng gì?
    Gợi ý:
    - Tóm tắt các sự việc chính:
    (1) Ngỗ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có người rèn cặp, dạy dỗ nên lêu lổng, hư hỏng, mọi người xa lánh;
    (2) Ngỗ nghịch ngợm trêu chọc, làm mất lòng tin của mọi người;
    (3) Ngỗ bị chó dại cắn, kêu cứu nhưng không ai đến cứu;
    (4) Ngỗ phải băng bó, tiêm vắc-xin trừ bệnh dại.
    Đây là thứ tự diễn biến các sự việc trên thực tế của câu chuyện.
    - Thứ tự thực tế của các sự việc không trùng với thứ tự xuất hiện sự việc trong lời kể. Truyện bắt đầu kể từ sự việc (4), ngược lên sự việc (3), đến sự kiện (1), tiếp diễn sự việc (2) và kết thúc lại quay trở về thực tại gần nhất là sự việc (4). Người kể muốn nhấn mạnh ý nghĩa bài học của câu chuyện nên đã kể từ hậu quả xấu ngược lại đến nguyên nhân.
    3. Trong văn tự sự, các sự việc được kể theo thứ tự như thế nào?
    Qua các ví dụ về thứ tự kể trong văn tự sự, chúng ta có thể rút ra nhận định: Người ta có thể kể chuyện theo thứ tự diễn biến thực tế của câu chuyện: việc xảy ra trước kể trước, việc xảy ra sau kể sau; cũng có thể kể không theo trình tự xảy ra trong thực tế của các sự việc mà kể ngược từ thực tại rồi quay ngược lại quá khứ,...

    II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

    1. Đọc câu chuyện sau đây và trả lời câu hỏi:
    Tôi và Liên là bạn thân cùng lớp, nhưng hồi Liên mới từ quê đến khu tập thể ở với bố bên cạnh nhà tôi, thì không hiểu sao tôi lại rất ghét Liên. Có thể là Liên mới ở quê ra mà biết ăn mặc lịch sự, lại hay giặt giũ phơi phóng, ra điều ta đây chăm chỉ, ngoan ngoãn, làm cho tôi như bị kém cạnh!
    Tôi nhớ như in lần va chạm đầu tiên với Liên. Lần ấy, ngày đầu tiên nắng to sau một tuần mưa dầm dề, mọi người ai cũng giặt giũ, phơi phóng đầy cả sân. Khi tôi giặt xong quần áo đem phơi, thì sợi dây phơi áo nhà tôi đã phơi đầy quần áo của Liên. Tôi bực mình lùa một cách thô bạo áo quần của Liên vào một đầu, rồi phơi áo quần của mình vào phần dây còn lại, xong việc tôi đi vào nhà. Liên nhìn thấy nhưng không nói gì. Cô đi tìm sợi dây khác buộc làm dây phơi rồi phơi áo quần của mình lên đó.
    Hôm ấy tôi cùng mẹ đi phố, nhân thể ghé thăm bà ngoại, đến chiều mới về. Không ngờ đến chiều thì trời đổ mưa to. Nhìn trời mưa tôi nghĩ, chắc áo quần của mình phơi đã ướt sạch rồi. Nhưng khi về nhà thì quần áo đã được ai thu dọn. Tôi đang đưa mắt nhìn quanh, thì Liên sang bảo, khi trời sắp mưa, cô đã kịp rút hộ vào và đem trả lại cho tôi. Nhìn xấp quần áo khô đã gấp gọn gàng, tôi thực sự ngạc nhiên và cảm động. Tôi cảm thấy mặt mình nóng bừng lên. Thì ra tôi đã nghĩ xấu cho Liên.
    Từ đó tôi và Liên trở thành đôi bạn thân trong khu tập thể, vui buồn có nhau...
    (Tự thuật của một học sinh)
    a) Truyện được kể theo ngôi nào?
    b) Sự việc trong câu chuyện đã được kể theo thứ tự nào?
    c) Yếu tố hồi tưởng có tác dụng gì trong câu chuyện?
    Gợi ý:
    - Tóm tắt các sự việc theo thứ tự tự nhiên, thực tế:
    (1) Liên mới ở quê ra, sống cùng khu tập thể với tôi;
    (2) Tôi ghét Liên vì cô làm tôi kém cạnh;
    (3) Tôi nghĩ xấu về Liên và đã có hành động không đẹp;
    (4) Khi tôi vắng nhà, trời mưa, Liên đã rút hộ quần áo vào và đem trả lại;
    (5) Tôi và Liên trở thành đôi bạn thân.
    - Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện - nhân vật xưng "tôi".
    - Sự việc trong câu chuyện được kể ngược: (5) - (2) - (3) - (4) - (5)
    - Yếu tố hồi tưởng tạo nên mạch kể ngược của câu chuyện, là cơ sở hợp lí cho thứ tự đảo ngược của các sự việc.
    2. Hãy lập dàn ý cho đề văn sau: "Kể câu chuyện lần đầu tiên em được đi chơi xa".
    Gợi ý:
    A. Mở bài:
    - Lần đầu tiên em được đi xa trong trường hợp nào? đi đến đâu và đi cùng ai?
    B. Thân bài:
    - Nơi xa mà em đến đó là nơi nào? (nông thôn hay thành phố).
    - Chuyến đi đó nhằm mục đích gì? (tham quan hay về nghỉ hè,…)
    - Em đã trông thấy những gì trong chuyến đi xa ấy? (con người, phong cảnh ra sao? Nơi ấy có điểm gì đặc biệt?)
    - Điều gì khiến em ghi nhớ và thích thú nhất trong chuyến đi xa ấy?
    - Chuyến đi ấy đã giúp em học được điều gì?
    C. Kết bài:
    - Chuyến đi kết thúc ra sao?
     
    - Em mong ước hoặc hi vọng có được một chuyến đi như thế nào?
     
     
      bởi Phamphuong Phuong 21/01/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON