YOMEDIA
NONE

Đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 6

Bạn nào có đề thi văn cấp trường và cấp huyện cho mình tham khảo nhé !!!

Mà có biểu điểm nữa thì tốt quá !

Nhanh lên nhé, mình sắp thi rùi, mong các bạn giúp đỡ !!!

Tick 3 người nhanh nhất đó

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (1)

  • Kotori

    Cấp trường :

    PHÒNG GD & ĐT
    TRƯỜNG THCS
    ĐỀ THI CHỌN HSG CẤP TRƯỜNG (LẦN 1)
    NĂM HỌC 2015 - 2016
    Môn: Ngữ Văn 6
    Thời gian làm bài: 120 phút

    ĐỀ 1

    Câu 1: (4,0 điểm).

    Phân tích giá trị nghệ thuật của hình ảnh hoán dụ trong đoạn thơ sau:

    "Hỡi những trái tim không thể chết
    Chúng tôi đi theo bước các anh
    Những hồn Trần Phú vô danh
    Sóng xanh biển cả cây xanh núi ngàn"

    (Tố Hữu)

    Câu 2: (6,0 điểm).

    Đọc thầm câu chuyện sau: "Câu chuyện về túi khoai tây" và trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa câu chuyện bằng một bài văn ngắn.

    Vào một buổi học, thầy giáo chúng tôi mang vào lớp rất nhiều túi nhựa và một bao khoai tây thật to. Thầy chậm rãi giải thích với mọi người rằng, mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, hãy viết tên người đó lên một củ khoai tây rồi cho vào túi nhựa. Chúng tôi thích thú viết tên những người không ưa hay ghét hận rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào của chúng tôi cũng đã căng nặng, đầy khoai tây. Thậm chí có người một túi không chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo.

    Sau đó, thầy yêu cầu chúng tôi hãy mang theo bên mình túi khoai tây đó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi với bạn bè cũng phải đem theo.

    Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tệ hơn nữa khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin thầy cho quẳng hết số khoai tây ấy đi và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng.

    Lúc ấy, thầy giáo của chúng tôi mới từ tốn nói: "Các em thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm cho chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong long. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà đó còn là món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng cho bản thân mình".

    Câu 3: (10 điểm)

    Bướm và Ong gặp nhau trong một vườn hoa cùng nhau trò truyện về cách sống của mình. Em hãy kể lại cuộc đối thoại đó theo trí tưởng tượng của em.

    Đáp án đề thi chọn HSG môn Ngữ Văn lớp 6 cấp trường

    Câu 1. (4 điểm)

    Chỉ ra các hình ảnh hoán dụ: (2 điểm)

    • Hình ảnh "Những trái tim không thể chết", "trái tim" chỉ tình yêu nước thương dân, tình yêu lí tưởng cách mạng của các anh hùng liệt sĩ.
    • Hình ảnh hồn Trần Phú vô danh chỉ các liệt sĩ cách mạng của Đảng, của dân tộc.
    • Hình ảnh "sóng xanh" và "cây xanh" là những dấu hiệu biểu thị sự trường tồn, bất diệt của các anh hùng liệt sĩ đó.

    Phân tích tác dụng của các hình ảnh hoán dụ: (2 điểm)

    Qua những hình ảnh ấy, Tố Hữu ca ngợi tình yêu nước thương dân, lòng trung thành với lí tưởng cộng sản của các liệt sĩ cách mạng. Nhà thơ khảng định tên tuổi và tinh thần cách mạng của các liệt sĩ đời đời bất tử, trường tồn với đất nước, với dân tộc Việt Nam.

    Câu 2: (6 điểm)

    Yêu cầu về kĩ năng: (1 điểm)

    • Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lí.
    • Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
    • Diễn đạt tốt không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.

    Yêu cầu về nội dung: (5 điểm)

    Tóm tắt mẩu chuyện: (1 điểm)

    • Câu chuyện kể về việc thầy giáo yêu cầu các em học sinh luôn mang theo bên mình túi khoai tây có ghi tên những người các em ghét, giận trong một tuần.
    • Chỉ trong một thời gian ngắn các em thấy khó chịu về việc đó và xin thầy cho phép bỏ các túi khoai ấy đi.
    • Ý nghĩa câu chuyện: (2 điểm)
    • Trong câu chuyện trên, khi quẳng được số khoai tây nặng nề, rỉ nước đầy tên những người mình không ưa hay giận ghét, ai cũng thấy nhẹ nhõm trong lòng.
    • Tha thứ cũng vậy, người được tha thứ vui mừng đã đành, người tha thứ cũng chút bỏ được hận thù , thấy tâm hồn mình thanh thản nhẹ nhàng. Như thế phải chăng đó là một món quà quý giá, tốt đẹp mà chúng ta đã dành tặng cho bản thân chúng ta.
    • Bài học rút ra cho bản thân: (2 điểm)
    • Không nên ghi nhớ thù hận người khác. Cần biết tha thứ để có một tâm hồn nhẹ nhõm thanh cao.
    • Đừng để mất đi sự ấm cúng, tương hỗ trong quan hệ giữa con người với con người. Tha thứ là điều dễ dàng nhất chúng ta có thể làm trên thế giới này. Hãy quý trọng những điều mình có, đừng nhân thêm nỗi đau hay giữ khư khư lòng vị tha mà không chịu ban phát.

    Câu 3: (10 điểm)

    Yêu cầu chung:

    Yêu cầu về hình thức:

    • Nên dùng ngôi kể thứ ba và chỉ cần nhân vật mà đề đã nêu thể hiện được suy nghĩ, tâm sự của mình (tức là đã được nhân hoá).
    • Bố cục rõ ràng mạch lạc ( Khuyến khích bài làm có cách mở bài và kết thúc độc đáo).
    • Viết dưới dạng bài kể chuyện .

    Yêu cầu về nội dung:

    Bài văn phải ghi lại lời trò truyện của Ong và Bướm về cách sống của chúng. Qua cuộc trò truyện này, người kể phải gửi gắm trong đó một nội dung giáo dục cụ thể. Đây là một câu chuyện tưởng tượng hoàn toàn.

    Yêu cầu cụ thể:

    Bài viết thể hiện được các nội dung cơ bản sau:

    Mở bài:

    Bướm đang xập xòe bay lượn nhởn nhơ trong vườn hoa, bỗng gạp chú Ong cặm cụi hút mật nhụy hoa.

    Thân bài:

    • Bướm tự hào về đôi cánh đẹp trời cho nên cảm thấy hạnh phúc, tha hồ vui chơi,du ngoạn trong bộ áo lộng lẫy.
    • Ong không đồng ý về cách sống của Bướm. Theo Ong ,cuộc sống phải đem lại cho đời một cái gì có ích, những dòng mật ngọt chữa trị bệnh, nuôi con người...
    • Bướm cho rằng cuộc sống của Ong có ích nhưng gò bó, vất vả. dòng họ nhà Ong không được tự do, mỗi lần đi về phải giữ đúng nguyên tắc, không được quên cửa nhầm nhà, chân không có phấn hoa thi không được vào tổ....
    • Ong không có nhiều thời gian để tiếp chuyện Bướm bay đi tìm mât. Trước khi bay đi Ong đã nhắn nhủ với Bướm: Sống ở trên đời phải sống sao cho xứng đáng ..

    Kết bài:

    Nói xong Ong bay đi, bỏ lại Bướm rong chơi.

    Cách cho điểm:

    Điểm 9 - 10: Bài đạt xuất sắc các yêu cầu trên, có nhiều sáng tạo.

    Điểm 7 - 8: Bài có đủ nội dung, có một số lỗi nhỏ về hình thức.

    Điểm 5 - 6 : Bài có đủ nội dung nhưng sơ sài,còn một số lỗi hình thức diễn đạt...

    Điểm 3 - 4: Bài đạt khoảng một nửa nội dung, còn lỗi hình thức.

    Điểm 1: Bài có nội dung mờ nhạt, mắc nhiều lỗi hình thức.

    Cấp huyện :

    PHÒNG GD&ĐT LÂM THAO

    ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
    NĂM HỌC 2013-2014
    Môn: Ngữ văn lớp 6
    Thời gian: 90'
    (không kể thời gian giao đề)

    Câu 1: (4,0 điểm)

    Viết đoạn văn khoảng 8-10 câu trình bày suy nghĩ của em về nhân vật người Anh (Truyện Bức tranh của em gái tôi - Tạ Duy Anh, Ngữ văn Lớp 6, Tập I) qua đoạn văn sau:

    "Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy".

    Câu 2: (4,0 điểm)

    Phân tích tác dụng của phép so sánh trong bài ca dao sau:

    "Trên trời mây trắng như bông,
    Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây.
    Mấy cô má đỏ hây hây,
    Đội bông như thể đội mây về làng ."

    (Ngô Văn Phú)

    Câu 3: (12,0 điểm)

    Miêu tả cảnh lũy tre làng em vào một ngày giông bão.

    Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6

    Câu 1: (4 điểm)

    Yêu cầu:

    • Về hình thức: Nêu đúng yêu cầu 1 đoạn văn. (1,0 điểm)
    • Về nội dung:
      • Người anh không trả lời mẹ vì quá ngạc nhiên và bất ngờ trước vẻ đẹp của bức tranh và tài năng của em gái mình. (0,5 điểm)
      • Người anh muốn khóc vì quá xúc động và xấu hổ với sự đố kỵ, cố tình xa lánh của mình đối với em gái trước đây. (0,5 điểm)
      • Người anh cảm thấy đó không phải là bức tranh vẽ mình vì hình ảnh trong bức tranh quá đẹp, trong sáng và ngoài sức tưởng tượng của người anh. (0,5 điểm)
      • Người anh hiểu rằng chính lòng nhân hậu của em gái là cơ sở để tạo nên tài năng. (0,5 điểm)
      • Câu nói thầm của người anh thể hiện sự hối hận chân thành, ăn năn, bị thuyết phục, tự nhận thức về bản thân cũng như về em gái của mình. (1,0 điểm).

    Câu 2: (4 điểm)

    Yêu cầu:

    • Chỉ ra các phép so sánh được sử dụng trong bài ca dao: Mây trắng như bông, bông trắng như mây, đội bông như thể đội mây. (1 điểm)
    • Phân tích tác dụng: (3,0 điểm)
      • Mây trắng như bông: Câu mở đầu miêu tả cảnh những đám mây trắng, xốp trôi nhẹ nhàng trên bầu trời.
      • Bông trắng như mây: Cảnh mặt đất: Những "núi" bông nối tiếp nhau như những đám mây bồng bềnh trắng xốp.
      • 2 câu ca dao sử dụng 2 phép so sánh tạo sự đối chiếu từ trên trời xuống mặt đất, từ mặt đất đến bầu trời. Cả không gian rộng lớn tràn ngập 1 màu trắng tinh khiết, tuy nhiên 2 phép so sánh tập trung nhấn mạnh 1 vụ mùa bông bội thu.
      • Trên nền màu trắng của bông và mây, xuất hiện màu đỏ trên sắc má các cô gái, màu đỏ trở nên nổi bật và tràn đầy sức sống, đó chính là vẻ đẹp của người lao động.
      • Đội bông như đội mây: Hình ảnh con người lao động đang chuyển bông về làng một cách nhanh nhẹn, thanh thoát. Công việc lao động không những không phải là gánh nặng của con người, không đè bẹp con người mà trái lại, như nâng tầm vóc và vẻ đẹp con người, hình ảnh những cô gái đội bông như những nàng tiên nữ xinh đẹp đang bay lượn trong không gian tràn ngập màu trắng đó.

    Bài ca dao là bài ca về tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước và trân trọng đối với người lao động.

    Câu 3: (12 điểm)

    Yêu cầu: Bài làm cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

    • Về hình thức: Nêu đúng thể loại văn miêu tả, bố cục chặt chẽ biết sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, các biện pháp tu từ, biết liên tưởng và tưởng tượng, văn viết có cảm xúc. (2 điểm)
    • Về nội dung: (10 điểm)
      • Cảnh luỹ tre làng trước khi có giông bão: Trời xanh trong, gió nhẹ, luỹ tre rì rào ca hát... (2 điểm)
      • Cảnh luỹ tre làng trong giông bão: (6 điểm) Cần tập trung miêu tả những hình ảnh, màu sắc và âm thanh chủ đạo như:
        • Hình ảnh: Thân tre lắc lư, ngọn tre vút cong, những cành tre đan vào nhau chống chọi với cơn bão tố.
        • Âm thanh: Sấm chớp, gió rít, nước chảy, mưa...
        • Một số cây khác gẫy cành, đổ gục, riêng lũy tre vẫn kiên cường tựa vào nhau vững chắc như một bức tường thành. (cần kết hợp tả cảnh chung và riêng).
      • Cảnh luỹ tre sau cơn mưa: Con người tiếp tục làm việc, mọi vật như đổi thay, riêng luỹ tre có một sự thay đổi kỳ diệu, tươi mới, màu sắc như xanh hơn, những búp măng như cao hơn, luỹ tre lại rì rào như ca hát... (2 điểm)
      • Tham khảo thêm tại :
      • VnDoc.com: Tải miễn phí tài liệu, ebook, văn bản mẫu, mẫu hợp đồng ...
      bởi Phạm Huyền 20/10/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF