YOMEDIA
NONE

Phong cách thơ của Hồ Xuân Hương

Phong cách thơ của Hồ Xuân Hương ?

Cám ơn mọi người

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Hồ Xuân Huowg là 1 trong số các nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học trung đại VN. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương đã đưa ra những nhận định về thơ văn của Bà. Xuân Diệu đã từng nhận xét về thơ Hồ xuân Hương: “thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường mà là một thứ thơ muốn lặn sâu vào sự vật, vào những thứ đáy rất kín thẳm của tâm tư. Những thứ kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân chủ nghĩa mà trái lại đã được hàng vạn người đồng tình thông cảm”. Người phụ nữ nói chung và người phụ nữ bất hạnh nói riêng thường là nhân vật chính trong thơ của thơ Hồ Xuân Hương. Những người phụ nữ ấy vừa thoắt ẩn thoắt hiện, có lúc hữu hình, có khi vô hình. Một nhà văn nước ngoài còn cho rằng: “Đọc thơ Hồ Xuân Hương ta không chỉ thấy hình ảnh người phụ nữ mà còn thấy được tất cả những thứ thuộc về phụ nữ”. Người phụ nữ trong thơ của bà thường là những người lao động dám vươn lên chống trả quyết liệt với số phận và lễ giáo phong kiến.

    Không chỉ có thế, thơ của Hồ Xuân Hương còn mang nặng tư tưởng chế giễu, phê phán thói hư tật xấu của xã hội lúc bấy giờ. Một giọng thơ mang tính hiện thực rõ rệt. Mặc dù ở bên ngoài cái vỏ gai góc, xù xì nhưng từ trong sâu thẳm từng câu chữ ấy đã toát lên một thứ tình cảm lạ lùng. Đó là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với thiên nhiên vạn vật và tình yêu của con người với con người. Đó còn là nỗi khát khao cuộc sống, ý chí vươn lên thoát khỏi lễ giáo phong kiến cổ hủ. Cảnh vật trong thơ bà luôn tươi tắn, khỏe mạnh và giàu sức sống. Cái thế giới vạn vật vô tri vô giác trong thơ của bà luôn động đậy, cựa quậy. Chính vì thế mà khi đứng trước thiên nhiên, thơ của bà bao giờ cũng tìm được ra những điều mới mẻ, thú vị đánh thức giác quan của người đọc. Đọc thơ của Hồ Xuân Hương, ta thấy bà cười nhiều quá đó chính là những cái cười đốp chát lạnh lùng. Phải chăng vì thế mà nhiều người trách bà là một người phụ nữ vô tình. Thế nhưng ai hiểu được sau những tiếng cười ấy lại là những tiếng khóc thổn thức ứ nghẹn nơi cổ họng không thể nào thoát ra được, cũng chẳng thể khóc to lên được. Sau những trận cười nghiêng ngả ấy chỉ còn lắng lại tiếng trống canh xa vắng của những đêm khuya vắng cô đơn chỉ lòng mình với riêng mình. Ai có thể hiểu nỗi lòng Bà? Ai hiểu được rằng tiếng cười dành cho ông quan ba khác tiếng cười dành cho ông Tổng Cóc. Ai hiểu tình yêu và cách thể hiện tình yêu trong thơ của Bà.

    Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương là một dòng thơ tụng ca mang tính đấu tranh của những người phụ nữ mạnh mẽ với cả một chế độ phong kiến lúc bấy giờ. Bà đã phải vật lộn vượt lên trên tất cả để bám lấy cuộc sống. Nhiều lúc thơ của bà đã trở thành một giọng thơ ngạo mạn, tự cao, đầy thách thức với người đời và xã hội để khẳng định giá trị của mình. Trong văn học nước nhà, ít có nhà thơ nào mang cá tính mãnh liệt chi phối nghệ thuật sâu sắc như vậy. Chính cái khao khát: “Giơ tay với thử trời cao thấp. Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài” là cái khao khát lành mạnh mang giá trị khẳng định ý chí vươn lên của mình. Cái riêng nhất của thơ Hồ Xuân Hương là ở chỗ khi đọc thơ của Bà tức là ta đọc nên cái lấp lửng của mỗi câu thơ, mỗi ý thơ. Những bài thơ như trêu như ghẹo đã làm cho người đọc cảm giác có thể hiểu thế nào cũng được. Từ cái “thanh” cho ta liên tưởng vẩn vơ về cái “tục”, từ cái “tục” lại làm cho ta nghĩ đến sự sáng trong tao nhã của cái “thanh”. Mỗi bài thơ là một sự phối hợp nhịp nhàng của các động từ, tu từ, tính từ, ẩn dụ vô cùng đa dạng nhằm biểu đạt tư tưởng của nhà thơ. Từ đó ta có thể thấy thơ của Hồ Xuân Hương có nhiều nghĩa và nghĩa nào cũng lấp lửng. Điều đó nói lên việc sử dụng ngôn ngữ rất thành công của bà trong từng tác phẩm. Ngôn ngữ của HXH không chỉ giàu có về từ mà còn đa dạng về màu sắc dân tộc. Đánh giá thơ Hồ xuân Hương đến nay còn có rất nhiều quan điểm trái chiều. Những ai cho rằng thơ Hồ Xuân Hương không có gì là dâm tục thì họ hết lời ca ngợi. ngược lại, những ai coi thơ bà là dâm đãng thì thường dè dặt và nhìn nhận một cách khắt khe hơn, thậm chí còn phê phán. Bởi lẽ, trong sáng tác của bà luôn có một cái gì đó không bình thường. Sự hiện diện đa hình ảnh sắc màu luôn thường trực trong từng tác phẩm. Bà vừa muốn nói đến cái này lại vừa muốn nói đến cái khác, từ cái khác này lại muốn đề cập đến những cái khác nữa. Nhiều người đánh giá rằng, với việc vận dụng nhuần nhuyễn các từ ngữ trong dân ca, ca dao…thơ của bà đã thống nhất đến cao độ hai tính chất dân tộc và đại chúng. Nội dung và hình thức trong mỗi sáng tác của bà đều bắt nguồn từ quần chúng nhân dân. Mặc dù còn nhiều quan điểm trái chiều khi nghiên cứu về thơ của bà, nhưng tài năng của bà thì ai cũng phải công nhận.

    Để hiểu đúng thơ Hồ Xuân Hương là phải hiểu kỹ về thơ Đường và niêm luật của nó. Mỗi bài thơ được coi là thành công là phải đáp ứng được các yêu cầu về luật, cấu trúc bố cục của bài thơ. Giá trị của bài thơ ngoài ý tứ ra, còn được thẩm định dựa vào các quy định chặt chẽ này. Vài cuộc thăm dò cho thấy số người viết đương đại viết thơ Đường không còn nhiều. Nhiều tác giả còn cho rằng thơ Đường là một thể thơ khó viết, khó hiểu. Thế mới biết là Hồ Xuân Hương đã thật khéo léo khi viết rất thành công những sáng tác của mình. Thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu là thơ Đường nên đòi hỏi niêm luật và bố cục chặt chẽ. Không ai có thể phủ nhận giọng điệu và ngôn ngữ trong thơ của Hồ Xuân Hương rất táo bạo, mạnh mẽ và khá độc đáo. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: “Hồ Xuân Hương là một nhà thơ thực sự vĩ đại và xuất sắc”. Trong sự nghiệp phát triển nền văn học Việt Nam hôm nay, việc kế tục phát huy và mở rộng cách viết thơ Hồ Xuân Hương lại là cả một vấn đề lớn cần tranh cãi. Nhà văn đất cảng Trần Tâm nhận xét: “Hồ Xuân Hương có cách viết thơ rất độc đáo, ta chỉ có thể bắt chước chứ không thể học tập hoặc kế thừa được”. Hiện nay nhiều câu lạc bộ thơ được thành lập ở nhiều nơi trong cả nước. Hội UNESCO-Thơ Đường Việt Nam có 77 chi hội trong cả nước, với 2349 hội viên và xuất bản thành công tuyển tập “Thơ Đường luật Việt Nam” do NXB Hội nhà văn ấn hành với gần 1500 trang thơ. Làm thơ để bày tỏ nỗi niềm, giao lưu tình cảm với bè bạn xa gần, để “tập thể dục” cho bộ não, tăng thêm độ bền của cơ thể, nâng cao năng khiếu thẩm mỹ và đã trở thành nhu cầu của nhiều người. Việc bảo tồn thơ Đường cũng là nhiệm vụ của việc “bảo tồn văn hóa Việt”.

    Cái thú vui của người viết và chơi thơ Đường chính là việc cảm nhận được cái hay của thơ Đường. Đó là cái hay của tứ thơ, kiểu ngôn ngữ, cảm xúc và vẻ đẹp tư tưởng. Các nhà thơ đương đại ngày nay khi viết thơ Đường đã khai thác mọi đề tài, kể cả tình dục. Tuy nhiên, cách viết thơ Đường theo kiểu “thanh mà tục, tục mà thanh” của Hồ Xuân Hương lại là một việc không dễ làm. Thậm chí, có nhiều người do thiếu cẩn trọng khi bắt chước cách viết thơ của Bà, đã viết nên những câu thơ sai luật và vô nghĩa đến mức ngớ ngẩn... Do đâu mà thơ Đường được nhiều người quan tâm, sáng tác và bảo tồn ? Mặc dù có nhiều người sáng tác thơ Đường nhưng chưa có nhà thơ hay bài thơ Đường nào ghi được dấu ấn trong dòng thơ Việt đương đại ? Phải chăng do đề tài của thơ Đường còn chật hẹp. Tìm hiểu và sáng tác thơ Đường là tìm hiểu những thú vui trí tuệ và nghệ thuật của ngôn từ. Là vượt qua những luật lệ chật chội cứng nhắc của thơ Đường để gửi gắm lòng mình vào những tứ thơ, ý thơ và câu chữ. Mặt hạn chế của thơ Đường là cách diễn đạt biểu cảm đều phải tuân thủ theo khuôn mẫu nhất. Nhiều nhà thơ đương đại cho rằng: “sáng tác thơ Đường rất khó. Nếu vụng về thì câu thơ trở nên sáo mòn, rỗng tuyếch, đọc câu trước đã đoán được ý của câu sau. Đọc một bài có thể hình dung liên tưởng được nhiều bài”. Cho đến nay các nhà thơ đương đại tham gia sáng tác thơ đường hầu như đều khai thác lại các đề tài, cảm xúc và tứ thơ của những người đi trước nên nội dung của tác phẩm luôn trở nên cũ kĩ khó truyền tải rộng rãi đến được với bạn đọc. Vì thế, ngày nay các nhà thơ vẫn đang nỗ lực trong việc việt hóa thơ Đường để làm mới thơ Đường và làm cho các sáng tác thơ Đường gần gũi đời sống hơn. Số lượng tác phẩm của Hồ Xuân Hương còn đọng lại và những người thuộc thơ của Bà còn lại không nhiều. Hiện nay, người ta vẫn còn tranh cãi nhau về một số sáng tác cũng như nguồn gốc thân phận của Hồ Xuân Hương. Vượt qua những lễ giáo phong kiến và hình ảnh người phụ nữ, đối với thơ Đường, Hồ Xuân Hương cũng chưa làm thay đổi được nhiều trong cách viết. Tuy nhiên cùng với những tác phẩm của mình, tên tuổi của bà đã vượt qua bao nhiêu cuộc tranh luận từ xưa đến nay và vẫn chiếm một giá trị trong nền văn học Việt Nam. Vì vậy, việc gìn giữ và khai thác thơ của Bà vẫn là một điều cần thiết và ý nghĩa trong việc xây dựng đổi mới kho tàng văn học Việt Nam phong phú.

      bởi Tăng Thu Hương 06/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON