YOMEDIA
NONE

Phân tích 16 câu giữa bài Vội vàng

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (1)

  • Thơ Xuân Diệu tinh tế, gợi cảm, độc đáo trong chất liệu cũng như trong bút pháp thi ca. Nhắc tới ông, ta không thể không nhắc tới một bài thơ in đậm dấu ấn và phong cách của ông: Vội vàng. Bài thơ vừa như một nguồn cảm xúc trào dâng vừa là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời. Đặc biệt, nếu phần đầu tiên của bài thơ là ước muốn táo bạo cùng vẻ đẹp độc đáo của mùa xuân thì sang phần thơ thứ hai, nhà thơ đã thể hiện quan niệm nhân sinh mới mẻ về thời gian và tuổi trẻ.

    Thời gian trong thơ ca trung đại là thời gian "tuần hoàn" nghĩa là thời gian được hình dung như 1 vòng tròn liên tục tái diễn, hết 1 vòng lại quay về vị trí xuất phát, cứ trở đi rồi trở lại mãi mãi. Quan niệm này xuất phát từ cái nhìn "tĩnh", lấy cả sinh mệnh vũ trụ để làm thước đo cho thời gian. Còn đối với Xuân Diệu, ông có quan niệm rất mới về thời gian:

    Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,

    Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già,

    Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.

    Nếu người xưa luôn yên tâm bình thản trước sự trôi chảy của thời gian bởi họ quan niệm thời gian là tuần hoàn thì Xuân Diệu lại quan niệm thời gian, mùa xuân, tuôi trẻ một đi không trở lại. Thế nên ông luôn hốt hoảng lo âu khi thời gian trôi mau. Điều thi sĩ sợ là tuổi trẻ qua đi, tuổi già mau tới bới thời gian như một dòng chảy mà mỗi một khoảnh khắc trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Cách sử dụng cặp từ đối lập “tới - qua”, “non - già” đã cho thấy sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước bước đi của thời gian. Cùng với hàng loạt câu thơ văn xuôi theo lối định nghĩa cùng sự lặp lại liên tiếp điệp ngữ “nghĩa là”, Xuân Diệu đã khẳng định chắc nịch một sự thật hiển nhiên không gì phủ nhận: Dù xuân đương tới, xuân còn non nhưng xuân sẽ qua, sẽ già, sẽ hết và tuổi trẻ cũng mất. Đối diện với sự thật hiển nhiên mà phũ phàng ấy, Xuân Diệu không khỏi thảng thốt. Liên tiếp các dấu phẩy được huy động tạo nên điệu thơ ngậm ngùi, nghẹn ngào:

    Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

    Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

    Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.

    Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

    “Lòng tôi” và “lượng trời” vốn đã là hai thế cực tương phản của sự hạn hữu và vô hạn. Tuy nhiên trong góc nhìn của Xuân Diệu thì cái vốn hữu hạn như đời người lại được mở rộng đến vô cùng “lòng tôi rộng” còn thứ vốn tưởng chừng vô hạn trong thời gian của đất trời lại trở nên nhỏ bé “lượng trời cứ chật”. Một loạt hình ảnh được đặt trong thế tương phản đối lập cao độ “rộng” - “chật”, “xuân tuần hoàn” - “tuổi trẻ chẳng hai lần”, “còn” - “chẳng còn”. Điều đó đã góp phần làm nổi bật tâm trạng tiếc nuối trước thời gian, cuộc đời.

    Sự hạn hữu của đời người với thời gian được thể hiện rõ nét nhất ở dòng thơ “Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”. Đúng vậy, giữa cái mênh mông của vũ trụ, vô cùng, vô tận của thời gian, tuổi trẻ, sự sống của con người bỗng trở nên quá ngắn ngủi. Nhưng ở đây, Xuân Diệu không tiếc cho mình, tiếc cho tuổi trẻ mà điều ông tiếc nhất chính “cả đất trời”.

    Suy ngẫm về điều đó, Xuân Diệu càng cảm nhận thấm thía sự phôi pha, phai tàn đang âm thầm diễn ra trong lòng vũ trụ trên cả hai trục không gian và thời gian.

    Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

    Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt

    Con gió xinh thì thào trong lá biếc

    Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

    Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

    Phải chăng sợ độ phai tàm sắp sửa.

    Thời gian vốn vô hình, vô ảnh, không mùi, không vị, đi vào thơ Xuân Diệu bỗng có mùi, có vị chia phôi, dường như khắp không gian đâu đâu cũng vọng lên khúc chia li, lời than thầm tiễn biệt. Tựa như ta nghe thấy có chút gì xao xuyến rưng rưng vừa uất ức nghẹn ngào vừa tiếc nuối hụt hẫng trong từ “rớm” ấy.

    Gió đùa trong lá không phải là những âm than vui tươi, sống động của thiên nhiêm mà vì hờn tủi trước sự trôi chảy của thời gian. Chim hót những bản nhạc chào xuân rộn ràng bỗng ngừng bặt, chẳng có mối nguy hiểm hiểm nào cả, mà vì chúng sợ độ tàn phai, héo úa. Vậy là vạn vật cứ thế chảy trôi theo quy luật vận hành tự nhiên của nó mà không sao cưỡng lại được.

    Khép lại phần thơ là dòng thơ tràn ngập cảm xúc:

    Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

    Đến đây thi sĩ đã vỡ lẽ chẳng bao giờ có thể tắt nắng buộc gió, níu giữ mãi tuổi trẻ mùa xuân ở lại. Phép điệp “chẳng bao giờ” được lặp lại hai lần càng nhấn mạng thêm tâm trạng bàng hoàng tiếc nuối ấy. Khát vọng cháy bỏng, ước muốn táo bạo đã tan thành mấy khói. Chỉ còn lại nỗi bàng hoàng, thảng thốt mà càng trở nên da diết hơn với dấu chấm lửng cuối dòng thơ. Và trong sự bất lực, Xuân Diệu dường như tìm ra một cách giải quyết.

    “Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm”

    Lời thơ như một  lời giục giã, thúc giục con người hãy đứng lên đừng buồn vì sự chia ly sẽ đến mà lãng quên đi thực tại.  “Mau đi thôi”, mau cố gắng trân trọng lấy từng phút giây hiện tại để tận hưởng bữa tiệc tươi vui mà thiên nhiên mùa xuân đã bày sẵn trước mắt ta. 

    Chỉ với 16 câu thơ nhưng dường như Xuân Diệu đã cho ta thấy một quan niệm nhân sinh rất tiến bộ về thời gian, về mùa xuân và tuổi trẻ của tác giả. Ta cũng nhận ra mặc dù Xuân Diệu thể hiện tâm trạng nuối tiếc thời gian và cuộc đời nhưng qua đó ta còn bắt gặp một khát khao mạnh mẽ, một tình yêu say đắm mà ông dành cho đời.

      bởi Trần Thị Trang 08/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF