YOMEDIA
NONE

trách nhiệm của bản thân với sự phát triển kinh tế

nêu trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển kinh tế của cá nhân, gia đình, xã hội ??

crying help me !!

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Trước hết, có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ thế giới lại có nhiều biến động to lớn và nhanh chóng trên mọi phương diện của đời sống xã hội như trong những thập niên cuối của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI. Hiện nay, tất cả các quốc gia dân tộc và vùng lãnh thổ trên thế giới, bất kể là nước giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển,... đã và đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề phức tạp và nan giải mang tính toàn cầu. Nghèo đói và bệnh tật, tình trạng gia tăng dân số và vấn nạn ô nhiễm môi trường cùng với sự suy cạn tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ tiềm ẩn chiến tranh tại những điểm nóng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, đặc biệt là mối đe doạ thường trực của nạn khủng bố và sự gia tăng tội phạm quốc tế... là những thách thức lớn đối với sự tồn tại và phát triển trong tương lai của con người, của các quốc gia dân tộc. Thực tế đó buộc chúng ta phải có những suy tư sâu sắc và nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về vấn đề trách nhiệm xã hội. Điều quan trọng là, từ sự tự ý thức về trách nhiệm xã hội, mỗi chủ thể cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình qua những hành động thực tiễn cụ thể nhằm góp vào việc xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp và văn minh hơn, ngày càng có tính Người hơn.

    Trách nhiệm xã hội là một vấn đề phức tạp và rộng lớn. Trách nhiệm được hiểu như là nghĩa vụ phải gánh vác, thực hiện. Khác với thuật ngữ “giới hạn” là điều không được làm, trách nhiệm là cái buộc phải làm, không những phải làm mà còn phải làm tốt. Nếu quyền hạn là những gì mà con người được hưởng, được yêu cầu người khác phải thực hiện, thì ngược lại, trách nhiệm là những gì mà họ buộc phải làm và phải chịu sự giám sát của người khác[1].

    Xét về nguồn gốc, trách nhiệm bắt nguồn từ tiếng Latinh – responder, nghĩa là sự đáp lại. Với ý nghĩa đó, trách nhiệm là thái độ, hành vi của chủ thể trước một vấn đề nào đó trong xã hội. Theo Từ điển tiếng Việt, trách nhiệm là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu hậu quả. Theo Từ điển triết học của Nxb Tiến bộ và Nxb Sự thật ấn hành năm 1986, vấn đề trách nhiệm có những đặc trưng sau: một là, nó có tính lịch sử xã hội; hai là, nó được xem xét trong mối quan hệ qua lại với phạm trù “tự do”.

    Khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm xã hội, không thể coi đó chỉ là trách nhiệm của nhà nước, của người lãnh đạo. Đương nhiên, với tư cách người lãnh đạo xã hội,  đảng cầm quyền và nhà nước phải có trách nhiệm trước hết và cao nhất trước mọi vấn đề hệ trọng trong xã hội, từ sự phát triển của đất nước đến đảm bảo mọi mặt cuộc sống đời thường của những nguời dân. Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những vấn đề quan trọng được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Như chúng ta đã biết, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác; rằng, Đảng và Chính phủ là “công bộc” của nhân dân; do vậy, Đảng và Chính phủ phải luôn có trách nhiệm với nhân dân. Cụ thể hơn, Người còn khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”[2]. Làm cho nhân dân có cuộc sống vật chất đầy đủ, đời sống tinh thần phong phú,... đó là trách nhiệm hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

    Tuy nhiên, nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chỉ có xã hội, nhà nước mới có trách nhiệm xã hội và phải thực thi trách nhiệm của mình đối với đất nước, với nhân dân. Ngược lại, mỗi cá nhân, mỗi thành viên cũng có trách nhiệm xã hội và phải thực thi trách nhiệm đó nhằm duy trì sự ổn định, phát triển của cộng đồng cũng như của xã hội. Khi khẳng định nước ta là một nước dân chủ, trong đó mọi lợi ích đều vì dân và mọi quyền hạn đều là của dân, Hồ Chí Minh đã giải thích một cách rõ ràng và cụ thể rằng, “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

    Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

    Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

    Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên...[3].

    Được bảo đảm mọi nhu cầu và tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện là quyền tự nhiên, là lợi ích hoàn toàn chính đáng của con người. Song, quyền luôn gắn với nghĩa vụ, lợi ích luôn gắn với trách nhiệm. Điều đó có nghĩa là, trong xã hội ta – một xã hội phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi cá nhân có quyền được cộng đồng và xã hội chăm lo; ngược lại, cá nhân cũng phải có trách nhiệm với người khác, với cộng đồng và xã hội.

    Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác, xã hội không phải là một tập hợp giản đơn các cá nhân, mà xã hội biểu hiện tổng số những mối liên hệ và những quan hệ của các cá nhân đối với nhau, “là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người”[4]. Mỗi thành viên trong xã hội, trong cộng đồng đều phải có trách nhiệm riêng của mình. Khi các cá nhân, dù ở bất kỳ vị trí nào – là người lãnh đạo hay người dân bình thường, luôn nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình và có ý thức tự giác cao trong việc thực hiện bổn phận, trách nhiệm xã hội của mình với tư cách công dân, đồng thời có tinh thần độc lập, tự chủ thực sự và sẵn sàng hợp tác, phối hợp hành động cùng với những người khác, thì lúc đó họ không những làm cho cuộc sống của mình có thêm ý nghĩa, giá trị, mà còn góp phần vào một mục tiêu chung, lớn hơn – cùng chung sức phấn đấu làm cho xã hội ngày càng giàu đẹp, tiến bộ và văn minh.

    Trách nhiệm xã hội của cá nhân đối với cộng đồng và xã hội rất đa dạng, muôn hình, muôn vẻ. Xét về mặt quan hệ, trách nhiệm xã hội của cá nhân có thể là trách nhiệm đối với gia đình, trách nhiệm đối với tập thể hoặc trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Xét về mặt tính chất, trách nhiệm xã hội của cá nhân hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đó có thể là trách nhiệm thực thi pháp luật, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm (trách nhiệm đối với người tiêu dùng)... Nếu mỗi cá nhân không ý thức được đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình, từ đó có những hành vi phù hợp với những quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức sẽ bị coi là những kẻ vô trách nhiệm.

    Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ở mức độ và phương diện nhất định, có thể khẳng định rằng, con người Việt Nam đã thể hiện rất rõ trách nhiệm cá nhân của mình đối với cộng đồng và xã hội. Điều này được minh chứng bằng những bằng chứng thực tiễn không thể phủ nhận, đặc biệt là trên phương diện giữ nước – qua các cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài nhằm giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Người Việt Nam vốn có tinh thần yêu nước nồng nàn, đó là một truyền thống cực kỳ quý báu – yếu tố cốt lõi làm nên bản lĩnh, bản sắc của dân tộc. Thực tiễn cho thấy, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt nam nữ, già trẻ, sang hèn, đều tham gia vào cuộc chiến đấu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đã có biết bao tấm gương thanh niên học sinh, sinh viên viết quyết tâm thư bằng máu của mình tự nguyện tạm rời giảng đường để xin được ra mặt trận trực tiếp chiến đấu. Ngay cả những em thiếu nhi, các cụ già cao tuổi cũng “tuỳ theo sức của mình” mà tham gia kháng chiến. Những người nơi hậu phương cũng luôn sẵn sàng chia lửa cùng tiền tuyến. Chính truyền thống yêu nước đã hun đúc và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân với tư cách công dân, hình thành nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân nhấn chìm mọi bè lũ bán nước và cướp nước. Không hề thái quá khi có người đã từng cho rằng, trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, đất nước ta “ra ngõ gặp anh hùng”. Điều đó là sự biểu hiện cao độ và tập trung trách nhiệm xã hội của cá nhân đối với dân tộc trong những giai đoạn đất nước gặp khó khăn, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi ai cũng thấu hiểu một chân lý tuy giản đơn, nhưng cũng hết sức sâu sắc: “nước mất thì nhà tan”. 

    Nếu trong điều kiện đất nước bị xâm lăng, yêu nước là đứng lên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và hoà bình của dân tộc, thì trong bối cảnh đất nước hoà bình và hội nhập quốc tế như hiện nay, yêu nước chính là phát huy trách nhiệm xã hội của cá nhân tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Theo đó, vấn đề quan trọng hiện nay là, cần phải khai thác truyền thống yêu nước – một giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta vốn luôn tiềm ẩn trong mỗi con người để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội hiện tại của đất nước. Nói cách khác, làm thế nào để khơi nguồn truyền thống ấy nhằm phát huy trách nhiệm xã hội của các cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước giàu đẹp và cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân hiện nay giống như ông cha ta đã phát huy trách nhiệm của mình trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc trước đây. Làm được như vậy cũng có nghĩa là chúng ta tìm ra phương thức hữu hiệu để phát huy sức mạnh của nguồn lực con người – một nguồn lực nội sinh quan trọng trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Như đã nói trên, các thành viên trong xã hội luôn có những vị trí khác nhau: có những người là lãnh đạo và những người dân thường, có những người là cán bộ, công chức nhà nước và những người không thuộc đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, có những người đóng vai trò tổ chức quản lý và có những người giữ vai trò thừa hành, thực hiện,... Tuy nhiên, ở bất kỳ cương vị tnào trong xã hội, mỗi cá nhân đều luôn phải có trách nhiệm xã hội của mình. Về thực chất, trách nhiệm xã hội được hình thành từ quyền và nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội cũng như của xã hội đối với cá nhân. Cơ sở của trách nhiệm chính là lợi ích. Do vậy, việc coi trọng và giải quyết một cách thoả đáng, hợp lý quan hệ lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế giữa các chủ thể (cá nhân, cộng đồng và xã hội) không chỉ tạo nên động lực thúc đẩy các chủ thể trong quá trình thực hiện lợi ích của mình, mà còn làm tăng sự quan tâm của họ tới lợi ích của người khác, của xã hội, nghĩa là gia tăng trách nhiệm xã hội của các chủ thể. Nói cách khác, trách nhiệm xã hội được coi là chìa khoá của sự phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay.

    Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đang từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, cùng với những biện pháp tích cực khác, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào việc tạo nên diện mạo, sắc thái mới của đời sống xã hội, trước hết là trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Với những tiền đề đã có cùng với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới. Nhiều phân tích và đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế đã đưa ra dự báo khá lạc quan rằng, trong năm 2009, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại nhanh nhất thế giới.

    Đương nhiên, để có được kết quả như vậy, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao và phát huy trách nhiệm xã hội của cá nhân các nhà doanh nghiệp, của người lao động. Như chúng ta đã biết, khi đánh giá về những yếu kém của nền kinh tế nước ta sau gần 20 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Nền kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Trong lĩnh vực xã hội, những yếu kém biểu hiện tập trung ở chỗ: Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt; kết quả xoá đói giảm nghèo chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn lớn; khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng rộng; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng; tội phạm và một số tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng...[5]. Không thể cho rằng nguyên nhân của tình trạng đó chỉ là do khách quan, do lỗi của Nhà nước, mặc dù Nhà nước với tư cách người tổ chức, điều hành và quản lý xã hội phải chịu trách nhiệm đáng kể. Nói cách khác, tình trạng trên, ở một mức độ nhất định, có liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân với tư cách chủ thể kinh tế, đồng thời do người dân chưa thực sự phát huy tốt và có hiệu quả quyền làm chủ của mình.

    Công cuộc đổi mới và nhất là việc chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp trước đây sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hợp lý hơn quan hệ lợi ích giữa cá nhân và xã hội. Tại Đại hội lần thứ X, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng tồn tại và phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”[6]. Đây là hệ quan điểm mới, cởi mở, cho phép và tạo điều kiện cho các cá nhân với tư cách chủ thể kinh tế phát huy vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của mình. Xét về phương diện kinh tế, trong điều kiện đã có được các yếu tố thuận lợi như vậy, việc “tăng trưởng kinh tế còn chậm, chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém” tất nhiên có thể còn do nhiều nguyên nhân khách quan khác, nhưng rõ ràng là có phần thuộc về nguyên nhân chủ quan, thuộc về trách nhiệm cá nhân của các chủ thể kinh tế, của người lao động. Chúng ta có thể thấy rõ sự thiếu trách nhiệm của cá nhân trong lĩnh vực này trên nhiều phương diện. Không ít các cá nhân với tư cách chủ thể sản xuất kinh doanh đã tỏ ra vô cảm, né tránh, “nhắm mắt làm ngơ” trước thực trạng môi trường sống ngày càng xấu đi trên diện rộng do vi phạm những yêu cầu bắt buộc về bảo vệ môi trường; gian lận trong sản xuất kinh doanh, làm hàng nhái, hàng giả; nhẫn tâm với quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng khi cung cấp cho thị trường những sản phẩm không chỉ kém chất lượng, mà nguy hại hơn, còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh con người.

    Sự thiếu trách nhiệm của cá nhân không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, mà còn cả trong một số lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Người ta lén lút buôn bán chất ma tuý, hành nghề kinh doanh mại dâm, văn hoá phẩm đồi truỵ... - những thứ có thể làm hỏng cả một thế hệ con người. Trong cuộc sống đời thường, cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hiện tượng, hành vi vô trách nhiệm đối với xã hội: Vi phạm pháp luật, xem thường và coi nhẹ những giá trị đạo đức, đạo lý tốt đẹp,...

    Chúng ta đang tích cực đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực... nhằm hiện thực hoá từng bước vững chắc mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Có thể nói, trong tiến trình đó, việc nâng cao và phát huy trách nhiệm của các cá nhân vì sự phát triển của xã hội là đặc biệt quan trọng.

    Để phát huy trách nhiệm xã hội của các cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng sau:

    Một là, đẩy mạnh sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của nền kinh tế là cơ sở, là nền tảng để giải quyết vấn đề lợi ích. Với đường lối đổi mới kinh tế: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển mọi thành phần kinh tế với nguyên tắc các thành phần kinh tế cùng tồn tại lâu dài và bình đẳng trước pháp luật, khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng..., Đảng và Nhà nước ta đã trao cơ hội phát triển kinh tế cho tất cả mọi người. Thông qua sự phát triển kinh tế, mọi cá nhân có điều kiện thuận lợi để thực hiện lợi ích chính đáng của mình, từ đó kích thích họ nâng cao và phát huy trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng và xã hội.

    Trách nhiệm xã hội bắt nguồn từ lợi ích. Do vậy, để nâng cao và phát huy trách nhiệm xã hội của cá nhân, một mặt, cần phải làm sao cho mọi cá nhân đều có thể cảm nhận và được thụ hưởng một cách công bằng những lợi ích từ sự phát triển chung. Mặt khác, phải tác động vào chính lợi ích của họ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, những cá nhân với tư cách chủ thể kinh tế nếu sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm chất lượng sản phẩm,... sẽ được khuyến khích, khen thưởng và tôn vinh kịp thời. Ngược lại, những cá nhân có biểu hiện vi phạm và làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích của người khác, của cộng đồng hay xã hội đều phải xử lý nghiêm khắc, không phải chỉ là xử phạt mang tính hành chính – thực tế điều này đã tạo nên hiện tượng “nhờn thuốc” đối với các đối tượng cố ý vi phạm, mà phải bằng các biện pháp mạnh và kiên quyết hơn, như xử phạt kinh tế, truy cứu trách nhiệm hình sự,... Nguyên tắc này cần được mở rộng áp dụng cả trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội khác của đời sống xã hội, như an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khoẻ,...

    Hai là, xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân của các cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là với những người đứng đầu, người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Mục tiêu của bộ máy nhà nước là quản lý và tổ chức xã hội, là phục vụ lợi ích của nhân dân. Các cán bộ, công chức, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định rất rõ trước đây, là những “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân, chứ không phải là những “ông quan cách mạng”. Trong tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước, dù là lãnh đạo hay nhân viên, mỗi người đều phải được giao nhiệm vụ, chức trách rõ ràng, cụ thể với những quyền hạn nhất định. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao tức là họ đã không có hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm và phải tự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm cá nhân của người cán bộ nói chung, người lãnh đạo nói riêng là rất quan trọng. Hậu quả do sự thiếu trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm của một người bình thường trong vị trí của mình đã là đáng tiếc, song sẽ tai hại và nguy hiểm hơn nhiều nếu hậu quả đó là do sự thiếu trách nhiệm của người ở cương vị lãnh đạo. Trách nhiệm của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị là rất lớn. Họ chẳng những phải chịu trách nhiệm nếu bản thân có những sai lầm, khuyết điểm, mà còn phải chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của những người dưới quyền trong khi thi hành công vụ. V.I.Lênin đã từng khẳng định rằng, một người lãnh đạo không những phải tự chịu trách nhiệm về cách lãnh đạo của mình, mà còn phải chịu trách nhiệm về hành động của những người dưới quyền nữa. Đặc biệt, đối với các cá nhân được giao trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực thi trách nhiệm của người khác thì càng phải xử lý nghiêm hơn nếu họ có những biểu hiện vi phạm pháp luật hoặc thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ.

    Có thể nói, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay, bởi cùng với sự đổi mới trong các lĩnh vực khác, chúng ta đang đẩy mạnh việc cải cách hành chính công – một hoạt động có liên quan trực tiếp và mật thiết đến lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân, các doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội.

    Ba là, cần phải tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi thành viên, mọi cá nhân trong xã hội. Như trên đã nói, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, chúng ta đã làm tốt và rất có hiệu quả việc giáo dục ý thức trách nhiệm của mọi người dân đối với vận mệnh của đất nước. Chính những hành động tự giác xuất phát từ sự ý thức cao độ về trách nhiệm xã hội của toàn thể nhân dân đã tạo nên sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, góp phần đánh thắng mọi mưu toan xâm lược của các loại kẻ thù, cho dù chúng là những tên đế quốc hung hãn và đầu sỏ nhất. Trong bối cảnh đất nước đã hoàn toàn thống nhất và nhân dân được sống trong hoà bình, hơn nữa lại có những điều kiện quốc tế thuận lợi khác, nhiệm vụ quan trọng nhất và lớn nhất của chúng ta hiện nay là phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Từ vị trí cũng như lĩnh vực làm việc của mình trong xã hội, mọi cá nhân, từ người lãnh đạo đến người dân bình thường, đều phải tích cực tham gia và đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và con người. Đó là phương thức để mỗi người thể hiện trách nhiệm của mình đối với người khác và với xã hội; ngược lại, cũng là phương thức để người khác và xã hội thể hiện trách nhiệm đối với bản thân mỗi cá nhân trong xã hội. Do vậy, việc giáo dục nhằm nâng cao và phát huy trách nhiệm của các cá nhân là một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

    Bốn là, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, xây dựng ý thức pháp luật và ý thức đạo đức cho mọi thành viên trong xã hội. Trách nhiệm phản ánh mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Để phát huy trách nhiệm của cá nhân, cần phải đẩy mạnh thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội. Dân chủ hoá đời sống xã hội không chỉ là một quyền lợi, một đòi hỏi của nhân dân, mà còn là cơ sở, môi trường để nhân dân phát huy trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. Có thể nói, dân chủ hoá đời sống xã hội là cơ chế để mọi cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát việc thực thi trách nhiệm cá nhân của người khác tại cơ quan, đơn vị hoặc địa phương nơi cư trú, sinh sống.

    Để nâng cao trách nhiệm xã hội của cá nhân, không những cần thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội như một cơ chế giám sát, kiểm tra, mà còn rất cần đến công cụ để xử lý nghiêm khắc những hành vi thiếu trách nhiệm, đó là hệ thống quy phạm, điều khoản pháp luật cụ thể và rõ ràng. Chúng ta đang khuyến khích và kêu gọi mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực, thành văn hoá sống của xã hội hiện đại khi có một hệ thống pháp luật hoàn thiện và đủ mạnh, đặc biệt là mọi công dân đều có ý thức pháp luật cao.

    Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, pháp luật không thể vươn tới hết mọi ngõ ngách của đời sống xã hội vốn rất đa dạng, phong phú, phức tạp và luôn vận động, biến đổi không ngừng. Những điều khoản, khung hình phạt không thể bao quát hết mọi hành vi của con nguời. Đây có thể là phạm vi mà để kiểm soát được không thể chỉ dựa vào công cụ hệ thống pháp luật; trái lại, phải cần đến vai trò của đạo đức. Không thể khép tội hay xử phạt bằng công cụ pháp luật đối với một cá nhân nào đó không làm từ thiện, không cứu giúp người nghèo, vô cảm trước sự bất hạnh hay thiệt thòi của người khác, dù hành vi ấy là một biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm. Ở đây, rõ ràng chỉ có thể dựa vào đạo đức để đánh thức lương tâm của họ đối với đồng loại. Theo đó, ngoài việc xây dựng ý thức pháp luật, để nâng cao và phát huy trách nhiệm của cá nhân nhằm làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, ngày càng nhân văn hơn, còn cần phải tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho con người. Những giá trị đạo đức nhân văn sẽ bù khuyết, “sưởi ấm” quan hệ giữa con người với con người vốn có thể bị mặt trái của cơ chế thị trường làm cho “nguội lạnh” hay trở thành một cái gì đó xơ cứng.

    Trách nhiệm xã hội nói chung và trách nhiệm xã hội của cá nhân nói riêng là một giá trị văn hoá. Sự nâng cao và phát triển trách nhiệm xã hội của cá nhân là một trong những nhân tố quan trọng góp phần xác lập và bảo vệ lợi ích xã hội. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xét về phương diện kinh tế, Việt Nam đã và đang xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân có thể phát huy một cách cao nhất và hiệu quả nhất trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, kinh tế thị trường, như người ta thường so sánh, là “con dao hai lưỡi”, nghĩa là ngoài những mặt tích cực không thể phủ nhận, nó cũng có những khiếm khuyết, hạn chế nhất định. Chính những mặt trái của kinh tế thị trường sẽ là một thách thức không nhỏ đối với việc phát huy trách nhiệm xã hội của cá nhân. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn luôn tin tưởng rằng, với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như chủ trương của Đảng khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ngày càng rộng rãi vào các hoạt động kinh tế, chính trị và văn hoá, xã hội của đất nước, mọi cá nhân với tư cách công dân của nước Việt Nam sẽ có nhiều hơn những cơ hội để thực thi trách nhiệm xã hội của mình, biến nó thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” giống như trước đây, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, ông cha ta đã thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của mình để bảo toàn và phát triển đất nước. 

     

      bởi Tuyền Khúc 25/11/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON