YOMEDIA
NONE

Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 26: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Trung Quốc


Hãy cùng HOC247 tìm hiểu các kiến thức về phạm vi lãnh thổ, vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm dân cư, xã hội của Trung Quốc qua nội dung của Bài 26: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Trung Quốc trong chương trình SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức. Mời các em cùng tham khảo!

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lí

- Phạm vi lãnh thổ:

+ Trung Quốc có diện tích khoảng 9,6 triệu km2.

+ Lãnh thổ Trung Quốc (phần đất liền) trải dài theo chiều vĩ tuyến từ khoảng vĩ độ 20°B đến vĩ độ 53°B, theo chiều kinh tuyến từ khoảng kinh độ 73°Đ đến kinh độ 135°Đ.

+ Trung Quốc có vùng biển rộng lớn thuộc các biển Hoàng Hải, Hoa Đông… thuộc Thái Bình Dương và các đảo, quần đảo.

 

- Vị trí địa lí:

+ Nằm ở khu vực Đông Á.

+ Tiếp giáp với 14 quốc gia ở phía bắc, phía tây và phía nam; phía đông giáp biển.

 

- Ảnh hưởng:

+ Đất nước rộng lớn, thiên nhiên có sự phân hóa giữa các vùng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú tạo điều kiện để Trung Quốc phát triển một nền kinh tế đa dạng.

+ Tiếp giáp với nhiều quốc gia, vùng biển rộng lớn đã tạo thuận lợi cho việc giao lưu, liên kết kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, các nước trên thế giới và phát triển nhiều ngành kinh tế biển.

+ Phần lớn đường biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các nước có địa hình núi cao, hiểm trở, khó khăn cho việc giao thương.

Bản đồ tự nhiên Trung Quốc

Hình 1. Bản đồ tự nhiên Trung Quốc

1.2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Điều kiện tự nhiên đa dạng và tài nguyên thiên nhiên phong phú.

- Thiên nhiên Trung Quốc có sự khác biệt giữa miền Đông và miền Tây; kinh tuyến 105°Đ là ranh giới giữa hai miền.

1.2.1. Địa hình và đất

Địa hình rất đa dạng; trong đó núi, sơn nguyên, cao nguyên chiếm hơn 70% diện tích lãnh thổ. Trên lục địa, địa hình thấp dần từ tây sang đông, tạo ra hai miền địa hình khác nhau.

- Miền đôngđịa hình chủ yếu là đồng bằng và đồi núi thấp.

+ Các đồng bằng châu thổ: Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung và Hoa Nam có đất phù sa màu mỡ, là những vùng nông nghiệp trù phú, dân cư tập trung đông đúc.

+ Phía đông nam có địa hình đồi núi thấp, độ cao trung bình dưới 400 m, chủ yếu là đất feralit, thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới và cận nhiệt.

- Miền Tây:

+ Là nơi tập trung nhiều dãy núi cao, đồ sộ (Hi-ma-lay-a, Côn Luân, Thiên Sơn,...), cao nguyên (Tây Tạng, Vân Quý,...),bồn địa (Ta-rim, Duy Ngô Nhĩ, Tuốc-phan,..) và hoang mạc (Tác-la Ma-can, Gô-bi,...).

+ Địa hình hiểm trở và chia cắt mạnh;

+ Loại đất phổ biến là: đất xám hoang mạc và bán hoang mạc nghèo dinh dưỡng, khô cằn.

=> Không thuận lợi cho sản xuất, một số nơi có thể trồng rừng và trên các cao nguyên có thể phát triển đồng cỏ chăn nuôi gia súc.

Cao nguyên Tây Tạng

Hình 2. Cao nguyên Tây Tạng

1.2.2. Khí hậu

- Phần lớn lãnh thổ Trung Quốc có khí hậu ôn đới, phần phía nam có khí hậu cận nhiệt.

- Do lãnh thổ rộng lớn, địa hình phức tạp nên khí hậu có sự phân hóa đa dạng theo chiều đông - tây, bắc - nam và theo độ cao.

+ Miền Đông có khí hậu gió mùa: Mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông lạnh và khô; lượng mưa trung bình từ 750 mm đến 2.000 mm/năm. Từ nam lên bắc, khí hậu chuyển từ cận nhiệt đới gió mùa sang ôn đới gió mùa, nhiệt độ và lượng mưa cũng thay đổi (phía nam có nhiệt độ và lượng mưa cao hơn phía bắc).

=> Nhìn chung, miền Đông có khí hậu ôn hoà, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và cư trú, song mưa tập trung vào mùa hạ gây lũ lụt ở hạ lưu một số sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

+ Miền Tây có khí hậu ôn đới lục địa khắc nghiệt: Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm và giữa các mùa khá lớn; Lượng mưa trung bình năm chỉ khoảng 250 mm (một số nơi có lượng mưa dưới 100 mm/ năm) nên nhiều nơi hình thành hoang mạc.

=> Khí hậu khắc nghiệt của miền Tây là một trong số những nguyên nhân khiến cho khu vực này dân cư thưa thớt.

+ Ở các vùng núi và cao nguyên cao ở miền Tây có kiểu khí hậu núi cao, càng lên cao càng lạnh.

1.2.3. Sông, hồ

- Sông ngòi:

+ Trung Quốc có hàng nghìn con sông lớn nhỏ. Các sông lớn nhất là: Hoàng Hà, Trường Giang, Hắc Long Giang, Châu Giang….

+ Đa số các sông đều bắt nguồn từ vùng núi phía tây và chảy ra các biển ở phía đông.

+ Ở miền Tây, sông có dòng chảy mạnh, giàu tiềm năng thuỷ điện.

+ Ở miền Đông, sông có giá trị cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, giao thông đường thuỷ; tuy nhiên, vào mùa hạ mực nước sông dâng cao gây lũ lụt cho nhiều vùng đất rộng lớn ở hạ lưu.

Sông Hoàng Hà

Hình 3. Sông Hoàng Hà 

- Hồ: Một số hồ lớn như: Động Đình, Phiên Dương.... là những hồ chứa nước ngọt quan trọng, có giá trị về thuỷ lợi và du lịch. Các hồ nước mặn như Thanh Hải, Nam-so,... thích hợp phát triển du lịch.

1.2.4. Sinh vật

- Hệ thực vật đa dạng phong phú và có sự phân hóa theo chiều bắc - nam và đông - tây.

+ Rừng tự nhiên tập trung phần lớn ở khu vực khí hậu gió mùa miền Đông, từ nam lên bắc là rừng nhiệt đới, rừng lá rộng và rừng lá kim.

+ Miền Tây chủ yếu là hoang mạc, bán hoang mạc và thảo nguyên, riêng vùng phía nam của cao nguyên Tây Tạng có rừng lá kim phát triển trong các thung lũng.

+ Rừng cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Trung Quốc; thảo nguyên ở miền Tây với diện tích lên tới hàng trăm triệu ha, được sử dụng để chăn nuôi gia súc.

- Hệ động vật cũng rất phong phú, trong đó có hơn 100 loài đặc hữu và quý hiếm, có giá trị lớn về nguồn gen, như gấu trúc, bò lắc (bò Tây Tạng), cá sấu,...

Bò Lắc Tây Tạng

Hình 4. Bò Lắc (Bò Tây Tạng)

1.2.5. Khoáng sản

- Trung Quốc có gần 150 loại khoáng sản, trong trong đó nhiều loại có giá trị kinh tế cao tạo điều kiện để phát triển nhiều ngành công nghiệp.

- Khoáng sản năng lượng: Than có trữ lượng hơn 143 tỉ tấn (hơn 13% của thế giới), tập trung nhiều ở Đông Bắc, Hoa Bắc, Tây Bắc. Dầu mỏ và khí tự nhiên được tìm thấy ở nhiều nơi như Đông Bắc, Hoa Nam, bồn địa Tứ Xuyên,...

- Khoáng sản kim loại:

+ Kim loại đen có sắt, man-gan,... với trữ lượng khá lớn, phân bố rải rác trên khắp lãnh thổ.

+ Kim loại màu có đồng, thiếc, bô-xít,.. với trữ lượng lớn hàng đầu thế giới, chủ yếu tập trung ở phía đông nam của đất nước.

+ Có trữ lượng đất hiếm, đứng đầu thế giới (44 triệu tấn), là nguyên liệu đặc biệt quan trọng trong các ngành công nghệ cao.

- Khoáng sản phi kim loại: có trữ lượng lớn như: phốt pho, lưu huỳnh, muối mỏ, ...

1.2.6. Biển

- Trung Quốc giàu tài nguyên biển:

+ Trữ lượng dầu mỏ, khí tự nhiên lớn, các mỏ dầu lớn nằm ở vùng bờ biển và thềm lục địa của Hoảng Hải, các mỏ khí tự nhiên lớn nằm ở biển Hoa Đông và gần đảo Hải Nam.

+ Các vùng biển có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao, tạo thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.

+ Ven biển có nhiều vũng vịnh, thuận lợi để xây dựng các cảng biển, phát triển giao thông vận tải biển. Một số vùng biển, đảo có tiềm năng phát triển du lịch.

Đảo Hải Nam Trung Quốc

Hình 5. Đảo Hải Nam Trung Quốc

1.3. Dân cư và xã hội

Bản đồ phân bố dân cư ở Trung Quốc

Hình 6. Bản đồ phân bố dân cư Trung Quốc năm 2020

1.3.1. Dân cư

- Quy mô dân số: là nước đông dân nhất thế giới. Năm 2020, số dân Trung Quốc là hơn 1,4 tỉ người, chiếm hơn 18% số dân thế giới.

- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên: đang có chiều hướng giảm dần nên số dân tăng thêm hằng năm cũng giảm dần.

- Cơ cấu dân số:

+ Trung Quốc đang trong thời kì cơ cấu dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao. Tuy vậy, dân số Trung Quốc đang có xu hướng già hoá.

+ Cơ cấu giới tính ở Trung Quốc có sự chênh lệch khá lớn. Năm 2020, tỉ lệ nam là 51,3%, tỉ lệ nữ là 48,7% trong tổng số dân.

- Thành phần dân cư: Trung Quốc là quốc gia đa dân tộc (hơn 56 dân tộc). Người Hán chiếm hơn 90% dân số. Các dân tộc khác (Choang, Ui-gua, Tạng, Hồi, Mông Cổ,...) sống tập trung tại các khu tự trị ở vùng núi và biên giới.

- Mật độ dân số: mật độ dân số khá cao (khoảng 150 người/km2 năm 2020), song phân bố rất không đều. Dân cư tập trung đông đúc ở khu vực phía đông (khoảng 90% dân cư). Khu vực phía tây dân cư thưa thớt.

- Vấn đề đô thị hóa:

+ Đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh, tỉ lệ dân thành thị là 61,0% năm 2020).

+ Có nhiều thành phố quy mô dân số trên 10 triệu người như: Thượng Hải, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Châu, Thiên Tân,...

Một góc thành phố Trùng Khánh

Hình 7. Một góc thành phố Trùng Khánh

1.3.2. Xã hội

- Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới. Trung Quốc có nền văn hóa phong phú với nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật, các tác phẩm văn học, hội hoạ,... nổi tiếng có giá trị. Đây là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện. Năm 2020, Trung Quốc có HDI ở mức cao (0,764), GNI/người đạt 10530 USD.

Bảng. Tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên của Trung Quốc năm 2000 và năm 2020

Tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên của Trung Quốc năm 2000 và năm 2020

(Nguồn: Liên hợp quốc, 2022)

- Giáo dục ở Trung Quốc được chú trọng nên chất lượng nguồn lao động cũng dẫn được cải thiện. Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và nguồn nhân lực dổi dào, ngày càng có chất lượng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc.

- Công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân được đẩy mạnh, hiện có khoảng hơn 1,3 tỉ dân có bảo hiểm y tế.

- Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu, làm thay đổi tình hình kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền (miền Đông và miền Tây, vùng nông thôn và thành thị) có sự chênh lệch.

Bài tập minh họa

Bài 1: Phân tích ảnh hưởng của phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc?

 

Hướng dẫn giải

- Diện tích rộng, tiếp giáp với nhiều quốc gia nhưng phần lớn đường biên giới trên đất liền với các nước có địa hình núi cao hiểm trở, khó khăn cho việc giao thương.

- Trung Quốc có vùng biển rộng lớn thuộc Thái Bình Dương và các đảo, quần đảo, tạo thuận lợi cho việc giao lưu, liên kết kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, các nước trên thế giới và phát triển nhiều ngành kinh tế trọng điểm.

- Đất nước rộng lớn, thiên nhiên có sự phân hóa giữa các vùng tạo nên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, tạo điều kiện để phát triển một nền kinh tế đa dạng.

 

Bài 2: Nêu các đặc điểm xã hội của Trung Quốc?

 

Hướng dẫn giải

- Là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới, nền văn hóa phong phú.

- Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng cải thiện.

- Chú trọng giáo dục, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, nguồn nhân lực dồi dào ngày càng có chất lượng.

- Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được đẩy mạnh

- Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng vẫn có sự chênh lệch.

Luyện tập Bài 26 Địa lí 11 Kết nối tri thức

Học xong bài này các em cần biết:

- Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ, đặc điểm tự nhiên và tà nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội.

- Phân tích được tác động của các đặc điểm dân cư, xã hội tới phát triển kinh tế. xã hội.

- Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

- Khai thác, chọn lọc được các tư liệu từ các nguồn khác nhau về địa lí Trung Quốc.

3.1. Trắc nghiệm Bài 26 Địa lí 11 Kết nối tri thức

Các em có thể hệ thống lại nội dung kiến thức đã học được thông qua bài kiểm tra Trắc nghiệm Địa lí 11 Kết nối tri thức Phần 2 Bài 26 cực hay có đáp án và lời giải chi tiết. 

Câu 4-10: Mời các em đăng nhập xem tiếp nội dung và thi thử Online để củng cố kiến thức về bài học này nhé!

3.2. Bài tập SGK Bài 26 Địa lí 11 Kết nối tri thức

Các em có thể xem thêm phần hướng dẫn Giải bài tập Địa lí 11 Kết nối tri thức Phần 2 Bài 26 để giúp các em nắm vững bài học và các phương pháp giải bài tập.

Mở đầu trang 131 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Giải Câu hỏi trang 131 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Giải Câu hỏi trang 135 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Giải Câu hỏi trang 137 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Giải Câu hỏi trang 138 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Luyện tập 1 trang 138 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Luyện tập 2 trang 138 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Vận dụng trang 138 SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức - KNTT

Hỏi đáp Bài 26 Địa lí 11 Kết nối tri thức

Trong quá trình học tập nếu có thắc mắc hay cần trợ giúp gì thì các em hãy comment ở mục Hỏi đáp, Cộng đồng Địa lí HOC247 sẽ hỗ trợ cho các em một cách nhanh chóng!

Chúc các em học tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!

-- Mod Địa Lý 11 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF