-
Câu 1:
Mã câu hỏi: 61539
Phần 1: Đọc - Hiểu: (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng như bạn đang nhắm mắt chạy trên đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kĩ năng đã được trao dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.
(Tuoitre.vn- Xây dựng bản lĩnh cá nhân)
-
Câu 2:
Mã câu hỏi: 61541
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Xem đáp án
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
-
Câu 3:
Mã câu hỏi: 61543
Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh?
Xem đáp án
Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.
-
Câu 4:
Mã câu hỏi: 61544
Theo anh/ chị, cần làm gì để rèn luyện bản lĩnh sống?
Xem đáp án
- Cần làm gì để rèn luyện bản lĩnh sống:
- Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
- Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực…
- Phải trau dồi tri thưc, kinh nghiệm, kĩ năng…
- Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề, …
- ……………….
- ( Học sinh chỉ cần nêu được 4 ý, mỗi ý 0,25 điểm. Có thể không trùng với đáp án nhưng có lí là chấp nhận được)
-
Câu 5:
Mã câu hỏi: 61546
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
(2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.
Xem đáp án
- Yêu cầu về kỹ năng
- Biết cách viết một đoạn nghị luận xã hội, làm nổi bật yêu cầu đề ra. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
- Học sinh có thể nêu ý kiến riêng, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chân thành, thiết thực, hợp lí, chặt chẽ và thuyết phục. Bài viết cần nêu được các ý chính sau:
- Giải thích
- Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt được điều mình mong muốn.
- Bàn luận
- Vì sao tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh?
- Sống có bản lĩnh giúp bản thân tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra mục tiêu và dám thực hiện chúng.
- Người có bản lĩnh dám thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của bản thân và tiếp thu những cái mới, cái hay…
- Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và ý thức được điều cần phải làm.
- Đối với học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau.
- Cương quyết không mở tài liệu.
- Dám đứng lên để nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ;
- Dám nhận sai lầm và tự sửa chữa sai lầm…
- Bài học nhận thức và hành động
- Không phải ai sinh ra cũng có ngay bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua khó khăn, thử thách…
- Bằng sự can đảm, học từ thất bại, đứng dậy từ vấp ngã,… mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường…
-
Câu 6:
Mã câu hỏi: 61547
(5.0 điểm)
…“ Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình vừa có cái gì thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đĩa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong dưới góc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân. Tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”.
(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, trang 30, NXB GD 2008)
Cảm nhận của anh/chị về sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó liên hệ với sự thay đổi của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao) để thấy được tấm lòng của các nhà văn dành cho những người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Xem đáp án
- Yêu cầu về kỹ năng
- Biết cách làm bài nghị luận văn học, làm nổi bật nội dung đề ra. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
- Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Kim Lân và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm, học sinh phải phân tích được tâm trạng của nhân vật Tràng từ khi có vợ. Từ đó liên hệ đến tâm trạng nhân vật Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở. Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ các ý chính sau:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.
- Về nhân vật Tràng:
- Chân dung, lai lịch: Xấu xí, thô kệch, ngờ nghệch, nghèo…. sống cùng với mẹ già ở xóm ngụ cư… Hội tụ đầy đủ các yếu tố bất lợi để có thể lấy được vợ.
- Sự kiện mang tính bước ngoặt của cuộc đời Tràng: Vài câu nói đùa, bốn bát bánh đúc, Tràng nhặt được vợ.
- Phân tích sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích:
- Ngỡ ngàng trước hạnh phúc mình đang có; nhận thấy cảnh tượng xung quanh thay đổi mới mẻ, khác lạ. Không khí gia đình đã thức dậy trong Tràng nhiều cảm xúc: thấm thía, cảm động, yêu thương, gắn bó, phấn chấn trong lòng…
- Hạnh phúc gia đình đã khơi dậy ý thức và bổn phận của người đàn ông trong gia đình: hắn thấy có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này.
- Hạnh phúc gia đình đã làm cho Tràng sống tốt hơn từ suy nghĩ, nhận thức và cả hành động. Quên đi cuộc sống tăm tối, đói khát trước mắt để hướng về những điều tốt đẹp nhất.
- Tình yêu thương và mái ấm gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của mỗi con người. Đây chính là thông điệp nhà văn Kim Lân muốn gửi đến độc giả.
- Nghệ thuật: Khả năng khám phá và phân tích diễn biến tâm lí nhân vật tài tình; sử dụng ngôn ngữ người nông dân rất tự nhiên; đưa ngôn ngữ đời sống của người nông dân vào trang văn. Vì vậy nhân vật hiện lên sống động.
- Liên hệ với sự thay đổi của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp thị Nở
- Giới thiệu ngắn gọn về Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo.
- Về nhân vật Chí Phèo
- Lai lịch: con hoang, bị bỏ rơi, sống trong sự cưu mang của những người nông dân. Lớn lên làm thuê cuốc mướn, sống lương thiện, hiền lành… Chỉ vì cơn nghen vô cớ mà Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù, sau đó trở thành thằng lưu manh.
- Sự thay đổi của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở
- Cảm nhận được âm thanh cuộc sống; cảm thấy buồn, sợ cô độc, muốn làm hòa với mọi người…
- Sau khi ăn bát cháo hành của Thị, Chí vô cùng cảm động đến rơi nước mắt, khao khát có gia đình
- Khát vọng hoàn lương.
- Chính cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở đã đưa Chí khỏi những cơn say triền miên. Sự quan tâm, chăm sóc của Thị đã đánh thức phần người trong Chí mà lâu nay đã bị xã hội cướp mất.
- Tình người có thể thức tỉnh, cảm hóa và đưa con người ra khỏi cuộc sống tội lỗi, hướng đến những điều tốt đẹp nhất.
- Tấm lòng của các nhà văn dành cho người nông dân trước Cách mạng tháng Tám
- Yêu thương, cảm thông, chia sẻ…
- Trân trọng phẩm chất tốt đẹp của họ.
- Tuy nhiên mỗi nhân vật lại có chiều hướng phát triển số phận theo các cách khác nhau. Tràng là dấu hiệu của sự đổi đời còn Chí Phèo lại đi vào ngõ cụt của sự tuyệt vọng, bi kịch.
- Đánh giá chung:
- Mỗi nhà văn có cái nhìn và cách viết về người nông dân trong từng hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đề cao tình yêu thương giữa người với người, đề cao ý nghĩa của hạnh phúc gia đình. Tính nhân văn này đã làm nên giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- Thang điểm
- Điểm 5: Bài viết đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cơ bản từ các ý đề nghị ở trên. Kết cấu khá chặt chẽ. Hành văn lưu loát, có sức thuyết phục. Mắc vài lỗi diễn đạt nhỏ.
- Điểm 3, 4: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu cơ bản từ các ý đề nghị ở trên. Kết cấu bài viết tương đối chặt chẽ. Hành văn khá, trong sáng. Mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 1, 2: Đáp ứng được một phần ba những yêu cầu cơ bản từ các ý đề nghị ở trên. Kết cấu chưa chặt chẽ. Hành văn chưa rõ ràng. Mắc nhiều lỗi diễn đạt. (Có thể thiếu phần kết bài).
- Điểm 0: Bài lạc đề, bỏ giấy trắng hoặc viết, vẽ bậy.