Hướng dẫn soạn văn Chuyện người con gái Nam Xương, chương trình học kì 1 - lớp 9, được Học247 tổng hợp nhằm giúp các em trả lời tốt tất các câu hỏi và hiểu hơn về tác phẩm cũng như những tư tưởng của tác giả trong văn bản.
1. Tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương
Chuyện người con gái Nam Xương kể về cuộc đời và cái chết thương tâm của nàng Vũ Nương. Vũ Nương, quê Nam Xương, vừa đẹp người vừa đẹp nết, nàng được gả cho Trương Sinh, một người vốn có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Khi Trương Sinh đi lính, ở nhà, Vũ Nương hết lòng chăm lo cho mẹ chồng, con thơ và cáng đáng chuyện gia đình. Những ngày ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản. Khi Trương Sinh trở về vì nghe lời ngây thơ của con trẻ, lại đa nghi, đã nghi oan cho Vũ Nương. Vũ Nương vì không thể giải thích cho chồng hiểu nên đã nhảy xuống sông tự vẫn để chứng minh sự chung thủy của mình với chồng. Nàng được Linh Phi cứu và sống tiếp đời mình ở thủy cung. Đến khi gặp được Phan Lang, là người cùng làng, nàng đã kể cho Phan Lang nghe và gửi lời cho chồng lập đàn giải oan cho vợ. Nhưng việc lập đàn giải oan ấy cũng chỉ giúp hình bóng của Vũ Nương hiện lên chốc lát rồi loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất, nàng vĩnh viễn sống ở thủy cung, không thể quay lại nhân gian.
2. Hướng dẫn soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương
Câu 1: Bố cục của tác phẩm?
- Đoạn 1: (Từ đầu đến “cha mẹ đẻ mình”): Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh, phẩm hạnh của Vũ Nương trong thời gian xa cách.
- Đoạn 2: (“Qua năm sau…trót đã qua rồi”): Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương
- Đoạn 3: (Còn lại): Vũ Nương được giải oan.
Câu 2: Để khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương, tác giả đã đặt nhân vật này vào những hoàn cảnh khác nhau như thế nào?
- Đặt nhân vật vào mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống hàng ngày: nàng không để xảy ra bất kì mối bất hòa nào.
- Đặt nhân vật vào tình huống chia li (tiễn chồng đi lính): nàng bày tỏ sự thương nhớ và chỉ mong chồng trở về bình yên.
- Khi chồng vắng nhà: nàng là một người thủy chung, một người mẹ hiền, dâu thảo, ân cần chăm sóc và lo lễ ma chay khi mẹ chồng mất.
- Khi bị chồng nghi oan: nàng cố giải thích nhưng không được, đến bước đường cùng nàng đã chọn tự vẫn để bảo toàn sự trong trắng và danh dự của mình.
⇒ Luôn hiện lên là một phụ nữ hiền thục, thủy chung với chồng, có hiếu với cha mẹ, thương con cái, đặc biệt nàng là người phụ nữ coi trọng danh dự, phẩm hạnh.
Câu 3: Nguyên nhân khiến cho Vũ Nương vướng nỗi oan khuất?
- Nguyên nhân trực tiếp: do Trương Sinh quá đa nghi, hay ghen, gia trưởng và độc đoán nên chịu nghe lời giải thích của Vũ Nương.
- Nguyên nhân gián tiếp: do chế độ phong kiến luôn gây ra bao bất công cho thân phận người phụ nữ.
Câu 4: Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện tạo sự kịch tính và lôi cuốn?
- Từ những chi tiết hé mở, chuẩn bị thắt nút cho đến khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm đã tạo nên sự hấp dẫn, sinh động cho câu chuyện.
- Những đoạn độc thoại và đối thoại được sắp xếp rất đúng chỗ làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần khắc họa tâm lí nhân vật, tính cách nhân vật.
Câu 5: Những yếu tố truyền kì trong truyện?
- Chuyện nằm mộng của Phan Lang
- Chuyện Phan Lang và Vũ Nương dưới động rùa của Linh Phi
- Chuyện lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về ngồi trên kiệu hoa, cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện, rồi biến mất.
⇒ Tác giả đã sử dụng cách đưa yếu tố thần kì vào câu chuyện kết hợp với các yếu tố tả thực để tạo hiệu quả nghệ thuật về tính chân thực của truyện.Đồng thời, tác giả muốn tạo cơ sở để minh oan cho Vũ Nương, khẳng định lòng trong trắng của nàng. Qua đó, tạo ra một thế giưới với khát vọng của nhân dân về sự công bằng, “ở hiền gặp lành”.
Trên đây là bài Hướng dẫn soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương tóm tắt. Đồng thời để giúp các em hệ thống lại toàn bộ hệ thống kiến thức về văn bản Chuyện người con gái Nam Xương, các em có thể tìm hiểu thêm tại đây: Bài giảng Chuyện người con gái Nam Xương.
---Mod Ngữ văn biên tập và tổng hợp---
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm