Để giúp các em học sinh học tập thật tốt, HOC247 xin giới thiệu nội dung Phương pháp giải bài tập tính theo phương trình hóa học môn Hóa học 8 bên dưới đây. Tài liệu gồm lý thuyết và các bài tập có phương pháp và hướng dẫn giải chi tiết, rõ ràng, sẽ giúp các em ôn tập lại kiến thức, củng cố kĩ năng làm bài hiệu quả. Mời các em cùng tham khảo.
PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP TÍNH THEO PHƯƠNG TRÌNH HÓA HỌC
I. Lý thuyết & phương pháp giải
1. Tính khối lượng chất tham gia và chất sản phẩm
* Các bước giải:
Bước 1: Chuyển đổi số liệu đầu bài sang số mol.
- Bài cho khối lượng: n = m/M (mol)
- Bài cho thể tích khí ở điều kiện tiêu chuẩn: n = V/22,4 (mol)
Bước 2: Lập phương trình hoá học.
Bước 3: Dựa vào số mol chất đã biết để tính số mol chất cần tìm theo Phương trình hóa học.
Bước 4: Tính khối lượng các chất cần tìm theo công thức: m = n . M
* Nếu phản ứng đã biết khối lượng của (n – 1) chất, cần tính khối lượng của 1 chất còn lại, ta có thể sử dụng định luật bảo toàn khối lượng
2. Tính thể tích khí tham gia và tạo thành
* Các bước giải:
Bước 1: Chuyển đổi số liệu đầu bài sang số mol.
- Bài cho khối lượng: n = m/M (mol)
- Bài cho thể tích khí ở điều kiện tiêu chuẩn: n = V/22,4(mol)
Bước 2: Viết Phương trình hóa học
Bước 3: Dựa vào phương trình phản ứng để tính số mol chất tham gia hoặc sản phẩm
Bước 4: Áp dụng công thức tính toán theo yêu cầu đề bài
V = n. 22,4 (lít) đối với khí đo ở điều kiện tiêu chuẩn
II. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: Đốt cháy hoàn toàn 13 gam Zn trong khí oxi thu được ZnO.
a) Lập phương trình hóa học của phản ứng.
b) Tính khối lượng ZnO thu được?
Hướng dẫn giải:
a) Phương trình hóa học: 2Zn + O2 → 2ZnO
b) Số mol Zn tham gia phản ứng là: nZn = 13/65 = 0,2 mol
Phương trình hóa học: 2Zn + O2 → 2ZnO
Theo phương trình hóa học ta có:
2 mol Zn tham gia phản ứng thu được 2 mol ZnO
Vậy 0,2 mol Zn tham gia phản ứng thu được 0,2 mol ZnO
Khối lượng ZnO thu được là: mZnO = nZnO. MZnO = 0,2.(65+16) = 16,2 gam.
Ví dụ 2: Cacbon cháy trong khí oxi sinh ra khí cacbon đioxit (CO2). Tính thể tích khí CO2 (đktc) sinh ra, nếu có 8 gam khí O2 tham gia phản ứng.
Hướng dẫn giải:
Số mol O2 tham gia phản ứng là: nO2 = 8/32 = 0,25 mol
Phương trình hóa học: C + O2 → CO2
Theo phương trính hóa học ta có:
1 mol O2 tham gia phản ứng thu được 1 mol CO2
Vậy 0,25 mol O2 tham gia phản ứng thu được 0,25 mol CO2
Thể tích khí CO2 (đktc) sinh ra sau phản ứng là:
VCO2 = 22,4. nCO2 = 22,4.0,25 = 5,6 lít
Ví dụ 3: Đốt cháy hoàn toàn 27 gam Al trong khí oxi thu được Al2O3. Tính thể tích khí oxi (đktc) đã dùng trong phản ứng.
Hướng dẫn giải:
Số mol Al tham gia phản ứng là: nAl = 27/27 = 1 mol
Phương trình hóa học: 4Al + 3O2 → 2Al2O3
Theo phương trình hóa học: Đốt cháy 4 mol Al cần 3 mol O2
Vậy đốt cháy 1 mol Al cần 0,75 mol O2
Thể tích khí oxi (đktc) đã dùng trong phản ứng:
VO2 = 22,4.nO2 = 22,4.0,75 = 16,8 lít
III. Bài tập vận dụng
Câu 1: Cho phương trình CaCO3 → CO2 ↑+ CaO
Nếu có 3,5 mol CaCO3 tham gia phản ứng sẽ sinh ra bao nhiêu lít CO2 (đktc)?
A. 7,84 lít.
B. 78,4 lít.
C. 15,68 lít.
D. 156,8 lít.
Đáp án
Đáp án B
Phương trình hóa học:
CaCO3 → CO2↑ + CaO
1 → 1 mol
3,5 → 3,5 mol
Theo phương trình: nCO2 = nCaCO3 = 3,5 mol
Thể tích khí CO2 thu được là:
VCO2 = 22,4 . nCO2 = 22,4 . 3,5 = 78,4 lít
Câu 2: Lưu huỳnh S cháy trong không khí sinh ra chất khí mùi hắc, gây ho, đó là khí lưu huỳnh đioxit có công thức hóa học là SO2. Biết khối lượng lưu huỳnh tham gia phản ứng là 1,6 gam. Tính khối lượng khí lưu huỳnh đioxit sinh ra.
A. 1,6 gam.
B. 3,2 gam.
C. 4,8 gam.
D. 6,4 gam.
Đáp án
Đáp án B
Số mol S tham gia phản ứng là: nS = 1,6/32 = 0,05 mol
Phương trình hóa học:
S + O2 → SO2
1 → 1 mol
0,05 → 0,05 (mol)
Theo phương trình hóa học, ta có: nSO2 = nS = 0,05 mol
Khối lượng khí lưu huỳnh đioxit sinh ra là:
mSO2 = nSO2. MSO2 = 0,05.64 = 3,2 gam
Câu 3: Để đốt cháy hoàn toàn a gam Al cần dùng hết 19,2 gam oxi. Phản ứng kết thúc thu được sản phẩm là Al2O3. Giá trị của a là:
A. 21,6 gam
B. 16,2 gam
C. 18,0 gam
D. 27,0 gam
Đáp án
Đáp án A
Số mol O2 tham gia phản ứng là: nO2 = 19,2/32 = 0,6 mol
Phương trình hóa học:
4Al + 3O2 → 2Al2O3
4 ← 3 mol
0,8 ← 0,6 (mol)
Theo phương trình: nAl = 0,6.4/3 = 0,8 mol
=> khối lượng Al phản ứng là: mAl = nAl.MAl = 0,8.27 = 21,6 gam
Câu 4: Tính thể tích của oxi (đktc) cần dùng để đốt cháy hết 3,1 gam P, biết phản ứng sinh ra chất rắn P2O5.
A. 1,4 lít.
B. 2,24 lít.
C. 3,36 lít.
D. 2,8 lít.
Đáp án
Đáp án D
Số mol P tham gia phản ứng là: nP = 3,1/31 = 0,1 mol
Phương trình hóa học:
4P + 5O2 → 2P2O5
4 → 5 mol
0,1 → 0,125 (mol)
Theo phương trình: nO2 = 0,1.5/4 = 0,125 mol
Thể tích của oxi (đktc) cần dùng là:
VO2 = 22,4.nO2 = 22,4 . 0,125 = 2,8 lít
Câu 5: Đốt cháy hoàn toàn 1,12 lít khí CH4 (đktc) cần dùng V lít khí O2 (đktc), sau phản ứng thu được sản phẩm là khí cacbonic (CO2) và nước (H2O). Giá trị của V là:
A. 2,24 lít
B. 1,12 lít
C. 3,36 lít
D. 4,48 lít
---(Để xem nội dung đầy đủ của tài liệu các em vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là trích dẫn một phần nội dung tài liệu Phương pháp giải bài tập tính theo phương trình hóa học môn Hóa học 8. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các tài liệu cùng chuyên mục:
- Dạng bài tập xác định công thức hóa học hợp chất khi biết thành phần môn Hóa học 8
- Phương pháp giải bài tập tính thành phần phần trăm theo khối lượng môn Hóa học 8
Chúc các em học tốt!