HOC 247 xin chia sẻ đến các em Đề tham khảo HK2 năm 2020 môn Ngữ Văn 11 được cập nhật của Trường THPT Lê Quý Đôn. Hy vọng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kĩ năng làm bài. Tin rằng, với sự nỗ lực và kiên trì, các em sẽ đạt kết quả tốt trong kì thi này. Chúc các em thành công.
TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN ĐỀ THAM KHẢO HỌC KÌ 2
NĂM HỌC: 2019 – 2020
MÔN: NGỮ VĂN 11
Phần I. Đọc-hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hàng loạt clip học trò đánh nhau tung lên mạng trong thời gian qua giúp "vỡ lẽ" phần nào thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hiện nay. Qua các clip, không chỉ thấy hành vi ra đòn, đánh nhau của học trò mà còn lộ ra một thực tế nhức nhối và đáng ngại đó là thái độ nhởn nhơ, vô cảm của những học trò khác.
Quanh các vụ đánh nhau, hỗn chiến tuổi học đường, không thiếu những cô cậu học trò trong "tà áo trắng tinh khôi" đứng xung quanh hét hò, cổ vũ. Nhiều học trò còn tranh thủ làm duyên, tạo dáng khi những chiếc điện thoại chĩa vào để chụp, quay lại hiện trường. Y như các em đang dự một lễ hội hay tham gia một hoạt động ngoại khóa vui chơi, giải trí nào đó chứ không phải đứng trước tình cảnh bạn bè mình đánh nhau. Các em tưởng rằng mình đang đứng ngoài bạo lực nhưng thật ra đang hòa mình, đang đồng thuận và đang hả hê với bạo lực!
Có thể nói hiện nay, bạo lực học đường là biểu hiện sự tụt dốc của đạo đức, của lòng nhân ái. Nhưng thái độ vô cảm đến mức nhởn nhơ, cổ vũ bạo lực mới là sự tụt dốc về nhân cách đáng sợ nhất. Thái độ đó chính là mầm mống nuôi dưỡng của bạo lực.
(Trích Khi học trò nhởn nhơ trước nạn bạo lực học đường, dantri.com.vn)
Câu 1. (0,5 điểm) Chỉ ra thao tác lập luận chính của văn bản?
Câu 2. (0,5 điểm) Theo tác giả, biểu hiện của “thái độ vô cảm đến mức nhởn nhơ” của học trò khi chứng kiến cảnh bạo lực học đường là gì?
Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh (chị), bạo lực học đường gây ra những hậu quả gì?
Câu 4. (1,0 điểm) Anh (chị) hãy nêu ít nhất hai biện pháp để hạn chế bạo lực học đường theo quan điểm riêng của mình (Trả lời trong khoảng 5-7 dòng).
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
(Trích Vội vàng, Xuân Diệu)
..............HẾT................
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU:(3 điểm)
Câu 1:
Thao tác lập luận bình luận
Câu 2:
Biểu hiện:
- Đứng xung quanh hò hét cổ vũ
- Dùng điện thoại để chụp, quay lại cảnh bạo lực
Câu 3:
Hậu quả của nạn bạo lực học đường:
- Ảnh hướng tới sức khỏe, tinh thần của nạn nhân
- Đối với người gây ra bạo lực: ảnh hướng tới nhân cách, công việc, học tập, tương lai.
- Gây ra tình trạng bất ổn trong xã hội, gây hoang mang dư luận
Câu 4:
Học sinh nêu được quan điểm của mình về biện pháp hạn chế nạn bạo lực học đường, câu trả lời hợp lí, thuyết phục và đảm bảo đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật
II. LÀM VĂN (7 điểm):
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:
Lòng yêu đời ham sống mãnh liệt của nhà thơ Xuân Diệu trong 13 câu thơ đầu của bài thơ Vội vàng
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:
Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Diệu, bài thơ Vội vàng, đoạn thơ cần phân tích
Phân tích đoạn thơ
- 4 câu thơ đầu: Khát vọng mãnh liệt muốn đoạt quyền tạo hóa để lưu lại hương sắc cuộc đời thông qua ước muốn táo bạo: Tắt nắng, buộc gió -> Tình yêu thiên nhiên cuộc sống tha thiết của tác giả.
- 7 câu tiếp theo:
- Xuân Diệu đã phát hiện và say sưa ca ngợi một thiên đường ngay trên mặt đất với bao nguồn hạnh phúc kì thú:
- Tác giả sử dụng những hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của mùa xuân: tuần tháng mật của ong bướm, hoa đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, ánh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon như cặp môi gần…. kết hợp với điệp khúc “này đây…” để miêu tả sự phong phú bất tận của thiên nhiên: vạn vật căng tràn sức sống, giao hòa.
- Hai câu cuối:
- Tâm trạng: Sung sướng nhưng vội vàng → Muốn tận hưởng hết vẻ đẹp của thiên nhiên, tuổi xuân.
=> Tác giả thể hiện một quan niệm mới: Trong thế giới này đẹp nhất và quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu.
Đánh giá:
- Nghệ thuật:
- Cách nhìn, cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ
- Sử dụng ngôn từ, nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt.
- BPNT: So sánh, nhân hóa, điệp từ…
=> Đoạn thơ thể hiện cái tôi yêu thiên nhiên, cuộc sống tha thiết, mãnh liệt của Xuân Diệu.
Trên đây là trích dẫn một phần đề tham khảo HK2 năm 2020 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đề số 1). Để xem được đầy đủ nội dung đề kiểm tra, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào HỌC247. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi thật tốt để có một kết quả cao.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
Đề tham khảo HK2 năm 2020 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đề số 2)
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---