HOC247 đã tổng hợp, biên soạn các kiến thức trọng tâm trong Chương trình giữa HK1 môn KHTN 8 Chân trời sáng tạo thông qua nội dung Đề cương ôn tập giữa HK1 môn KNTN 8 CTST năm học 2023-2024. Thêm vào đó, tương ứng với mỗi phần, HOC247 cung cấp hệ thống câu hỏi trắc nghiệm giúp các em có thể tự kiểm tra mức độ ghi nhớ bài của mình. Chúc các em học sinh đạt kết quả cao trong kì thi giữa HK1 sắp tới!
1. Tóm tắt lí thuyết
1.1. Sử dụng hóa chất và các thiết bị điện an toàn
1.1.1. Một số dụng cụ, hóa chất
a. Giới thiệu một số dụng cụ thực hành, thí nghiệm
Các dụng cụ thường dùng trong phòng thực hành được chia làm nhiều loại theo công dụng của chúng:
- Dụng cụ đo thể tích: ống đong, cốc chia vạch, ...
Khi đo thể tích, nên chọn dụng cụ có giới hạn đo gần nhất với thể tích chất lỏng hay dung dịch cần đo để có độ chính xác cao nhất.
- Dụng cụ chứa hoá chất: ống nghiệm, lọ thuỷ tinh, bình tam giác, ...
Các thí nghiệm lượng nhỏ thường thực hiện trong ống nghiệm. Hoá chất lỏng cho vào không nên quá ½ ống nghiệm, cần sử dụng lượng hoá chất nhiều hơn nên bình tam giác.
- Dụng cụ đun nóng: đèn cồn, bát sứ, ...
- Dụng cụ lấy hoá chất: thìa thuỷ tinh, ống hút nhỏ giọt, ...
- Một số dụng cụ thí nghiệm khác: giá thí nghiệm bằng sắt, kẹp ống nghiệm, giá để ống nghiệm, ...
b. Giới thiệu một số hóa chất thường dùng
Các hoá chất trong phòng thực hành có thể được phân loại thành các nhóm:
- Dựa vào thể của chất, các loại hoá chất được chia làm ba loại: rắn, lỏng và khí.
- Dựa vào tính chất của hoá chất: hoá chất nguy hiểm (acid, base, ...), hoá chất dễ cháy, nổ (cồn, benzene, ...).
+ Hoá chất nguy hiểm là hoá chất có những đặc tính nguy hiểm như: oxi hoá mạnh, ăn mòn mạnh, gây độc với con người, ảnh hưởng đến môi trường, ...
+ Hoá chất dễ cháy, nổ là những hoá chất có thể gây cháy, nổ hoặc cùng các chất khác tạo thành hỗn hợp cháy, nổ trong điều kiện nhất định về thành phần, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất.
1.1.2. Quy tắc sử dụng hoá chất an toàn
Một số quy tắc sử dụng hoá chất an toàn trong phòng thực hành:
1. Tuyệt đối không làm đổ vỡ, không để hoá chất bắn vào người và quần áo. Không rót cồn quá đầy cho đèn cồn, không mồi lửa cho đèn cồn này bằng đèn cồn khác, đèn cồn dùng xong cần đậy nắp để tắt lửa.
2. Hoá chất trong phòng thực hành phải đựng trong lọ có nút đậy kín, phía ngoài có dán nhãn ghi tên hoá chất. Nếu hoá chất có tính độc hại, trên nhãn có ghi chú riêng.
3. Không dùng tay tiếp xúc trực tiếp với hoá chất.
4. Không cho hoá chất này vào hoá chất khác (ngoài chỉ dẫn).
5. Hoá chất dùng xong nếu thừa, không được cho trở lại bình chứa.
6. Không nếm hoặc ngửi trực tiếp hoá chất.
7. Sử dụng kính bảo hộ và găng tay để đảm bảo an toàn trong quá trình làm thí nghiệm.
1.1.3. Dụng cụ thực hành liên quan đến vật sống
- Máy đo huyết áp thường được sử dụng trong phòng thực hành sinh học, tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Cấu tạo chính gồm tai nghe mạch đập, mặt đồng hồ, vòng bao tay (vòng bít) và quả bóp cao su.
- Máy ảnh hay máy chụp hình là dụng cụ để thu ảnh thành một ảnh tĩnh hay thành một loạt các chuyển động (gọi là phim hay video). Máy ảnh có thể lưu giữ hình ảnh thí nghiệm trong phòng thực hành hoặc hình ảnh sinh vật quan sát ngoài thiên nhiên.
- Ống nhòm còn được gọi là ống ngắm, có cấu tạo gồm hệ thống kính quang học cho phép người quan sát đặt mắt để quan sát các vật ở xa, có tầm nhìn rộng hơn.
- Băng y tế là một vật dụng rất quan trọng trong lĩnh vực y tế. Sản phẩm được sử dụng để bao bọc và bảo vệ các vết thương của cơ thể trong quá trình phẫu thuật hoặc bị thương. Ngoài ra, băng y tế còn giúp cố định kim tiêm trong quá trình truyền dịch, truyền nước.
- Gạc y tế là một sản phẩm được sử dụng trong việc băng bó, cầm máu vết thương, che bụi. Sản phẩm này đều có trong tủ thuốc gia đình, phòng ngừa với những trường hợp khẩn cấp khi cần phải dùng đến.
- Nẹp gỗ là một dụng cụ quan trọng dùng cố định xương bị gãy theo phương pháp y học cổ truyền. Nẹp có thể làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau và thông dụng nhất là làm bằng tre hoặc cây họ tre.
1.1.4. Một số thiết bị điện
a. Thiết bị lắp mạch điện
Thiết bị lắp mạch điện bao gồm các thiết bị tải điện (bóng đèn, chuông điện, diode, biến trở, …), bộ phận truyền dẫn (dây điện), bộ phận đóng ngắt dòng điện (công tắc).
b. Thiết bị đo dòng điện
- Vôn kế (Voltmeter) dùng để đo hiệu điện thế, trên mặt vôn kế có chữ V.
- Ampe kế (Ammeter) dùng để đo cường độ dòng điện, trên mặt ampe kế có chữ A.
- Đồng hồ đo điện đa năng là thiết bị điện tử có khả năng đo điện đa chức năng như: cường độ dòng điện, hiệu điện thế, điện dung, tần số, điện trở, …
- Joulemeter là thiết bị điện tử cho phép đo lượng điện năng tiêu thụ của dụng cụ/ thiết bị điện.
c. Nguồn điện
Nguồn điện cung cấp năng lượng điện để các thiết bị điện hoạt động. Trên mỗi nguồn điện đều có hai cực là cực âm (kí hiệu bằng dấu -) và cực dương (kí hiệu bằng dấu +).
d. Thiết bị bảo vệ điện
Để vận hành các thiết bị điện một cách an toàn phải cần đến các thiết bị bảo vệ điện.
- Cầu chì là thiết bị dùng để bảo vệ an toàn đồ dùng điện, có cấu tạo là một dây chì (dây chảy) mắc nối với hai đầu của dây dẫn bên trong mạch điện.
- Relay (rơ le) là thiết bị đóng ngắt mạch điện dựa trên tác dụng từ của dòng điện. Bộ phận chính của relay là một nam châm điện và một công tắc.
- Aptomat (cầu dao tự động) có chức năng tương tự như cầu chì, có khả năng tự động ngắt mạch điện khi mạch sự cố bị quá tải.
1.1.5. Biện pháp sử dụng điện an toàn
Một số lưu ý để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện cho học sinh:
+ Chỉ làm thí nghiệm với các nguồn điện có điện thế dưới 40 V.
+ Phải sử dụng dây dẫn có vỏ cách điện.
+ Cẩn thận khi sử dụng mạng điện dân dụng (220 V) và các thiết bị liên quan đến điện.
+ Khi có người bị điện giật thì không chạm vào người đó mà cần phải tìm cách ngắt ngay công tắc điện và gọi người đến cấp cứu.
1.2. Phản ứng hóa học
1.2.1. Biến đổi vật lí và biến đổi hóa học
- Biến đổi vật lí được hiểu là khi bị biến đổi về hình dạng, trạng thái, kích thước, nhưng vật thể vẫn giữ nguyên chất ban đầu.
- Biến đổi hóa học là khi chất bị biến đổi tạo ra chất khác.
1.2.2. Phản ứng hóa học và năng lượng trong các phản ứng hóa học
- Phản ứng hóa học:
+ Phản ứng hoá học là quá trình biến đổi chất này thành chất khác
+ Dấu hiệu nhận biết phản ứng hoá học xảy ra: Xuất hiện chất khí, chất kết tủa; thay đổi màu sắc, mùi; phát sáng, giải phóng hoặc hấp thụ nhiệt năng.
+ Diễn biến của phản ứng hóa học: có sự phá vỡ liên kết cũ và hình thành liên kết mới. Kết quả là chất này biến đổi thành chất khác.
- Năng lượng trong phản ứng hóa học:
+ Phản ứng toả nhiệt là phản ứng hoá học kèm theo sự giải phóng nhiệt năng ra môi trường.
Ứng dụng: làm nhiên liệu, phục vụ cho các hoạt động đời sống và sản xuất.
+ Phản ứng thu nhiệt là phản ứng hoá học nhận năng lượng từ môi trường xung quanh.
1.2.3. Định luật bảo toàn khối lượng và phương trình hóa học
+ Định luật bảo toàn khối lượng
mA + mB = mC + mD
(Chất tham gia) (Sản phẩm)
- Phương trình hóa học:
+ Cách lập phương trình hoá học: Viết sơ đồ phản ứng -> Cân bằng số nguyên tử của mỗi nguyên tố -> Viết phương trình hóa học hoàn chỉnh
+ Ý nghĩa của phương trình hóa học: Cho biết tỉ lệ về số nguyên tử hoặc số phân tử giữa các chất trong phản ứng.
1.2.4. Tính theo phương trình hóa học
- Tính khối lượng/thể tích sản phẩm
- Tinh khối lượng/thể tích chất tham gia
- Hiệu suất phản ứng
1.2.5. Mol và tỉ khối của chất khí
- Mol là lượng chất chứa 6,022×1023 nguyên tử /phân tử, kí hiệu N.
- Khối lượng mol là khối lượng tính bằng gam của 1 mọi chất đổ, đơn vị g/mol.
\(n = \frac{m}{M} \Leftrightarrow m = n.M \Leftrightarrow M = \frac{m}{n}\)
- Thể tích mol chất khí. Ở 25°C, 1 bar: Vkhí = 24,79 lít
\(V = v.24,79 \Leftrightarrow n = \frac{V}{{24,79}}\)
- Ti khối của chất khí:
\({d_{A/B}} = \frac{{{M_A}}}{{{M_B}}}\)
1.2.6. Nồng độ dung dịch
- Pha chế dung dịch:
Để pha chế một dung dịch có nồng độ cho trước, ta cần phải biết lượng chất tan (khối lượng hay số mol) cần dùng để hoà tan trong một lượng dung môi.
1.2.7. Tốc độ phản ứng. Chất xúc tác
- Tốc độ phản ứng là đại lượng chỉ mức độ nhanh hay chậm của một phản ứng hoá học
- Yếu tố ảnh hưởng tốc độ phản ứng: nồng độ, nhiệt độ, diện tích tiếp xúc, chất xúc tác
- Ý nghĩa của tốc độ phản ứng: Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng được vận dụng một cách phù hợp trong đời sống sẽ tăng hiệu quả các hoạt động
- Chất xúc tác là chất làm tăng tốc độ phản ứng nhưng không bị thay đổi cả về chất và lượng sau phản ứng.
1.3. Một số hợp chất vô cơ. Thang Ph
1.3.1. Acid
a. Khái niệm
- Hợp chất mà phân tử có một hay nhiều nguyên tử H liên kết với gốc acid.
- Tan trong nước, tạo ra ion H+
b. Tính chất hoá học
- Làm quỳ tím hoa đỏ.
Acid + Kim loại → Muối + H2\( \uparrow \)
c. Ứng dụng
- CH3COOH: dược phẩm, tơ nhân tạo, chất dẻo, giấm ăn, ...
- HCl, H2SO4 : chất tẩy rửa, acquy, tơ sợi, phân bón, giấy, ...
1.3.2. Base
a. Khái niệm
- Hợp chất mà phân tử có một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm OH-.
- Base tan trong nước gọi là kiềm, tạo ra ion OH- (NaOH, KOH, ...).
- Base không tan trong nước (Mg(OH)2, Al(OH)3 ...
b. Tính chất hoá học
- Làm quỳ tím hoá xanh.
- Làm dung dịch phenolphthalein hoa hồng.
Base + Acid → Muối + H2O
1.3.3. Oxide
a. Khái niệm
- Hợp chất gồm 2 nguyên tố, trong đó có nguyên tố oxygen.
- Oxide được tạo thành từ phản ứng giữa kim loại/phi kim với oxygen.
b. Phân loại oxide
- Oxide acid: phản ứng được với dung dịch base.
- Oxide base: phản ứng được với dung dịch acid.
- Oxide lưỡng tính: vừa phản ứng được với dung dịch acid, vừa phản ứng được với dung dịch base.
- Oxide trung tính: không phản ứng được với dung dịch acid và dung dịch base.
1.3.4. Muối
a. Khái niệm
- Là hợp chất được tạo ra khi thay thế ion H+ trong acid bằng ion kim loại hoặc ion ammonium.
- Bao gồm muối tan, không tan hoặc ít tan trong nước.
b. Điều chế muối
- Oxide acid + Base → Muối + H2O
- Oxide base + Acid → Muối + H2O
- Acid + Base → Muối + H2O
- Kim loại (Mg, Al, Zn, Fe, ...) + Acid → Muối + H2\( \uparrow \)
c. Tính chất hoá học
- Muối KL(A) + KL(B) → Muối KL(B) + KL(A)
- Muối + Base → Muối mới + Base mới
- Muối + Acid → Muối mới + Acid mới
- Muối(A) + Muối(B) → Muối(C) + Muối(D)
Điều kiện: sản phẩm có chất kết tủa, chất khí, nước.
1.3.5. Thang pH
a. Khái niệm
Để xác định được độ acid hay base của dung dịch thì người ta dùng thang pH.
b. pH và môi trường sống
pH của môi trường có ảnh hưởng đến đời sống của con người và các loài động, thực vật. Việc xác định giá trị pH phù hợp sẽ góp phần cải tạo môi trường, xây dựng và phát triển cho cơ thể sống.
1.3.6. Phân bón hóa học
a. Khái niệm
- Phân bón hoá học là hợp chất chứa các nguyên tố dinh dưỡng được dùng để bón cho cây trồng.
- Có 3 loại nguyên tố dinh dưỡng là nguyên tố đa lượng (N, P, K), nguyên tố trung lượng (Ca, Mg, S) và nguyên tố vi lượng (Fe, Cu, Mn, Bo, ...).
b. Các loại phân bón
- Phân đạm: bổ sung N, kích thích quá trình sinh trưởng, giúp cây phát triển nhanh, tăng năng suất cây trồng. Gồm: urea, đạm ammonium, đạm nitrate.
- Phân lân: bổ sung P, thúc đẩy quá trình ra rễ, tạo nhánh, phân cành, tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường; cải tạo đất chua, bạc màu. Gồm: phân lân nung chảy, phân super phosphate.
- Phân kali: bổ sung K, thúc đẩy quá trình tạo ra chất đường, chất xơ, chất béo, . tăng cường sức chống rét, chống sâu bệnh và chịu hạn của cây. Gồm: phân kali trắng, phân kali đô.
- Phân N-P-K: bổ sung N, P, K, cung cấp các dưỡng chất, kích thích cây phát triển, tăng sức đề kháng cho cây và cải thiện độ phì nhiêu cho đất.
Gồm: phân N-P-K hỗn hợp, phân N-P-K phức hợp.
c. Sử dụng phân bón
- Bón phân không đúng cách sẽ làm ô nhiễm môi trưởng, ảnh hưởng đến con người, ...
- Cần bón phân đúng liều, đúng lúc, đúng loại phân, đúng cách.
2. Trắc nghiệm luyện tập
Câu 1: Điền vào chỗ trống: "Các hoá chất được đựng trong chai hoặc lọ kín và có dán nhãn ghi đầy đủ thông tin, bao gồm tên, công thức, trọng lượng hoặc thể tích, ... , nhà sản xuất, cảnh báo và điều kiện bảo quản. Các dụng dịch cần ghi rõ nồng độ của chất tan.
A. Độ tinh khiết
B. Nồng độ mol
C. Nồng độ chất tan
D. Hạn sử dụng
Câu 2: Biến áp nguồn là:
A. Thiết bị xoay chuyển điện áp thành điện áp một chiều
B. Thiết bị cung cấp nguồn điện
C. Thiết bị có chức năng chuyển đổi điện áp xoay chiều có giá trị 180 V thành điện áp xoay chiều (AC) hoặc điện áp một chiều (DC) có giá trị nhỏ, đảm bảo an toàn khi tiến hành thí nghiệm
D. Thiết bị có chức năng chuyển đổi điện áp xoay chiều có giá trị 220 V thành điện áp xoay chiều (AC) hoặc điện áp một chiều (DC) có giá trị nhỏ, đảm bảo an toàn khi tiến hành thí nghiệm
Câu 3: Joulemeter là gì?
A. Thiết bị đo dòng điện, điện áp, công suất và năng lượng điện cung cấp cho mạch điện.
B. Thiết bị đo điện áp
C. Thiết bọ đo dòng điện
D. Thiết bọ đo công suất và năng lượng điện cung cấp cho mạch điện
Câu 4: Biến đổi vật lí là gì?
A. Chuyển trạng thái này sang trạng thái khác
B. Chuyển nồng độ này sang nồng độ khác
C. Chuyển từ thể tích này sang thể tích khác
D. Tất cả các đáp trên
Câu 5: Chất được tạo thành sau phản ứng hóa học là?
A. Chất phản ứng
B. Chất lỏng
C. Chất sản phẩm
D. Chất khí
Câu 6: Phản ứng sau là phản ứng gì?
Phản ứng phân hủy copper(II) hydroxide thành copper(II) oxide và hơi nước thì cần cung cấp năng lượng dưới dạng nhiệt bằng cách đun nóng. Khi ngừng cung cấp nhiệt, phản ứng cũng dừng lại
A. Phản ứng tỏa nhiệt
B. Phản ứng thu nhiệt
C. Phản ứng phân hủy
D. Phản ứng trao đổi
Câu 7: Điền vào chỗ trống: "Khối lượng mol (g/mol) và khối lượng nguyên tử hoặc phân tử của chất đó (amu) bằng nhau về ... , khác về đơn vị đo."
A. Khối lượng
B. Trị số
C. Nguyên tử
D. Phân tử
Câu 8: Ở 25 oC và 1 bar, 1,5 mol khí chiếm thể tích bao nhiêu?
A. 31.587 l
B.35,187 l
C. 38,175 l
D. 37,185 l
Câu 9: Khí nào nhẹ nhất trong tất cả các khí?
A. Khí Metan (CH4)
B. Khí cacbon oxit (CO)
C. Khí Heli (He)
D. Khí Hiđro (H2)
Câu 10: Nước không thể hòa tan chất nào sau đây?
A. Đường
B. Muối
C. Cát
D. Mì chính
Câu 11: Nồng độ phần trăm của một dung dịch cho ta biết
A. số mol chất tan trong một lít dung dịch.
B. số gam chất tan có trong 100 gam dung dịch.
C. số mol chất tan có trong 150 gam dung dịch.
D. số gam chất tan có trong dung dịch.
Câu 12: Điền vào chỗ trống: "Dung môi thường là nước ở thể ..., chất tan có thể ở thể rắn, lỏng hoặc khí"
A. Lỏng
B. Rắn
C. Khí
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 13: Khối lượng của canxi oxit thu được biết nung 12 gam đá vôi thấy xuất hiện 5,28 gam khí cacbonic là
A. 6,72 gam
B. 3 gam
C. 17,28 gam
D. 5,28 gam
Câu 14: Trộn 10,8 gam bột nhôm với bột lưu huỳnh dư. Cho hỗn hợp vào ống nghiệm và đun nóng để phản ứng xảy ra thu được 25,5 gam Al2S3. Tính hiệu suất phản ứng ?
A. 85%
B. 80%
C. 90%
D. 92%
Câu 15: Nung đá vôi thu được sản phẩm là vôi sống và khí cacbonic. Kết luận nào sau đây là đúng?
A. Khối lượng đá vôi đem nung bằng khối lượng vôi sống tạo thành.
B. Khối lượng đá vôi bằng khối lượng khí cacbonic sinh ra.
C. Khối lượng đá vôi bằng khối lượng khí cacbonic cộng với khối lượng vôi sống.
D. Sau phản ứng khối lượng đá vôi tăng lên.
Câu 16: Cho phương trình nung đá vôi như sau: CaCO3 → CO2 + CaO. Để thu được 5,6 gam CaO cần dùng bao nhiêu mol CaCO3?
A. 0,1 mol.
B. 0,3 mol.
C. 0,2 mol.
D. 0,4 mol
Câu 17: Trộn 10,8 gam bột nhôm với bột lưu huỳnh dư. Cho hỗn hợp vào ống nghiệm và đun nóng để phản ứng xảy ra thu được 25,5 gam Al2S3. Tính hiệu suất phản ứng ?
A. 85%
B. 80%
C. 90%
D. 92%
Câu 18: Để điều chế được 12,8 gam Cu theo phương trình:
H2 + CuO → H2O + Cu cần dùng bao lít khí H2 ở điều kiện tiêu chuẩn?
A. 5,6 lít
B. 3,36 lít.
C. 4,48 lít.
D. 2,24 lít
Câu 19: Khi cho cùng một lượng nhôm vào cốc đựng dung dịch axit HCl 0,1M, tốc độ phản ứng sẽ lớn nhất khi dùng nhôm ở dạng nào sau đây ?
A. Dạng viên nhỏ.
B. Dạng bột mịn, khuấy đều.
C. Dạng tấm mỏng.
D. Dạng nhôm dây.
Câu 20: Hoàn thành phát biểu về tốc độ phản ứng sau:
"Tốc độ phản ứng được xác định bởi độ biến thiên ...(1)... của ...(2)... trong một đơn vị ...(3)..."
A. (1) nồng độ, (2) một chất phản ứng hoặc sản phẩm, (3) thể tích.
B. (1) nồng độ, (2) một chất phản ứng hoặc sản phẩm, (3) thời gian.
C. (1) thời gian, (2) một chất sản phẩm, (3) nồng độ.
D. (1) thời gian, (2) các chất phản ứng, (3) thể tích.
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập giữa HK1 môn KNTN 8 CTST năm học 2023-2024. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 8 KNTT năm 2023-2024
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn GDCD 8 KNTT năm 2023-2024
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.