Văn bản Trái Đất - Cái nôi của sự sống tập trung đưa tới những thông tin nhằm thuyết phục người đọc rằng cần nâng cao ý thức của mỗi người trước trách nhiệm bảo vệ hành tinh xanh - Trái Đất của chúng ta. Để hiểu hơn về văn bản này, Học247 mời các em cùng tham khảo bài soạn Trái Đất - Cái nôi của sự sống tóm tắt - Kết nối tri thức Ngữ văn 6 dưới đây nhé! Chúc các em có một tiết học thật thú vị nhé!
1. Khái quát chung
1.1. Bố cục bài học
- Tìm hiểu văn bản theo 2 nội dung chính như sau:
+ Trái Đất - một hành tinh.
+ Sự sống trên Trái Đất.
1.2. Nghệ thuật
- Văn bản đa phương tiện luận điểm rõ ràng, số liệu xác thực, hình ảnh hấp dẫn...
2. Hướng dẫn soạn bài Trái Đất - Cái nôi của sự sống
2.1. Trước khi đọc
Câu 1. Em từng nghe, đọc hay đã thuộc những ca khúc, bài thơ nào viết về Trái Đất? Chúng đã gợi lên trong em ấn tượng, cảm xúc gì? Theo em, để hiểu biết và yêu quý hơn hành tinh xanh này, chúng ta còn cần phải tìm đến những nguồn thông tin hay loại tài liệu nào khác?
Gợi ý:
- Những ca khúc, bài thơ:
- Một số bài thơ: Trái đất còn quay (Huy Cận), Em nghĩ về trái đất…
- Một số bài hát: Trái đất này là của chúng mình, Em yêu màu xanh…
- Cảm xúc: trân trọng, yêu quý trái đất
- Cần tìm hiểu từ các thông tin nghiên cứu về trái đất.
Câu 2. Người ta thường nói: “Sự sống muôn màu”. Em hiểu điều này như thế nào?
Gợi ý:
- Mỗi một sự vật lại mang một nét riêng biệt khác nhau, không sự vật nào giống sự vật nào.
2.2. Đọc văn bản
Câu 1. Sự sống trên Trái Đất phong phú như thế nào?
Gợi ý:
Sự sống trên Trái Đất vô cùng phong phú và tồn tại ở khắp nơi:
- Có loài nhỏ bé với kích thước hiển vi: vi sinh vật.
- Có loài khổng lồ: cây bao báp, cá voi xanh, khủng long.
- Muôn loài tồn tại ở khắp nơi, trên các cánh rừng nguyên sinh, các đại dương bao la.
=> Tất cả muôn loài tồn tại, phát triển theo những quy luật sinh học của tự nhiên.
Câu 2. Vì sao có thể khẳng định con người là đỉnh cao kì diệu của sự sống trên Trái Đất?
Gợi ý:
Con người là đỉnh cao kì diệu của sự sống trên Trái Đất vì:
- Con người có bộ não và hệ thần kinh phát triển nhất, có ý thức, có tình cảm, có ngôn ngữ, biết tổ chức cuộc sống theo hướng tích cực.
- Con người đã trực tiếp cải tạo bộ máy Trái Đất, khiến nó thay đổi để phục vụ cho con người.
Câu 3. Ý sau cùng của bài có lạc đề không?
Gợi ý:
- Không bị lạc đề. Vấn đề được nói đến chính là sự tồn tại của trái đất.
2.3. Sau khi đọc
Câu 1. Liệt kê theo hình thức gạch đầu dòng những thông tin chủ yếu mà văn bản đưa đến cho người đọc.
Gợi ý:
- Trái Đất nằm trong hệ Mặt Trời.
- Nước - vị thần hộ mệnh của sự sống trên Trái Đất.
- Trái Đất là nơi cư ngụ của muôn loài.
- Con người trên Trái Đất.
- Tình trạng của Trái Đất hiện tại.
Câu 2. Các bức tranh đã hỗ trợ gì cho em trong việc nắm bắt thông tin của văn bản?
Gợi ý:
- Các bức tranh minh họa làm sáng tỏ sự đang dạng của sự sống trên Trái Đất.
Câu 3. Phần 2 (“Vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đất) tập trung thông tin về vấn đề gì? Việc nói về vấn đề đó liên quan như thế nào đối với hướng triển khai những nội dung khác ở các phần kế tiếp?
Gợi ý:
- Phần 2 (“Vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đất) tập trung thông tin về vấn đề:
+ Trái đất là cái nôi của sự sống, nước bao phủ trên 2/3 bề mặt Trái đất: Nước trong các lòng đại dương, nước đông cứng thành những khối băng ở hai địa cực, nước tuôn chảy ở các sông ngòi khắp các hệ thống sông trên các lục địa.
+ Nếu không có nước thì Trái đất chỉ là một hành tinh khô chết. Nhờ có nước, sự sống trên khăp hành tinh vô cùng phong phú.
- Việc nói về vấn đề đó liên quan đối với hướng triển khai những nội dung khác ở các phần kế tiếp. Phần 3, phần 4 tác giả nêu vấn đề chính vì cuộc sống phát triển và vô cùng phong phú nhờ tài nguyên nước, nên các loài động vật cũng phát triển phong phú theo, nhất là động vật bậc cao - con người. Con người sẽ khai thác Trái đất để phục vụ những mục đích khác nhau. Trong đó có cả mục đích tích cực và tiều cực.
Câu 4. Văn bản đã nói được đầy đủ về sự kì diệu của sự sống trên Trái Đất chưa? Em có thể bổ sung điều gì xung quanh vấn đề này?
Gợi ý:
- Văn bản đã nói bao quát về Trái đất nhưng có thể chưa được đầy đủ về sự kì diệu của sự sống trên Trái Đất. Em có thể bổ sung về vấn đề: Sự tương tác của Trái đất với các hành tinh khác.
Câu 5. Bằng hiểu biết của mình, em hãy thêm bằng chứng để khẳng định con người là đỉnh cao sự kỳ diệu của sự sống trên Trái Đất.
Gợi ý:
- Loài người là loài duy nhất còn tồn tại của phân tông Hominina, thuộc lớp Động vật có vú. Con người là một loài sinh vật có bộ não tiến hóa rất cao cho phép thực hiện các tư duy trừu tượng, ngôn ngữ và xem xét nội tâm. Điều trên kết hợp với một cơ thể đứng thẳng cho phép giải phóng hai chi trước khỏi việc di chuyển và được dùng vào việc cầm nắm, cho phép con người dùng nhiều công cụ hơn tất cả những loài khác.
- Cũng như những loài linh trưởng khác, con người là một sinh vật xã hội, sống bầy đàn, có sự phân thứ bậc nhất định xác định từ cọ xát và truyền thống. Hơn thế nữa, con người cũng rất thành thạo việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, để biểu lộ những ý kiến riêng của mình và trao đổi thông tin. Con người tạo ra những xã hội phức tạp trong đó có những nhóm hỗ trợ nhau và đối nghịch nhau ở từng mức độ, có thể từ những cá nhân trong gia đình cho đến những quốc gia rộng lớn. Giao tiếp xã hội giữa con người và con người đã góp phần tạo nên những truyền thống, nghi thức, quy tắc đạo đức, giá trị, chuẩn mực xã hội, và cả luật pháp. Tất cả cùng nhau tạo nên những nền tảng của xã hội loài người. Con người cũng rất chú ý đến cái đẹp và thẩm mỹ, cùng với nhu cầu muốn bày tỏ mình, đã tạo nên những sự đổi mới về văn hóa như nghệ thuật, văn chương và âm nhạc.
- Con người cũng được chú ý ở bản năng muốn tìm hiểu mọi thứ và điều khiển tự nhiên xung quanh, tìm hiểu những lời giải thích hợp lý cho những hiện tượng thiên nhiên qua khoa học, tôn giáo, tâm lý và thần thoại. Bản năng tò mò đó đã giúp con người tạo ra những công cụ và học được những kĩ năng mới. Trong giới tự nhiên, con người là loài duy nhất có thể tạo ra lửa, nấu thức ăn, tự may quần áo, và sử dụng các công nghệ kỹ thuật trong đời sống.
Câu 6. Làm rõ lý do xuất hiện câu hỏi Trái đất có thể chịu đựng được đến bao giờ trong đoạn cuối của văn bản. Câu hỏi đó gợi lên trong em những suy nghĩ gì?
Gợi ý:
- Lý do xuất hiện câu hỏi Trái đất có thể chịu đựng được đến bao giờ trong đoạn cuối của văn bản là vì: con người đã tác động vào Trái đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tồn tại và phát triển sự sống trên Trái đất. Câu hỏi dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho con người về việc bảo vệ, giữ gìn hành tinh xanh.
Câu 7. Từ việc đọc hiểu văn bản Trái Đất - cái nôi của sự sống, em rút ra được kinh nghiệm gì về cách đọc một văn bản thông tin?
Gợi ý:
- Từ việc đọc hiểu văn bản Trái Đất - cái nôi của sự sống, em rút ra được kinh nghiệm về cách đọc một văn bản thông tin: Đọc văn bản thông tin cần nhấn mạnh những phần có đề mục, cách ngắt quãng rõ ràng để phân biệt được rõ từng phần của văn bản.
Câu 8. Hãy viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về chủ đề Để hành tinh xanh mãi xanh...
Gợi ý:
Môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước nhiễm chất thải hóa học. Không khí không còn trong lành. Đất đai khô cằn, thiếu dưỡng chất. Nhiều cánh rừng bị phá hủy… Tất cả sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người. Chính vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường. Từ những hành động nhỏ như trồng nhiều cây xanh, không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng bao bì ni-lông… Để hành tinh xanh mãi mãi, mỗi người hãy là một chiến sĩ trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Trên đây là bài Soạn văn 6 Trái Đất - Cái nôi của sự sống tóm tắt. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết Trái Đất - Cái nôi của sự sống.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm