Mời các em học sinh lớp 6 cùng tham khảo bài soạn Thánh Gióng tóm tắt - Kết nối tri thức Ngữ văn 6 dưới đây. Với bài soạn này sẽ giúp các em nắm được nội dung chính của bài Thánh Gióng trước khi tìm hiểu bài học trên lớp. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
1. Khái quát chung
1.1. Bố cục bài học
- Phần 1: Từ đầu đến "nằm đấy" -> Sự ra đời kì lạ của Gióng.
- Phần 2: Tiếp theo đến "cứu nước" -> Sự sinh trưởng phi thường của Gióng.
- Phần 3: Tiếp theo đến "lên trời" -> Gióng đánh giặc và sự ra đi.
- Phần 4: Còn lại -> Sự tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, tương truyền về làng Gióng.
1.2. Nghệ thuật
- Sử dụng nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo.
- Nghệ thuật nói quá, so sánh.
2. Hướng dẫn soạn bài Thánh Gióng
2.1. Trước khi đọc
Câu 1. Đối với em, ai là người anh hùng? Người đó có những phẩm chất và thành tích gì khiến em ngưỡng mộ?
Gợi ý:
- Anh hùng là những con người sống và thực hiện những hành động dựa trên lý tưởng của bản thân và kỳ vọng của mọi người.
- Nhân vật anh hùng thường là những nhân vật có tài năng xuất chúng, có đạo đức, sức khỏe phi thường, làm việc tốt khiến em ngưỡng mộ.
Câu 2. Thiết kế bản giới thiệu ngắn về một người anh hùng với các nội dung: tên, phẩm chất, chiến công. Trang trí bản giới thiệu bằng các hình ảnh phù hợp và sử dụng bản giới thiệu để nói về người anh hùng.
Gợi ý:
- Võ Thị Sáu bản chất thật thà, hiền lành và chất phát, yêu quê hương, đất nước và có ý chí căm thù mãnh liệt, sâu sắc bọn thực dân xâm lược.
- Năm 1947, lúc 14 tuổi Sáu vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa làm nhiệm vụ giao liên.
- Chị tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương ở Đất Đỏ.
- Vào tháng 12/1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Sáu đã sa vào tay giặc, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào của chị.
2.2. Đọc văn bản
Câu 1. Hình dáng, sức mạnh của chủ nhân vết chân to tướng
Gợi ý:
- Chủ nhân vết chân to lớn là người cao lớn, sức mạnh phi thường hơn người bình thường.
Câu 2. Lời của chú bé ba tuổi có gì đặc biệt?
Gợi ý:
Lời của chú bé ba tuổi đặc biệt ở chỗ:
- Chú nói với giọng điệu khảng khái, mạnh mẽ, quyết đoán.
- Chú xưng hô là “ta” và gọi sứ giả là “ông” thể hiện cậu bé là một người đặc biệt.
- Cách nói của chú thể hiện quyết tâm cao độ của một anh hùng yêu nước.
Câu 3. Cảnh bà con hàng xóm góp gạo thóc nuôi chú bé
Gợi ý:
- Bà con ai này đều vui mừng, sẵn sàng góp gạo thóc để nuôi chú bé.
Câu 4. Miếu thờ trông như thế nào?
Gợi ý:
- Miếu thờ ban đầu có thể to, chắc chắn, có tượng tạc hình thánh gióng cưỡi ngựa cầm tre đi đánh giặc, luôn có đồ cúng,…
2.3. Sau khi đọc
Câu 1. Nêu thời gian, địa điểm, hoàn cảnh diễn ra các sự việc trong câu chuyện.
Gợi ý:
- Thời gian: đời vua Hùng thứ sáu.
- Địa điểm: làng Phù Đổng.
- Hoàn cảnh: quân đội vua Hùng gặp giặc Ân xâm lược nên sai sứ giả đi khắp nơi tìm bậc tướng tài cứu nước.
Câu 2. Gióng đã ra đời một cách kỳ lạ như thế nào?
Gợi ý:
Gióng được ra đời một cách kỳ lạ:
- Cha mẹ Gióng đã nhiều tuổi nhưng vẫn chưa có con.
- Bà mẹ đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ, từ đó bà có mang.
- Sau 12 tháng thai nghén, bà mới hạ sinh em bé.
- Nhưng thằng bé lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói biết cười.
Câu 3. Chỉ ra ý nghĩa của các chi tiết sau:
a. Câu nói của Gióng: “Về bảo với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!”.
b. Bà con hàng xóm vui lòng góp gạo, thổi cơm cho Gióng ăn, may quần áo cho Gióng mặc
c. Gióng vươn vai trở thành một tráng sĩ khổng lồ.
d. Ngựa sắt phun ra lửa, gươm sắt loang loáng như chớp giật và bụi tre hai bên đường đã hỗ trợ Gióng trong quá trình đánh giặc.
e. Gióng đánh giặc xong, cởi giáp bỏ nón lại và bay thẳng lên trời.
Gợi ý:
a. Ý thức đánh giặc cứu nước, cứu dân của Thánh Gióng.
b. Sự đoàn kết của nhân dân trong công cuộc bảo vệ đất nước.
c. Ước mơ của nhân dân về một người anh hùng có sức mạnh vô địch, cường tráng, oai phong đủ sức đánh tan mọi kẻ thù.
d. Ca ngợi thành tựu văn minh kim loại của người Việt cổ ở thời đại Hùng Vương.
e. Thái độ ca ngợi, tôn vinh của nhân dân đối với người anh hùng.
Câu 4. Chiến công phi thường mà Gióng đã làm nên là gì? Em hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Gióng.
Gợi ý:
- Chiến công phi thường mà Thánh Gióng đã làm nên là đánh tan quân giặc.
- Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng:
+ Tiêu biểu cho người anh hùng đánh giặc giữ nước.
+ Mang sức mạnh của cả cộng đồng ở buổi đầu dựng nước.
Câu 5. Theo em, chủ đề của truyện Thánh Gióng là gì?
Gợi ý:
- Truyện Thánh Gióng viết về người anh hùng chống giặc ngoại xâm cứu nước.
Câu 6. Lời kể nào trong truyện Thánh Gióng hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ? Nhận xét về ý nghĩa của lời kể đó.
Gợi ý:
- Lời kể trong truyện Thánh Gióng hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ: Hiện nay, vẫn còn đền thờ…nay gọi làng Cháy.
→ Lời kể về những dấu tích còn lại của người anh hùng để nhân dân tin rằng Thánh Gióng có thật và tự hào về sức mạnh thần kì của dân tộc.
Câu 7. Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về một hình ảnh hay hành động của Gióng đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.
Gợi ý:
Truyền thuyết Thánh Gióng đã để lại cho em rất nhiều ấn tượng. Nhưng hình ảnh em cảm thấy ấn tượng nhất là sau khi đánh thắng giặc, Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời. Qua hình ảnh này, nhân dân ta đã gửi gắm khát vọng bất tử hóa của người anh hùng dân tộc. Con người phi thường nên sự ra đi cũng trở nên phi thường. Thánh Gióng đã trở về với cõi bất tử. Đó chính là lòng tôn kính mà nhân dân ta dành cho một con người có công với đất nước.
Trên đây là bài Soạn văn 6 Thánh Gióng tóm tắt. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết Thánh Gióng.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm