Học247 xin giưới thiệu đến các em Đề thi HK2 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017-2018, Trường THPT Đoàn Thượng. Với đề thi này, các em có thể làm bài thi thử và rút ra cho mình những kiến thức về cách đọc - hiểu cũng như biết cách làm bài văn cảm nhận về một đoạn thơ được trích trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG ĐỀ THI HỌC KÌ II NĂM HỌC 2017-2018
TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG NGỮ VĂN LỚP 11
Phần I: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.
- Chiếc xe này của bạn đấy à? - Cậu bé hỏi.
- Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. - Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào và mãn nguyện.
- Ồ, ước gì tôi... - Cậu bé ngập ngừng.
Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.
- Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! - Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:
- Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.
(Theo Hạt giống tâm hồn, tập 4, nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Theo anh/chị, câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm” có ý nghĩa gì ? (1,0 điểm)
Câu 4. Suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gửi gắm qua câu chuyện? (1,0 điểm)
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Ngữ Văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 39)
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Phần I: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
Câu 2. HS có thể trả lời 1 trong các cách sau:
- Cậu bé ước trở thành người anh mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người em.
- Cậu bé ước trở thành người anh nhân hậu, được bù đắp, chia sẻ, yêu thương.
- Cậu bé ước trở thành người anh giống như người anh của nhân vật tôi.
- Cậu bé ước trở thành người anh có chiếc xe lăn lắc tay để tặng người em tật nguyền của mình.
Câu 3. Câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm” có ý nghĩa là: Cậu bé có lòng quyết tâm cao độ muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hoặc: Cậu bé đang nung nấu quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là tặng xe lăn cho người em tật nguyền.
Câu 4. HS cần rút ra được thông điệp gửi gắm qua câu chuyện, đồng thời bày tỏ được suy nghĩ sâu sắc của cá nhân về thông điệp ấy.
- (Có thể theo hướng:
- Thông điệp: Sống phải biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ.
- Nêu suy nghĩ: Tình yêu thương, sự quan tâm sẽ phần nào bù đắp những thiệt thòi và mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người có hoàn cảnh éo le... Người biết yêu thương, quan tâm người khác cũng sẽ được nhận lại niềm vui, tình yêu và sự kính trọng. Trong cuộc sống, cần biết vị tha, bao dung; phê phán lối sống vô cảm, vị kỉ...)
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của bức tranh thôn Vĩ và tình cảm của tác giả.
- Triển khai vấn đề nghị luận:
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát về Hàn Mặc Tử, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, đoạn thơ được cảm nhận.
- Cảm nhận đoạn thơ:
- Đoạn thơ mở đầu bằng câu hỏi mang nhiều sắc thái (hỏi, nhắc nhở, trách móc, mời mọc). Có thể hiểu đây như lời trách móc nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ, hoặc cũng có thể là lời nhà thơ tự hỏi mình, là ao ước thầm kín của người đi xa mong được trở về thôn Vĩ.
- Ở ba câu thơ tiếp là những hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ về xứ Huế trong hồi tưởng của Hàn Mặc Tử:
- Ánh nắng tinh khôi của buổi bình minh, những hàng cau thẳng tắp, ướt đẫm sương đêm, vươn lên đón những tia nắng sớm mai rực sáng lên như những thước trời.
- Những mảnh vườn tược được chăm sóc chu đáo “mướt quá”, tinh khôi trong làn sương “xanh như ngọc”
- Bức tranh ấy càng trở lên sống động hơn bởi sự xuất hiện của con người: nhẹ nhàng, kín đáo, thấp thoáng sau những cành lá trúc
- Về nghệ thuật: Giọng điệu nhỏ nhẹ, tha thiết, tả cảnh rất ấn tượng bằng ngôn ngữ tinh tế, sử dụng câu hỏi tu từ, điệp ngữ, thủ pháp so sánh...
- Đánh giá khái quát về đoạn thơ:
- Đoạn thơ là bức tranh phong cảnh và cũng là tâm cảnh, góp phần cùng với hai khổ sau của bài thơ thể hiện nỗi buồn cô đơn của Hàn Mặc Tử trong một mối tình xa xăm, vô vọng. Đó còn là tấm lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, cuộc sống và con người.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Ngoài ra, các em có thể làm bài thi Online tại đây:
Đề kiểm tra HK2 năm 2017-2018 môn Ngữ văn lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trung Thiên