Xin giới thiệu đến các em Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Dương Văn Dương có đáp án. Nhằm giúp các em ôn tập lại những kiến thức đã học ở HK1. hHoc247 mời các em tham khảo bộ đề thi dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.
TRƯỜNG THPT DƯƠNG VĂN DƯƠNG |
ĐỀ THI HK1 MÔN NGỮ VĂN 11 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc – hiểu (3 điểm):
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu...Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng bao nhiêu là chất độc, đày đoạ cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.
(Chí Phèo - Nam Cao)
Câu 1. (1,0 điểm): Điều khiến Chí Phèo buồn và sợ nhất khi tỉnh rượu là gì?
Câu 2. (1,0 điểm): Đoạn văn trên được viết theo hình thức ngôn ngữ gì? Tác dụng ?
Câu 3. (1,0điểm): Hãy viết một đoạn văn ngắn (không quá 10 câu) bàn về tác hại của rượu.
Phần II. Làm văn (7 điểm):
Trước cái chết của cụ cố tổ thái độ của những thành viên trong gia đình được thể hiện như thế nào trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” - Vũ Trọng Phụng ? Qua đó, anh/chị có suy nghĩ gì về lòng hiếu thảo của con người trong xã hội hiện nay.
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc – hiểu (3 điểm):
Câu 1. Điều khiến Chí Phèo buồn và sợ nhất khi tỉnh rượu là cô độc .
Câu 2. Đoạn văn trên được viết theo hình thức ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Tác dụng: Giúp người đọc cảm nhận sâu sắc diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi tỉnh rượu.
Câu 3. Nêu một vài tác hại của rượu:
- Ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ
- Phạm tội trong khi say không kiểm soát được hành vi
- Xung đột trong gia đình, mất sự kính trọng của người khác
Nghị luận về tác hại của rượu bia - Bài số 1:
Việc sử dụng rượu trong xã hội Việt Nam từ lâu đã trở thành nét văn hóa, thành phong tục, lễ nghĩa. Ở đâu chúng ta cũng có thể gặp người uống rượu, từ thành thị cho đến nông thôn, từ đám cưới đến đám ma, trong những dịp bạn bè, người thân lâu ngày mới gặp, rượu cũng thường được sử dụng trong việc ngâm rượu thuốc để chữa một số bệnh. Có thể thấy rằng rượu có rất nhiều công dụng nếu chúng ta biết dùng đúng lúc, đúng chừng mực, đúng liều lượng: thể hiện sự hiếu kính của con trẻ với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ của bạn bè dành cho nhau khi vui cũng như lúc buồn, thậm chí rượu còn có thể dùng để chữa bệnh. Người ta uống rượu để lấy tinh thần vươn lên, vượt qua những nỗi buồn, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một bộ phận người trong chúng ta đã lạm dụng rượu, biến bản thân thành những “con ma men” mà cứ ngỡ mình là những “tiên tửu”. Hẳn là chúng ta cũng sẽ giật mình, sợ hãi khi biết những tác hại mà rượu mang lại khi con người sử dụng một cách quá đà.
Đầu tiên, chúng ta cần biết thế nào là rượu? Rượu là thức uống được tạo ra từ ngũ cốc như: gạo, ngô, sắn hoặc từ các loại trái cây, được lên men tự nhiên bằng cách ủ sau đó đem đi chưng cất và thu được một lượng nhất định. Mỗi loại rượu có mùi hương đặc trưng, đem lại cho người sử dụng cảm giác thích thú, sảng khoái trong một thời gian nhất định, việc sử dụng lâu dài, thường xuyên có thể gây nghiện, vì thế rượu cũng được xếp vào một trong những thứ chất kích thích, chất gây nghiện. Việc ai đó lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, không chỉ vậy nó còn kéo theo hàng loạt vấn đề về xã hội.
Như vậy, bản chất của rượu không hề xấu, quan trọng là con người sử dụng chúng như thế nào. Và nếu nói đến tác hại của rượu, trước tiên ta phải nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe người uống. Trong thực tế, chúng ta thấy những người say rượu không bao giờ thừa nhận là mình say, như vậy việc dùng rượu quá đà, đầu tiên sẽ khiến người ta rơi vào trạng thái ảo giác, tạm thời mất đi ý thức tự chủ, sau đó rượu tác động lên hệ thần kinh gây ra tình trạng choáng váng. Lâu dài rượu làm khiến cho con người mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm như: huyết áp cao, ung thư dạ dày, xơ gan, ung thư gan, tim mạch, thậm chí nhiều.
người còn trở thành bệnh nhân trong những bệnh viện tâm thần và trại tâm thần. Nói đến vấn đề này, có nhiều kiểm chứng khoa học cho thấy rượu ảnh hưởng lên tất cả hệ thống cơ quan trên cơ thể chúng ta.
\Trước tiên là hệ thần kinh là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Rượu làm giãn mạch máu não, tăng khối lượng não, sinh ra nói nhiều, tiếp đến là làm tăng độ ức chế gây mất thăng bằng dễ gây tai nạn giao thông, thậm chí còn có thể làm giảm nhịp tim, hạ thân nhiệt, thiếu oxy dễ dẫn đến tình trạng đột tử do tai biến hoặc đứt mạch máu não. Cơ quan chịu ảnh hưởng tiếp theo là hệ tiêu hóa. Việc uống quá nhiều rượu làm giảm tiết dịch ở dạ dày, lâu dần sẽ dẫn đến chán ăn, có thể gây tình trạng viêm và ung thư dạ dày. Kế tiếp là tim mạch, một người thường xuyên dùng bia rượu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao gấp 3 đến 4 lần so với người bình thường, khả năng người nghiện rượu bị đột tử do tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
\Một cơ quan khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi dùng bia rượu là gan. Có đến 90% lượng rượu hấp thụ vào máu được chuyển hóa ở gan. Vì thế người thường xuyên uống rượu các tế bào gan sẽ bị tàn phá gây ra hiện tượng xơ gan, viêm gan, nặng hơn là ung thư gan. Không chỉ thế rượu còn làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, làm thoái hóa giống nòi, phá hủy những mầm non tương lai của chúng ta. Thai phụ tốt nhất nên tránh xa các loại bia rượu vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, làm thai nhi không nhận được oxy và chất dinh dưỡng, có thể gây dị tật thai nhi như các dị tật trên khuôn mặt hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của em bé sau này.
Tác hại của rượu chưa dừng lại ở đó. Bởi vì, rượu cũng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề đạo đức trong xã hội, chúng phá hủy dần nếp sống cũng như nhân cách con người. Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những con sâu rượu nhếch nhác, bê tha nơi vỉa hè, quán nhậu. Chúng ta cũng không còn lạ lẫm khi đi đường bắt gặp những “tiên tửu” đang trong tình trạng loạng choạng, mất kiểm soát, lè nhè mắng chửi, thậm chí là đánh đuổi mọi người xung quanh, điều đó gây tình trạng mất đoàn kết trong gia đình và chòm xóm, làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, mất an ninh thôn xóm, đã có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra bên bàn tiệc sau những “chén chú chén anh” đầy khí thế. Và đã có biết bao vụ tai nạn giao thông đau lòng khiến bao người trở nên tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thậm chí đã cướp đi những người cha, người chồng, những trụ cột gia đình để cho những người ở lại những nỗi đau cùng khó khăn chồng chất. Việc mê mải bên những cuộc vui bàn nhậu kéo theo sự lười lao động khiến cho kinh tế gia đình và xã hội ngày càng đi xuống. Câu nói “rượu làm đỏ mặt nhưng làm đen nhân cách” thật chẳng sai.
\Có lẽ khó mà kể hết những tác hại mà rượu gây ra đối với sức khỏe và cuộc sống con người. Vì thế, dẫu vẫn biết sống là phải có tập thể, phải có bạn bè, phải có những cuộc vui thì đời mới thực sự có nghĩa, thế nhưng chúng ta cần phải luôn nhớ rằng những cuộc vui là cái trước mắt nhưng phía sau chúng ta là cả một tương lai dài với biết bao dự định, ước mơ cùng gia đình, cha mẹ cần chúng ta khi tuổi cao sức yếu, con cái cần chúng ta làm điểm tựa cả về vật chất và tinh thần để lớn lên. Không nên vì niềm vui trước mắt mà biến mình thành tấm gương xấu cho người khác và hủy hoại cuộc đời của chính mình. Đặc biệt, chúng ta cũng không nên kích bác, châm chọc, hay ép ai đó uống rượu trong những cuộc vui vì họ cũng giống như chúng ta vậy, có tương lai cần dựng xây, có gia đình cần chăm sóc. Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết chừng mực, “biết uống rượu chứ không để rượu uống chúng ta”.
Phần II. Làm văn (7 điểm):
Yêu cầu về kỹ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học kết hợp với nghị luận xã hội. Biết cách vận dụng kiến thức văn học và kiến thức xã hội để giải quyết yêu cầu của đề bài.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận;
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp;
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Yêu cầu về nội dung: Trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm và những kiến thức xã hội về vấn đề, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý chính sau:
1. Niềm hạnh phúc của những thành viên trong gia đình:
Giới thiệu chung về vấn đề:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Vũ Trọng Phụng, nội dung đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”.
- Vấn đề cần làm sáng tỏ: vui của những thành viên trong gia đình cụ cố Hồng trước cái chết của cụ cố tổ.
- Dẫn dắt vấn đề nghị luận xã hội: lòng hiếu thảo của con người trong xã hội hiện nay.
- Niềm hạnh phúc chung: sung sướng vì được chia gia tài
- Niềm hạnh phúc riêng:
+ Nhân vật cố Hồng, ông con trưởng quý tử của người chết.
/ ông ta “ nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiênhạ trầm trổ, chỉ trỏ: úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”.
/ Ngôn ngữ, hành động vô nghĩa được lặp lại nhiều lần ở cố Hồng: “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi.”
=> Biểu hiện của một kẻ ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, một đứa con bất hiếu mong cha chết để chiếm đoạt quyền lực điều khiển gia đình, coi cái chết của cha là một cơ hội để được thiên hạ ngưỡng mộ gia đình có phúc, đại hiếu.
- Cháu đích tôn Văn Minh:
+ Anh ta mang vẻ mặt đăm chiêu rất hợp với những gia đình nhà có đám. Vì anh ta đang phải đắn đo xem nên phạt hay thưởng công cho Xuân tóc đỏ. Tội của Xuân là đã quyến rũ một em gái hắn, tố cáo một em gái khác hoang dâm, hư hỏng. Nhưng Xuân lại có công gây ra cái chết của cụ tổ - một ông cụ già “ đáng chết” vì đã để lại cho con cháu một gia tài kếch xù cùng lời dặn dò: chỉ được chia khi cụ chết.
+ Và Văn Minh còn khấp khởi mừng thầm vì từ nay “cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa.
=> đứa cháu bất hiếu, vô đạo, giả tạo, tham lam.
- Bà Văn Minh:
+ Nôn nao, sốt ruột, bối rối
+ Vui mừng: Có cơ hội mặc đồ xô gai tân thời và lăng xê các trang phục tang gia của tiệm may Âu Hoá.
=> Bất hiếu, hám lợi, chạy theo lối sống văn minh rởm, lố lăng.
- Ông Phán mọc sừng:
+ Được bố vợ nói nhỏ vào tai là sẽ chia thêm cho con gái, con rể một số tiền là vài nghìn đồng. Chính ông ta không ngờ giá trị đôi sừng vô hình trên đầu mình lại lớn đến như vậy. Có lẽ niềm vui của ông cháu rể quý hóa không gì che dấu nổi bởi một nhà tư sản quan trọng lợi ích kinh doanh hẳn không ngờ vụ áp phe danh dự của mình lại lãi những vài ngàn đồng.
+ Đây là một chi tiết đầy tài năng của Vũ Trọng Phụng. Nó chỉ ra sâu sắc rằng: chính nhu cầu của xã hội bịp bợm là cơ sở nảy sinh tình trạng tha hóa về nhân tính con người.
=>Không khó khăn lắm Vũ Trọng Phụng đã lột trần được chân tướng của một tên tư sản nói riêng, một giai cấp tư sản hám tiền, tham lợi, vô liêm sỉ, coi tiền bạc hơn danh dự. Quả là một tên bất nhân, bất nghĩa nhưng luôn tự nhủ mình “ phải giữ chữ tín làm đầu.
- Cô Tuyết
+“ được mặc bộ y phục ngây thơ.......để cho thiên hạ phải biết mình chưa đánh mật cả chữ trinh”. Đồng thời cô ta còn được mang bộ mặt “hơi đượm buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám”.
+ Song điều làm Tuyết buồn đến “muốn tự tử được” như kim châm vào lòng không phải vì thương tiếc ông nội vừa chết, mà chỉ vì không thấy bạn trai là Xuân Tóc Đỏ đâu cả.
=> Trang phục lố lăng, kệch cỡm, cô gái hư hỏng.
- Tú Tân:
+ Bên ngoài: sung sướng phát điên lên
+ Nguyên nhân: vì sắp được phô diễn tài năng chụp ảnh.
+ trong cảnh hạ huyệt
=> đứa cháu bất hiếu, ích kỷ coi cái chết của ông là một cơ hội thể hiện thú chơi, sở thích chụp ảnh của mình.
=> Tiểu kết: Như vậy, chương XV của Số đỏ không chỉ xây dựng được những chân dung trào phúng đặc sắc tuy khác nhau về tuổi tác, diện mạo, động cơ nhưng đều giống nhau ở bản chất bất hiếu, vô đạo, nhố nhăng, đồi bại mà còn tạo dựng được những cảnh tượng trào phúng độc đáo.
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Tạo tình huống trào phúng cơ bản rồi mở rộng ra những tình huống khác;
+ Phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc.
+ Thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa,... được sử dụng một cách linh hoạt;
+ Miêu tả biến hóa, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, miêu tả trúng nét riêng của từng nhân vật.
Đánh giá khái quát:
- Bằng việc miêu tả thái độ của đám con cháu tác giả đã vạch trần bộ mặt đạo đức giả, hám tiền hám lợi, đại bất hiếu của gia đình cố Hồng
- Qua đó, phê phán mạnh mẽ bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội thượng lưu ở thành thị Việt Nam những năm trước cách mạng tháng Tám.
2. Bàn luận về vấn đề:
Giải thích:
- Hiếu thảo là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Nó thể hiện những tình cảm, suy nghĩ của bản thân mỗi người với những ai đã có công ơn to lớn với chúng ta.
Bàn luận:
- Hiếu thảo rất cần thiết trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt là đối với những thế hệ trẻ ngày nay – những con người đang dần hòa nhập vào nhịp sống của thế giới hiện đại.
- Lòng hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Từ xa xưa ca dao đã có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
- Tại sao cần có lòng hiếu thảo?
+ Cha mẹ là người đã có công rất lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Cha mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc những đứa con của họ một cách vô điều kiện, luôn bên cạnh, chia sẻ, quan tâm trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ hay lúc thành công hạnh phúc.
+ Đối với cha mẹ, “con dù lớn vẫn là con của mẹ - đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Công ơn cha mẹ là vô cùng to lớn như như “núi Thái Sơn”, như dòng nước bao la, mênh mông và vô tận.
- Lấy dẫn chứng những câu chuyện, tấm gương về lòng hiếu thảo
- Lên án những hành vi ngược đãi với ông bà, cha mẹ.
cần nghiêm khắc lên án, cảnh cáo với những hành vi trái ngược với lương tâm, đạo đức của mỗi người.
Bài học nhận thức và hành động
- Khẳng định lòng hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam.
- Cần tôn trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn trong xã hội và đặc biệt là lòng hiếu thảo trong gia đình.
- Mỗi người có ý thức nhìn nhận lại đạo đức của bản thân, hướng về gia đình, thấm thía lời răn của Đức Phật:“ Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”
-> Chúng ta cần thể hiện lòng hiếu thảo từ những việc làm nhỏ nhất như: ra sức học tập, rèn luyện tốt, sống sao cho có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội …..
2. ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi :
“Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên.
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên.
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời, nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên.
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên.
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ còn anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên.”
(Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa)
Câu 1. Câu thơ “Biển ồn ào, em lại dịu êm” sử dụng biện pháp tu từ gì?
Câu 2. Hình ảnh “những vành tang trắng” trong câu thơ “Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng” có ý nghĩa biểu tượng như thế nào?
Câu 3. Câu thơ “Biển một bên và em một bên” được lặp lại trong cả 5 khổ thơ, điều đó có ý nghĩa gì?
Câu 4. Hình ảnh của người lính biển trong khổ thơ thứ 4.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Nghị luận xã hội (2.0 điểm)
Từ những điều đã rút ra được trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ ) trình bày suy nghĩ của mình về lí tưởng sống của thế hệ trẻ ngày nay?
Câu 2: Nghị luận văn học (5.0 điểm)
Bằng hiểu biết về tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, anh/chị hãy trình bày cảm nhận của mình về quá trình tha hóa của Chí Phèo từ người nông dân hiền lành, lương thiện thành con quỹ dữ của làng Vũ Đại.
Trong xã hội ngày nay, ít nhiều ta vẫn bắt gặp những con người như Chí Phèo. Theo anh/chị làm thế nào để hạn chế hiện tượng này.
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1.
Câu thơ “Biển ồn ào, em lại dịu êm” sử dụng biện pháp tu từ: Đối lập
Câu 2.
Hình ảnh “những vành tang trắng” trong câu thơ “Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng” có ý nghĩa:
- Nghĩa thực: vành khăn tang của những người dân có người chết vì thiên tai, bão tố.
- Nghĩa biểu tượng: những nỗi đau mà đất nước đã từng trải qua không chỉ là nỗi đau thiên tai bão lũ mà còn là những mất mát của chiến tranh.
Câu 3.
Câu thơ “Biển một bên và em một bên” được lặp lại trong cả 5 khổ thơ, điều đó có ý nghĩa: Khẳng định trong tâm hồn người lính biển, tình yêu lứa đôi luôn hòa quyện với tình yêu biển trời tổ quốc.
Câu 4.
Người lính vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, cầm chắc tay súng nơi đảo xa để bảo vệ tổ quốc.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1.
a. Đảm bảo hình thức: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ.
b. Triển khai vấn đề nghị luận; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Giải thích:
- Lí tưởng sống : Mục đích sống tốt đẹp mà mỗi người muốn hướng đến, là lí do, mục đích mà mỗi con người mong mỏi đạt được.
- Người có lí tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động đề hoàn thiện mình, giúp ích cho mình, gia đình, xã hội và đất nước.
Phân tích, bàn luận:
- Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.
- Đưa dẫn chứng và phân tích ngắn gọn để chứng minh tính đúng đắn của vấn đề.
+ Mỗi người luôn muốn sống hạnh phúc, đủ đầy; tự kiếm tìm hạnh phúc, lẽ sống (lí tưởng).
+ Có mục đích sống, có lí tưởng để theo đuổi, cuộc sống sẽ có ý nghĩa.
+ Mỗi giai đoạn, mỗi thời kì con người đều cần có lý tưởng sống cao đẹp: Từ thời Bà Trưng, Trần Quốc Toản,...Đến hôm nay khi đất nước hòa bình và đang phát triển thì lí tưởng sống cao đẹp của thanh niên, thế hệ trẻ càng rộng hơn.
- Phê phán những người hờ hững với mọi thứ, sống theo quan niệm được đến đâu hay đến đấy, lo kiếm tiền, từ đó bị xã hội lên án, trở nên cô độc, ích kỉ.
- Bài học nhận thức và hành động
+ Tự nhìn nhận lại cách sống
+ Sẵn sàng khi đất nước cần.
c. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bào quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
3. ĐỀ SỐ 3
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
«Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt
Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra»
(Trích Tổ quốc ở Trường Sa - Nguyễn Việt Chiến)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định nghĩa của từ “Mẹ Tổ quốc” trong đoạn thơ trên.
Câu 2 (1,0 điểm): Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ.
Câu 3 (0,5 điểm): Nội dung chính của đoạn thơ trên?
Câu 4 (1,0 điểm): Anh/chị hãy nêu trách nhiệm bảo vệ biển đảo quê hương của mỗi công dân trong hoàn cảnh hiện tại.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 300 chữ) trình bày suy nghĩ của anh /chị về tình yêu quê hương, đất nước.
Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao để thấy được nỗi thống khổ vì bị cự tuyệt quyền làm người.
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Xác định nghĩa của từ “Mẹ Tổ quốc”: Chỉ hình tượng Đất nước; Sự gần gũi, yêu thương, che chở cho người dân biển.
Câu 2. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật
- Xác định được 02 biện pháp tu từ trong 03 biện pháp tu từ sau:
+ Điệp từ: biển, máu, Tổ quốc
+ Ẩn dụ: Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta.
+ So sánh: Như máu ấm trong màu cờ nước Việt.
- Hiệu quả nghệ thuật: thể hiện tình cảm gắn bó thiết tha, máu thịt với biển đảo quê hương và quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.
Câu 3. Nội dung chính: Sự cảm phục/ngợi ca tinh thần dũng cảm, kiên cường của ngư dân trên biển cả.
Câu 4. Trách nhiệm bảo vệ biển đảo quê hương:
- Khẳng định biển đảo là một phần lãnh thổ của Tổ quốc.
- Mỗi cá nhân đều phải có ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Tình yêu quê hương, đất nước.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ tình yêu quê hương, đất nước là tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp của con người. Có thể theo hướng sau:
- Tình yêu quê hương: là thứ tình cảm gắn bó yêu mến, vun đắp, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, đóng góp một phần sức lực của mình cho công cuộc xây dựng quê hương.
- Tình yêu quê hương gắn liền với yêu gia đình, làng xóm. Mỗi khi đi xa ai cũng trông ngóng về quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên.
- Phê phán những người quên đi cội nguồn, quên đi quê hương.
- Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận.
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
4. ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau: Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về bảo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh về trại nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
(Trích “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân)
Câu 1 (1,0 điểm)
\Là người có tài viết chữ đẹp nhưng Huấn Cao mới chỉ cho chữ những ai? Vì sao lại như vậy?
Câu 2 (1,0 điểm)
Tại sao Huấn Cao lại vui vẻ nhận lời cho chữ quản ngục? Điều đó nói lên vẻ đẹp nào trong tâm hồn của Huấn Cao?
Câu 3 (1,0 điểm)
“Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.” là câu nói của nhân vật nào nói đến nhân vật nào trong truyện? Anh/chị cảm nhận gì về lối sống của nhân vật đã nói câu ấy?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Trong truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao có đoạn:
Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?
[…]
Bát cháo húp xong rồi, thị Nở đỡ lấy bát cháo và múc thêm bát nữa. Hắn thấy mình đẫm bao nhiêu mồ hôi. Mồ hôi chảy ra trên đầu, trên mặt, những giọt to như giọt nước. Hắn đưa tay áo quệt ngang một cái, quệt mũi, cười rồi lại ăn. Hắn càng ăn, mồ hôi lại càng ra nhiều. Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu, thương hại. Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người? Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi, hay trận ốm thay đổi hắn về sinh lí cũng thay đổi cả tâm lí nữa? Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Hắn băn khoăn nhìn thị Nở, như thăm dò. Thị vẫn im lặng, cười tin cẩn. Hắn thấy tự nhiên nhẹ người. Hắn bảo thị:- Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?
Thị không đáp, nhưng cái mũi đỏ của thị như càng bạnh ra. Hắn thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý hắn, hắn bảo thị:
- Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.
Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí, khanh khách cười. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng lắm. Bây giờ thì mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui.
(Ngữ văn 11, tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 150 - 151)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên.
--- Hết ---
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1.
- Huấn Cao mới chỉ cho chữ “ba người bạn thân”.
- Huấn Cao là người có tâm hồn trong sáng, cao đẹp; trọng nghĩa: “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối”.
Câu 2.
- Huấn Cao chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và yêu quý cái đẹp.
- Do cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài và hiểu ra cái sở thích cao quý của quản ngục, Huấn Cao đã nhận lời cho chữ.
Câu 3.
- Đó là lời của Huấn Cao nói đến quản ngục.
- Câu nói bộc lộ lối sống của Huấn Cao: sống là phải xứng đáng với những tấm lòng. Phụ tấm lòng cao đẹp của người khác là không thể tha thứ.
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Dương Văn Dương. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm các tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Bộ 7 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Phú Hòa có đáp án
-
Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 có đáp án Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm có đáp án
-
Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Giồng Ông Tố có đáp án
Chúc các em học tập tốt!