Trong cuộc sống, việc giới thiệu cho người khác về một cuốn sách là một việc cần thiết và thú vị nhưng cũng có không ít thách thức. Do đó, nội dung bài giảng Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách thuộc sách Chân trời sáng tạo do HỌC247 biên soạn dưới đây sẽ giúp các em biết trình bày bài giới thiệu về một cuốn sách, đồng thời nắm bắt được nội dung chính mà nhóm trao đổi, thảo luận. Mời các em cùng tham khảo
Tóm tắt bài
1.1. Yêu cầu
- Trình bày được bày giới thiệu ngắn về một cuốn sách.
- Cung cấp những thông tin quan trọng nhất về cuốn sách.
- Nêu được đề tài hay chủ đề của cuốn sách và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
- Khẳng định và lan toả giá trị của cuốn sách, giúp người nghe hiểu và có thể tìm đọc nó.
- Nghe và tóm tắt được nội dung bài giới thiệu về một cuốn sách, trao đổi với người nói về bài thuyết trình.
1.2. Cách làm
1.2.1. Xác định đề tài, mục đích nói, đối tượng người nghe, không gian và thời gian nói
- Đề tài bài nói trong trường hợp này chinh là đề tài của bài viết.
- Liệt kê một số mục đích mà em muốn đạt được khi giới thiệu cuốn sách này.
- Xác định đối tượng người nghe, lượng thời gian trình bày bài nói.
- Tìm hiểu nơi trình bày bài nói (phòng học hay hội trường, có máy chiếu hay không...).
1.2.2. Tìm ý và lập dàn ý
- Dựa vào nội dung bài viết, liệt kê những ý chính cần trình bày trong bài nói:
+ Tên cuốn sách, thể loại, tên tác giả, tên nhà xuất bản, năm xuất bản, các giải thưởng đạt được (nếu có) ...
+ Một số đặc điểm về nội dung, hình thức nghệ thuật, chủ đề và thông điệp của cuốn sách.
+ Một vài chi tiết, hình ảnh, sự việc quan trọng, thú vị trong cuốn sách để làm bằng chứng minh hoạ cho bài nói.
+ Nhận xét hoặc nêu ấn tượng/ cảm xúc về cuốn sách.
+ Cách thức thể hiện bài giới thiệu sách, ví dụ như: đóng vai, biểu diễn một phần đoạn nào đó của cuốn sách (nếu có thể).
+ Ý tưởng về việc sử dụng phương tiện trực quan hỗ trợ cho bài nói, ví dụ: hình ảnh minh họa cho cuốn sách.
- Dựa trên dàn ý đã lập cho bài viết để lập dàn ý cho bài nói.
1.2.3. Luyện tập và trình bày
- Sử dụng thẻ ghi chú để tóm tắt những từ ngữ quan trọng và sắp xếp các thẻ theo thứ tự trình bày.
- Trích dẫn một số câu văn, câu thơ, lời thoại giữa các nhân vật, chi tiết, hình ảnh, sự việc... trong cuốn sách và sử dụng một số phương tiện trực quan như: hình ảnh, âm thanh, hoặc video clip, sơ đồ…
- Sử dụng cách xưng hô, ngữ điệu, âm lượng, tốc độ và các phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp; thể hiện sự tương tác với người nghe trong khi nói.
- Dự kiến một số vấn đề mà người nghe có thể trao đổi về cuốn sách.
1.2.4. Trao đổi, đánh giá
Sử dụng bảng kiểm dưới đây để tự đánh giá bài giới thiệu sách của mình và của các bạn:
Bảng kiểm kĩ năng trình bày, giới thiệu một cuốn sách
Bài tập minh họa
Thuyết minh về cuốn sách mà bản thân yêu thích với các bạn để lan tỏa tình yêu sách.
Lời giải chi tiết:
MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI
“Kính chào Hậu phương – Chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi – Nhất định có ngày trở về Thủ đôi yêu quí của lòng tôi”
Tại Ngã Ba Đồng Lộc, ngày mùng 3.6.1972, anh lính trẻ Nguyễn Văn Thạc, khi ấy mới 9 tháng tuổi quân kết thúc cuốn nhật kí đời lính đầu tiên, và cũng là cuốn nhật kí cuối cùng của đời mình. Cuốn nhật kí mang tên “Chuyện đời” của anh, sau được biên tập và xuất bản mang tên “Mãi mãi tuổi hai mươi”.
“Mãi mãi tuổi hai mươi” được tác giả Đặng Vương Hưng giới thiệu và biên tập lại từ hàng trăm bức thư cùng cuốn nhật kí “Chuyện đời” dày 240 trang của Liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Thạc. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2005. Sách dày 319 trang bao gồm phần mở đầu là lời tựa của nhà thơ Đặng Vương Hưng, phần nội dung là nhật kí và thư từ do chính liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết. Khép lại cuốn sách là phần phụ lục, giới thiệu bài viết đạt giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc của anh cũng như dư luận xoay quanh cuốn sách.
Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội. Anh từng đạt giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Sau này, anh là sinh viên khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi tuổi trẻ đang đầy nhiệt huyết, tương lai đầy hứa hẹn mở ra ở những phương trời xa, Nguyễn Văn Thạc cùng những người bạn đồng trang lứa xếp lại bút nghiên, lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Anh nhập ngũ ngày 6.9.1971 và hi sinh ngày 30.7.1972 tại chiến trường Quảng Trị khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 năm tuổi đời.
Anh đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn nhật kí ngày 2.10.1971: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ...”.
Trong cuốn nhật kí, anh không chỉ tâm sự với chính mình, mà còn tâm sự với người bạn gái anh yêu quý – Như Anh. Có thể nói, cô là nguồn cảm hứng lớn đối với anh cả khi vui lẫn khi buồn, khi sung sức cũng như lúc mỏi mệt. Xuyên suốt 240 trang ghi chép, Nguyễn Văn Thạc kể lại những tháng ngày từ khi anh cùng đồng đội được đưa đi huấn luyện cấp tốc tại tỉnh Hà Bắc cũ, nay là Bắc Giang, cho tới khi đơn vị của anh cùng lên đoàn tàu quân sự, hành quân vào chiến trường, trên đường qua Hà Nội, qua Cửa Nam, những người lính trẻ còn kịp viết vội đôi dòng, những cánh thư bay ào ạt xuống đường. “Báo cho những người thân của chúng tôi rằng, chúng tôi đã xa Hà Nội lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.1972”.
Anh cùng đồng đội dừng chân tại Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh chưa đầy một tuần, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và con người nơi đây, bỏ lại đây 16 tập thơ quý giá để tiếp tục hành quân vào chiến trường, sắp tới Trường Sơn rồi. Và một ngày cuối tháng 5.1972, anh lính binh nhì phải tạm biệt cuốn nhật kí đầu tiên của đời lính với những trăn trở khi chưa kịp xem lại một lần, trăn trở “Nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này?”
Cuốn nhật kí không chỉ ghi chép chặng đường hành quân, miêu tả cảnh sắc quê hương đất nước, thể hiện lí tưởng vì Tổ quốc của người thanh niên trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ mà còn đan xen cả tâm sự, suy nghĩ của một con người sâu sắc, yêu đời, lãng mạn, của một học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc.
Ngay khi đọc những trang đầu tiên của cuốn nhật kí, không chỉ tôi, mà tin rằng, tất cả độc giả đều thấy nghẹn ngào xúc động. Chiến tranh gian khổ và ác liệt, nhưng người lính trẻ không hề nao núng mà quyết tâm chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng, một ngày mai độc lập đúng như trong dự cảm của anh: “Hẹn đến ngày 30.4.1975 sẽ trả lời cho Như Anh câu hỏi: Hạnh phúc là gì?”. Anh không có cơ hội nhìn thấy ngày 30.4 rực rỡ và đáng tự hào ấy, nhưng những thế hệ sau này, trong đó có chúng ta, đang được tận hưởng hạnh phúc mà anh và các đồng đội đã hi sinh để đem lại.
Tôi chợt nhận ra rằng, tuổi trẻ nếu sống thu mình, nhàm chán, vô định thì cuộc đời sẽ thật vô nghĩa biết bao. Khi ta dám dấn thân, biết sống vì cộng đồng, làm đẹp cho đất nước, thì dù phải hi sinh công sức, mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu và sinh mạng, ta cũng không hối tiếc. Nhưng nghĩ thế nào, làm thế nào và sống thế nào, đó là câu hỏi dành cho tất cả chúng ta, dành cho tôi, dành cho các bạn!
Lời kết
Học xong bài Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách, các em cần:
- Biết trình bày bài giới thiệu về một cuốn sách.
- Yêu quý sách và thường xuyên đọc sách.
Soạn bài Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách - Ngữ văn 8 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách sẽ giúp các em biết trình bày bài giới thiệu về một cuốn sách, đồng thời nắm bắt được nội dung chính mà nhóm trao đổi, thảo luận. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách
- Soạn bài tóm tắt Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách
Hỏi đáp bài Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách - Ngữ văn 8 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247