Nhằm giúp các em nhận biết và hiểu tác dụng của các từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội trong đời sống và trong tác phẩm văn học, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp Thực hành tiếng Việt trang 19 thuộc sách Cánh diều dưới đây. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em có nhiều tiết học bổ ích!
Tóm tắt bài
1.1. Từ ngữ toàn dân
- Khái niệm: Từ ngữ toàn dân của một ngôn ngữ: là từ ngữ được sử dụng rộng rãi trong mọi vùng miền của đất nước, là khối từ ngữ cơ bản và có số lượng lớn nhất của ngôn ngữ.
- Tác dụng: Từ ngữ toàn dân không chỉ có vai trò rất quan trọng trong giao tiếp ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn là cơ sở cho sự thống nhất ngôn ngữ. Hiểu được nghĩa và sử dụng đúng từ ngữ toàn dân là điều kiện để giao tiếp có hiệu quả.
1.2. Từ ngữ địa phương
- Khái niệm: Từ ngữ địa phương: là những từ ngữ được sử dụng ở một vùng miền nhất định.
- Tác dụng: Mặc dù từ ngữ địa phương có số lượng không lớn và có phạm vi dùng hạn chế nhưng lại phản ánh được nét riêng của con người, sự vật ở mỗi vùng miền nên cũng có vai trò quan trọng, nhất là đối với hoạt động giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày và đối với sáng tác văn chương.
- Cách sử dụng: Hiểu được nghĩa và biết sử dụng đúng chỗ, đúng mức từ ngữ địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp.
1.3. Biệt ngữ xã hội
- Khái niệm: Biệt ngữ xã hội: là những từ ngữ được dùng với nghĩa riêng trong một nhóm xã hội nhất định.
- Tác dụng: Trong tác phẩm văn chương, lời ăn tiếng nói của nhân vật cũng có thể phản ánh biệt ngữ của nhóm xã hội mà nhân vật thuộc vào. Tuy nhiên, việc sử dụng biệt ngữ xã hội trong đời sống cũng như trong tác phẩm văn chương đều cần có chừng mực để bảo đảm hiệu quả giao tiếp và giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.
Bài tập minh họa
Việc sử dụng các biệt ngữ xã hội (có dấu ngoặc kép) trong những câu sau (ở tác phẩm Bỉ vỏ của Nguyên Hồng) có tác dụng thể hiện đặc điểm của các nhân vật như thế nào?
a. Nó hết sức theo dõi nhưng không làm sao đến gần được vì “bỉ” này “hắc” lắm.
b. Cái “cá” ngon làm vậy thằng “vỏ lõi” nó còn “mõi” được huống hồ chị…
Lời giải chi tiết:
a. Biệt ngữ xã hội thể hiện đặc điểm của nhân vật, nhân vật được nhắc đến là một người con gái cẩn thận và khôn ngoan.
b. Các biệt ngữ xã hội dùng trong câu nhằm nói đến hành động ăn cắp ví tiền của một kẻ cắp nhỏ tuổi. Nếu không hiểu biết về biệt ngữ, người đọc sẽ không hiểu được ý nghĩa của câu.
Lời kết
Học xong bài Thực hành tiếng Việt trang 19, các em cần nắm:
Nhận biết và hiểu tác dụng của các từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội trong đời sống và trong tác phẩm văn học.
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 19 - Ngữ văn 8 Tập 2 Cánh Diều
Bài học Thực hành tiếng Việt trang 19 sẽ giúp các em nhận biết và hiểu tác dụng của các từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội trong đời sống và trong tác phẩm văn học. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn văn đầy đủ Thực hành tiếng Việt trang 19
- Soạn văn tóm tắt Thực hành tiếng Việt trang 19
Hỏi đáp bài Thực hành tiếng Việt trang 19 - Ngữ văn 8 Tập 2 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247