Mời các em học sinh lớp 6 cùng tham khảo bài soạn Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách? dưới đây nhằm giúp các em bước đầu biết cách giải quyết một tình huống có vấn đề và nắm được cách lựa chọn sách đọc hiệu quả nhất. Chúc các em sẽ có một tiết học thật thú vị nhé!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Giải quyết tình huống là gì?
- Giải quyết tình huống được hiểu là những cách thức phân tích, liên hệ, tìm hiểu các thông tin khác nhau để có thể có một cái nhìn tổng thể nhất về sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Đồng thời, bạn sẽ cần phải đưa ra được những phương án đánh giá, giải quyết được vấn đề một cách thỏa đáng nhất trong khả năng có thể.
1.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống
Giải quyết tình huống đã cho theo những bước sau đây:
- Bước 1: Xác định vấn đề cần giải quyết
- Bước 2: Tìm kiếm và lựa chọn giải pháp
- Bước 3: Thực hiện giải quyết vấn đề.
2. Soạn bài Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách?
Câu hỏi: Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP CÔ BÉ RẮC RỐI LỰA CHỌN SÁCH?
Thân gửi các bạn trong Câu lạc bộ Đại sứ văn hóa đọc!
Mình bị gọi là Cô Bé Rắc Rối, năm nay mình học lớp 6, mình đang gặp một chuyện cần các bạn giúp đỡ. Mình với mẹ đang rất căng với nhau. Mẹ hay la mình là mê điện thoại, mê chơi game mà không chịu đọc sách. Mình thấy chơi game, lướt web thú vị hơn đọc sách nhiều. Chơi game rất vui, lướt web thì biết nhiều tin tức, làm quen được nhiều bạn bè, khám phá được nhiều vùng đất mới. Mình thích làm hướng dẫn viên du lịch nên mình thấy việc lướt web sẽ giúp mình biết rất nhiều thứ. Còn mẹ thì cứ khăng khăng là phải đọc sách, làm nghề gì cũng phải đọc sách. Không những vậy, mẹ còn nói là phải biết cách đọc sách thì mới được.
Vậy nếu cần đọc sách thì một học sinh lớp 6 như mình nên đọc sách gì? Các truyện tranh như "Thần đồng đất Việt", "Đô-ra-ê-mon", "Thám tử lừng danh Cô-nan" có được không? Cho mình hỏi là làm hướng dẫn viên du lịch thì chỉ đọc sách liên quan đến du lịch thôi có được không? Cũng có lúc mẹ cho mình tiền đi mua sách nhưng sách thì rất nhiều, có sách lại dày, mình không biết lựa chọn làm sao cho nhanh, cho phù hợp với mình? Rồi "biết cách đọc sách" là sao? Mình thấy việc mua sách và đọc sách mới là rắc rối chứ không phải mình là rắc rối. Mình hỏi nhiều như vậy các bạn đừng gọi mình là Cô Bé Rắc Rối nhé!
Mình mong các bạn giúp mình và những bạn gặp phải tình huống giống mình. Cảm ơn tất cả các bạn trong Câu lạc bộ Đại sứ văn hóa đọc!
Cô Bé Rắc Rối
(Nhóm biên soạn)
Nếu em là một thành viên của Câu lạc bộ Đại sứ văn hóa đọc thì em sẽ giúp Cô Bé Rắc Rối cũng như các bạn rơi vào tình huống tương tự giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
- Nếu em là một thành viên của Câu lạc bộ Đại sứ văn hóa đọc thì đầu tiên em sẽ hướng dẫn cô bé cách chọn lựa những quyển sách phù hợp với thế mạnh của cô bé. Nếu cô bé thích làm hướng dẫn viên du lịch thì chọn những cuốn sách khám phá về các nước trên thế giới, bên cạnh đó đan xen những quyển sách về cuộc sống hoặc về cách làm tốt trong công việc của mình.
- Sau đó, em sẽ cùng cô bé học cách đọc sách đúng, khi đọc hết mỗi cuốn sách cô bé rút ra được những gì và bài học cho chính cuộc sống của cô bé. Như vậy cô bé sẽ thấy việc đọc sách không khó và nhàm chán như bản thân từng nghĩ.
Trên đây là những gợi ý trả lời chi tiết và đầy đủ nhất hệ thống câu hỏi thuộc phần hướng dẫn đọc - hiểu văn bản mà các em phải hoàn thành trong quá trình soạn bài Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách? Ngoài ra, để củng cố và nâng cao kiến thức bài học được tốt hơn mời các em xem thêm
-
Soạn bài tóm tắt Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách?
- Bài giảng Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách?
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Từ văn bản giải quyết tình huống Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách? Em có suy nghĩ gì về phương pháp đọc sách hiệu quả nhất?
Trả lời:
- Cách đọc sách hiệu quả là hãy biết cách chọn sách:
+ Để bắt đầu hình thành cho mình một thói quen đọc sách, thì trước tiên, bạn cần phải chọn được một cuốn sách để có thể bắt đầu thói quen đó. Để việc đọc sách không trở thành một gánh nặng, thì bạn nên tự đặt ra cho mình câu hỏi “Đâu là thể loại sách mà mình yêu thích?”, sau khi hỏi và tìm ra câu trả lời cho chính mình, thì lúc này bạn sẽ bắt đầu lựa chọn sách phù hợp với “gu” của mình. Và dưới đây là một số lưu ý nhỏ dành cho bạn khi chọn lựa một cuốn sách để bắt đầu hành trình chinh phục tri thức nhân loại:
- Hiểu rõ bản thân thích và phù hợp với thể loại nào sẽ giúp bạn nhanh chóng có được hứng thú với việc đọc sách và sẽ không cảm thấy muốn bỏ cuộc do cuốn sách bạn chọn quá nhàm chán. Không nên chọn một cuốn sách vì nghe ai đó nói nó hay vì cuốn sách đó có thể hay với mọi người nhưng chưa chắc đã hay với bạn.
- Không nên đánh giá và lựa chọn một cuốn sách chỉ vì bìa và tiêu đề của nó. Bởi vì quyển sách đó có tiêu đề hoặc bìa không vừa mắt bạn nhưng thế giới bên trong cuốn sách có thể làm bạn thích thú thậm chí là mê mẩn và đắm chìm trong đó.
- Cách đọc sách hiệu quả là hãy đặt ra mục tiêu đọc sách:
+ Tiếp theo, trước khi bắt đầu với một cuốn sách, thì bạn cần phải đặt ra cho mình một mục tiêu đọc sách rõ ràng và cụ thể. Bạn có thể đặt cho mình một mục tiêu là 15 - 20 phút đọc sách mỗi ngày nếu bạn không có quá nhiều thời gian. Hoặc đọc sách 1 - 2 tiếng mỗi ngày nếu bạn có nhiều thời gian rảnh.
+ Nhưng dù là mỗi ngày đọc sách nhiều hay ít, thì bạn cũng cần đặt cho mình một khoảng thời gian cụ thể, không nên xác định “Rảnh sẽ đọc” vì bạn sẽ chẳng bao giờ thực sự rảnh. Hơn nữa, đọc sách chỉ có hiệu quả nếu bạn thực sự dành thời gian cho nó.
+ Từ việc đặt thời gian cố định để đọc sách, lâu dần, đọc sách sẽ giống như một thói quen không thể thiếu trong thời gian biểu của bạn. Và việc “nạp” tri thức vào đầu mỗi ngày trở thành một thói quen sinh hoạt là một điều vô cùng tốt.
- Cách đọc sách hiệu quả là ghi nhớ những gì mình đọc:
+ Mặc dù bạn rất tập trung đọc sách, nhưng bạn có thể đảm bảo rằng bạn nhớ toàn bộ những gì mà bạn đã đọc? Việc đọc sách chỉ thực sự có ích khi bạn có thể ghi nhớ và sử dụng những gì mà bạn đọc được. Do đó, khi đọc sách, bạn cần phải thực sự nhớ được những gì mà sách viết, để có thể học hỏi và vận dụng những thứ đó và trong cuộc sống thực tiễn, người ta gọi đó là “dùng sách”.
+ Để có thể ghi nhớ được hết những gì mà bạn đọc được, bạn có thể sử dụng phương pháp ghi chú. Sau khi gấp cuốn sách lại, bạn ghi lại những luận điểm, những ý chính mà tác giả đã nêu ra trong cuốn sách. Hoặc bạn cũng có thể ghi lại bạn đã học được những gì từ cuốn sách.
- Cách đọc sách hiệu quả là cố gắng hiểu được ẩn ý mà tác giả muốn nói đằng sau cuốn sách:
+ Ý nghĩa của một cuốn sách không chỉ nằm trên những con chữ trên trang sách, mà nó còn là những ẩn ý mà tác giả muốn gửi gắm đằng sau những trang sách đó. Vì vậy, kho tàng tri thức chỉ thực sự được chinh phục nếu như bạn hiểu được những ý nghĩa sâu xa mà tác giả gửi đằng sau những câu chuyện.
+ Mỗi cuốn sách đều mang cho mình những bài học về cuộc sống, về đạo đức, về chuẩn mực cuộc sống cũng như rất nhiều những thứ mà chúng ta cần biết để cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, đọc sách để học hỏi, để khám phá thì phải hiểu và khám phá ra được cả những bài học sâu xa, chứ không đơn thuần là những trang sách nhìn được, sờ được.
4. Hỏi đáp về bài Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách?
Trong quá trình tìm hiểu bài soạn này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.