Bài học Củng cố, mở rộng trang 21 thuộc sách Kết nối tri thức dưới đây nhằm giúp các em học sinh ôn luyện và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 6: Chuyện kể về những người anh hùng. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại đặc điểm của thể loại truyền thuyết
- Truyền thuyết là loại truyện dân gian, kể về các nhân vật và sự kiện ít nhiều có liên quan đến lịch sử thông qua tưởng tượng, hư cấu.
- Một số yếu tố của truyền thuyết:
+ Truyền thuyết thường kể lại cuộc đời và chiến công của nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong tục, sản vật địa phương theo quan điểm của tác giả dân gian.
+ Truyền thuyết được kể theo mạch tuyến tính (có tính chất nối tiếp, theo trình tự thời gian). Nội dung thường gồm ba phần gắn với cuộc đời của nhân vật chính: hoàn cảnh, xuất hiện và thân thế, chiến công phi thường, kết cục.
+ Nhân vật chính của truyền thuyết là những người anh hùng. Họ thường phải đối mặt với những thử thách to lớn, cũng là thử thách của cả cộng đồng. Họ lập nên những chiến công phi thường nhờ có tài năng xuất chúng và sự hỗ trợ của cộng đồng.
+ Lời kể của truyền thuyết cô đọng, mang sắc thái trang trọng, ngợi ca, có sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật nhằm gây ấn tượng về tính xác thực của câu chuyện.
+ Yếu tố kì ảo (lạ và không có thật) xuất hiện đậm nét ở tất cả các phần nhằm tôn vinh, lí tưởng hóa nhân vật và chiến công của họ.
1.2. Ôn lại các văn bản truyền thuyết đã học
- Thánh Gióng: Thánh Gióng là một truyền thuyết lịch sử. Nhân vật Thánh Gióng không phải là một người anh hùng bằng xương bằng thịt. Đó là một hình tượng nghệ thuật do nhân dân ta tưởng tượng ra, là sự kết tinh của truyền thống vừa dựng nước vừa đấu tranh giữ nước từ thời các Vua Hùng. Nó thể hiện ước mơ của nhân dân ta về một sức mạnh phi thường để có thể chống trả mọi kẻ thù xâm lược, đồng thời cũng nói lên tình cảm yêu quý, trân trọng của nhân dân đối với những người con anh hùng đã có công với dân với nước.
- Sơn Tinh, Thủy Tinh: Tác phẩm tập trung thể hiện hai nội dung chính: cuộc giao tranh của Sơn Tinh và Thủy Tinh để giải thích hiện tượng mưa bão hàng năm và sự việc Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh phản ánh khát vọng chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy kể tóm tắt truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
a. Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại văn bản Sơn Tinh, Thủy Tinh và nắm được nội dung chính của văn bản này.
- Kể tóm tắt theo từng sự việc chính xuất hiện trong văn bản.
b. Lời giải chi tiết:
Vua Hùng Vương thứ 18 có một nàng công chúa tên là Mị Nương, nàng đẹp như hoa như phấn, tính tình thì hiền dịu nết na. Khi Mị Nương đến tuổi lấy chồng, vua Hùng muốn kén một chàng rể thật tài giỏi, nhưng mãi chưa có một ai xứng đáng với con gái của mình.
Một hôm nọ, đến cầu hôn công chúa có hai vị thần, cả hai đều ngang tài, ngang sức với nhau,và đều xứng đáng để trở thành con rể của vua Hùng. Một người tên là Sơn Tinh là chúa của vùng rừng núi cao, thần có thể dời non lấp bể, dựng núi xây đồi. Còn người thứ hai tên là Thủy tinh là chúa vùng biển cả, thần có khả năng hô mưa gọi gió, dâng nước…Vua Hùng không biết chọn ai, ngẫm nghĩ một hồi lâu, vua bèn ra điều kiện: "Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thì ta sẽ gả con gái cho”.
Sáng hôm sau, mới tinh mơ, Sơn Tinh đã mang lễ vật đến và cưới được Mị Nương, thần đưa nàng về núi cao. Còn Thủy Tinh đến sau, nên không cưới được công chúa, tức giận bèn hô mưa, gọi gió, tạo ra giông bão, dâng nước lên cao để nhấn chìm Sơn Tinh, cướp lại Mị Nương. Lúc đó, cả một vùng Phong Châu như chìm trong biển nước. Nhưng Sơn Tinh không hề sợ sệt, thần dung phép dời núi, bốc đồi, đắp thành lũy để ngăn chặn dòng lũ đang đang cao. Hai bên đánh nhau suốt ngày đêm. Vùng núi Tản Viên, Sông Đà lúc đó như trở thành một chiến trường khóc liệt, cấy cối đất đá đổ vỡ khắp nơi, xác các sinh vật biển chết thả đầy sông. Cuối cùng Thủy Tinh không đánh lại được đành chịu thua.
Nhưng oán hận thù sâu trong lòng Thủy Tinh vẫn không khôn nguôi, hang năm cứ đến tháng 7 tháng 8, Thủy Tinh lại đánh Sơn Tinh, vẫn làm mưa, làm gió, gây bão để rửa hận.
(Sưu tầm)
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Hệ thống hóa lại những văn bản truyền thuyết đã học.
+ Nắm được kiến thức về đặc điểm của thể loại truyền thuyết.
Soạn bài Củng cố và mở rộng trang 21
Bài học Củng cố và mở rộng trang 21 nhằm giúp các em ôn luyện lại những kiến thức về các văn bản truyền thuyết đã học. Để nắm rõ được nội dung bài học này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Củng cố và mở rộng trang 21 Ngữ văn 6
Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tìm hiểu bài học này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247