YOMEDIA
NONE

Chiếc lá cuối cùng - Ngữ văn 6 Tập 2 Chân trời sáng tạo


Chiếc lá cuối cùng là một tác phẩm có sức hút vô cùng lớn với người đọc thể hiện khát vọng hướng tới những điều tốt đẹp, hoàn mỹ trong cuộc sống của tác giả một cách vô cùng mãnh liệt cháy bỏng. Để hiểu hơn về bài học này, Học 247 mời các em cùng tham khảo bài học chi tiết dưới đây nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Chuẩn bị đọc

a. Tác giả, tác phẩm:

* Tác giả:

- O Hen-ri (1862 - 1910)

- Là nhà văn người Mĩ, chuyên viết truyện ngắn.

- Nổi tiếng với những tác phẩm có kết thúc bất ngờ, pha trộn chất mỉa mai châm biếm và giọng điệu thương cảm khi viết về những người lao động bình thường, những con người sống dưới đáy xã hội.

* Tác phẩm:

- Xuất xứ: Trích phần cuối truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng.

- Tóm tắt:

+ Giôn-xi sưng phổi và tuyệt vọng, chán nản.

+ Giôn-xi tin rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô lìa xa cõi đời.

+ Xiu và cụ Bơ-mơn đều rất lo lắng.

+ Cụ Bơ-mơn đã vẽ chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa tuyết.

+ Giôn-xi khỏe trở lại còn cụ Bơ-mơn chết vì bệnh sưng phổi.

b. Tìm hiểu từ khó:

- Naples: Vịnh nổi tiếng về phong cảnh đẹp của Ý.

- Thường xuân (còn có tên gọi là trường xuân): Là loài cây leo có rễ bám, lá non có màu xanh nhạt và đậm dần khi trưởng thành, hoa nhỏ có năm cánh chụm lại như chiếc ô, màu vàng nhạt.

c. Đại ý:

Văn bản Chiếc lá cuối cùng thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia giữa những người có cùng cảnh ngộ.

d. Bố cục:

- Gồm 3 phần:

+ Phần 1 (Từ đầu đến mái hiên thấp kiểu Hà Lan): Tâm trạng chán nản, tuyệt vọng của Giôn-xi.

+ Phần 2 (Tiếp đến bồi dưỡng và chăm nom, thế thôi): Sự hồi sinh của Giôn-xi.

+ Phần 3 (Còn lại): Sự thầm lặng hi sinh của cụ Bơ-mơn.

1.2. Trải nghiệm cùng văn bản

a. Diễn biến tâm trạng của Giôn-xi:

* Hoàn cảnh sống:

- Giôn-xi là một nữ họa sĩ nghèo sống trong khu nhà ổ chuột cùng với cô bạn cùng phòng là Xiu.

- Bị sưng phổi nặng.

- Nghèo khó không có tiền lo thuốc thang.

* Diễn biến tâm trạng:

- Khi biết mình mắc bệnh:

+ Chán nản, tuyệt vọng.

+ Thờ ơ trước sự quan tâm của mọi người.

- Suy nghĩ: "Khi nào chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì mình cũng lìa đời.".

- Khi thấy chiếc lá cuối cùng không rụng: Lấy lại nghị lực sống và dần hồi phục.

→ Nghị lực và tình yêu cuộc sống sẽ giúp con người chiến thắng được bệnh tật, khó khăn.

- Giôn-xi hồi phục:

+ Vì sự gai góc, kiên cường của chiếc lá cuối cùng. → Đối lập với sự yếu đuối, chiếc lá đã tiếp thêm nghị lực sống cho Giôn-xi.

+ Vì tình yêu thương của Xiu.

+ Vì sự hi sinh của cụ Bơ-mơn.

→ Sự im lặng khi nghe tin về cái chết của cụ Bơ-mơn như nốt lặng trong lòng Giôn-xi.

b. Tình yêu thương của Xiu:

- Tấm lòng yêu thương của Xiu với Giôn-xi:

+ Quan tâm, chăm sóc, động viên Giôn-xi.

+ Lo sợ khi thấy lá thường xuân rụng dần.

+ Lo lắng cực độ khi Giôn-xi nhờ kéo mành lên.

+ Ngạc nhiên, vui mừng khi thấy chiếc lá chưa rụng.

- Xiu không biết việc cụ vẽ lá và tâm trạng lo láng vẫn đep đẳng cô cho tới khi biết sự thật. → Nếu Xiu biết trước thì truyện sẽ không tạo bất ngờ cho người đọc, người đọc cũng không được chứng kiến, thấu hiểu tâm trạng lo lắng của cô.

→ Xiu là người chị bao dung, giàu tình yêu thương, kính phục cụ họa sĩ.

c. Cụ Bơ-mơn và kiệt tác chiếc lá cuối cùng:

* Nhân vật cụ Bơ-mơn:

- Hoàn cảnh sống:

+ Là một họa sĩ vô danh, ngoài 60 tuổi, kiếm sống bằng việc làm mẫu vẽ cho các họa sĩ trẻ.

+ Mơ ước cháy bỏng vẽ được một kiệt tác chưa thực hiện.

→ Già yếu, cô độc, chưa có thành công trong nghệ thuật.

- Tình cảm, tấm lòng của cụ Bơ-mơn:

+ Lúc đến thăm Giôn-xi: Lo lắng cho bệnh tình của cô.

+ Sau khi thăm Giôn-xi: Vẽ chiếc lá trong cơn mưa tuyết, mong cứu sống cô.

→ Mắc bệnh sưng phổi, chết sau 2 ngày. Nghệ thuật đảo ngược tình huống.

→ Tấm lòng hi sinh cao thượng, quên mình vì người khác. Tấm lòng nhân đạo mà O Hen-ri muốn thể hiện.

* Kiệt tác chiếc lá cuối cùng:

- Chiếc lá được vẽ y như thật.

- Chiếc lá được vẽ bằng tình thương bao la và sự hi sinh cao thượng.

- Chiếc lá được vẽ trong hoàn cảnh đặc biệt.

- Chiếc lá đã cứu sống Giôn-xi.

→ Quan điểm nghệ thuật:

+ Tác phẩm nghệ thuật: Nghệ thuật vị nhân sinh.

+ Nghệ sĩ đích thực: Luôn trăn trở về tác phẩm để đời; Quan tâm đến sự sống của con người.

1.3. Tổng kết

- Về nội dung: Mấy trang kết thúc truyện Chiếc lá cuối cùng trên đây của O Hen-ri làm cho người đọc rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.

- Về nghệ thuật: Truyện được xây dựng theo kiểu có nhiều tình tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ khéo léo, kết cấu đảo ngược tình huống.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy phân tích hình tượng chiếc lá cuối cùng trong văn bản Chiếc lá cuối cùng.

a. Hướng dẫn giải:

- Đọc kĩ lại văn bản Chiếc lá cuối cùng.

- Ý nghĩa hình tượng chiếc lá cuối cùng:

+ Hình ảnh chiếc lá được vẽ bằng cả tấm lòng yêu thương, đức hi sinh thầm lặng.

+ Chiếc lá đã cứu sống Giôn-xi.

b. Lời giải chi tiết:

O.Hen-ri là nhà văn Mỹ với phong cách sáng tác có sức hút lớn đối với người đọc, Tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" là một trong rất nhiều tác phẩm có sức neo giữ lâu trong lòng người bởi hệ thống nhân vật, lối suy nghĩ và cả những khát vọng trong đó rất mãnh liệt, cháy bỏng. Đặc biệt hình ảnh "Chiếc lá cuối cùng" - kiệt tác cuối đời của cụ Bơ-men lại để lại trong lòng độc giả nhiều cảm xúc nhất. Đó là một hình ảnh giàu tính nghệ thuật, giàu tính nhân văn sâu sắc.

"Chiếc lá cuối cùng" xoay quanh cuộc sống của cô gái trẻ Giôn xi mắc bệnh hiểm nghèo, người bạn Xiu và ông họa sĩ già Bơ-men. Cuộc sống của họ chật vật, tẻ nhạt trong một khu tập thể tồi tàn có dây thường xuân bám xuân quanh. Chiếc lá trên những dây thường xuân kia chính là "số phận" là Giôn xi phó mặc cho nó, rằng đến khi nào chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô cũng chết. Thật nghịch lí, trớ trêu thay cho thân phận một kiếp người còn quá trẻ. Họ đều là nghệ sĩ, là những người đi tìm cái đẹp, vì cái đẹp để hoàn thiện nó và hoàn thiện bản thân mình.

Có thể nói, cụ Bơ-men qua bức tranh chiếc lá cuối cùng đã thực hiện và có cho mình một kiệt tác để đời. Hình ảnh chiếc lá giống y như thật, đến cả Xiu và Giôn-xi là họa sĩ cũng không nhận ra "cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa" , ta cảm nhận được từng đường nét, màu sắc của chiếc lá đều rất rõ nét, chân thật và sống động. Cụ Bơ-men đã thực hiện kiệt tác của mình trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, chẳng ai lại xách đèn ra ngoài trời giữa đêm mưa bão tuyết gió lạnh và bắc thang để vẽ bức tranh trên tường gạch.

Chỉ có cụ mới làm được điều đó, cụ đã hy sinh tất cả vì nghệ thuật, vì kiệt tác của cuộc đời mình, bất chấp sức khỏe và hoàn cảnh không gian, thời gian, đó chính là thời điểm thích hợp nhất. Kiệt tác nghệ thuật ấy được sinh ra vì một mục đích tốt đẹp và cao cả, đó là mang lại hy vọng và nghị lực sống cho Giôn-xi, cô còn quá trẻ không thể cứ phó mặc cuộc đời vào chiếc lá vô tri vô giác, phải mạnh mẽ và làm chủ cuộc đời của mình. Hình tượng chiếc lá cuối cùng còn là đại diện cho giá trị nhân đạo cao cả, lòng nhân ái giữa con người với con người. Nếu không vì tình thương với Giôn-xi, sự cảm thông và lòng nhân ái bao la, cụ Bơ-men đã không hy sinh cả tính mạng của mình để vẽ nên hình ảnh chiếc lá cuối cùng.

Chiếc lá cuối cùng có ý nghĩa đặc biệt đối với tinh thần và sự sống của Giôn-xi. Cuộc đời của cô gái này có lẽ đã khác đi nếu cô nhìn thấy chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống, chỉ nhờ có hình ảnh chiếc lá, cô mới vực dậy được niềm tin sự sống trong tâm hồn mình "Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội". Trong con người Giôn-xi đã có nhựa sống mới, cô bắt đầu hi vọng và có cho mình những ước mơ " Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ".

Như vậy, hình tượng chiếc lá cuối cùng không chỉ là một kiệt tác nghệ thuật đơn thuần mà còn giàu giá trị nhân văn cao cả, chính hình tượng chiếc lá cuối cùng đã cho chúng ta nhận ra được một điều rằng sức mạnh của nghệ thuật chân chính xuất phát từ chính tình yêu thương giữa con người, sức mạnh ấy còn đặc biệt hơn khi đó là tình thương giữa những con người nghèo khổ khốn cùng.

(Sưu tầm)

Lời kết

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Hiểu được nội dung, ý nghĩa văn bản Chiếc lá cuối cùng.

+ Hiểu được bài học hãy thương yêu con người, hãy vì sự sống của con người mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. 

Soạn bài Chiếc lá cuối cùng

Bài học Chiếc lá cuối cùng nhằm giúp các em cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của hình tượng chiếc lá trong văn bản Chiếc lá cuối cùng. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài Chiếc lá cuối cùng Ngữ văn 6

Trong quá trình tìm hiểu bài học này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

Một số bài văn mẫu về văn bản Chiếc lá cuối cùng

Truyện Chiếc lá cuối cùng đã gửi đến người đọc một câu chuyện đầy cảm động về tình người. Để cảm nhận được sâu sắc câu chuyện này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON