Ở phần Nói và nghe trong chủ đề Bài 3: Truyện, HỌC 247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học thuộc sách Cánh diều dưới đây. Với nội dung bài giảng rõ ràng, dễ hiểu sẽ giúp các em thảo luận được về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cụ thể. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em có nhiều tiết học thú vị!
Tóm tắt bài
1.1. Kiểu bài
1.1.1. Khái niệm
Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học chủ yếu tập trung vào yêu cầu thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (có thể sử dụng lại dàn ý hoặc bài văn đã viết để chuẩn bị nội dung nói).
1.1.2. Yêu cầu
- Lựa chọn vấn đề thảo luận như đã gợi ý trong phần Viết.
- Tìm hiểu kĩ nội dung vấn đề cần thảo luận.
- Xác định rõ những người thảo luận với mình là ai để có cách trình bày phù hợp (có thể có người nghe giả định).
- Xác định thời lượng trình bày ý kiến của bản thân.
- Chuẩn bị dàn ý cho phần trình bày ý kiến của bản thân, tránh viết thành văn để đọc.
1.2. Cách thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
1.2.1. Chuẩn bị
- Thực hiện các bước chuẩn bị như hướng dẫn ở mục 1.
- Xem lại dàn ý hoặc bài văn đã làm ở phần Viết.
- Trao đổi với bạn trong nhóm về nội dung và hướng thảo luận.
1.2.2. Tìm ý và lập dàn ý
Xem xét dàn ý đã nêu ở phần Viết và bổ sung một số ý cho phù hợp với đối tượng, yêu cầu, thời gian, điều kiện thảo luận.
1.2.3. Nói và nghe
- Nội dung trình bày:
+ Trình bày vấn đề rõ ràng, cụ thể theo dàn ý đã chuẩn bị.
+ Nội dung phong phú, có trọng tâm; được trình bày lô gích, lí lẽ và bằng chứng làm nổi bật được vấn đề.
+ Đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung với hình thức trình bày.
- Hình thức trình bày:
+ Bài trình bày có bố cục rõ ràng.
+ Sử dụng công cụ, thiết bị hỗ trợ phù hợp.
+ Có sự sáng tạo, tạo được điểm nhấn cho nội dung trình bày.
- Lắng nghe và ghi chép: Tập trung lắng nghe; hiểu được những nội dung chính và quan điểm của người nói.
- Phản hồi: Nêu các vấn đề cần hỏi, các ý kiến cần trao đổi về nội dung bài nói một cách ngắn gọn, rõ ràng,…; có thể trao đổi thêm quan điểm cá nhân về nội dung của bài trình bày.
1.2.4. Kiểm tra và chỉnh sửa
- Rút kinh nghiệm về bài trình bày.
- Tự đánh giá.
- Kiểm tra kết quả nghe và ghi chép các nội dung thông tin đã chính xác chưa, thu hoạch được những gì,…
- Nêu nhận xét về nội dung, hình thức bài trình bày.
Xem chi tiết phần Viết trong Bài 3:
Bài tập minh họa
Từ truyện “Chí Phèo” (Nam Cao), em hãy bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
Phương pháp giải:
- Gợi nhớ kiến thức về tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, phân tích bình luận về vấn đề: sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
- Dựa vào bài viết ở tiết trước để chuyển thành bài thảo luận, trình bày trước lớp.
Lời giải chi tiết:
Tình yêu là một trong những đề tài mà có lẽ dù có đo đếm đến hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể khai thác được cho đến cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu là đề tài nhận được rất nhiều tình cảm của giới sáng tác qua nhiều giai đoạn. Và tác giả Nam Cao cũng hướng ngòi út của mình vào tình yêu. Trong tác phẩm Chí Phèo ông không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu chân thực, ca ngợi sức mạnh tình yêu thương giữa con người với con người.
Tình yêu thương của Thị Nở với một bát cháo hành nóng hổi, ngọt thơm hương vị của tình yêu thương con người đã khiến cho một con người bị tha hóa, biến chất như Chí Phèo thất tỉnh, thay đổi và hồi sinh. Chưa bao giờ hắn lại khao khát được sống lương thiện đến như thế, ý chí muốn được sống cho ra người, tử tế lương thiện đã khơi dậy mạnh mẽ trong hắn một con người từng được xem là một con quỷ của làng Vũ Đại nhưng chính sự hắt hủi, vô tâm của người đời đã lần nữa hắt hủi Chí Phèo ra khỏi xã hội loài người, dồn hắn vào bước đường cùng không lối thoát trên hành trình đi kiếm tình yêu thương đó. Phải chăng con người biết sống vị tha hơn, thấu hiểu hơn, biết yêu thương nhau hơn thì Chí Phèo có lẽ đã được sống hạnh phúc với tình yêu thương của Thị Nở, cuộc đời này trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn biết bao nhiêu.
Ngày nay, tình yêu thương trong xã hội hiện đại lại càng thêm quý trọng, nhất là khi con người ta đang phải chịu nhiều áp lực của công việc, của cơm áo gạo tiền, sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì lại càng cần đến sự yêu thương, một sợi dây để gắn kết lại với nhau để con người gần gũi, gắn bó với nhau hơn thể hiện sự đồng cảm chia sẻ, không ngại hy sinh để cứu vớt lẫn nhau. Nó cũng sẽ mang đến cho ta sức mạnh, ý chí to lớn để vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, thử thách của cuộc đời, giúp ta bù đắp, rèn luyện, tu dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, được mọi người ngưỡng mộ, quý trọng, yêu mến từ đó giúp xã hội tốt đẹp, văn minh tiến bộ hơn, tình yêu thương chính là cội nguồn cứu vớt chúng ta khỏi những bất hạnh trong cuộc sống.
Lòng yêu thương con người với nhau thật giản dị hiện diện mọi ngày, mọi nơi, mọi thời điểm nhưng chúng lại có những sức mạnh phi thường. Đó là tình cảm gia đình, tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho con cái, lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Những người hàng xóm láng giềng luôn giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Thầy cô luôn cố gắng dành trọn vẹn kiến thức mình có cho học sinh, luôn đồng cảm giúp đỡ các em khi vấp ngã. Ngày nay, tuy đã hòa bình nhưng đất nước ta vẫn phải chịu đựng thiên tai hoành hành, lòng yêu thương ấy lại được thể hiện qua những cuộc từ thiện từ chiếc quần áo, sách vở hay gói đồ ăn... Chỉ cần có lòng yêu thương, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, mọi chuyện đều có thể vượt qua được.
Hiểu được rõ ý nghĩ, giá trị của lòng thương người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải trau dồi đức tính ấy, hãy yêu thương con người nhiều hơn, bởi khi ta cho đi tình yêu thương bao nhiêu thì chính bản thân ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tổ chức được mở ra vì con người, vì nhân quyền tất cả đều xuất phát từ lợi ích của mọi người, vì tình yêu thương giữa con người với nhau.
Hãy biết yêu quý bản thân một cách đúng đắn, rồi yêu thương con người khác, cùng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như ông cha ta từ xưa đã dạy:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Lời kết
Học xong bài Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, các em cần nắm:
- Biết thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cụ thể.
- Sử dụng kết hợp các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều
Bài học Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học sẽ giúp các em hình thành kĩ năng thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn văn đầy đủ Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
- Soạn văn tóm tắt Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
Hỏi đáp bài Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247