YOMEDIA
NONE

Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền của V.Huy-Gô - Ngữ văn 11

Qua bài soạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền này cùng những hình tượng nhân vật đối lập và diễn biến của tình tiết, các em sẽ cảm nhận được thông điệp về sức mạnh của tình thương mà tác giả muốn gửi gắm.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả 

  • Vích-to Huy-gô (1802-1885), là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch của nước Pháp thế kỉ XIX.
  • Thời thơ ấu ông chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, là người thông minh, tài năng.
  • Sự nghiệp:
    • Ông là một người có những hoạt động xã hội và chính trị tác động mạnh mẽ tới những nhân vật và khuynh hướng tiến bộ của thời đại.
    • Đóng góp: ông sáng tác trong nhiều lĩnh vực, một số tác phẩm tiêu biểu là Nhà thờ Đức bà Pa-ri (1831), Những người khốn khổ (1862), Chín mươi ba (1874),...
  • Năm 1985, vào dịp 100 năm ngày mất của ông, thế giới đã làm lễ kỉ niệm Huy-gô - Danh nhân văn hóa của nhân loại.

b. Tác phẩm

  • Người cầm quyền khôi phục uy quyền nằm ở cuối phần thứ nhất của bộ tiểu thuyết "Những người khốn khổ".
  • Bố cục: 3 phần.

1.2. Đọc hiểu văn bản

  • Nghệ thuật
    • Kịch tính:
      • Xây dựng trên những tương phản, đối lập.
      • Thủ pháp hãm chậm, gây bất ngờ.
    • Đậm chất lãng mạn:
      • Thủ phá tương phản, phóng đại, so sánh, ẩn dụ, bình luận ngoại đề.
      • Lý tưởng nhân văn: sức mạnh tình thương có khả năng cảm hóa con người, cải tạo xã hội.
  • Nội dung
    • Ca ngợi lẽ sống, tình thương "trên đời, chỉ có một điều ấy thôi, đó là thương yêu nhau".
    • Phê phán giai cấp tư sản vì lợi ích của mình mà chà đạp lên người dân lương thiện.

2. Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Câu 1. Phân tích nghệ thuật đối lập hai nhân vật Giăng Van-giăng và Gia-ve qua đối thoại, qua hành động. Nêu ý nghĩa của biện pháp này.

  • Nghệ thuật đối lập hai nhân vật Giăng Van-giăng và Gia-ve qua đối thoại, qua hành động.
Ngôn ngữ hành động Gia-ve  Giăng Van-giăng
Tình huống
Trước khi Phăng-tin tắt thở Ngôn ngữ và hành động man rợ điên cuồng, hung hãn đối với Giăng Van-giăng; độc ác, tàn nhận vùi dập niềm tin và hi vọng của Phăng-tin (Phăng-tin tưởng Giăng Van-giăng là Thị trưởng Ma-đơ-len và nhờ thị trưởng mà chị hi vọng được gặp con trước khi chết). Nhẹ nhàng, tinh tế trong ngôn ngữ và hành động đối với Phăng-tin và Gia-ve. Tất cả biểu hiện của ông là nhằm cứu với Phăng-tin lúc cô đang ở trong tình trạng bệnh tình nguy kịch, mong gặp được con.
Sau khi Phăng-tin tắt thở Gia-ve tiếp tục quát tháo đòi bắt Giăng Van-giăng, không quan tâm đến cái chết của Phăng-tin (mà chính hắn là kẻ gây ra cái chết ấy). Hắn không còn lương tâm. Phản ứng quyết liệt, khống chế Gia-ve (chứng tỏ ông không sợ Gia-ve. Trước đó ông nhún nhường, cầu xin Gia-ve tất cả là vì Phăng-tin).

 

  • Ý nghĩa của thủ pháp tương phản nhằm làm nổi bật sự đối lập giữa thiện-ác, tốt-xấu, yêu thương-tàn bạo. Từ những hình ảnh tương phản trên tác giả muốn gửi tới người đọc thông điệp: Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.

Câu 2. Phân tích những hình ảnh so sánh và ẩn dụ:

- Ở Gia-ve, tác giả đã sử dụng một loạt chi tiết nhằm quy chiếu về một ẩn dụ. Ẩn dụ mà Huy-gô nhằm gợi lên từ hình ảnh Gia-ve là gì?

- Ở Giăng Van-giăng, ta không tìm thấy một hệ thống hình ảnh so sánh quy về ẩn dụ như ở Gia-ve. Tuy nhiên, qua diễn biến tình tiết dẫn tới đoạn kết, những chi tiết về Giăng Van-giăng có thể quy chiếu về hình ảnh của ai? (Căn cứ vào đoạn văn gồm những câu hỏi; đoạn nói về cảnh tượng mà "bà xơ Xem-pli-xơ, người độc nhất chứng kiến", câu văn miêu tả gương mặt Phăng-tin kèm theo lời bình luận của tác giả.)

Gợi ý:

  • Ở Gia-ve tác giả đã sử dụng một loạt chi tiết nhằm quy chiếu về một ẩn dụ: hình tượng con ác thú Gia-ve.
    • Bộ dạng, ngôn ngữ, hành động của hắn như con ác thú đang chuẩn bị vồ mồi (tiếng thét "Mau lên" nghe như tiếng "thú gầm", "phóng vào Giăng Van-giăng cặp mắt nhìn như cái móc sắt", hành động "túm lấy cổ áo", "hắn cười phá lên, cái cười ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng"...).
    • Hắn mang dã tâm của loài thú (quát tháo Phăng-tin khi cô đang bệnh nặng, nói những lời kích động mạnh khiến Phăng-tin đột tử).
  • Ở Giăng Van-giăng ta không tìm thấy một hệ thống hình ảnh so sánh quy về ẩn dụ như Gia-ve, Tuy nhiên, qua diễn biến tình tiết dẫn tới đoạn kết, những chi tiết về Giăng Van-giăng có thể quy chiếu về hình ảnh: Một con người chân chính - con người của tình yêu thương.
  • Để cứu một nạn nhân bị Gia-ve bắt oan, Giăng Van-giăng buộc phải tự thú.
  • Khi Phăng-tin chết "trong nét mặt và dáng điệu ông cho thấy một nỗi thương xót khôn tả".
  • Lời thì thầm bên tai người đã chết là những lời hứa (về sau ông đã thực hiện được lời hứa đó).

Câu 3. Đoạn văn từ câu "Ông nói gì với chị?" đến câu "có thể là những sự thực cao cả" là phát ngôn của ai? Thuật ngữ văn học dùng để chỉ tên loại ngôn ngữ này? Ở đây, trong câu chuyện kể, nó có tác dụng như thế nào?

  • Đoạn văn từ câu "Ông nói gì với chị?" đến câu "có thể là những sự thực cao cả" là phát ngôn của nhà văn. Thuật ngữ văn học dùng để chỉ tên loại ngôn ngữ này là: Bình luận ngoại đề (hay "Trữ tình ngoại đề"). Khái niệm này được giải thích như sau:
    • Trữ tình ngoại đề chỉ một trong những yếu tố ngoài cốt truyện trong tác phẩm tự sự, là những đoạn văn đoạn thơ mà tác giả hay người kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tình cảm, ý nghĩ, quan niệm của mình đối với nhân vật, đối với cuộc sống thể hiện trọng tác phẩm…
    • Trữ tình ngoại đề góp phần bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, làm sáng tỏ thêm hình tượng nhân vật. Nếu xuất phát từ tư tưởng tiển bộ, từ những thể nghiệm sâu sắc về cuộc sống, những đoạn trữ tình ngoại đề có ý nghĩa giáo dục lớn đối với người đọc…
    • Trong tác phẩm tự sự, tính cách thông qua cốt truyện thể hiện nội dung của tác phẩm. Quá lạm dụng trữ tình ngoại đề sẽ làm cho tác phẩm tản mạn. Những đoạn trữ tình ngoại đề sai lệch về tư tưởng, thiếu kinh nghiệm sống, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tác phẩm.

Câu 4. Qua đoạn trích, hãy nêu những dấu hiệu của nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa.

  • Những dấu hiệu của nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa qua đoạn trích:
    • Phăng-tin đã chết rồi mà khi nghe những lời thì thầm của Giăng Van-giăng trên đôi môi nhợt nhạt của chị hiện lên "nụ cười không sao tả được".
    • Khi Giăng Van-giăng sửa sang thi thể Phăng-tin như "một người mẹ sửa sang cho con" thì "gương mặt Phăng-tin như sáng rỡ lên một cách lạ thường".
  • Có thể đó chỉ là ảo tưởng do người khác (bà Xơ Xem-phích và tác giả) quá xúc động trước cử chỉ, hành động của Giăng Van-giăng.
    Bút pháp lãng mạn giúp nhà văn làm nổi bật vẻ đẹp trong tâm hồn đầy yêu thương của Giăng Van-giăng.

3. Hướng dẫn luyện tập Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Câu 1. Phân tích nghệ thuật khắc họa nhân vật Phăng-tin: Trong tình thế tuyệt vọng, ngôn ngữ và hành động của Phăng-tin có gì chứng tỏ một sức mạnh khác thường và sức mạnh ấy là gì?

  • Nghệ thuật miêu tả nhân vật Phăng-tin:
    • Nghệ thuật đối lập:
      • Phăng-tin (nạn nhân) >< Gia-ve (cường quyền).
      • Phăng-tin (nạn nhân) >< Giăng Van-giăng (Vị cứu tinh).
    • Nghệ thuật miêu tả tâm trạng: Phăng-tin từ tin tưởng tuyệt đối vào Giăng Van-giăng đến lo lắng, sợ hãi. Khi nghe những lời ghê tởm, hống hách của Gia-ve "Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len…" chị đã không chịu đựng nổi, chị hoảng hốt rồi mất đi.
    • → Hình ảnh người phụ nữ đáng thương, tội nghiệp khi niềm tin về một chỗ dựa vượt qua cái ác bị đổ vỡ. Tuy nhiên, ngôn ngữ và hành động của Phăng-tin lại thể hiện một sức mạnh khác thường. Đó là nụ cười của Phăng-tin khi chết làm cho câu chuyện chứa chan tinh thần nhân đạo. Một cái kết có hậu cho người đàn bà khốn khổ. 

Câu 2. Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện?

  • Có thể thấy, Phăng-tin đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện. Có thể xem nhân vật này chính là trung tâm của cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác. Nhờ những câu chuyện xoay quanh số phận nhân vật này mà tính cách các nhân vật đối lập như Giăng Van-giăng và Gia-ve được thể hiện một cách nổi bật.

Câu 3. Sự phân tuyến nhân vật ở đây có nét gì gần gũi với hệ thống nhân vật của văn học dân gian?

  • Trong đoạn trích, cũng như trong toàn thể thiên truyện, việc phân tuyến nhân vật là khá rõ và có nhiều nét giống với văn học dân gian. Đó là cách phân tuyến theo kiểu Thiện - Ác. Các nhân vật Giăng Van-giăng, Phăng-tin đối lập với Gia-ve. Việc sắp xếp tuyến nhân vật như vậy đồng thời cho hai tuyến xung đột quyết liệt với nhau sẽ giúp làm nổi bật trọn vẹn phẩm chất và tính cách của các nhân vật cũng như ý nghĩa tư tưởng và chủ đề của tác phẩm.

Ngoài ra, để nắm kĩ hơn những kiến thức cần đạt về văn bản này, các em có thể tham khảo thêm Bài giảng Người cầm quyền khôi phục uy quyền.

4. Một số bài văn mẫu về bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, đã tái hiện chân thực cuộc đối đầu đầy gay go giữa cái thiện và cái ác. Đồng thời qua đó đã gửi gắm thông điệp đầy ý nghĩa: Lòng nhân ái, tình yêu thương con người có thể giúp ta vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đem đến ánh sáng hi vọng cho tương lai. Để nắm vững kiến thức và viết bài văn phân tích, cảm nhận về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

5. Hỏi đáp về bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF