Trong Bài 2: Hành trang vào tương lai (Văn bản nghị luận), các em đã được học đặc điểm của văn bản nghị luận, cách giải thích nghĩa của từ và cách viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội. Chính vì vậy, nhằm giúp các em hệ thống hóa lại các kiến thức đã học, HỌC247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Ôn tập Bài 2 thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo dưới đây. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em có nhiều kiến thức bổ ích!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại đặc trưng của văn bản nghị luận
1.1.1. Tính thuyết phục của lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận
Để làm nên sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản nghị luận, cần có những lí lẽ, bằng chứng thích hợp, chính xác, đầy đủ.
- Tính thuyết phục của lí lẽ thể hiện ở chỗ soi chiếu vấn đề trên nhiều khía cạnh, có những cơ sở vững chắc (từ lí thuyết và thực tiễn) để làm điểm tựa cho lập luận. Lí lẽ được lập luận một cách chặt chẽ, đảm bảo đủ cơ sở và kết luận.
- Tính thuyết phục của bằng chứng thể hiện ở việc lựa chọn bằng chứng phù hợp, cụ thể, tiêu biểu, xác thực để làm sáng tỏ lí lẽ.
- Tính thuyết phục của lí lẽ, bằng chứng còn thể hiện ở những cách biểu đạt độc đáo, ấn tượng, giàu tính hùng biện, nhằm tác động vào tư tưởng, tình cảm của người đọc.
1.1.2. Yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn nghị luận
Các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự được đưa vào văn bản nghị luận giúp người đọc hình dung về luận đề, bằng chứng trong văn bản.
- Yếu tố thuyết minh cung cấp tri thức về nguồn gốc, cấu tạo, vai trò, ý nghĩa… của đối tượng cần bàn luận.
- Yếu tố miêu tả thể hiện các đặc điểm tính chất nổi bật của con người, con vật, đồ vật, cảnh sinh hoạt…
- Yếu tố tự sự thuật lại các sự việc liên quan đến luận đề, luận điểm, các bằng chứng trong văn bản.
=> Nhận xét: Các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận cần đáp ứng mục đích của văn bản là thuyết phục người đọc về ý kiến, quan điểm của người viết.
1.1.3. Nhan đề của văn bản nghị luận
- Nhan đề của văn bản nghị luận thường khái quát nội dung chính của văn bản.
- Để tăng sức thuyết phục, người viết có thể chọn những nhan đề độc đáo, khơi gợi cảm xúc nơi người đọc.
Xem chi tiết văn bản nghị luận:
- Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới
- Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI
- Công nghệ AI của hiện tại và tương lai
1.2. Ôn tập cách giải thích nghĩa của từ
* Có thể giải thích nghĩa của từ bằng một số cách chính sau đây:
- Phân tích nội dung nghĩa của từ bằng một số cách chính sau đây:
- Dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.
- Đối với từ ghép, có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ.
* Không giải thích từ, cần chú ý đến nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ:
- Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu của từ
- Nghĩa chuyển là nghĩa hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
1.3. Ôn lại cách viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
Khi viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, các em cần:
- Nêu và giải thích được vấn đề nghị luận.
- Trình bày ít nhất hai luận điểm về vấn đề xã hội, thể hiện rõ ràng quan điểm, thái độ (khẳng định/ bác bỏ) của người viết hướng người đọc đến một nhận thức đúng và có thái độ, giải pháp phù hợp trước vấn đề xã hội. Liên hệ thực tế, rút ra ý nghĩa của vấn đề.
- Sử dụng được các bằng chứng thực tế tin cậy nhằm củng cố cho lí lẽ.
- Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.
- Diễn đạt mạch lạc, khúc chiết, có sức thuyết phục.
Bài tập minh họa
Bạn hãy ghi lại những cách mở bài, kết bài ấn tượng mà bản thân và các bạn đã thực hiện khi viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội.
Lời giải chi tiết:
Đề tài: Nghị luận về sự thành công.
- Mở bài:
Khi sinh ra, bản năng sinh tồn là cái mà mỗi con vật có được. Chúng có thể đứng lên bằng chính đôi chân mình có thể chạy nhảy. Tạo hoá đã ưu ái ban cho chúng những khả năng kì diệu đó. Nhưng con người thì khác khi sinh ra tiếng khóc chào đời là tất cả những gì họ có được. Tiếng oa oa cất lên chỉ đơn giản cho mọi người biết một mầm sống mới đã ra đời. Nhưng mầm sống đó sẽ ra sao? Và tương lai của nó sẽ như thế nào. Cuộc sống phía trước là của chính nó và do nó quyết định. Giống như một nhà triết học đã nói: "Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chình nó Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra".
- Kết bài:
Cố gắng hết sức và không ngừng nỗ lực, hai tiền đề này sẽ mang ánh sáng thành công đến với bạn, bởi "Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình". Từ đó, khi bạn đạt được thành công mình mong muốn, bạn đã khẳng định được bản thân trong cuộc đời, hơn thế nữa bạn còn góp phần giúp cho gia đình và xã hội ngày một tươi đẹp hơn.
Lời kết
Học xong bài Ôn tập Bài 2, các em cần:
- Nhận biết và phân tích được vai trò của các yếu tố thuyết minh hoặc miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận.
- Nhận biết và phân tích được: nội dung và mối quan hệ của luận đề, các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu, độc đáo trong văn bản.
- Nhận biết, đánh giá được cách giải thích nghĩa của từ trong các trường hợp cụ thể.
- Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội.
- Biết trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội.
- Có ý thức trong việc học tập, rèn luyện để phát triển bản thân, quan tâm và xác định các mục tiêu phấn đấu cho tương lai.
Soạn bài Ôn tập Bài 2 Ngữ văn 11 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Ôn tập Bài 2 sẽ giúp các em ôn tập các kiến thức đã học trong Bài 2, bao gồm: đặc điểm của văn bản nghị luận, cách giải thích nghĩa của từ và cách viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Ôn tập Bài 2
- Soạn bài tóm tắt Ôn tập Bài 2
Hỏi đáp bài Ôn tập Bài 2 Ngữ văn 11 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247