Nhằm giúp các em tìm hiểu thêm về sự nghiệp sáng tác của tác gia Nguyễn du và số phận của những kiếp người hồng nhan bạc mệnh dưới ngòi bút tài hoa của ông. HỌC247 xin giới thiệu đến các em nội dung bài giảng Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du thuộc sách Kết Nối Tri Thức do HỌC247 biên soạn và tổng hợp với đây. Mời các em cùng tham khảo:
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Nguyễn Du
a. Tiểu sử:
- Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
- Quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long.
- Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học.
- Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XX.
- Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.
b. Sự nghiệp sáng tác
- Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm.
- Một số tác phẩm như:
+ Tác phẩm bằng chữ Hán (3 tập thơ, gồm 243 bài): Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.
+ Tác phẩm chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)...
1.1.2. Tác phẩm
a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
- Tương truyền Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc có tài có sắc, sống khoảng đầu thời Minh. Năm 16 tuổi, cô được gả vào làm vợ lẽ cho một nhà quyền quý. Bà vợ cả là người hay ghen nên bắt cô phải sống một mình cô độc ở Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Vì quá đau buồn, cô sinh bệnh và mất ở tuổi 18. Nỗi uất ức của thân phận vợ lẽ được gửi gắm trong những bài thơ do Tiểu Thanh sáng tác, nhưng những trang thơ này đều bị bà vợ cả đốt hết.
- Thương xót cho số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã sáng tác ra bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí”.
b. Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật chữ Hán.
c. Ý nghĩa nhan đề:
- Độc: Đọc
- Kí: ở phía sau thường chỉ những tác phẩm văn học bằng văn xuôi.
- Đọc Tiểu Thanh Kí là câu chuyện viết về nàng Tiểu Thanh.
- Tiểu Thanh ở đây là nhân vật trong tác phẩm, lúc sinh thời cô có làm thơ, khi chết những bài thơ ấy đã bị vợ cả đốt, còn sót lại một ít trang. Người đời thương tiếc đem khắc in gọi là “phần dư” gồm 11 bài.
=> Qua đó, Nguyễn Du muốn gửi gắm những suy tư về người phụ nữ có tài trong xã hội xưa.
d. Bố cục văn bản:
- Hai câu đề: Nguyễn Du đọc được phần dư cảo của Tiểu Thanh để lại.
- Hai câu thực: Số phận tài hoa, bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh
- Hai câu luận: Niềm cảm thương của tác giả dành cho Tiểu Thanh
- Hai câu kết: Niềm thương xót cho chính mình của nhà thơ.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Hai câu đề
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
- Là một cảm nhận trực tiếp về cảnh vật ở Tây Hồ.
- Có sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại.
+ Quá khứ : Đẹp, phát triển, tươi tốt ( hoa uyển) vườn hoa.
+ Hiện tại : Thành gò hoang, bãi hoang, lụi tàn, buồn vắng, thê lương. -> Câu thơ nhói lên nỗi buồn thương nhân tình thế thái; sự biến đổi của cảnh vật trong dòng chảy thời gian.
- Giống như cảnh đẹp Tây Hồ, cuộc đời của Tiểu Thanh cũng bị huỷ hoại, chỉ còn một vài bài thơ may mắn sót lại. Nhà thơ nuối tiếc, xót xa cho cảnh đẹp của Tây Hồ nay đã thành “bãi hoang”nhưng thực chất là sự xót xa, tiếc nuối cho Tiểu Thanh - người con gái tài sắc mà bạc mệnh.
- Phần dịch thơ đã đánh mất hai chữ “nhất” trong “nhất chỉ thư” và chữ “độc” trong “độc điếu” làm giảm đi ý nghĩa của câu thơ => Thực ra, “nhất” là một mà “độc” cũng là một, nhưng nếu “nhất” là số từ chỉ số lượng thì “độc” là trạng từ chỉ tâm thế của nhà thơ. Việc dùng cùng một nghĩa qua hai từ khác nhau, Nguyễn Du như muốn nhấn mạnh sự cô đơn nhưng cũng nhấn mạnh cả sự tương xứng trong cuộc gặp gỡ này. Một trạng thái cô đơn gặp một kiếp cô đơn, bất hạnh => sự đồng cảm của Nguyễn Du.
=> Hai câu đề đã mở ra ngoại cảnh và tâm cảnh. Đó là cái khoảnh khắc, suy nghĩ, cảm nhận khi gặp gỡ một con người, một số mệnh.
1.2.2. Hai câu thực
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
- Chi phấn: đồ trang sức của phụ nữ
- Thần: là thần thái, thần sắc, ở đây chỉ nhan sắc, tài hoa và trí tuệ của nàng Tiểu Thanh.
- Vô mệnh: không có số mệnh
- Phần dư: phần thơ, phần còn sót lại không bị đốt của nàng Tiểu Thanh.
- Son phấn: sắc đẹp
- Văn chương: tài hoa
=> Ca ngợi sắc đẹp và tài năng của nàng Tiểu Thanh – một con người toàn diện.
- Son phấn – chôn; văn chương – đốt: chôn, đốt là những động từ cụ thể hóa sự ghen ghét, sự vùi dập phũ phàng của người vợ cả với nàng Tiểu Thanh => thái độ của xã hội phong kiến không chấp nhận những con người tài sắc.
=> Triết lí về số phận con người trong xã hội phong kiến: tài hoa bạc mệnh, tài mệnh tương đố, hồng nhan đa truân,...cái tài, cái đẹp thường bị vùi dập.
1.2.3. Hai câu luận
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
- “ Cổ kim hận sự”: mối hận xưa và nay, mối hận muôn đời, mối hận truyền kiếp-> mối hận của những người tài hoa bạc mệnh
=> Câu thơ mang tính chất khái quát cao. Nỗi hận kia không phải là nỗi hận của riêng nàng Tiểu Thanh, của Nguyễn Du mà là của tất cả những người tài hoa trong xã hội phong kiến.
- “Thiên nan vấn”: khó mà hỏi trời được => câu thơ thể hiện sự đau đớn, phẫn uất cao độ trước một thực tế vô lí: người có sắc thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài thường cô độc (bởi vậy nên thường có sự đồng cảm trong những cuộc gặp gỡ giữa tài tử giai nhân).
- Kì oan: nỗi oan lạ lùng
- Ngã: ta (từ chỉ bản thể cá nhân táo bạo so với thời đại Nguyễn Du sống). Nguyễn Du không đứng bên ngoài mà nhìn vào nữa, mà giờ đây ông chủ động tìm sự tri âm với nàng, với những người tài hoa bạc mênh.
1.2.4. Hai câu kết
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
- Sử dụng câu hỏi tu từ => Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và băn khoăn, khóc cho chính mình. Nguyễn Du như muốn nói với Tiểu Thanh, hôm nay ta khóc nàng cách ta ba trăm năm. Ba trăm năm sau, ai là người khóc ta? Một câu hỏi da diết, câu hỏi lớn, đậm chất nhân văn. Nguyễn Du hỏi Tiểu Thanh mà như hỏi người, hỏi chính mình.
- Khấp (Khóc): tiếng khóc là dấu hiệu mãnh liệt nhất của tình cảm, cảm xúc thương thân mình, thân người trào lên mãnh liệt, không kìm nén được.
- Chữ “khấp” mà Nguyễn Du sử dụng trong câu thơ cuối rất tinh tế. Nó cụ thể hóa chữ “điếu” (viếng) ở câu thơ thứ 2. Ông không viết đơn thuần mà khóc cho Tiểu Thanh. Ông băn khoăn không biết hậu thế ai sẽ khóc cho ông.
=> Thể hiện nỗi cô đơn của của người nghệ sĩ. Ông thấy mình lạc lõng ở hiện tại và đã tìm thấy được một người tri kỉ ở quá khứ nhưng vẫn mong ngóng một tấm lòng trong tương lai.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” thể hiện cảm xúc, suy tư của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ có tài văn chương trong xã hội phong kiến. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện một phương diện quan trọng trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du: xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
- Nghệ thuật đối, câu hỏi tu từ.
- Hình ảnh thơ hàm súc, giàu giá trị biểu tượng.
Bài tập minh họa
Trong tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du, "Nỗi hờn kim cổ" có nghĩa là gì? Vì sao tác giả cho là "khó có thể hỏi trời”?
Lời giải chi tiết:
- "Cổ kim hận sự thiên nan vấn" là nỗi đau muôn thuở của cuộc đời. Nỗi đau ấy, oan ức ấy không thể hỏi và trông cậy vào đâu. Ngay cả đến cả lực lượng tối cao của ông trời cũng không hỏi được (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi).
- “Nỗi hờn kim cổ” dịch nghĩa của “cơ kim hận sự” (nỗi hận xưa nay), ý nói sự nghiệt ngã của tạo hóa, luôn đối xử bất công với kẻ sĩ tài hoa. Dưới thời phong kiến, các nghệ sĩ tài hoa thường khó tránh khỏi bất hạnh.
- Tác giả cho là “khó có thể hỏi trời”, "thiên nan vấn”, vì đây là “nỗi khổ của cuộc đời”, con người khó mà làm thay đổi được. Tư tưởng này thể hiện sự bất lực của người xưa trước những bất công trong xã hội.
Lời kết
Học xong bài Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du, các em cần:
- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp miêu tả, ngôn ngữ.
- Hiểu được đặc điểm và tác dụng của biện pháp tu từ lập cấu trúc và biện pháp tu từ đối trong sáng tác văn học.
Soạn bài Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du Ngữ văn 11 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Bài thơ thể hiện cảm xúc, suy tư của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ có tài văn chương trong xã hội phong kiến. Để nắm được nội dung và ý nghĩa của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du.
Hỏi đáp bài Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du Ngữ văn 11 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du
Qua tác phẩm, ta thấy Nguyễn Du xót xa, thương cảm cho Tiểu Thanh - một con người hồng nhan bạc mệnh, một tài năng thi ca đoản mệnh, cho những kiếp hồng nhan đa truân, tài tử đa cùng nói chung. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247