YOMEDIA
NONE

Suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong các văn bản Chiếu dời đô (Lý Thái Tổ), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn).

Suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong các văn bản Chiếu dời đô (Lý Thái Tổ), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn).

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (2)

  •    Yêu nước là nguồn cảm hứng lớn và xuyên suốt trong văn học dân tộc. Bời vậy, không khó để tìm thấy tình cảm yêu nước được thể hiện trong các tác phẩm văn chương. Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) và Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) chính là hai trong số những văn bản thể hiện tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc như thế!

       Lí Công Uẩn là một vị vua anh minh và có tầm nhìn xa trông rộng, chính bởi vậy, ông thấy được sự cần thiết phải dời đô, vì thế “Chiếu dời đô” ra đời. Tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong nhiều khía cạnh.

       Xuất phát từ nỗi lo lắng cho đất nước, Lí Công Uẩn đã chỉ ra được sự không phù hợp của việc tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư, Ông lo lắng và “đau xót về điều đó”. Ông cũng bày tỏ ý nguyện dời đô về Đại La vì đó là nơi “trung tâm trời đất, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”, “trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng dân”. Có thể nói tư tưởng yêu nước ở đây đã gắn liền với mong muốn bền vững của triều đại. Ông cũng bày tỏ ước nguyện muốn xây dựng chốn hạnh phúc, bình an cho muôn dân, theo Lí Công Uẩn, nếu dời đô về chốn ấy, một nơi “trung tâm trời đất”, được thế “rồng cuộn hổ ngồi", "địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng", dân cư sẽ tránh được lụt lội mà "muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi". Khát khao trên hết của Lí Công Uẩn chính là non sông thu về một mối và nhân dân an cư lạc nghiệp, có một chốn yên ổn làm ăn sinh sống. Ông khẳng định chắc nịch “đây quả thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước,cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” thể hiện quyết tâm dời đô, cũng là quyết tâm thực hiện trách nhiệm của một bậc đế vương với đất nước là để cho triều đại phồn thịnh lâu dài. Việc ông trưng cầu ý kiến của các quan thể hiện sự tôn trọng quần thần, cũng thể hiện sự tôn trọng nhân dân.

       Có thể thấy, việc dời đô đã khẳng định ý chí độc lập, tự cường của vua Lí Thái Tổ, cũng thể hiện sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt có thể tự dựa vào sức mạnh của mình để đương đầu với thách thức.

       Tiếp nối Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng thể hiện lòng yêu nước thương dân của vị chủ tướng.

       Lòng yêu nước thể hiện trước hết ở sự căm thù giặc đến tận cùng. Ông đã thẳng thắn vach trần tội ác và sự ngang ng¬ược của giặc: Đi lại nghênh ngang, sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa, thu bạc vàng…giọng văn mỉa mai châm biếm gợi cảm xúc căm phẫn, khinh bỉ của tác giả trước bộ mặt vô lại của giặc

       Trong bài Hịch, Trần Quốc Tuấn cũng bày tỏ nỗi lòng của mình với vận mệnh non sông đang bị kẻ thù chà đạp một vách chân thành, tha thiết: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Trần Quốc Tuấn yêu đất nước đến độ, ông chấp nhận hi sinh tất cả: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Với nỗi đau trước tình cảnh đất nước, ông đã có một tinh thần hi sinh cao cả vì dân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc. Những lời tâm huyết ấy, sự căm thù giặc tột cùng ấy, chỉ có thể có ở một người yêu đất nước tột cùng.

       Đối với binh lính, những người cũng xuất phát từ nhân dân, ông bày tỏ tấm lòng: "Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, … lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”, thế nhưng ông cũng thẳng thắn phê phán những sai lầm trong hàng ngũ mình, đó là những hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh đất nước, ham thú vui tầm thường: chọi gà, cờ bạc, săn bắn, ruợu ngon...Từ đó, Trần Quốc Tuấn kêu gọi binh sĩ hãy phân định chính tà, dốc sức vì dân vì nước. Tại sao ông phải làm điều này, đó là bởi ông mong muốn đất nước không còn bóng giặc, cũng mong muốn nhân dân sống một đời an yên hạnh phúc.

       Văn bản là biểu hiện sâu sắc nhất tấm lòng yêu nước của một vị chủ tướng có tâm, suốt đời tận tụy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

       Tựu trung lại, cả hai văn bản đều thể hiện một cách sâu sắc nhất tấm lòng yêu nước thương dân của mỗi tác giả. Điều này khơi gợi lên trong lòng mỗi độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng yêu nước và tinh thần quốc gia sâu sắc mà từ tình yêu thương thiêng liêng ấy, nhiều hành động ý nghĩa sẽ trở thành hiện thực, để quê hương ta, non sông gấm vóc ta ngày càng giàu đẹp yên ấm.

      bởi thu thủy 14/02/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Tình cảm yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc. Tình cảm đó được thể hiện mãnh liệt trong những lời tâm huyết của những nhà lãnh đạo đất nước từ xa xưa. Ta có thể kể đến những văn bản tiêu biểu như "Chiếu dời đô" của Lí Thái Tổ, "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn.

    Chiếu dời đô ra đời khi Lí Thái Tổ mới lên ngôi. Nhà vua mong muốn đất nước có một kinh đô đàng hoàng to rộng đặng bề phát triển đất nước. Đó là lí do vì sao ông đã phê phán và chỉ ra việc đóng đô ở vùng Hoa Lư đã không còn phù hợp nữa: "Cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi". Hoa Lư là vùng có địa thế hiểm trở, khi tiềm lực phát triển chưa đủ mạnh thì nó hợp với chiến lược phòng thủ. Nhưng đến đời Lí thì đất nước đặt ra nhu cầu phát triển, cho nên đô thành phải dời chuyển ra nơi có địa thế khác. Không chỉ cỏ lí lẽ, Lí Công Uẩn bày tỏ cả tấm lòng mình: "Trẫm rất đau xót về việc đó". Tình cảm của một ông vua luôn hướng về vận mệnh, sự tồn vong của giang sơn xã tắc khiến người đọc cảm động.

    Bởi tấm lòng đau đáu nghĩ đến một mảnh đất thiêng có thể phù trợ cho việc phát triển đất nước, nhà vua đã nhìn ra thế đất của thành Đại La. Đó là nơi có vị thế thuận lợi về nhiều mặt, về mật địa lí, tác giả phân tích rõ: Nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi", bốn hướng đều thông thoáng lại ở thế "nhìn sông dựa núi" vững vàng, "địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng". Trên địa thế ấy, dân cư sẽ tránh được lụt lội mà "muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi". Thuận lợi về mặt địa lí như vậy sẽ kéo theo những thuận lợi về thông thương, giao lưu: "Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước". Nơi định đô mới này sẽ đáp ứng được vai trò là đầu mối trung tâm của kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước.

    Trong "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn, tấm lòng yêu nước lại được thể hiện trực tiếp qua nhiều phương diện.

    Tác giả lột tả sự ngang ngược và tội ác của giặc: "Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu vàng bạc, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau!". Qua những câu văn đó, bộ mặt của quân giặc được phơi bày đồng thời tác giả cũng bày tỏ thái độ căm thù, khinh bỉ cực độ của mình đối với bọn chúng. Điều đó được thể hiện đậm nét qua việc tác giả đã dùng lối nói hình ảnh so sánh, ẩn dụ: lưỡi cú diều, thân dê chó, hổ đói,... ; các hình ảnh được đặt trong thế đối sánh để tỏ rõ thái độ căm thù, khinh bỉ: uốn lưỡi cú diều - sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó - bắt nạt tể phụ.

    Sau khi tố cáo tội ác củạ giặc, Trần Quốc Tuấn đã bày tỏ lòng yêu nước, căm thù giặc của mình, có thể xem đây là đoạn văn hay nhất của bài hịch: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng." Nỗi đau trước cảnh nước mất nhà tan được diễn tả thống thiết: quên ăn, mất ngủ, lòng đau như dao cắt, nước mắt đầm đìa. Uất hận trào dâng đến cực điểm khi tác giả bộc lộ thái độ của mình đối với kẻ thù: chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Vị tướng đã tự xác định một tinh thần hi sinh hết mình cho đất nước: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Qua đoạn văn này, hình tượng người anh hùng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đất nước được khắc hoạ rõ nét. Những lời tâm huyết, gan ruột của vị tướng có sức lay động mạnh mẽ, truyền cho tướng sĩ tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi và một thái độ xả thân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc.

    Chẳng những vậy, tấm lòng yêu nước của vị đại tướng đáng kính còn được thể hiện sâu đậm qua tấm lòng của một chủ tướng đối với binh lính của mình: "Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, (...) lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười.'' Đó thật là tấm lòng phụ tử đáng cảm động vậy!

    Có thể nói, tấm lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện qua hai văn bản "Chiếu dời đô" của Lí Thái Tổ, "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn" rất đa dạng, nhiều vẻ khác nhau song đều tựu chung ở mong muốn đất nước an bình, phát triển trù phú. Tấm lòng đó chẳng những được thể hiện một cách cảm động qua hai văn bản mà còn được hai nhà lãnh đạo kì tài chứng minh bằng những đóng góp thực tiễn cho lịch sử phát triển hào hùng của dân tộc.

      bởi Huất Lộc 18/02/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON