YOMEDIA
NONE

Tả 1 cây cầu

tả 1 cây cầu mà em có dịp quan sát đc

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Đất nước ta nhiều sông ngòi, đầm hồ; có những dòng nước chảy xuyên suốt chiều dài tỉnh lỵ, và để đi lại thuận lợi trên các vùng trũng ướt khi nước ròng tới đâu, người dân đều dựng cầu đến đó. Ngoài cầu bắc ngang sông, còn có nhiều cây cầu lớn, nhỏ chạy qua nội đồng, ao trì, thủy đình tạo nên phong cảnh hữu tình.

    Về các làng quê, ở đâu cũng thấy cầu do tập trung nhiều dòng nước, phần lớn là kênh mương giúp tưới tiêu đồng ruộng, lấy nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống - tắm giặt và làm chỗ nuôi trồng thủy sản. Có rất nhiều loại cầu và tên gọi ứng với từng đặc tính như cầu khỉ, cầu ván, cầu tre, cầu sắt, cầu đá, cầu phao cầu ao, cầu kè, cầu sông... Đơn giản nhất là cầu khỉ - cầu độc mộc làm từ một thân tre, gỗ hoặc nhiều đoạn nối dài thành dải cho vắt sang hai bờ. Phức tạp hơn là cầu ván, có thêm mặt phẳng ở giữa lót ván hoặc ống nứa đóng đinh chắc chắn và cầu phao ghép từ các thùng phuy rỗng cho nổi bồng bềnh trên sóng. Cầu kỳ nhất là cầu đá, cầu xi măng, cầu sắt được đúc hoặc ghép liền khối... Nói chung, mỗi cây cầu đều có hình vòm, cũng có khi chỗ cong chỗ thẳng tạo nên những nhịp lên xuống đẹp mắt với một nhịp chính và đa nhịp phụ; đỡ rầm là các cột trụ đóng sâu xuống lòng sông.

    Phàm những nơi có nước nông như kênh ngòi nhỏ và dân cư chỉ đi bộ trong khoảng từ nhà ra ngõ, mà đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều ngõ xóm và miệt vườn cách nhau bởi các con rạch, để vào các chòm xóm và vườn tược, người ta thường đốn tre, dừa hoặc gỗ làm nên những cái cầu tạm - cầu khỉ bắc ngang dòng mương, khi cần sẽ di dời. Trái lại, ở nơi thường xuyên có xe cộ đi qua với trọng tải lớn, tại đó sẽ xây cầu xi măng cốt thép cố định. Tương tự cầu bê tông song chịu lực nhỏ và hầu như chỉ để trang trí là những cây cầu đá uốn mình trong các khu danh lam, thắng cảnh, khuôn viên chùa chiền hoặc thái ấp, tư điền do quan lớn - nhà giàu ngày xưa xây dựng và nay là những địa điểm tham quan nổi tiếng của địa phương. Ở ven sông, các vùng bãi bồi hay sạt lở nguy hiểm, sẽ có cầu phao là loại cầu chiến lược trong thời chiến giúp vận chuyển lương thực, đạn dược và nay để qua các vùng lũ và cũng giống cầu khỉ có thể tháo rời.

    Mỗi cây cầu dù đơn giản, phức hợp, to nhỏ đều đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh. Cùng với đường làng, đây là phương tiện thiết yếu nhất của dân quê gắn bó và đồng hành cùng dân lành từ lúc sinh đến khi mất. Làm việc gì, người ta cũng phải qua cầu từ chuyện đồng áng như đi cấy cày, chở thóc lúa, chăn trâu bò đến đi chợ, đi học, đi hội, hò hẹn, ngắm cảnh, vui chơi, cưới xin, ma chay... Nếu không có cầu, việc gì cũng rất khó khăn, đi lại vòng vèo, phải cậy đò thuyền, chờ đợi lâu ngày và hay gặp tai nạn đường thủy. Khi có cầu, mọi thứ đều tiện lợi, nhanh chóng. Cây cầu còn là mốc giới và vật chỉ đường khi cần thiết của người dân, như chỉ cần qua khỏi cầu đi thêm một đoạn bao nhiêu mét hoặc mất bao nhiêu phút là sẽ tới nơi này, nơi nọ. Nó cũng là cái phao cứu hộ và dụng cụ đo mực nước giúp tiên đoán lũ lụt trên sông. Khi nước dâng đến đâu theo quy định dưới chân cầu thì tàu thuyền sẽ không được lưu thông nữa. Ở nhiều nơi, dưới gầm cầu thường ghi hàng chữ tháng... năm... này đã từng xảy ra trận lụt của thế kỷ với mực nước lên tới... mét và trận lụt gần đây nhất là... nhằm giới thiệu công tác canh thủy cùng các nguy cơ về đường sông. Hơn thế, mỗi kiến trúc cầu - đường còn là một cảnh quan xinh đẹp thu hút du lịch đến với làng quê Việt Nam. Bên những cây cầu sừng sững nằm soi mình trên dòng nước trong xanh thường có những bụi tre già, cội đa, bụi ruối quanh năm rợp mát ríu ran tiếng côn trùng - chim chóc; ở những cầu tre, tuy đã rời cội song mầm tre vẫn nảy lộc xanh tươi dọc theo thân cầu, mỗi khi có gió là lao xao, lá xòe vẫy chào. Mặt cầu thường xuyên có dòng người xe cộ qua lại, các buổi họp chợ, nói chuyện xốn xang và gầm cầu là nơi người dân câu cá, bơi lội, giặt giũ, lấy nước tưới tắm... Xa gần, trên nước thuyền bè xuôi ngược, sen, súng, bèo hoa nở ngát hương và cảnh ruộng nương, xóm ấp với nếp nhà dân mái đỏ lô xô ẩn hiện dưới những hàng cau, giàn trầu. Đứng ở đâu trên cầu cũng mát dịu và có thể ngắm muôn dặm giang san thơ mộng vô cùng.

    Không chỉ là đường đi, mỗi cây cầu cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Như một cánh cửa dẫn tới những khám phá mới hoặc tìm lại. Đến với một điều mới lạ hoặc thân thuộc. Ở nhiều làng quê, muốn vào làng phải qua cầu và khi bước qua đó người ta sẽ tới một không gian hết sức trầm mặc, cổ kính và thanh tĩnh với những nét đặc trưng của làng xóm xa xưa truyền thống như cổng ngõ, rào gai, gốc gạo, giếng nước, sân đình... Cầu còn như một sợi dây nối kết tình yêu đôi lứa, đảm bảo sự khăng khít giữa các dòng tộc - vùng miền, sự kế tục các giá trị văn hóa tinh thần lâu đời... Cầu cũng là biểu tượng của ý chí quận cường - anh hùng và vượt khó vươn lên khi trong thời chiến đã cùng người bao lần chiến đấu với giặc thủy, ngoại xâm và trong thời bình cùng người dân lao động sản xuất đem lại sự đổi mới, tươi sáng cho quê hương, ngoài ra là biểu trưng của vùng đất, vẻ đẹp thanh bình, trù phú cùng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong tiếng Việt, người ta thường nói đến “cầu” với nghĩa liên lạc, giao lưu và có cụm từ nhịp cầu hữu nghị hay đầu cầu này nối đầu cầu kia... Nói “qua cầu” để thể hiện một điều đã rồi hoặc sự giải thoát, thanh thản hay vượt khó vươn lên đến độ thành đạt. Ngược lại, “qua cầu rút ván” hàm ý về một kẻ bạc bẽo, vô nghì.

    Trong kho tàng ca dao, tục ngữ cũng có nhiều câu nói chứa đựng từ “cầu” khắc họa cảnh sắc thiên nhiên hoặc miêu tả những câu chuyện thế thái - nhân tình như

    Con cò đậu cọc cầu ao/ Phất phơ đôi dải yếm đào gió bay - chỉ một cảnh đẹp vùng sông nước cùng vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiều của người thiếu nữ thôn quê.
    Én bay thấp mưa ngập cầu ao/ Én bay cao mưa rào lại tạnh - chỉ kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ.
    Ăn mày đánh đổ cầu ao/ Nhao nhao cầu ao cả xóm - chỉ sự sôi động, tấp nập.
    Khen ai khéo bắc cầu kè/ Cái thia đi xuống, cái bè đi lên - chỉ sự tiện dụng, đa dạng.
    Phải chi lấy được vợ vườn/ Tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang - chỉ niềm mong ước có nhiều kinh nghiệm và cơ hội.
    Qua cầu ngả nón trông cầu/ Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu - chỉ lòng yêu thương, khắc khoải.
    Nhớ khi rửa bát cầu ao/ Tay cầm nắm đũa ta trao cho mình/ Nhớ khi ngồi quán đầu đình/ Ngồi huyện ngồi phủ có mình có ta - chỉ mối tâm giao thâm tình.
    Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay - chỉ lời nói dối khéo léo để che giấu chuyện yêu đương.
    Anh có thương em thì thương cho trót/ Đừng mê nhan sắc, lỡ bỏ chung tình/ Chừng nào cầu ván hết đinh/ Mái chùa hết ngói chúng mình mới xa - chỉ lòng chung thủy, sắt son.
    Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy - chỉ việc cần thiết phải đầu tư và đền đáp công ơn đối với những người đã giúp đỡ mình để mọi sự công thành danh toại.
    Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời - chỉ những khó khăn trên đường đời, tình thương và sự lo lắng của các bậc cha mẹ dành cho con cái.

    Với nhiều người, dù qua bao nhiêu cây cầu vẫn không quên được nhịp cầu tre, cầu dừa, cầu khỉ bắc qua xóm nghèo đã đi vào câu hát, lời ru: Quê hương là cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che... Nhất là người dân vùng sông nước, miệt vườn Nam Bộ gắn bó thân thiết với cây cầu khỉ như hình với bóng. Ở miền Nam, dân gian thường qua lại trên những cây cầu khỉ thanh mảnh bằng đúng một thân tre, dừa gồm một hoặc nhiều nhịp nối liền, có hoặc không có tay vịn, bắc ngang sông, đỡ các mấu chắp là những ống tre buộc chéo làm trụ cắm xuống dòng nước. Do mặt bằng hẹp, lại trơn nên mọi người thường phải giang tay lấy thăng bằng và chạy thật nhanh qua cầu để không bị té. Dưới sức nặng của bàn chân hay cứ có gió rung là cây cầu kêu ken két, đung đưa khiến cả người đi lẫn người đứng xem đều hồi hộp. Ấy vậy mà từ trẻ con đến người già nơi đây đều đi cầu rất giỏi. Không chỉ một mà có khi cả đoàn người nối nhau trên cầu. Các cây cầu khỉ cứ xóm nối xóm, làng với làng, vườn với vườn, tồn tại lâu đời cho em thơ vui bước tới trường, cho người già đi chợ, đi lễ và người trẻ ra đồng ra vườn lao động sản xuất. Khi thấy một cái gãy, người dân lại thay cái mới. Hiện nay, do phong trào bê tông hóa đường xá, cầu tre, cầu khỉ đã dần được thay thế bằng cầu xi măng song ở nhiều nơi vẫn thích cầu tre, thứ nhất bởi nó ít tiền, dễ làm; thứ hai vì nó vun đắp tình cảm xóm làng với cảnh người này chân dò, tay dắt người kia, trìu mến nhường nhịn, bảo ban. Các khu sinh thái vẫn dùng cầu tre, dừa để bảo vệ môi trường và phục vụ du lịch cảm giác mạnh, cho du khách thử đu mình đi trên những cây cầu nhỏ cheo leo. Chỉ là cây cầu tre song trong câu hát, được ví với cả quê hương cho thấy cây cầu đã hiện hữu thân thương và quan trọng đến nhường nào. Người dân miền Nam, nhất là tây Nam Bộ, ai cũng yêu mến cầu tre và muốn gìn giữ, nâng niu những nhịp cầu.

    Nói chung ở mọi miền, mỗi cây cầu đều in sâu ngọt ngào trong tiềm thức dân quê mùa nắng cũng như mùa mưa. Với phụ nữ, đó là những buổi cắt cỏ, đơm bèo, mò cua, bắt ốc hay giặt chiếu bên sông... với nam giới là những chiều thả diều, thổi sáo, đá bóng, câu cá hay ngồi nhậu lai rai cùng chúng bạn... và với cả làng là những buổi họp chợ, phơi phóng nông sản, rước kiệu, đưa dâu, ca hát, hội hè... Riêng với bọn trẻ, đây là chốn vui chơi bốn mùa với thú nhảy cầu, tắm sông, bắt chim hay hái các loại hoa cỏ dại. Không hẹn mà gặp, cứ chiều về, đứa nào cũng lên cầu, ngồi vắt vẻo hoặc đánh đu trên lan can hóng gió và bất ngờ nhảy tùm một cái vẫy vùng trong dòng nước mát. Tuy ở nhiều nơi có cả chục cây cầu song cũng có nơi chỉ một cây cầu thôi vẫn là điều mong ước của bao người. Do đời sống còn nghèo, không có tiền xây cầu, ở một số làng xóm ven sông, dân gian luôn mơ ước có một cây cầu vào mùa lũ cho mọi người đỡ khổ khi đi lại. Những người con tha hương luôn đau đáu muốn về góp sức cho quê nhà xây dựng những cây cầu kiên cố, cao xa. Khi đặt chân lên cây cầu mới, lòng đều phơi phới niềm vui. So với nhiều công trình công cộng, cầu là một công trình trải qua nhiều biến động nhất dưới tác hại của thời tiết như rạn nứt, siêu vẹo, gãy đổ và không ít những cây cầu đã bị phá hủy do tên đạn quân thù, để lại nỗi thương nhớ khôn tả. Do đó, những cây cầu có sức chống chịu tuyệt vời tuổi đời hàng trăm năm luôn là niềm tự hào của mọi cư dân. Để cây cầu vững bền, hằng năm người dân đều gia cố, tu sửa, quét sơn bóng cho cầu tre, gỗ khỏi mục và quét vôi, xì dầu cho cầu xi măng, cầu sắt khỏi bong tróc, hoen gỉ.

    Yêu mến cầu, dân gian thường đặt tên đẹp cho cầu, theo ý nghĩa biểu trưng có cầu Thuận Phước, Lộc Thọ, Quang Minh, Cao Lãnh...; theo tên các quý nhân đã bỏ tiền ra xây cầu hoặc văn nghệ sĩ từng vui chơi bên cầu có cầu Bá Thước, cầu ông Hoàng, cầu Cậu Cả Thiêm... và theo các địa danh, kiến trúc gần đó có cầu xóm Mai, cầu Chùa,... Ngoài đặt tên cầu, cũng đặt tên nhiều địa danh gần cầu như sông Cầu, xóm Cầu mới, bãi Cầu Ngang... Mỗi lần đi qua cầu, lòng lại dậy niềm vui, xúc động trước cảnh sắc quê hương ngày thêm đổi mới, tươi đẹp và cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc

      bởi Phong Luyến Vãn 19/10/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON