YOMEDIA
NONE

Hướng dẫn soạn Chủ đề và dàn bài của bài văn tự sự

HD soạn bài : Chủ đề và dàn bài của bài văn tự sự ( ngữ văn 6 )

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • CHỦ ĐỀ VÀ DÀN BÀI CỦA BÀI VĂN TỰ SỰ
     

    I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

    1. Chủ đề của bài văn tự sự
    a) Chủ đề của bài văn tự sự là gì? Nó được thể hiện ra sao trong văn bản?
    - Chủ đề là vấn đề chính mà người kể thể hiện trong câu chuyện, là điều mà người kể muốn khẳng định, đề cao, ngợi ca hoặc muốn phê phán, lên án, chế giễu. Nếu như đề tài là cái cho ta biết bài văn kể về cái gì thì chủ đề là cái cho ta biết câu chuyện nói lên điều gì, để làm gì.
    - Chủ đề của bài văn tự sự toát lên từ toàn bộ câu chuyện được kể. Sự việc và nhân vật trong câu chuyện được lựa chọn, sắp xếp nhằm thể hiện chủ đề, thống nhất trong việc thể hiện chủ đề.
    - Chủ đề có khi được trực tiếp nói ra, cũng có khi không trực tiếp nói ra mà ngầm thể hiện ra. Song dù có trực tiếp nói ra hay không người kể cũng phải hướng tới việc kể làm sao để cho người đọc (hoặc nghe) hiểu được chủ đề. Chủ đề thường được thể hiện ra rõ nhất trong các tình huống mâu thuẫn của câu chuyện, ở cách giải quyết mâu thuẫn, ở kết cục của câu chuyện.
    b) Đọc kĩ bài văn về danh y Tuệ Tĩnh để nhận diện chủ đề của câu chuyện được kể trong đó.
    Gợi ý: Để nắm được chủ đề của bài văn cũng như cách thể hiện nó của người kể, nên tập trung vào giải quyết một số yêu cầu sau:
    - Việc Tuệ Tĩnh ưu tiên chữa trị trước cho chú bé con nhà nông dân bị gãy đùi đã nói lên phẩm chất gì của người thầy thuốc?
    - Chủ đề của bài văn được thể hiện trực tiếp ra ở những câu văn nào? So sánh với truyện Phần thưởng để thấy sự khác nhau trong việc thể hiện chủ đề?
    - Chủ đề ấy được thể hiện qua các sự việc trong phần thân bài như thế nào?
    - Qua nắm bắt chủ đề của bài văn, hãy đặt tên cho bài văn.
    Giải quyết được các yêu cầu trên sẽ thấy: Chủ đề của bài văn là biểu dương tấm gương hết lòng vì người bệnh, không kể giàu - nghèo, sang - hèn của người thầy thuốc. Trong bài văn này, chủ đề thể hiện ngay ở đoạn đầu: "hết lòng thương yêu, cứu giúp người bệnh", hay trực tiếp bộc lộ ra ở câu nói của Tuệ Tĩnh: "Con người ta cứu giúp nhau lúc hoạn nạn, sao ông bà lại nói chuyện ân huệ."; khác với chuyện Phần thưởng, chủ đề không được trực tiếp phát biểu mà ngụ ý trong câu chuyện.
    Ở phần thân bài, để thể hiện chủ đề hết lòng thương yêu, cứu giúp người bệnh, người kể tập trung kể về hai việc làm của Tuệ Tĩnh: Từ chối chữa bệnh cho người nhà giàu trước, vì bệnh nhẹ. Ưu tiên chữa trước cho con trai người nông dân, vì bệnh nặng.
    Tên truyện và chủ đề của truyện có quan hệ thống nhất với nhau. Tên truyện gợi ra chủ đề của truyện. Các tên gọi: Tuệ Tĩnh và hai người bệnhTấm lòng thương người của thầy Tuệ TĩnhY đức của Tuệ Tĩnh đều đã thể hiện được chủ đề của truyện. Tuy nhiên, mỗi tên gọi có sắc thái ý nghĩa khác nhau: tên gọi thứ nhất nêu lên tình huống của truyện, tên gọi thứ hai nhấn mạnh tình thương yêu người bệnh của Tuệ Tĩnh, tên gọi thứ ba nhấn mạnh ý nghĩa đạo đức nghề nghiệp. Có thể lựa chọn tên gọi khác nữa miễn sao không lệch chủ đề của bài.
    2. Dàn bài của bài văn tự sự
    Dàn bài của bài văn tự sự thường gồm ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Bố cục ba phần này quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc triển khai chủ đề. Phần mở bài giới thiệu chung về nhân vật, sự việc. Phần thân bài kể diễn biến của sự việc. Phần kết bài kể kết cục của sự việc. Có khi, chủ đề được hé mở trong câu then chốt phần mở bài, kết luận; cũng có khi chủ đề được bộc lộ qua các sự việc, hành động, chi tiết. Không có một khuôn mẫu cố định nào cho việc thể hiện chủ đề của bài văn tự sự.
    Trong bài văn về danh y Tuệ Tĩnh, chủ đề được thể hiện ở mở bài, các sự việc trong thân bài và kết bài. Phần kết bài khẳng định, làm rõ thêm chủ đề: "Trời đã sập tối, chợt nhớ tới nhà quý tộc, ông vội vã ra đi không kịp nghỉ ngơi.". Người đọc càng thấy rõ tấm lòng hết mực vì người bệnh của Tuệ Tĩnh.

    II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

    1. Đọc kĩ truyện Phần thưởng và thực hiện các yêu cầu
    a) Truyện nhằm biểu dương và chế giễu điều gì?
    b) Sự việc nào tập trung cho việc thể hiện chủ đề? Sự việc ấy được kể trong câu văn nào?
    c) Hãy chỉ ra dàn bài ba phần của truyện.
    d) So sánh về sự thể hiện chủ đề và bố cục với bài văn về Tuệ Tĩnh.
    đ) Sự việc nào của câu chuyện em thấy thú vị? Tại sao?
    Gợi ý:
    - Trả lời được câu hỏi (a) có nghĩa là đã nắm được chủ đề của truyện. Truyện chế giễu tên quan cận thần tham lam đồng thời biểu dương sự thông minh, nhanh trí của người nông dân.
    - Sự đề nghị của người nông dân về phần thưởng thể hiện rõ chủ đề của truyện: "Xin bệ hạ hãy thưởng cho hạ thần năm mươi roi, hạ thần không muốn gì hơn cả. Chỉ có điều là hạ thần đã đồng ý chia cho viên quan đã đưa thần vào đây một nửa số phần thưởng của bệ hạ. Vậy xin bệ hạ hãy thưởng cho mỗi người hai mươi nhăm roi."
    - Bố cục ba phần của truyện là:
    + Mở bài: "Một người nông dân tìm được một viên ngọc quý liền muốn đem dâng hiến nhà vua."
    + Kết luận: "Nhà vua bật cười, đuổi tên cận thần ra và thưởng cho người nông dân một nghìn rúp.".
    + Phần còn lại là thân bài.
    - So với bài về Tuệ Tĩnh: Cả hai bài đều giống nhau ở bố cục ba phần. Khác nhau là: ở truyện về Tuệ Tĩnh, chủ đề của truyện được giới thiệu ngay ở phần mở bài; ở truyện Phần thưởng, mở bài chỉ giới thiệu tình huống câu chuyện. Kết bài của truyện về Tuệ Tĩnh có ý nghĩa gợi mở; kết bài truyện Phần thưởng kịch tính hơn, kết thúc ngay ở cao trào của diễn biến sự việc. Nếu như truyện về Tuệ Tĩnh tính bất ngờ thể hiện ở đầu truyện thì ở truyệnPhần thưởng tính bất ngờ lại tập trung ở cuối truyện.
    - Câu chuyện của truyện Phần thưởng thú vị ở sự việc người nông dân đề nghị phần thưởng. Sự việc này vừa bất ngờ, tạo kịch tính cho câu chuyện, vừa cho thấy sự thông minh, hóm hỉnh của nhân vật bác nông dân, cũng chính là sự việc bộc lộ chủ đề của truyện.
    2. Đọc lại truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và Sự tích Hồ Gươm, nhận xét về phần mở bài và phần kết bài của hai truyện.
    Gợi ý:
    - So sánh hai mở bài:
    + Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh: "Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua cha yêu thương nàng hết mực, muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng."
    + Truyện Sự tích hồ Gươm: "Vào thời giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, thiên hạ căm giận chúng đến tận xương tuỷ. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần nghĩa quân bị thua. Thấy vậy, đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc."
    Cả hai mở bài đều nêu lên tình huống mở đầu của câu chuyện, từ tình huống này các sự việc tiếp theo sẽ tiếp tục dẫn dắt câu chuyện phát triển. Ở phần mở bài của truyện Sự tích Hồ Gươm, ngoài việc giới thiệu tình huống mở đầu cho câu chuyện, còn thêm nội dung dẫn giải sâu hơn về sự việc chính của câu chuyện: đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc. Nếu chỉ dừng lại ở sự việc nghĩa quân còn non yếu nên nhiều lần bị thua thì cũng có thể xem là đã giới thiệu được tình huống truyện.
    - So sánh hai kết bài:
    + Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh: "Từ đó, oán nặng, thù sâu, hằng năm Thuỷ Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng năm nào cũng vậy, Thần Nước đánh mỏi mệt, chán chê vẫn không thắng nổi Thần Núi để cướp Mị Nương, đành rút quân về."
    + Truyện Sự tích Hồ Gươm: "Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, Rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Gươm và rùa đã chìm đáy nước, người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh.
    Từ đó, hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm."

      Hai kết bài đều có nội dung nêu lên sự việc tiếp diễn nhưng cách thể hiện khác nhau, phù hợp với chủ đề của mỗi truyện. Ở truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, kết bài nêu sự việc tiếp diễn, cũng là nhằm giải thích về hiện tượng bão lụt theo nhận thức của người Việt cổ. ở truyện Sự tích Hồ Gươm, chủ yếu là đưa ra sự việc kết thúc câu chuyện (trả gươm - hoàn kiếm), nhưng đồng thời đây cũng là sự việc có ý nghĩa tiếp diễn phù hợp với chủ đề giải thích sự tích Hồ Gươm - Hoàn Kiếm. Cho nên, không thể xem kết bài chỉ là câu văn cuối cùng, đây là lời văn hay gặp trong kết thúc của các truyện "sự tích". Nêu sự việc kết thúc và nêu sự việc tiếp diễn cũng là hai cách kết bài thường gặp ở văn tự sự.

      bởi Khểnh Ngọc 17/01/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON