YOMEDIA
NONE

Chứng minh Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình

xuân diệu được đánh giá là ÔNG HOÀNG THƠ TÌNH hãy phân tích bài thơ THƠ DUYÊN để làm nởi bật cái tình đó.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Hồn thơ Xuân Diệu luôn mở rộng ra cả đất trời và cõi người. Nó luôn khao khát được giao cảm với con người, thiên nhiên, vũ trụ. Thơ duyên biểu hiện điều ấy.

    Thơ duyên chưa hẳn là bài thơ tình vốn rất đắm say sôi nổi trong thơ Xuân Diệu. Bài thơ có anh và em họ đi xa nhau như không quen biết. Em thì “điềm nhiên” anh thì “lững thững” và cả hai đều “vô tâm”.

    Có lẽ duyên ở đây là “tác hợp cơ trời” của thiên nhiên, vũ trụ và lòng người. Sự hòa thơ, hòa nhạc âm thầm, mãnh liệt và đầy quyến rũ. Nó khởi đầu từ cái “buổi ấy lòng ta nghe ý bạn” để rồi nhìn đâu cũng thấy chiều mộng, nghe đâu cũng động tiếng huyền nó vô thanh với tác nhưng náo nức con tim.

    Tất cả đều cặp đôi trong yêu thương đắm đuối, mỗi lúc một mãnh liệt, lơi lả. Chiều mộng thì hòa thơ với nhánh duyên, trên cây me thì cặp chim ríu rít như không biết buổi chiều mà ngỡ là sáng bình minh. Chim chuyền cành này qua cành khác, bầu trời trong xanh thì như đổ tràn ánh sáng như ngọc lấp lánh qua muôn lá, mùa thu tới thì khắp nơi như tiếng nhạc đón mừng (“động tiếng huyền” – tiếng huyền là tiếng đàn), con đường “nho nhỏ” thì đi với gió “xiêu xiêu”, cành hoang thì lả tả như có tình với “nắng chiều”, con cò trên ruộng thì như cảm thông với “Mây biếc về đâu bay gấp gấp” nên cánh nó cũng “phân vân”, chim cũng thế, hoa cũng vậy, tất cả đều giao hòa cảm thông như vốn có duyên với nhau tự bao giờ. Và tất nhiên con người cũng thế, anh với em tuy chưa quen biết nhau và cũng chẳng có mối lái gì (băng nhân) mà tự nhiên cũng cứ đi sóng đôi với nhau nhịp nhàng như “một cặp vần” trong bài thơ, thậm chí “Lòng anh thôi, đã cưới lòng em”…– Cảnh trong thơ tươi tắn, trong sáng, tình trong thơ thì hòa hợp nhịp nhàng. Đây là một bài thơ vui tuy viết về một cảnh chiều thu. Trong thơ truyền thống, cảnh chiều mà lại là chiều thu thì nói chung là buồn. Thơ xưa nói đến cảnh chiều thì thường có chim mỏi về rừng, người lữ thứ tha hương thì nhớ nhà, chân bước vội. Còn mùa thu thì lá vàng rơi rụng, hoa sen tàn tạ trên các đầm ao… ở đây cảnh chiều thu lại vui. Xuân Diệu có bài thơ xuân không mùa, nghĩa là mùa nào cũng là xuân cả, vì xuân tự trong lòng nhà thơ tỏa ra trời đất bốn mùa:

    “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,

    Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.

    Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.

    Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng

    Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng…”

    Nhưng cảnh thu thực ra cũng có cái vui của nó chứ, nhất là mùa thu ở một nước nhiệt đới như nước ta. Xuân Diệu là nhà “Thơ mới”, ông không nhìn cảnh vật theo công thức, ước lệ của thơ cổ, ông khám phá cái đẹp, cái vui của mùa thu có thật trên đất nước bằng con mắt chân thật của mình và thấy mùa thu rất thơ mộng: “Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên”, không khí mùa thu khô ráo và sáng, trời thu thì cao và trong xanh, khí hậu mùa thu không nóng và chưa rét, con người cảm thấy dễ chịu, tâm hồn thơ thới sảng khoái, gió rì rào trong lá cành, chim chóc ríu rít, nghe như đâu đây vang vọng lại tiếng nhạc của đất trời:

    “Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

    Cây me ríu rít cặp chim chuyền

    Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

    Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”.

    Nhưng niềm vui của mùa thu không ồn ào mà êm ái dịu dàng. Phải có một tâm hồn lắng nghe, tinh tế và nhạy cảm mới thấy hết được. Nhà thơ đi giữa đất trời như đi giữa một “bài thơ dịu”, không dám ồn ào, chỉ “lững đững” trên đường, lắng nghe bước đi nhẹ nhàng êm ái và lặng lẽ của mùa thu:

    “Ai hay tuy lặng bước thu êm”.

    Và cũng lắng nghe nơi lòng mình niềm cảm thông với vạn vật và nỗi khao khát thương yêu, khao khát hòa hợp với mọi người, nhất là với cô gái nào kia ngẫu nhiên cùng bước lên đường.

    – Trong thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có một nhận xét rất tinh tế về Xuân Diệu: “… Sự sống muôn hình thức nhưng hình thức nhỏ nhặt thường lại ẩn náu một nguồn sống dồi dào. Không cần phải là con hổ ngự trị trong rừng xanh, không cần phải là con chim đại bàng bay một lần chín vạn dặm mới là sống. Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi!”.

    Bài Thơ duyên là một trường hợp Xuân Diệu bày tỏ sức sống của mình trong những cảm nhận hết sức tinh vi về thiên nhiên và sự sống. Nhìn chung cảnh thơ yên tĩnh mà vẫn có một cái gì xôn xao từ trong lòng sự vật, chỉ cảm thấy được nhưng khó phân tích, diễn giải cho rõ ràng:

    “… Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”

    “… Con đường nho nhỏ, gió xiêu xiêu

    Lả tả cành hoang, nắng trở chiều”.

    Bình hai câu thơ trên, Hoài Thanh viết: “Cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất thơ mộng”.

    Thiên nhiên đúng là có hồn, nó lặng lẽ vận động, nhưng chỉ là những biến thái tinh vi không thể gọi tên ra được. “Nắng trở chiều” là màu sắc thế nào? Thật khó nói rõ ra được.

    Sự cảm nhận còn tỏ ra tinh vi hơn nữa trong mấy câu thơ này:

    “Mây biếc về đâu bay gấp gấp

    Con cò trên ruộng cánh phân vân

    Chim nghe trời rộng dang thêm cánh

    Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”.

    Hoài Thanh viết: “Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay tới ráng chiều (“Lạc hà dữ cô lộ tề phi – Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”, dịch là: “Ráng chiều và cánh cò đơn chiếc láng bay – Nước mùa thu cùng trời thu một sắc”) đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới”.

    Sự cách biệt ấy thể hiện ở chỗ, một đằng thì tả sự vận động bên ngoài, mắt thường thấy được, một đằng thì cảm nhận được sự vô hình, chỉ mới có trong gân cốt của cánh cò.

    Cũng như vậy: “Chim nghe trời rộng dang thêm cánh – Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”, nhà thơ dường như nhận thấy cái cảm giác trống trải rợn ngợp của con chim trước không gian cao rộng, và cái cảm giác se lạnh của bông hoa khi sương chiều buông xuống…

    Bài thơ giúp ta hiểu được ở Xuân Diệu một hồn thơ yêu đời, yêu sống, khao khát giao cảm với thiên nhiên, với con người. Nó cũng giúp ta cảm nhận được một cảnh vật thu tươi tắn, trong trẻo thơ thới, êm ả, dịu dàng, như gợi mát tâm hồn ta. Nó còn giúp ta mài sắc cảm giác của mình để biết kĩ lưỡng hơn, tinh tế hơn với cuộc sống này trong mỗi giây phút của đời mình.

      bởi Hồng Nhung 16/11/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON