Đề thi giữa HKI môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017 của THPT Đồng Đậu, Tỉnh Vĩnh Phúc đã được Học247 tổng hợp. Hi vọng với đề thi này, các em sẽ có thêm tư liệu để tham khảo cho kì thi tới. Chúc các em có một kì thi thật tốt và đạt được kết quả cao.
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC KIỂM TRA GIỮA KÌ I NĂM HỌC 2017-2018
TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU Môn: Ngữ văn – Lớp: 11
(Đề chính thức) (Thời gian làm bài: 90 phút)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Bắt đầu từ năm 1990, nhà tâm lí học Peter Salovey ở Đại học Yale và John Mayer ở Đại học New Hampshire đã đưa ra thuật ngữ Trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence, hoặc Emotional Quotient – EO). Thực tế cho thấy, cảm xúc chỉ đạo trí thông minh có lẽ còn hơn cả logic toán học. Bằng phân tích cấu tạo của bộ não và các xung thần kinh, người ta đã chứng minh được lí trí, mà đại diện là trí thông minh, không có ở dạng thuần tuý mà được nuôi dưỡng bởi cảm xúc, và chính phần neocortex (phụ trách suy luận trên não) là nhạc trưởng, nó chỉ đạo, phối hợp, kiểm soát các cảm xúc đột ngột và gán cho chúng một ý nghĩa.
EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác ít nhiều giống với khái niệm mà Gardner gọi là trí thông minh trong người và thông minh giữa người. Hơn thế, nó còn là khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh và kiểm soát các cảm xúc. Người có EQ cao do vậy dễ thích nghi, luôn tìm được sự hoà hợp trong một tập thể, dễ dàng nhận được sự hợp tác hơn những “thiên tài đơn độc” (mà trong thời đại hiện nay, tính tập thể trong làm việc hết sức quan trọng). Sau đó, nhà tâm lí học Daniel Goleman xác định cụ thể và có hệ thống hơn trong tác phẩm của ông mang tên Emotional Intelligence.
EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới. EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.
[…] Càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ, như người ta thường nói “với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”. Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất.
(Trích EQ, SQ, CQ – những chỉ số của người thành đạt, dẫn theo http://www. vnexpress.net)
Câu 1. Chỉ ra 02 phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo đoạn trích, EQ thể hiện điều gì ở một con người? (0,75 điểm)
Câu 3. Cụm từ “chế ngự cảm xúc” trong câu “Hơn thế, nó còn là khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh và kiểm soát các cảm xúc” được hiểu là gì? (0,75 điểm)
Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm “Càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ” không? Vì sao? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ câu nói trong phần Đọc hiểu “EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác ít nhiều giống với khái niệm mà Gardner gọi là trí thông minh trong người và thông minh giữa người”, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự đồng cảm và sẻ chia của con người trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
(“Vội vàng”– Xuân Diệu, Ngữ văn 11,Tập 2, NXB Giáo dục 2011)
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
(“Từ ấy”–Tố Hữu, Ngữ văn 11,Tập 2, NXB Giáo dục 2011)
----------- HẾT ----------
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Tài liệu Đề thi giữa HK 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017-2018 - THPT Đồng Đậu, Tỉnh Vĩnh Phúc. Để tham khảo thêm nội dung của Đề thi giữa HKI môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017-2018 - THPT Đồng Đậu, Tỉnh Vĩnh Phúc các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.