Bộ 3 đề kiểm tra 1 tiết HK1 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2018-2019 do Học247 tổng hợp. Với bộ đề thi có lời giải đáp này, các em sẽ có thêm một tài liệu tham khảo để tự kiểm tra năng lực của mình. Đồng thời, các em cũng sẽ tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm, kiến thức làm văn nghị luận và nâng cao khả năng đọc - hiểu văn bản. Chúc các em có một kì kiểm tra đạt kết quả cao!
TRƯỜNG THPT THĂNG LONG Bài thi: NGỮ VĂN
ĐỀ THI THAM KHẢO Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề
Phần 1: Đọc - Hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Trong Diễn văn khai giảng năm học 2014 - 2015 ở trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), Giáo sư Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường - có nói:
(1) Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất... Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô. Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa Mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng...
(2) Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chúng ta mong muốn là “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.
(Theo http://www.tinmoi.vn ngày 4/9/2014)
Câu 1: Tìm những từ ngữ trong đoạn trích thể hiện rõ sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam? (0.5 điểm)
Câu 2: Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn (2) của đoạn trích trên. (0.5 điểm)
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về lời nhắn nhủ của thầy Văn Như Cương: Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình? (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/chị có đồng ý với quan điểm: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình”? Vì sao (1,0 điểm)
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp thiên lương trong sáng của nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI
Câu 1:
- Những từ ngữ trong đoạn trích thể hiện rõ sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam: núi cao, sông dài, rừng xanh, biển bạc.
Câu 2:
- Thao tác lập luận chính trong đoạn (2) của đoạn trích: Phân tích.
Câu 3:
- Hãy học tập không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng cả tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc của mình.
- Hãy học tập với tất cả sự thông minh và niềm đam mê, khao khát của mình.
Câu 4:
- Học sinh bày tỏ rõ quan điểm cá nhân: đồng tình/không đồng tình; nêu lí do hợp lí, thuyết phục.
- Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục, thể hiện nhận thức tích cực của người học.
- Lưu ý: Cho điểm 0 đối với những trường hợp trả lời, không rõ ý, không hợp lí, không có sức thuyết phục.
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
- Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên lương trong sáng của nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
- Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận văn học. Mở bài giới nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp thiên lương trong sáng của nhân vật Huấn Cao.
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.
- Vẻ đẹp thiên lương trong sáng của nhân vật Huấn Cao.
- Thiên lương đó được thể hiện ở sự tự trọng, coi khinh tiền bạc. Huấn Cao không bao giờ vì vàng bạc, quyền uy mà ép mình cho chữ bao giờ.
- Vẻ đẹp thiên lương của Huấn Cao còn thể hiện rõ ở chỗ ông coi trọng những tâm hồn luôn hướng tới cái đẹp. Khi biết quản ngục có tấm lòng yêu chuộng cái đẹp, thái độ của ông khác hẳn, ông đồng ý cho chữ quản ngục.
- Huấn Cao không chỉ yêu cái đẹp mà ông còn luôn hướng tới bảo vệ cái đẹp của cuộc sống, của tâm hồn con người. Điều đó được thể hiện trong lời khuyên của ông với viên quản ngục: hãy bỏ nghề, về quê mà ở vì ở đây khó giữ thiên lương cho “lành vững”.
- Đánh giá chung:
- Xây dựng nhân vật Huấn Cao với vẻ đẹp thiên lương ngời sáng, Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ tài hoa độc đáo trong phong cách sáng tác của mình. Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống éo le, bút pháp lãng mạn, tương phản đối lập.
- Qua vẻ đẹp thiên lương nói riêng và nhân vật Huấn Cao nói chung, Nguyễn Tuân muốn khẳng định cái đẹp là bất diệt, cái tài và cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời; đồng thời thể hiện sự trân trọng những giá trị tinh thần của dân tộc.
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
TRƯỜNG THPT SÔNG LÔ Bài thi: NGỮ VĂN
ĐỀ THI THAM KHẢO Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề
Phần 1. Đọc - Hiểu (3,0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4.
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”
(Bài ca ngất ngưởng - Nguyễn Công Trứ)
Câu 1: Xác định thể loại của bài thơ được trích? (0.5 điểm)
Câu 2: Xác định các biện pháp tu từ nổi bật được sử dụng trong bài thơ? (0.5 điểm)
Câu 3: Theo nhà thơ, cụm từ “đã vào lồng” có nghĩa gì? (1.0 điểm)
Câu 4: Hãy nhận xét về hình ảnh “ông ngất ngưởng” Nguyễn Công Trứ trong bài thơ? (1.0 điểm)
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về bản ngã Nguyễn Công Trứ khi “giải tổ chi niên” được thể hiện trong bài thơ “Bài ca ngất ngưởng”.
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI
Câu 1: Thể hát nói.
Câu 2: Những biện pháp tu từ: điệp từ, đối, so sánh,..
Câu 3: “đã vào lồng”: chấp nhận vào chốn quan trường, chịu sự ràng buộc.
Câu 4:
- Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục, thể hiện nhận thức tích cực của người nhận xét:
- Gợi ý: tâm hồn tự do phóng túng, bản lĩnh mạnh mẽ, có tinh thần trách nhiệm, sống phá cách (vượt khuôn sáo của lễ giáo phong kiến), ...
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
- Về bản ngã Nguyễn Công Trứ khi “giải tổ chi niên” được thể hiện trong bài thơ “Bài ca ngất ngưởng”.
- Đảm bảo thể thức của một bài văn nghị luận văn học
- Xác định đúng vấn đề nghị luận: bản ngã Nguyễn Công Trứ (cái tôi, lối sống cá tính, thái độ sống của nhà thơ)
- Triển khai hợp lí nội dung bài văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa phân tích và chứng minh. Có thể viết bài theo định hướng sau:
- Giới thiệu vài nét về Nguyễn công Trứ và bài thơ.
- Cảm nhận về cái bản ngã của Nguyễn Công Trứ trong bài thơ: Nguyễn Công Trứ đã tỏ ra tự bằng lòng về mình “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”. Ngất ngưởng là một từ tự khen, thể hiện sự đánh giá cao tài năng, nhân cách và cả phong cách cá nhân mình trong thời gian làm quan, khi về hưu.
- Thời điểm: “Đô môn giải tổ chi niên”. Nhắc lại một sự kiện quan trọng trong cuộc đời (về hưu), điều kiện để ông thực hiện lối sống ngất ngưởng.
- Những hành động ngất ngưởng:
- “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”: Dạo chơi bằng cách cưỡi con bò vàng, đeo nhạc ngựa trước ngực nó, đeo mo cau sau đuôi, bảo rằng để che miệng thế gian.
- “Kìa núi nọ phau phau mây trắng”: Thưởng thức cảnh đẹp, ngao du sơn thủy
- “Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi”: Cười mình là tay kiếm cung (một ông tướng có quyền sinh quyền sát), "dạng từ bi”: dáng vẻ tu hành, trái hẳn với trước.
- “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” (Dẫn các cô gái trẻ lên chơi chùa, đi hát ả đào).
- Chứng kiến cảnh ấy “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”
- ⇒ Một cá tính nghệ sĩ: Sống phúng túng tự do, thích gì làm nấy, sống theo cách của mình, nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh
- Quan niệm sống:
- Câu 13. Vượt qua dư luận xã hội, không quan tâm được mất
- Câu 14. Không bận lòng trước những lời khen chê.
- Câu 15,16. Sống tự do, phóng túng, tận hưởng mọi thú vui, không vướng tục. Một nhân cách, một bản lĩnh ngất ngưởng: sống không giống ai, không nhập tục cũng không thoát tục.
- Đánh giá nghệ thuật thể hiện cái bản ngã của nhà thơ: Chọn thể hát nói thể hiện hết chất trữ tình, cảm xúc của thi nhân (kết hợp thơ và nhạc - ca trù), ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, gợi liên tưởng thú vị.
- Giới thiệu vài nét về Nguyễn công Trứ và bài thơ.
- Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng, sâu sắc về vấn đề nghị luận
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
TRƯỜNG THPT NÚI THÀNH Bài thi: NGỮ VĂN
ĐỀ THI THAM KHẢO Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề
Phần 1. Đọc - Hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Cô ơi !
Cô không phải người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt thóc, nhưng cô dạy con biết quý bát cơm chan chứa mồ hôi. Cô không phải người công nhân kĩ sư kiến thiếtmọi nơi, nhưng cô xây cho đời một tương lai phía trước.
Cha mẹ là người cho con cuộc sống, bạn bè là những chỗ dựa niềm tin, thử thách rồi những thất bại đã cho con trưởng thành hơn thì chính cô là người dạy con vượt qua khó khăn vấp ngã trên đường đời.
Chính cô là người nâng niu, uốn nắn cho con từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ dáng đi. Con lớn dần trong vòng tay yêu thương của cô mà không hay rằng ba năm học đã sắp kết thúc. Con sắp phải xa cô thật rồi sao? Con chỉ muốn mãi là cô trò nhỏ được cắp sách vở đến trường, ngày ngày được nghe cô giảng bài.
Nhưng con phải đi để còn nhường chỗ cho thế hệ các em học sinh mới. Đây cũng là lúc con vận dụng những bài học về cuộc đời của cô ở ngôi trường khác, to lớn hơn trường mình.
(Trích Thư gửi cô ngày tri ân, http://giaoducthoidai.vn,3-6-2014)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0.5 điểm)
Câu 2: Chỉ ra biện pháp tu từ trong câu: Con lớn dần trong vòng tay yêu thương của cô mà không hay rằng ba năm học đã sắp kết thúc. (0.5 điểm)
Câu 3: Nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Con lớn dần trong vòng tay yêu thương của cô mà không hay rằng ba năm học đã sắp kết thúc. (1.0 điểm)
Câu 4: Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Vì sao chọn thộng điệp đó? (1.0 điểm)
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
Viết đoạn văn ngắn (200 từ) bày tỏ suy nghĩ về lòng biết ơn được gợi ra từ phần đọc - hiểu.
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI
Phần 1. Đọc - Hiểu (3,0 điểm)
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ : sinh hoạt.
Câu 2: Biện pháp tu từ: hoán dụ (vòng tay).
Câu 3: Tác dụng: tạo nên cách diễn đạt giàu hình ảnh, mang ý nghĩa ca ngợi tình cảm yêu thương ấm áp, chở che của cô dành cho học trò, đồng thời thể hiện niềm xúc động và lòng biết ơn của học trò dành cho cô giáo trong ngày chia tay.
Câu 4:
- Học sinh có thể trình bày 1 thông điệp tâm đắc nhất và có lí giải vì sao.
- Sau đây là vài gợi ý:
- Tri ân là đạo lí truyền thống của dân tộc
- Thầy cô là kĩ sư tâm hồn
- Nghề giáo là nghề cao quý…
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
- Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ về lòng biết ơn được gợi ở phần Đọc hiểu.
- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
- Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. ( Nếu học sinh viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: lòng biết ơn
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Cụ thể:
- Giải thích:
- “Lòng biết ơn” là ghi nhớ công lao của người có công với mình, giúp đỡ mình, làm ra thành quả cho mình hưởng thụ.
- Biểu hiện : bằng lời “cảm ơn”, bằng tư tưởng, tình cảm, bằng hành vi đền đáp.
- Bàn luận:
- Phân tích ý nghĩa của lòng biết ơn:
- Cần phải có lòng biết ơn vì không có cái gì tự nhiên mà có: biết ơn cha mẹ, thầy cô, người có công với nước, người làm ra sản phẩm cho ta hưởng thụ..
- Lòng biết ơn biểu hiện bằng việc làm góp phần làm cho xã hội tốt đẹp (trở thành con ngoan trò giỏi, có năng lực cống hiến cho xã hội...).
- Có lòng biết ơn là có nhân cách tốt được quí trọng, được giúp đỡ.
- Là giữ gìn và phát huy đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
- Phê phán: Kẻ vô ơn, sẽ không được giúp đỡ....
- Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức lòng biết ơn là phẩm chất tốt, cần phải có lòng biết ơn.
- Phải có lời “cám ơn” khi được người khác giúp đỡ mình.
- + Phải rèn luyện đạo đức, học tập tốt để đáp lại công ơn của cha mẹ, thầy cô.
- Học tập tốt, có kiến thức để cống hiến cho xã hội, để đền đáp công lao người có công với nước.
- Phân tích ý nghĩa của lòng biết ơn:
- Giải thích:
- Cụ thể:
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)
Mời các em làm bài thi trực tuyến tại:
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2018-2019, Trường THPT Thăng Long