HOC247 xin giới thiệu đến các em Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 11 có đáp án năm 2020. Mời các em tham khảo đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn lớp 11 dưới đây. Tài liệu này đã được tổng hợp và chọn lọc một cách kĩ càng. Hi vọng rằng, đây sẽ là tài liệu bổ ích cho các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt. Và đạt kết quả cao trong bài thi sắp tới.
TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN |
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN 11 NĂM HỌC 2020-2021 |
Phần 1: Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
(1) Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng và nhanh chóng hơn với thế giới, đây là động lực giúp kinh tế ViệtNam phát triển trong tương lai. Song một số nghiên cứu mới đây cho thấy, cơ sở hạ tầng của giao thông đô thị Việt Nam phát triển chậm hơn kinh tế ít nhất là 15-20 năm. Điều này một mặt đang ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mặt khác hậu quả trước mắt của sự chậm chạp trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là sự ùn tắc và mất an toàn giao thông trong các đô thị của nước ta ngày càng gia tăng đặc biệt là tại các đô thị lớn. Từ những sức ép trên, đòi hỏi việc quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị ở ViệtNam phải có một tầm nhìn mới, hướng tới phát triển bền vững.
(2) Chúng ta phải phát triển hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao, phù hợp với cấu trúc thành phố phát triển mở rộng và cấu trúc quy hoạch xây dựng vùng, cụ thể là: xây dựng mạng lưới đường giao thông cấp quốc gia, vùng để hỗ trợ và củng cố các chức năng vùng đô thị của thành phố, trong đó xây dựng mạng lưới đường cao tốc, xây dựng và nâng cấp các tuyến đường vành đai và hướng tâm cấp quốc gia và cấp vùng. Nâng cấp mạng lưới giao thông công cộng nội đô và liên tỉnh, nối thành phố Hà Nội với các khu vực lân cận chủ chốt bằng đường sắt là phương tiện giao thông trung chuyển khối lượng lớn. Tăng cường các tuyến đường sắt liên đô thị, tăng cường xe buýt giữa thành phố và các đô thị của tỉnh tiếp cận. Cải tạo nâng cấp các trục giao thông chính trong khu vực đô thị hiện có, cải tạo kết hợp xây dựng mạng lưới đường chính thành phố đảm bảo kết nối liên thông từ trung tâm đến các khu đô thị mới và các đô thị vệ tinh. Ưu tiên xây dựng các trục đường giao thông chính theo sự gia tăng lưu lượng giao thông và biến đổi cấu trúc đô thị, phải phân luồng giao thông hợp lý nhằm kiểm soát xe tải vận chuyển hàng hoá lưu thông vào khu vực nội thành.
(3)Thiết lập hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông công cộng là chính, từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển giao thông đô thị bền vững. Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo sự gia tăng nhu cầu giao thông và chuyển đổi cấu trúc đô thị, kết nối liên hoàn từ trung tâm tới đô thị mới và các đô thị vệ tinh. Xây dựng các bến xe buýt, đầu mối giao thông để tạo điều kiện chuyển đổi dễ dàng giữa các phương thức khác nhau như xe buýt, đường sắt, đường sắt đô thị. Bố trí đường dành riêng cho xe buýt ở các tuyến chính, cung cấp thông tin đầy đủ về thời gian và tuyến xe buýt.
(PGS.TS Lưu Đức Hải - Cục trưởng cục Phát triển đô thị, phát triển bền vững giao thông Hà Nội, theo baomoi.com)
Câu 1. Chỉ ra phong cách nhôn ngữ của đoạn trích trên?
Câu 2. Vấn đề khó khăn đặt ra trước mắt của giao thông đô thị ở Việt Nam được tác giả đề cập đến là gì? Các giải pháp để khắc phục?
Câu 3. Phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu sau: " Điều này một mặt đang ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mặt khác hậu quả trước mắt của sự chậm chạp trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là sự ùn tắc và mất an toàn giao thông trong các đô thị của nước ta ngày càng gia tăng đặc biệt là tại các đô thị lớn".Xét theo cấu tạo ngữ pháp thì đây là loại câu gì?
Câu 4. Trong khoảng 5 - 7 dòng anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về tình hình giao thông ở Việt Nam hiện nay?
Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu 5 đến câu 8
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim …”
(Từ ấy – Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr 44)
Câu 5. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 6. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng trong hai câu thơ " Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim ..." Nêu tác dụng?
Câu 7. Việc sử dụng những hình ảnh " nắng hạ", " mặt trời chân lí", "chói qua tim" Tố Hữu muốn khẳng định điều gì?
Câu 8. Từ cảm nhận về đoạn thơ, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 6 đến 8 câu) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lí tưởng sống của thế hệ trẻ ngày nay?
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau để thấy được niềm thiết tha với cuộc đời của Xuân Diệu:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
------ Hết ------
GIẢI CHI TIẾT
Phần 1: Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ báo chí.
Câu 2.
- Các vấn đề khó khăn đặt ra trước mắt của Giao thông Việt Nam là:
+ Cơ sở hạ tầng của giao thông đô thị Việt Nam phát triển chậm hơn kinh tế ít nhất là 15-20 năm
+ Gây ra hậu quả là sự ùn tắc và mất an toàn giao thông trong các đô thị của nước ta ngày càng gia tăng
- Giải pháp khắc phục:
+ Phải phát triển hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ
+ Thiết lập hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông công cộng là chính, từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển giao thông đô thị bền vững
Câu 3.
- Điều này: Chủ ngữ
- Một mặt đang ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
của Việt Nam: Vị ngữ 1
- mặt khác hậu quả trước mắt của sự chậm chạp trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là sự ùn tắc và mất an toàn giao thông trong các đô thị của nước ta ngày càng gia tăng đặc biệt là tại các đô thị lớn: Vị ngữ 2 ( Trong vị ngữ 2 lại có một kết cấu C-V nhỏ:
"hậu quả trước mắt của sự chậm chạp trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông": Chủ ngữ
"là sự ùn tắc và mất an toàn giao thông trong các đô thị của nước ta ngày càng gia tăng đặc biệt là tại các đô thị lớn": Vị ngữ)
- Kiểu câu: Câu phức
Câu 4.
Học sinh trình bày theo suy nghĩ của mình, có thể tham khảo các ý sau:
- Giao thông Việt Nam đặc biệt là ở vùng đô thị gặp nhều khó khăn cần giải quyết như tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông...
- Cần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông...
Câu 5.
Thể thơ thất ngôn/ thất ngôn trường thiên
Câu 6.
So sánh: Hình ảnh so sánh “hồn tôi” – “vườn hoa lá” (đậm hương, rộn tiếng chim): mảnh vườn được so sánh như tâm hồn nhà thơ, diễn tả cụ thể niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản.
Câu 7.
Qua việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “chói qua tim”: Tố Hữu khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ
Câu 8.
- Lí tưởng sống của thế hệ trẻ ngày nay: phấn đấu để có nội lực mạnh mẽ, giỏi giang đạt đỉnh cao trí tuệ và luôn kết hợp với đạo lí dân tộc.
- Con người sống cần phải có lí tưởng. Không có lí tưởng sống, con người không biết đi đâu, về đâu.
- Lí tưởng sống cần đúng đắn, cao đẹp.
- Sống có lí tưởng đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
- Phê phán những người sống không có lí tưởng.
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
- Xuân Diệu là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới; một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh); một thi sĩ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ với tâm hồn “khao khát giao cảm mãnh liệt với đời” (Nguyễn Đăng Mạnh).
- Vội vàng được sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ thơ. Đây là bài thơ vừa tiêu biểu, thể hiện rất rõ ý thức cá nhân của “cái tôi” thơ mới; vừa mang đậm bản sắc riêng của hồn thơ Xuân Diệu luôn có niềm thiết tha với cuộc đời
- Dẫn đoạn thơ.
2. Cảm nhận đoạn thơ
a. Khái quát về vị trí, nội dung đoạn trước và nội dung đoạn thơ
Nắm ở khổ thứ hai của bài thơ.
b. Niềm thiết tha với cuộc đời - một thiên đường trên mặt đất
- Thủ pháp liệt kê.
- Niềm yêu cuộc sống của Xuân Diệu.
- Từ niềm yêu đời tha thiết đó, bằng những cảm nhận rất nhạy bén của người nghệ sĩ nhà thơ nhận ra một nghịch lí giữa cái tôi và cuộc đời “ tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa”.
3. Đánh giá
- Xuân Diệu xứng đáng được coi là một hồn thơ dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.
- Đoạn thơ phân tích đã cho thấy một phát hiện kì diệu của tác giả về vẻ đẹp của cuộc sống mà không phải ai cũng nhận ra.
--(Nội dung đầy đủ, chi tiết vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---