Đề cương ôn tập giữa HK1 môn KHTN lớp 6 Cánh Diều năm 2021-2022 được HOC247 sưu tầm, tổng hợp và biên soạn gồm 2 phần lý thuyết và bài tập mới nhất để các em học sinh lên kế hoạch ôn tập cho bài thi giữa học kì 1. Các thầy cô có thể tham khảo ra đề thi cho các em học sinh. Mời các bạn cùng tham khảo!
1. TÓM TẮT LÝ THUYẾT
1.1. GIỚI THIỆU VỀ KHOA HỌC TỰ NHIÊN
a. Giới thiệu về khoa học tự nhiên
- Khoa học tự nhiên nghiên cứu các sự vật, hiện tượng của thế giới tự nhiên và ảnh hưởng của thế giới tự nhiên đến cuộc sống của con người.
- Những người chuyên nghiên cứu khoa học tự nhiên là các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
- Phương pháp nghiên cứu chúng là tìm hiểu để khám phá những điều mà con người chưa biết về thế giới tự nhiên, hình thành tri thức khoa học.
* Vai trò của khoa học tự nhiên trong cuộc sống
- Bảo vệ môi trường.
- Cung cấp thông tin và nâng cao hiểu biết của con người.
- Mở rộng sản xuất và phát triển kinh tế.
- Bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người.
* Vật sống và vật không sống
- Vật sống gồm các dạng sống đơn giản (ví dụ virus) và sinh vật. Chúng mang những đặc điểm của sự sống:
+ Thu nhận chất cần thiết.
+ Thải bỏ chất thải.
+ Vận động.
+ Lớn lên.
+ Sinh sản.
+ Cảm ứng.
+ Chết.
- Vật không sống không mang những đặc điểm của sự sống.
b. Một số dụng cụ đo và quy định an toàn trong phòng thực hành
- Dụng cụ đo chiều dài: Thước cuộn, thước kẻ thẳng, thước dây.
- Dụng cụ đo khối lượng: Cân đồng hồ, cân điện tử, cân lò xo, cân y tế.
- Dụng cụ đo thể tích chất lỏng: Cốc đong, ống đong, bình tam giác, ống hút nhỏ giọt, ống pipet.
- Dụng cụ đo thời gian: Đồng hồ bấm giây điện tử, đồ hồ bấm giây, đồng hồ treo tường.
- Dụng cụ đo nhiệt độ: Nhiệt kế điện tử, nhiệt kế y tế, nhiệt kế rượu.
* Cách sử dụng một số dụng cụ đo thể tích
- Ước lượng thể tích của chất lỏng cần lấy hoặc cần đo để chọn được dụng cụ đo phù hợp:
+ Lấy một lượng nhỏ: Ống hút nhỏ giọt, ống pipet,...
+ Lấy và chứa một lượng lớn: cốc đong, ống đong, bình tam giác,…
- Đặt dụng cụ đo thẳng đứng và đặt mắt nhìn ngang bằng với độ cao mực chất lỏng trong dụng cụ.
- Đọc và ghi kết quả đo theo vạch chia gần nhất với mực chất lỏng.
c. Quy định an toàn trong phòng thực hành
Trong phòng thực hành có nhiều tình huống nguy hiểm, nhất là khi dùng lửa, hóa chất, dụng cụ thủy tinh dễ vỡ. Do đó cần thực hiện nghiêm chỉnh Quy định an toàn trong phòng thực hành.
1.2. CÁC PHÉP ĐO
a. Đo chiều dài, khối lượng và thời gian
- Chúng ta có thể cảm nhận được các hiện tượng xung quanh bằng các giác quan của mình, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nhận đúng hiện tượng đang xảy ra.
- Vì thế, đối với những hiện tượng cần sự chính xác, thay vì tin vào giác quan thì ta cần thực hiện thêm các phép đo.
- Kết quả đo gồm số đo và đơn vị đo.
* Đơn vị đo chiều dài
- Đơn vị đo chiều dài là mét, kí hiệu là: m.
- Ngoài ra, người ta còn dùng những đơn vị đo chiều dài nhỏ hơn mét và lớn hơn mét.
- Để đo chiều dài người ta dùng thước. Có nhiều loại thước đo chiều dài khác nhau như: thước thẳng, thước dây, thước cuộn, …
- Mỗi thước đo đều có giới hạn đo (GHĐ) và độ chia nhỏ nhất (ĐCNN):
+ GHĐ của thước là độ dài lớn nhất ghi trên thước.
+ ĐCNN của thước là độ dài giữa hai vạch chia liên tiếp trên thước.
* Đơn vị đo khối lượng
- Đơn vị đo khối lượng là kilôgam, kí hiệu là: kg.
- Ngoài ra, người ta còn dùng những đơn vị đo khối lượng nhỏ hơn hoặc lớn hơn kg.
* Đơn vị đo thời gian
- Đơn vị đo thời gian là giây, kí hiệu là: s.
- Ngoài ra, người ta còn dùng những đơn vị đo thời gian nhỏ hơn và lớn hơn giây.
b. Đo nhiệt độ
- Độ nóng hay lạnh của một vật được xác định thông qua nhiệt độ của nó.
- Nhiệt độ là số đo độ “nóng”, “lạnh” của vật.
- Trong thang nhiệt độ Xen-xi-ớt, nhiệt độ của nước đá đang tan (00C) và nhiệt độ của hơi nước đang sôi (1000C) được chọn làm hai nhiệt độ cố định.
- Khoảng giữa hai nhiệt độ cố định này được chia thành 100 phần bằng nhau, mỗi phần ứng với 10C.
- Trong thang nhiệt độ Xen-xi-ớt, nhiệt độ thấp hơn 00C được gọi là nhiệt độ âm.
- Để đo nhiệt độ người ta dùng nhiệt kế.
- Có nhiều loại nhiệt kế khác nhau như: nhiệt kế rượu, nhiệt kế y tế, …
- Nhiệt kế (thường dùng) hoạt động dựa trên sự nở vì nhiệt của chất lỏng.
1.3. CÁC THỂ CỦA CHẤT
a. Sự đa dạng của chất
- Xung quanh em có rất nhiều vật thể khác nhau:
+ Vật thể rất lớn: Mặt Trăng, Mặt Trời, các ngôi sao…
+ Vật thể rất nhỏ (mắt thường không thể thấy): vi khuẩn, virus…
+ Vật thể có sẵn trong tự nhiên (vật thể tự nhiên): đất, nước, cỏ, cây…
+ Vật thể do con người tạo ra (vật thể nhân tạo): quần áo, sách vở, nhà cửa…
- Mọi vật thể đều do chất tạo nên: cái cốc làm bằng thủy tinh
+ Một vật thể có thể do nhiều chất tạo nên: trong hạt gạo chứa một số chất như tinh bột, chất đạm
+ Một chất có thể có trong nhiều vật thể khác nhau như: như đồng có trong dây điện, pho tượng…
- Chất có thể tồn tại ở thể rắn, thể lỏng hoặc khí.
b. Tính chất và sự chuyển thể của chất
- Giúp phân biệt chất này với chất khác. Bao gồm:
+ Tính chất vật lí: thể, màu sắc, mùi vị, khối lượng, thể tích, tính tan, tính dẻo, tính cứng, tính dẫn điện, tính dẫn nhiệt, nhiệt độ sôi,…
+ Tính chất hóa học: khả năng chất bị biến đổi thành chất khác: khả năng cháy, khả năng bị phân hủy, khả năng tác dụng được với chất khác
- Sự nóng chảy: sự chuyển từ thể rắn sang thể lỏng
- Sự đông đặc: sự chuyển từ thể lỏng sang thể rắn
- Sự bay hơi: sự chuyển từ thể lỏng sang thể hơi (khí)
+ Sự bay hơi diễn ra nhanh khi: nhiệt độ cao, gió mạnh, diện tích mặt thoáng lớn
- Sự ngưng tụ: sự chuyển từ thể hơi sang thể lỏng
- Sự sôi diễn ra ở nhiệt độ xác định và được gọi là nhiệt độ sôi
2. BÀI TẬP LUYỆN TẬP
Câu 1: Người chuyên nghiên cứu khoa học tự nhiên được gọi là
A. nhà sinh học.
B. nhà khoa học.
C. kĩ thuật viên.
D. nghiên cứu viên.
Câu 2: Ý nào dưới đây không phải là vai trò của khoa học tự nhiên trong đời sống?
A. Mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
B. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
C. Bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người.
D. Định hướng tư tưởng, phát triển hệ thống chính trị.
Câu 3: Đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực vật lí là gì?
A. Khoa học Trái Đất, vũ trụ và các hành tinh.
B. Vật chất, năng lượng và sự vận động của chúng.
C. Sinh vật và môi trường.
D. Chất và sự biến đổi các chất.
Câu 4: Vật nào dưới đây là vật sống?
A. Vi khuẩn
B. Cành gỗ mục
C. Hòn đá
D. Cái bàn
Câu 5: Con gà đẻ trứng là thể hiện dấu hiệu nào của vật sống?
A. Thải bỏ chất thải
B. Vận động
C. Sinh sản
D. Lớn lên
Câu 6: Đặc điểm nào dưới đây là biểu hiện của sự sinh sản ở thực vật?
A. Tăng chiều cao.
B. Tăng trọng lượng cơ thể.
C. Ra hoa, tạo quả và hạt.
D. Tăng số lượng cành, nhánh.
Câu 7: Hiện tượng cây mọc hướng về phía ánh sáng khi được chiếu sáng từ một phía là đặc điểm nào của vật sống?
A. Lớn lên
B. Sinh sản
C. Di chuyển
D. Cảm ứng
Câu 8: Các bước để đo thể tích một hòn đá
1. Buộc hòn đá vào một sợi dây.
2. Cầm sợi dây, nhúng hòn đá ngập trong nước ở cốc đong, mực nước trong cốc dâng lên.
3. Đặt cốc đong trên mặt phẳng, đổ một lượng nước bằng khoảng thể tích cốc, đọc và ghi lại thể tích nước.
4. Đọc và ghi lại thể tích nước. Lấy thể tích này trừ đi thể tích nước ban đầu ta tính được thể tích hòn đá.
Thứ tự thực hiện đúng các bước là
A. 1 – 2 – 3 – 4
B. 1 – 4 – 3 – 2
C. 3 – 1 – 2 – 4
D. 3 – 4 – 2 – 1
Câu 9: Để lấy 2ml nước cất, nên sử dụng dụng cụ nào dưới đây là thích hợp nhất?
A. Cốc đong có dung tích 50ml
B. Ống pipet có dung tích 5ml
C. Ống nhỏ giọt có dung tích 1ml
D. Ống nghiệm có dung tích 10 ml
Câu 10: Để đo thể tích chất lỏng, em dùng dụng cụ nào dưới đây?
A. Bình chia độ
B. Ống nghiệm
C. Ống nhỏ giọt
D. Bình thủy tinh
Câu 11: Nếu muốn quan sát các loại gân lá, em nên sử dụng loại kính nào?
A. Kính hiển vi
B. Kính râm
C. Kính lúp
D. Kính cận
Câu 12: Kí hiệu trong hình 2.1 thể hiện điều gì?
Hình 2.1
A. Chất dễ cháy.
B. Chất gây hại cho môi trường.
C. Chất độc hại sinh học.
D. Chất ăn mòn.
Câu 13: Việc làm nào dưới đây không được thực hiện trong phòng thực hành?
A. Ăn, uống trong phòng thực hành.
B. Làm theo hướng dẫn của thầy, cô giáo.
C. Đeo găng tay và kính bảo hộ khi làm thí nghiệm.
D. Thu dọn hóa chất sau khi sử dụng.
Câu 14: Muốn quan sát tế bào lá cây, ta dùng dụng cụ nào?
A. Kính lúp.
B. Kính râm.
C. Kính cận.
D. Kính hiển vi.
Câu 15: Cho các vật thể: ngôi nhà, con gà, cây lúa, viên gạch, nước biển, xe đạp. Trong các vật thể đã cho, những vật thể do con người tạo ra là:
A. ngôi nhà, con gà, xe đạp.
B. con gà, nước biển, xe đạp.
C. ngôi nhà, viên gạch, xe đạp.
D. con gà, viên gạch, xe đạp
Câu 16: Cho các vật thể: vi khuẩn, đôi giày, con cá, con mèo, máy bay. Những vật thể sống trong các vật thể đã cho là:
A. vi khuẩn, đôi giày, con cá.
B. vi khuẩn, con cá, con mèo.
C. con cá, con mèo, máy bay.
D. vi khuẩn, con cá, máy bay.
Câu 17: Phát biểu nào dưới đây là đúng khi nói về những đặc điểm của chất rắn?
A. Có khối lượng, hình dạng xác định, không có thể tích xác định.
B. Có khối lượng xác định, hình dạng và thể tích không xác định.
C. Có khối lượng, hình dạng, thể tích xác định.
D. Có khối lượng xác định, hình dạng và thể tích không xác định.
Câu 18: Không khí quanh ta có đặc điểm gì?
A. Không có hình dạng và thể tích xác định.
B. Có hình dạng và thể tích xác định.
C. Có hình dạng xác định, không có thể tích xác định.
D. Không có hình dạng xác định, có thể tích xác định.
Câu 19: Cho mẫu chất có đặc điểm sau: có khối lượng xác định, không có thể tích xác định và không có hình dạng xác định mà mang hình dạng của vật chứa nó. Mẫu chất đó đang ở thể nào?
A. Rắn.
B. Lỏng.
C. Khí.
D. Không xác định được.
Câu 20: Những tính chất nào sau đây là tính chất vật lí của chất?
A. Khả năng tan trong nước, màu sắc, khả năng bị cháy.
B. Tính dẫn điện, nhiệt độ sôi, khả năng tác dụng với nước.
C. Khả năng tan trong nước, nhiệt độ sôi, màu sắc.
D. Tính dẫn điện, khả năng tác dụng với nước, khả năng bị cháy.
Trên đây là trích đoạn nội dung tài liệu Đề cương ôn tập giữa HK1 môn KHTN lớp 6 Cánh Diều năm 2021-2022. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tư liệu cùng chuyên mục tại đây:
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn KHTN 6 Kết nối tri thức năm 2021-2022
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn KHTN lớp 6 Chân trời sáng tạo năm 2021-2022
Chúc các em học tập tốt !