YOMEDIA
NONE

Ôn tập Bài 1 - Ngữ văn 8 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo


Trong hệ thống bài học Bài 1: Những gương mặt thân yêu (Thơ sáu chữ, bảy chữ), các em đã được học các kiến thức bao gồm: đặc điểm của thể loại thơ sáu chữ, bảy chữ; các đặc điểm đặc điểm, tác dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh và cách viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do. Nhằm giúp các em hệ thống hóa lại kiến thức đã học, HỌC247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Ôn tập Bài 1 thuộc sách Chân trời sáng tạo dưới đây. Mời các em cùng tham khảo

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại đặc trưng của thể loại thơ sáu chữ, bảy chữ

1.1.1. Khái niệm

- Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ.

- Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ.

- Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.

1.1.2. Đặc điểm

- Vần: Bên cạnh cách phân loại vần chân, vần lưng, vần trong thơ còn được phân loại thành vần liền và vần cách (thuộc vần chân). Vần liền là trường hợp tiếng cuối của hai dòng thơ liên tiếp vần với nhau. Vần cách là trường hợp tiếng cuối ở hai dòng thơ cách nhau vần với nhau.

- Bố cục của bài thơ: là sự tổ chức, sắp xếp các phần, các đoạn thơ theo một trình tự nhất định. Việc xác định bố cục giúp người đọc có cái nhìn tổng quát, biết rõ bài thơ có mấy phần, vị trí và ranh giới từng phần trong bài thơ, từ đó có thể xác định được mạch cảm xúc của bài thơ.

- Mạch cảm xúc của bài thơ: là sự tiếp nối, sự vận động của cảm xúc trong bài thơ.

- Cảm hứng chủ đạo là trạng thái tình cảm mãnh liệt, thường gắn với tư tưởng và đánh giá nhất định được thể hiện xuyên suốt tác phẩm, tác động đến cảm xúc của người đọc.

- Vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn học: Tác phẩm văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng, sáng tạo, được thể hiện bằng ngôn từ. Vì thế, khi đọc văn bản, người đọc cần huy động nhận thức, trải nghiệm, sử dụng kết hợp các giác quan đề tái hiện trong tâm trí mình hình ảnh con người hay bức tranh đời sống mà nhà văn, nhà thơ đã khắc họa trong văn bản. Nhờ khả năng tưởng tượng, người đọc có thể trải nghiệm cuộc sống được miêu tả, hóa thân vào các nhân vật, từ đó cảm nhận và hiểu văn bản đầy đủ, sâu sắc hơn.

Xem chi tiết thơ sáu chữ, bảy chữ:

Trong lời mẹ hát - Trương Nam Hương

Nhớ đồng - Tố Hữu

Âm mưu và tình yêu - Si-le

Chái bếp - Lý Hữu Lương

1.2. Ôn tập các đặc điểm của từ tượng hình và từ tượng thanh

1.2.1. Khái niệm

Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật, chẳng hạn: gập ghềnh, khẳng khiu, lom khom…

- Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh trong thực tế, chẳng hạn: khúc khích, róc rách, tích tắc…

1.2.2. Tác dụng

- Từ tượng hình và từ tượng thanh mang giá trị biểu cảm cao; có tác dụng gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, âm thanh một cách sinh động và cụ thể; thường được sử dụng trong các sáng tác văn chương và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

1.3. Ôn lại cách viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do

- Về nội dung:

+ Bám sát dàn ý đề viết đoạn.

+ Thể hiện được cảm xúc chân thành của em về nội dung và hình thức trữ tình độc đáo của bài thơ.

- Về hình thức: Trình bày đúng hình thức của đoạn văn: viết lùi đầu dòng từ đầu tiên của đoạn văn và chữ cái đầu của từ đó phải viết hoa; kết thúc đoạn văn bằng một dấu chấm câu. Các câu trong đoạn cần tập trung vào chủ đề chung, giữa các câu có sự liên kết. Đoạn văn khoảng 7 - 10 câu.

Bài tập minh họa

Chọn một bài thơ tự do mà em yêu thích và viết đoạn văn chia sẻ cảm nghĩ của em về bài thơ đó.

 

Lời giải chi tiết:

Dục Thúy sơn

Nguyễn Trãi

Phiên âm:

Hải Khẩu hữu tiên san,

Tiền niên lũ vãng hoàn.

Liên hoa phù thuỷ thượng,

Tiên cảnh trụy trần gian

Tháp ảnh trâm thanh ngọc

Ba quang kính thuý hoàn.

Hữu hoài Trương Thiếu bảo.

Bi khắc tiển hoa han.

Dịch thơ:

Cửa biển có non tiên

Từng qua lại mấy phen.

Cảnh tiên rơi cõi Tục.

Mặt nước nổi hoa sen,

Bóng tháp hình trâm ngọc

Gương sông ánh tóc huyền

Nhớ xưa Trương Thiếu bảo

Bia khắc dấu rêu hoen.

(Khương Hữu Dụng dịch)

Đoạn văn cảm nghĩ:

“Dục Thúy Sơn” có thể được sáng tác vào thời điểm sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh và trước khi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Bài thơ được sưu tầm và xếp vào Ức Trai thi tập. Thể thơ ngũ ngôn luật thi (ngũ luật) - một thể của thơ Đường luật với bố cục, sáu câu đầu thiên về tả cảnh, bức tranh núi Dục Thuý; hai câu kết thể hiện cảm xúc hoài niệm của tác giả. Hai câu thơ đầu tác giả giới thiệu chung về cảnh vật trong mối quan hệ với tác giả. Nhà thơ đã mấy lần đến chơi núi. Cảnh tuy đã quen, nhưng lần này đến không khỏi ngạc nhiên vẻ đẹp “non tiên” hiện lên trước cửa biển. Bốn câu thơ sau: Bức tranh sơn thủy hữu tình. Bức tranh toàn cảnh núi Dục Thuý được thể hiện rõ nét trong hai câu 3 - 4, từ điểm nhìn xa, có tầm bao quát rộng. Núi Dục Thuý được tác giả ví như đoá sen nổi trên mặt nước, hình ảnh và bút pháp mới lạ, độc đáo. Hình ảnh đóa sen có ý nghĩa biểu tượng, gợi ý niệm thoát tục, như là cõi tiên rơi xuống trần gian. Ngôn từ được sử dụng tinh xác, tạo ấn tượng, trong nguyên văn, từ phù có nghĩa là nổi, nhưng lay động tại chỗ; từ truỵ có nghĩa là rơi, rớt từ trên cao xuống, thể hiện sự sống động trong miêu tả. Dấu ấn riêng của tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện rõ nhất qua những liên tưởng xuất hiện ở cái nhìn cận cảnh (hai câu 5 - 6). Các chi tiết đặc sắc được thể hiện khi so sánh bóng tháp hiện trên mặt nước như chiếc trâm ngọc xanh; ánh sáng sóng nước như đang soi chiếu mái tóc biếc. Trâm ngọc xanh và mái tóc biếc gợi hình ảnh trẻ trung, trong sáng, trữ tình, nên thơ, giúp liên tưởng đến hình ảnh người con gái. Vẻ đẹp của thiên nhiên được so sánh với vẻ đẹp của con người; lấy nét đẹp của người con gái để hình dung bóng núi trên sóng biếc. Sự liên tưởng này rất hiện đại, đặc biệt, hiếm thấy trong thơ cổ. Thơ cổ thường lấy chuẩn mực vẻ đẹp tự nhiên để so sánh với con người. Sự liên tưởng và bút pháp mới lạ này cho thấy tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, tinh tế của nhà thơ.  Hai câu thơ cuối thể hiện tâm sự hoài niệm của nhà thơ, cũng giống như các bài thơ khác cùng chủ đề của Nguyễn Trãi, lại thường là sự bộc lộ những suy tư về con người, về lịch sử, về dân tộc. Ý thơ thể hiện rõ sự hoài niệm, nhớ tiếc. Điều này cho thấy tâm hồn hướng nội, sâu sắc của Nguyễn Trãi. “Dục Thúy Sơn” là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Bài thơ ngũ ngôn bát cú bằng chữ Hán. Hình tượng thơ mĩ lệ, cảnh sắc đượm vẻ thần tiên. Trong phần luận, bốn hình ảnh ẩn dụ sóng nhau, đối nhau, hình ảnh này làm đẹp thêm hình ảnh kia, thể hiện cách cảm, cách tả của nhà thơ mang tâm hồn thơ mộng, tài hoa. Ức Trai, trong cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, sông núi, ngòi bút tài hoa của ông rất tinh tế và nhạy cảm trong gợi tả và biểu cảm.

Lời kết

Học xong bài Ôn tập Bài 1, các em cần:

- Nhận biết và phân tích được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc.

- Nhận biết và phân tích được chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật.

- Nhận biết được đặc điểm và tác dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh; sử dụng được những đơn vị từ vựng này trong giao tiếp.

- Bước đầu biết làm một bài thơ sáu chữ, bảy chữ; viết được đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.

- Nghe và tóm tắt được nội dung thuyết trình của người khác.

Soạn bài Ôn tập Bài 1 Ngữ văn 8 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Bài học Ôn tập Bài 1 sẽ giúp các em ôn tập các kiến thức đã học trong Bài 1, bao gồm: đặc trưng của thể loại thơ sáu chữ, bảy chữ; các đặc điểm, tác dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh và cách viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:

Hỏi đáp bài Ôn tập Bài 1 Ngữ văn 8 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF