YOMEDIA
NONE

Tự đánh giá cuối Học kì 2 - Ngữ văn 6 Tập 2 Cánh diều


Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo bài học nằm trong sách mới - Cánh diều Tự đánh giá cuối Học kì 2 dưới đây. Với bài học này, sẽ giúp các em học sinh củng cố lại kiến thức đã học trong Học kì 2. Từ đó, các em sẽ có vốn kiến thức vững vàng để chuẩn bị cho bài kiểm tra đánh giá cuối kì thật tốt. Chúc các em học sinh có một tiết học thật thú vị nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Đọc hiểu

a. Đọc đoạn trích sau và chọn một phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 6):

Tôi sống độc lập từ thưở bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: “Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu.”. Bởi thế, lứa sinh nào cũng vậy, đẻ xong là bố mẹ thu xếp cho con cái ra ở riêng. Lứa sinh ấy, chúng tôi có cả thảy ba anh em. Ba anh em chúng tôi chỉ ở với mẹ ba hôm. Tới hôm thứ ba, mẹ đi trước, ba đứa tôi tập tễnh, khấp khởi, nửa lo nửa vui theo sau. Mẹ dẫn chúng tôi đi và mẹ đem đặt mỗi đứa vào một cái hang đất ở bờ ruộng phía bên kia, chỗ trông ra đầm nước mà không biết mẹ đã chịu khó đào bới, be đắp tinh tươm thành hang, thành nhà cho chúng tôi từ bao giờ. Tôi là em út, bé nhất nên được mẹ tôi sau khi dắt vào hang, lại bỏ theo một ít ngọn cỏ non trước cửa, để tôi nếu có bỡ ngỡ, thì đã có ít thức ăn sẵn trong vài ngày.

Rồi mẹ tôi trở về.

Tôi cũng không buồn. Trái lại, còn thấy làm khoan khoái vì được ở một mình nơi thoáng đãng, mát mẻ. Tôi vừa thầm cảm ơn mẹ, vừa sạo sục thăm tất cả các hang mẹ đưa đến ở. Khi đã xem xét cẩn thận rồi, tôi ra đứng ở ngoài cửa và ngửng mặt lên trời. Qua những ngọn cỏ ấu nhọn và sắc, tôi thấy màu trời trong xanh. Tôi dọn giọng, vỗ đôi cánh nhỏ tới nách, rồi cao hứng gáy lên mấy tiếng rõ to.

(Trích Dế Mèn phiêu lưu kí - Tô Hoài)

Câu 1. Phương án nào nêu đúng thông tin về đoạn trích?

A. Là truyện các nhà văn viết cho thiếu nhi

B. Là truyện lấy loài vật làm nhân vật và miêu tả chúng như con người

C. Là truyện ngắn hiện đại viết sau Cách mạng tháng Tám 1945

D. Là truyện do nhà văn Tô Hoài viết sau năm 1945

Đáp án: B. Là truyện lấy loài vật làm nhân vật và miêu tả chúng như con người.

Câu 2. Trong đoạn trích, người kể theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ ba

B. Ngôi thứ nhất

C. Ngôi thứ nhất số nhiều

D. Ngôi thứ hai

Đáp án: B. Ngôi thứ nhất.

Câu 3. Phương án nào nêu đúng chi tiết giúp người đọc nhận ra loài dế?

A. Luôn sống độc lập từ khi còn bé

B. Thích ở một mình nơi thoáng đãng, mát mẻ

C. Sống trong hang đất ở bờ ruộng; ăn cỏ non

D. Đẻ xong là bố mẹ cho con cái ra ở riêng

Đáp án: C. Sống trong hang đất ở bờ ruộng; ăn cỏ non

Câu 4. Trạng ngữ "Tới hôm thứ ba" trong câu "Tới hôm thứ ba, mẹ đi trước, ba đứa tôi tấp tểnh, khấp khởi, nửa lo nửa vui theo sau" trả lời cho câu hỏi nào?

A. Ở đâu?

B. Để làm gì?

C. Khi nào?

D. Như thế nào?

Đáp án: C. Khi nào?

Câu 5. Câu nào tóm tắt đúng ý chính của đoạn trích?

A. Nhân vật tôi kể về những anh em họ hàng nhà mình.

B. Nhân vật tôi kể về hoàn cảnh gia đình mình khi mới sinh ra.

C. Nhân vật tôi kể về việc cha mẹ cho ra ở riêng.

D. Nhân vật tôi kể về cái hang và thức ăn của mình.

Đáp án: C. Nhân vật tôi kể về việc cha mẹ cho ra ở riêng.

Câu 6. Phương án nào nêu đúng tính cách của nhân vật “tôi” trong đoạn trích?

A. Thích sống độc lập

B. Thích ỷ lại

C. Thích được mẹ chăm sóc

D. Thích vỗ đôi cánh nhỏ

Đáp án: A. Thích sống độc lập.

b. Đọc đoạn trích sau và chọn một phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 7 đến câu 10):

Các loài vật trong tự nhiên không chỉ đơn thuần là các sinh vật vô tri, những khối xương, khối thịt để chúng ta khai thác cạn kiệt. Đó là các sản phẩm tuyệt vời của tự nhiên, sau nhiều triệu năm tiến hoá mới tạo ra được. Chúng góp phần làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn. Hãy thử tưởng tượng, một ngày chúng ta uống một lon bia Tai-gơ (Tiger) in hình con hổ mà không biết con hổ thực như thế nào. Đứa con yêu mến của bạn tô màu trên bức tranh loài tê giác mà thực tế chúng không bao giờ có cơ hội được nhìn thấy ngoài đời thực.

Quan trọng không kém, bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm còn để duy trì sự cân bằng của sinh thái. Tự nhiên vốn có các quy luật tồn tại và vận hành, để đảm bảo các hệ sinh thái là những hệ thống hoàn chỉnh. Chu trình này hỗ trợ chu trình kia. Sự có mặt của loài này trợ giúp hoặc kìm hãm loài kia nhằm đảm bảo sự cân bằng tối ưu. Khi một loài bị tiêu diệt, có thể sẽ kéo theo sự mất cân bằng, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ cục bộ cho đến tất cả các hệ sinh thái và cuối cùng là cả Trái Đất. Khi các hệ sinh thái mất cân bằng, con người đương nhiên sẽ gánh chịu mọi hậu quả.

Đến đây, chúng ta có thể phần nào nhận thấy lí do vì sao phải thực hiện các biện pháp bảo tồn các loài động vật quý hiếm

(Theo Nam Nguyễn - vnexpress.net)

Câu 7. Phương án nào trả lời được câu hỏi vì sao đoạn trích trên là văn bản nghị luận?

A. Nêu lên các lí do nhằm thuyết phục mọi người bảo vệ động vật hoang dã

B. Nêu lên các ví dụ về sự quý hiếm của các loài động vật hoang dã

C. Nêu lên và miêu tả cụ thể các loài động vật hoang dã

D. Nêu lên ý nghĩa của các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã

Đáp án: A. Nêu lên các lí do nhằm thuyết phục mọi người bảo vệ động vật hoang dã.

Câu 8. Câu nào sau đây có chủ ngữ được mở rộng?

A. Đó là các sản phẩm tuyệt vời của tự nhiên.

B. Chúng góp phần làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn.

C. Đứa con yêu mến của bạn tô màu trên bức tranh loài tê giác.

D. Tự nhiên vốn có các quy luật tồn tại và vận hành.

Đáp án: C. Đứa con yêu mến của bạn tô màu trên bức tranh loài tê giác.

Câu 9. Đoạn trích trên nêu lên mấy lí do cần bảo vệ động vật hoang dã?

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Đáp án: B. 2

Câu 10. Liệt kê các lí do mà em đã xác định (ở câu 9), mỗi lí do trình bày trong một câu văn ngắn gọn.

Đáp án: 

- Hai lí do đó là:

+ Một là các loài động vật là các sản phẩm tuyệt vời của tự nhiên giúp cho cuộc suống thêm phong phú.

+ Hai là bảo tồn các loài động vật quý hiểm để duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái.

1.2. Viết

- Chọn một trong hai đề sau để viết:

+ Đề 1. Giới thiệu một nhân vật có tấm lòng nhân hậu trong các văn bản truyện đã học ở sách ngữ văn 6, tập 2 và nêu lí do em thích nhân vật này.

+ Đề 2. Có ý kiến cho rằng việc nuôi chó, mèo trong nhà không những không có tác dụng gì mà còn mất vệ sinh, thậm chí có khi nguy hiểm. Em có tán thành với suy nghĩ này không? Hãy đưa ra ý kiến của em và lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến đó.

- Gợi ý:

+ Đề 1:

  • Giới thiệu khái quát về nhân vật em chọn.
  • Nhân vật được khắc họa như thế nào?
  • Cảm xúc của em về nhân vật đó.

+ Đề 2:

  • Ý kiến của bản thân: Tán thành hoặc không tán thành
  • Nguyên nhân: Lí giải nguyên nhân. Nêu dẫn chứng để chứng minh.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy chọn 1 trong 2 đề ở phần Viết để hoàn thành một bài văn hoàn chỉnh:

- Đề 1. Giới thiệu một nhân vật có tấm lòng nhân hậu trong các văn bản truyện đã học ở sách ngữ văn 6, tập 2 và nêu lí do em thích nhân vật này.

- Đề 2. Có ý kiến cho rằng việc nuôi chó, mèo trong nhà không những không có tác dụng gì mà còn mất vệ sinh, thậm chí có khi nguy hiểm. Em có tán thành với suy nghĩ này không? Hãy đưa ra ý kiến của em và lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến đó.

a. Hướng dẫn giải:

- Chọn đề mà em nắm rõ nhất.

- Chú ý viết bài văn theo bố cục 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài.

b. Lời giải chi tiết:

Chọn Đề 1: Giới thiệu một nhân vật có tấm lòng nhân hậu trong các văn bản truyện đã học ở sách ngữ văn 6, tập 2 và nêu lí do em thích nhân vật này:

Nói về nhân hậu, em nghĩ tới nhiều nhân vật như ông lã đánh cá trong “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, cậu bé Nghi trong Điều không tính trước, nhân vật Dế Vần trong Chích bông ơi. Đặc biệt, hình ảnh em gái Kiều Phương để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với em.

Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi được viết theo ngôi kể thứ nhất, với lời kể của nhân vật người anh. Có thể nói chạy dọc theo câu chuyện là diễn biến tâm lí nhân vật người anh, từ trạng thái cảm xúc này đến trạng thái cảm xúc khác. Tuy nhiên trong dòng cảm xúc đó, người đọc nhận ra có một nhân vật là điểm sáng tạo nên sự hài hòa và tạo vẻ đẹp tuyệt vời cho truyện ngắn. Đó chính là cô em gái Kiều Phương hồn nhiên, bình dị, chân thành mà sâu sắc. Một vẻ đẹp tiềm ẩn trong những bức tranh do cô vẽ ra.

Kiều Phương là cô bé hồn nhiên, nhí nhảnh và đam mê hội họa. Niềm đam mê này được tác giả diễn tả một cách cụ thể qua cách cô vẽ hằng ngày, cách cọ nhọ nồi để làm màu vẽ… Mặc dù anh trai gọi là Mèo vì cái tội lục lọi đồ linh tinh nhưng Kiều Phương vẫn vui vẻ chấp nhận và hồn nhiên khoe với bạn bè. Cách trò chuyện của Kiều Phương với anh trai cũng chứng tỏ Kiều Phương là cô bé nhí nhảnh, trong sáng và vô cùng đáng yêu: Nó vênh mặt, Mèo mà lại, em không phá là được. Dù cho người anh trai khó chịu đến cỡ nào thì cô bé này vẫn không bao giờ tức giận, luôn giữ được sự hài hòa và tinh nghịch như thế. Tạ Duy Anh đã khéo léo khắc họa nên hình ảnh nhân vật đáng yêu, gây được thiện cảm tốt đối với người đọc.

Không chỉ vậy, cô bé còn có tài năng hội họa. Chú Tiến Lê - bạn của bố vô tình phát hiện ra niềm đam mê này thì Kiều Phương càng tỏ rõ sự quyết tâm và phấn đấu mơ ước thành họa sĩ. Điều này khiến cho bố mẹ vui mừng: Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn. Mẹ cũng không kìm được xúc động. Người anh trai ghen ghét với tài năng của em nên càng ngày càng lạnh lùng và hay quát mắng em. Dù vậy nhưng tình cảm và thái độ của em gái dành cho anh vẫn không thay đổi, tin yêu và trân trọng hết mực.

Đặc biệt hơn hết là tình cảm, tấm lòng của Kiều Phương dành cho anh trai trong bức tranh đoạt giải. Cô bé chưa bao giờ ghét anh, mặc dù anh rất ghét cô, ghen tị với cô. Trên bức tranh là hình ảnh cậu con trai có đôi mắt rất sáng, nhìn ra ngoài cửa sổ, toát lên một vẻ đẹp tuyệt vời. Có thể nói đây là chi tiết khiến người đọc xúc động về tình cảm anh em trong gia đình. Chính bức tranh này của Kiều Phương đã “thức tỉnh” được trái tim người anh, có cách nhìn khác về em, vừa hối hận vừa xấu hổ vừa biết ơn.

Kiều Phương không những là cô gái đáng yêu, hồn nhiên, tài năng mà còn có tấm lòng nhân hậu, bao dung khiến người khác phải khâm phục và ngưỡng mộ. Tạ Duy Anh là một người am hiểu thế giới trẻ thơ, hiểu được tâm lý cũng như tình cảm của trẻ thơ nên đã gửi gắm được những điều tốt đẹp vào nhân vật Kiều Phương. Với cách kể chuyện nhẹ nhàng, tâm tình mà sâu lắng tác giả đã để lại tình cảm tốt đối với bạn đọc về nhân vật Kiều Phương. Qua đó cũng ngợi ca tình anh em chân thành mà thắm thiết.

(Sưu tầm)

Lời kết

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Nhớ lại và khắc sâu những kiến thức đã học trong Học kì 2 sách Cánh diều.

+ Rèn luyện và nâng cao kĩ năng đọc hiểu một văn bản cụ thể.

+ Biết cách viết một bài văn hay và sáng tạo nhất.

Hỏi đáp bài Tự đánh giá cuối Học kì 2 Ngữ văn 6

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON