Bắt nạt là bài thơ vô cùng sôi nổi, sinh động nhằm gửi gắm đến bạn đọc lời khuyên mọi người đừng bắt nạt kẻ yếu. Để cảm nhận được một cách sâu sắc bài thơ này, Học247 mời các em cùng tham khảo bài soạn Bắt nạt thuộc sách Kết nối tri thức chi tiết dưới đây nhé! Ngoài ra để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Bắt nạt tóm tắt.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Bài thơ Bắt nạt nêu lên vấn đề ức hiếp kẻ yếu trong đời sống. Tác giả nêu lên quan điểm phê bình cái xấu, đứng về phía những người bị bắt nạt à khuyên nhủ mọi người không nên bắt nạt người khác.
1.2. Nghệ thuật
- Thể thơ 5 chữ kết hợp các biện pháp tu từ điệp từ, so sánh,... cùng lối thơ trong trẻo, tươi vui, hóm hỉnh khi nói về vấn đề nghiêm trọng.
2. Soạn bài Bắt nạt
Câu 1. Nhân vật tớ trong bài thơ thể hiện thái độ như thế nào với các bạn bắt nạt và các bạn bị bắt nạt?
Trả lời:
- Với các bạn bắt nạt: thẳng thắn phê bình hành vi bắt nạt, yêu cầu các bạn bắt nạt dừng ngay hành vi bắt nạt mọi người xung quanh, thay vào đó hãy dùng thời gian quý giá của một ngày để làm những việc có ích.
- Với các bạn bị bắt nạt: Thể hiện sự gần gũi, tôn trọng và cảm thấy những người bạn nhút nhát hay bị bắt nạt cũng rất đáng yêu, bênh vực và sẵn sàng giúp đỡ nếu họ tiếp tục bị bắt nạt.
Câu 2. Cụm từ “đừng bắt nạt” xuất hiện bao nhiêu lần trong bài thơ? Theo em, việc lặp lại cụm từ này có tác dụng gì?
Trả lời:
- Cụm từ “đừng bắt nạt” xuất hiện: 7 lần trong bài thơ.
- Việc lặp lại cụm từ như vậy nhằm nhấn mạnh thái độ thẳng thắn phê bình, không đồng tình với hành vi bắt nạt người khác.
Câu 3: Bài thơ nói chuyện bắt nạt mà vẫn ẩn chứa ý vị hài hước. Hãy chỉ ra biểu hiện của ý vị hài hước đó?
Trả lời:
- Ẩn chứa của ý vị hài hước đó là: Nhân vật thử thách những ai bắt nạt người khác đọc bài thơ này và đến gặp mình. Thể hiện thái độ, tính cách mạnh mẽ, muốn giúp đỡ, bảo vệ bạn bị nạt của nhân vật. Đồng thời, nhân vật cũng đưa ra tình huống đã bị bắt nạt nhiều lần rồi nhưng vẫn không thích bị bắt nạt một cách vui vẻ, hài hước. So sánh việc bị bắt nạt là "rất hôi", càng làm rõ thêm việc bắt nạt người khác là xấu xa, không đẹp đẽ.
Câu 4: Mỗi chúng ta có thể từng bị bắt nạt hoặc từng bắt nạt người khác. Hãy cho biết em đã làm gì khi ở một trong các tình huống trên. Bài thơ có thể khiến em thay đổi cách ứng xử chuyện bắt nạt thế nào?
Trả lời:
- Mỗi chúng ta có thể từng bị bắt nạt hoặc từng bắt nạt người khác:
+ Bị bắt nạt: Em nói với ông bà, bố mẹ hoặc thầy cô giáo để người lớn nói chuyện, tìm cách giải quyết, giúp đỡ cho em.
+ Bắt nạt người khác: Em đã được bố mẹ giải thích, khuyên nhủ và góp ý để em sửa sai lần sau không lặp lại tính xấu đó nữa.
- Khi đọc xong bài thơ, em thấy mình cần phải mạnh dạn hơn nữa để bảo vệ các bạn bị bắt nạt, nói chuyện với người lớn để được giúp đỡ. Cần học tập, vui chơi tích cực để tránh xa những thói hư, tật xấu.
Các em có thể tham khảo bài giảng Bắt nạt để củng cố hơn nội dung bài học.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Qua bài thơ Bắt nạt, em có suy nghĩ gì về vai trò của tình bạn? (Hãy viết một đoạn văn ngắn để trả lời câu hỏi này)
Trả lời:
Cuộc sống sẽ không còn thú vị và ý nghĩa gì nếu như không có tình bạn, tình bạn là nơi để chúng ta tâm sự, an ủi nhau và cùng nhau cố gắng vươn lên tương lai. Có thể thấy, tình bạn là một trong những tình cảm đẹp và cao quý trong mỗi con người. Thế nhưng, có nhiều bạn không biết trân trọng những tình cảm quý giá đó mà làm những việc xấu, khiến bạn bè tổn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bài thơ "Bắt nạt" với giọng điệu hồn nhiên, ngộ nghĩnh đã nói lên thực trạng của vấn nạn học đường và đề ra những bài học quý giá trong cách nhìn nhận bản thân của các bạn. Nhà thơ đã hóa thân vào một cậu bé khẳng định rằng mình không thích bắt nạt, bắt nạt là xấu và hướng bạn bè đến cuộc sống lành mạnh hơn. Ai cũng muốn mình có cuộc sống vui vẻ, và để được vui vẻ chúng ta nên có bạn bè, vì vậy hành động bắt nạt bạn bè là vô cùng xấu. Những câu hỏi tu từ được lặp đi lặp lại cuối đoạn thơ "Sao không trêu mù tạt?", "Sao không yêu lại còn…?" vừa tạo nhịp điệu cho văn bản vừa nhấn mạnh lời nhắc nhở của cậu bé đối với các bạn. Có thể thấy, bắt nạt bạn bè là tình trạng đáng buồn trong môi trường học đường ngày nay, bài thơ của tác giả với giọng điệu hồn nhiên, ngộ nghĩnh đã gợi ra những bài học quý giá trong cách cư xử với bạn bè. Để có một cuộc sống tốt đẹp, chúng ta cần có lối sống lành mạnh, văn minh, tu dưỡng đạo đức và trí tuệ để sau này có thể trở thành người có ích.
4. Một số bài văn mẫu về văn bản Bắt nạt
Bài thơ Bắt nạt có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục thái độ sống đúng đắn cho các em. Chúng ta cần lên án cái xấu, biết đứng bảo vệ kẻ yếu. Để hiểu hơn về nội dung bài thơ này, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu về bài Bắt nạt dưới đây:
5. Hỏi đáp về bài Bắt nạt Ngữ văn 6
Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tìm hiểu bài soạn này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.