Ở Bài 7, các em đã thực hành viết một bài văn thuyết minh triển khai theo cấu trúc "nguyên nhân - hệ quả - giải pháp". Với nội dung bài giảng Viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại thuộc sách Kết Nối Tri Thức do HỌC247 biên soạn và tổng dưới đây sẽ các em có cơ hội thực hành viết bài văn thuyết minh theo một cấu trúc khác, chẳng hạn theo các biểu hiện hay phạm vi ảnh hưởng của một hiện tượng, theo diễn biến thời gian của hiện tượng đó,... Mời các em cùng tham khảo nội dung bài giảng dưới đây nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Yêu cầu viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại
- Nêu rõ vấn đề xã hội được thuyết minh và cung cấp một số thông tin cơ bản, nổi bật về vấn đề đó.
- Làm sáng tỏ các biểu hiện hay phạm vi ảnh hưởng của vấn đề đối với đời sống xã hội hoặc cung cấp thông tin theo trình tự khác phù hợp với vấn đề được thuyết minh.
- Rút ra được ý nghĩa của việc nhận thức đúng vấn đề thuyết minh.
- Sử dụng kết hợp trong văn bản thuyết minh một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
1.2. Cách viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại
Bước 1: Chuẩn bị viết
- Với mục đích cung cấp thông tin về những vấn đề của xã hội đương đại, đề tài của bài văn thuyết minh rất đa dạng. Bạn có thể chọn những vấn đề thời sự đang được quan tâm hiện nay thuộc các lĩnh vực như văn hoá, xã hội, môi trường...
- Ví dụ:
+ Cách tổ chức lễ hội văn hoá của địa phương;
+ Các loại hoạt động vì cộng đồng;
+ Những trào lưu thịnh hành trong giới trẻ hiện nay (chọn thần tượng, chọn phong cách thời trang, sử dụng mạng xã hội,
- Để triển khai bài viết, bạn cần tập hợp được các thông tin về đề tài bạn lựa chọn. Chẳng hạn:
+ Các thông tin có thể được tìm hiểu và tổng hợp từ việc quan sát đời sống, thu thập được qua sách báo, các phương tiện truyền thông.
+ Khi quan sát, tập hợp và ghi chép, chú ý những thông tin cụ thể về đặc điểm, biểu hiện, diễn biến, ảnh hưởng, tác động...
+ Lồng ghép một cách phù hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận khi trình bày bài viết.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
* Tìm ý
Một số câu hỏi có thể được đặt ra để xác định hệ thống ý cho bài viết:
- Vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh nào và từng được nhìn nhận ra sao?
- Có thể đề cập, cung cấp thông tin về vấn đề được thuyết minh theo trình tự nào?
- Việc nhận thức đầy đủ về vấn đề được đề cập có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi chúng ta?
* Lập dàn ý
- Mở bài:
+ Giới thiệu vấn đề xã hội được thuyết minh trong bài viết.
+ Nêu thông tin khái quát về vấn đề đó.
- Thân bài:
+ Chọn lọc, sắp xếp và triển khai các ý đã tìm được theo một trình tự hợp lí, tuỳ thuộc vào định hướng cung cấp thông tin của người viết.
+ Cần xác định yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận nào có thể đưa vào vị trí thích hợp để làm tăng hiệu quả biểu đạt và sức hấp dẫn của bài viết.
+ Lưu ý: Việc lồng ghép yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận cần đảm bảo tính khách quan của thông tin được đề cập trong bài viết.
+ Cần dự kiến việc sử dụng một số phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản (hình ảnh, số liệu, sơ đồ,.), giúp cho các nội dung thuyết minh được sinh động, hấp dẫn.
- Kết bài: Khái quát ý nghĩa của vấn đề được đề cập; gợi mở những ý tưởng có thể tiếp nối...
Bước 3: Viết
- Triển khai dàn ý thành các đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí tương ứng với kiểu cấu trúc bài văn thuyết minh mà bạn đã lựa chọn và liên kết các đoạn thành bài văn hoàn chỉnh.
- Kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận một cách phù hợp.
- Chú ý sử dụng kết hợp một số bảng biểu, tranh ảnh phù hợp với nội dung thông tin.
- Sử dụng ngôn ngữ diễn đạt mạch lạc, sáng rõ; tuỳ vào cách tổ chức thông tin để có cách dùng các từ ngữ liên kết phù hợp.
Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện
- Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiều bài và dàn ý đã lập để đảm bảo các ý được triển khai đầy đủ và theo trình tự phù hợp.
- Xem lại những đoạn, nội dung có yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận trong bài viết để đảm bảo việc sử dụng các yếu tố đó là phù hợp, có hiệu quả trong việc thể hiện nội dung thông tin của bài viết.
- Rà soát để đảm bảo bài viết không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu và tổ chức văn bản.
Bài tập minh họa
Viết văn bản thuyết minh về: Trào lưu thịnh hành trong giới trẻ ngày nay.
Lời giải chi tiết:
Hiện nay, một câu nói, hành động nào đó cũng có thể trở thành trào lưu, xu hướng trong giới trẻ. Các bạn trẻ có nhất thiết chạy theo mọi xu hướng, trào lưu trên mạng xã hội như một con thiêu thân? Hãy cùng các bạn trẻ chia sẻ về điều này nhé!
Ca khúc “Độ ta không độ nàng” rất hot thời gian qua và trở thành trào lưu của giới trẻ. Nó được nhiều bạn trẻ nghe rồi dùng tên bài hát trong nhiều trường hợp của cuộc sống. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay, không khó để một câu nói trở thành trào lưu trong giới trẻ, cộng đồng mạng. Điều đó tốt hay xấu đối với bạn trẻ? Tôi nghĩ là cả hai. Trên không gian mạng, những điều tốt luôn “sống chung” với những điều không hay. Người trẻ phải chọn những điều tốt để học theo và tẩy chay với những cái xấu, tiêu cực. Tôi nghĩ, tổ chức Đoàn, Hội phải tuyên truyền, định hướng cho các bạn trẻ nhận biết đâu là điều nên học tập, nên tránh. Các bạn trẻ đừng lệ thuộc vào các trào lưu không tốt mà có thể tự đánh mất mình.
Mạng xã hội ngày càng phổ biến trong cuộc sống. Hiện nay, giới trẻ dễ dàng tiếp cận các xu hướng diễn ra trên mạng xã hội. Bất kỳ một câu nói hay hành động nào đó trên mạng xã hội cũng có thể trở thành xu hướng để bạn trẻ học theo. Nếu là xu hướng tích cực thì chẳng có gì để bàn cãi. Nhưng gần đây, nhiều trào lưu tiêu cực vẫn được các bạn trẻ yêu thích và làm theo. Như câu nói “chị hiểu hôn” của một nhân vật 15 tuổi chuyên ăn cắp lại trở thành trào lưu rầm rộ. Trào lưu, xu hướng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng nếu học theo những điều xấu có thể để lại hậu quả khó lường cho những người trẻ. Vì thế, bạn trẻ hãy tỉnh táo trước những trào lưu, xu hướng trên mạng xã hội!
Xu hướng có thể hiểu là một điều gì đó được số đông yêu thích, làm theo trong một khoảng thời gian nhất định. Gần đây, một số câu nói trở thành xu hướng của giới trẻ như “để Mị nói cho mà nghe” từ bài hát cùng tên của một ca sĩ trẻ, “chị hiểu hôn” của một nhân vật ăn cắp được quay clip và tung lên mạng,... Các xu hướng nổi lên đôi khi cũng mang tính tiêu cực như trường hợp “Khá Bảnh”. Xu hướng ngày càng lan truyền rộng rãi thông qua mạng xã hội. Người trẻ phải tỉnh táo để không bị ảnh hưởng bởi những trào lưu tiêu cực. Hãy biết chọn những điều thú vị để cuộc sống thêm tươi đẹp và ý nghĩa hơn, các bạn nhé!
Lời kết
Học xong bài Viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại, các em cần:
- Nắm được các yêu cầu cần thiết đối với văn bản thuyết minh.
- Nắm được cách viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại.
Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một hiện tượng xã hội Ngữ văn 11 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Bài học Viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại sẽ giúp các em rèn luyện cách trình bày các yêu cầu cần thiết khi làm bài văn thuyết minh và cách viết bài văn thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
Hỏi đáp bài Viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại Ngữ văn 11 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247