Trong phần Viết của chủ đề Bài 4: Truyện ngắn, HOC247 mời các em cùng tham khảo nội dung bài giảng Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện thuộc sách Cánh diều dưới đây. Với nội dung bài giản chi tiết, dễ hiểu sẽ giúp các em hình thành kĩ năng viết được bài nghị luận về một tác phẩm truyện cụ thể. Chúc các em đạt kết quả cao trong học tập!
Tóm tắt bài
1.1. Kiểu bài
1.1.1. Khái niệm
Nghị luận về một tác phẩm truyện là phân tích, đánh giá về các yếu tố nội dung. hình thức của truyện bằng những ý kiến, li lẽ và dẫn chứng cụ thể.
1.1.2. Yêu cầu
- Xác định rõ yêu cầu nghị luận mà để bài đã nêu.
- Đọc lại văn bản truyện được nêu ra trong đề bài, tìm dọc các nguồn tài liệu có liên quan đến tác giả, tác phẩm.
- Suy nghĩ và thực hiện theo các bước viết bài nghị luận văn học.
1.2. Cách viết bài thuyết minh tổng hợp
1.2.1. Thực hành viết
a. Chuẩn bị:
- Đọc kĩ đề bài và suy nghĩ để xác định các yêu cầu nghị luận trước khi viết.
- Đọc lại văn bản, tìm và ghi lại những chi tiết liên quan đến lời nói, hành động, ý nghĩ, tình cảm của Đan-kô.
- Tìm đọc các tài liệu có liên quan đến tác giả, ghi lại những ý kiến quan trọng có thể dùng để trích dẫn hoặc mở rộng bàn luận.
b. Tìm ý và lập dàn ý:
* Tìm ý:
Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
- Nhân vật xuất hiện trong tình thế nào?
- Hành động và tâm trạng của nhân vật ra sao?
- Suy nghĩ, hành động nào của nhân vật gây ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?
- Tác giả thể hiện vẻ đẹp của hình tượng nhân vật qua những yếu tố nghệ thuật nào?
- Qua hành động và tình cảm của nhân vật, tác giả muốn nhắn gửi thông điệp gì? Thông điệp đó có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống hôm nay? Vì sao?
* Lập dàn ý:
Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần.
c. Viết:
Dựa vào dàn ý đã chuẩn bị để thực hành với những yêu cầu khác nhau:
- Viết đoạn mở bài, hoặc một đoạn trong phần thân bài.
- Viết bài văn hoàn chỉnh.
d. Kiểm tra và chỉnh sửa:
Bài tập minh họa
Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản "Trái tim Đan-kô" của Go-ro-ki.
Lời giải chi tiết:
Mác-xim Go-rơ-ki là nhà văn nổi tiếng đến từ Nga. Từ nhỏ ông là người rất đam mê đọc sách và cùng với những gian khó tuổi thơ đã thắp sáng và nảy sinh khát vọng sáng tác của ông. Truyện “Trái tim Đan-kô” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông, được trích ở phần cuối “Tuyển tập truyện ngắn Mác-xim Go-rơ-ki”. Tác phẩm kể về sự hy sinh cao cả, tấm lòng vị tha yêu thương của người anh hùng Đan-kô.
Mở đầu là bức tranh thiên nhiên ở thảo nguyên u ám, với cảnh vật đáng sợ. Rồi lại có sự xuất hiện của ánh lửa xanh kỳ dị, gợi đến những câu chuyện hoang đường. Chính ánh lửa này xuất phát từ câu chuyện của một người anh hùng với trái tim vĩ đại và tràn đầy yêu thương. Một đoàn người trên thảo nguyên đang bị bủa vây trong bóng tối của khu rừng, cành lá thì dày đặc và ánh sáng mặt trời thì không chiếu đến. Họ không có con đường nào có thể thoát ra, ngày một tuyệt vọng và buông xuôi tất cả. Nhưng một vị anh hùng, một chàng trai đã xuất hiện để cứu lấy cuộc sống của họ. Đan-kô đã tìm cách để dẫn dắt mọi người vượt qua khu rừng đáng sợ và tràn ngập bóng tối này. Nhưng khi đứng trước một khu rừng rậm rạp, con người mỗi lúc một kiệt sức thì con người lại lộ ra bộ mặt yếu hèn và nhút nhát của mình. Trước đó thì họ xin anh dẫn họ đi, bây giờ họ lại bắt đầu đổ lỗi cho Đan-kô. Họ mắng mỏ, họ bảo anh phải chết đi. Mặc dù Đan-kô rất phẫn nộ trước hành động ấy nhưng anh lại nhận ra rằng “Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất”. Một chàng trai có tấm lòng vị tha và yêu thương con người mặc cho bị đối xử tệ bạc nhưng vẫn quyết định cứu mọi người. Ý nghĩa muốn cứu mọi người quá mãnh liệt nhưng lại không được tin tưởng đến mức phải gào to lên như sấm. Và anh đã có một hành động xé toang lồng ngực của mình và dơ cao lên.
Ngọn lửa trong trái tim Đan-kô đã xua tan đi mây mù và anh đã dẫn mọi người chạy ra khỏi khu rừng tối tăm này. Anh đã đưa được mọi người ra ngoài và sau đó gục xuống chết. Bằng cách đổi lấy sinh mạng của mình, anh ấy đã mang trái tim ấm áp, một lòng tốt của một trái tim dũng cảm soi sáng dẫn đường cho đoàn người. Nhưng rồi có ai nhớ đến sự hy sinh cao cả của anh? Họ vui sướng tràn đầy hy vọng vì được cứu sống rồi họ lại lập tức quên luôn người đã cứu mình. Đan-kô là hiện thân cho hình ảnh một con người xả thân cứu người mà không đòi hỏi được đền đáp. Go-rơ-ki đã dùng những từ ngữ chân thành và tốt đẹp nhất để ca ngợi, để trân trọng trước cái chết của Đan-kô. Đó còn là bức tranh gợi cho ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Phải chăng khi con người đứng trước những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống thì họ sẽ quên mất mình là ai, sống một cách ích kỷ và tham lam. Nhưng vẫn sẽ có những con người giống như Đan-kô xuất hiện. Đứng trước vực tối cuộc sống, vẫn giữ trong mình trái tim yêu thương, một lòng tốt chân thành mà không cần đền đáp.
Một bức tranh thiên nhiên, một sự đấu tranh sự sống của con người đã hiện lên thật đặc sắc trong tác phẩm “Trái tim của Đan-kô” của Go-rơ-ki. Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy nghĩ về những giá trị sống và mối quan hệ giữa con người trong hiện thực thực cuộc sống.
Lời kết
Học xong bài Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện, các em cần nắm:
- Viết được bài nghị luận về một tác phẩm truyện.
- Biết giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp.
Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện - Ngữ văn 11 Tập 2 Cánh Diều
Bài học Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện sẽ giúp các em hình thành kĩ năng viết được bài nghị luận về một tác phẩm truyện cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn văn đầy đủ Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện
- Soạn văn tóm tắt Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện
Hỏi đáp bài Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện - Ngữ văn 11 Tập 2 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247