YOMEDIA
NONE

Bài 4: Chính sách tiền tệ quốc gia


Nội dung bài giảng Bài 4: Chính sách tiền tệ quốc gia sau đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu về khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia, mục tiêu của chính sách tiền tệ, các dạng chính sách tiền tệ.

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia  

  • Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Chính sách tiền tệ có thể được hiểu là quá trình quản lý cung tiền (money supply) của cơ quan quản lý tiền tệ (có thể là ngân hàng Trung Ương), thường là hướng tới một lãi suất mong muôn (targeting interest rate) để đạt được những mục đích ổn định và tăng trưởng kinh tế - như kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, giải quyết việc làm cho người lao dộng, tăng trưởng kinh tế,...
  • Chính sách tiền tệ bao gồm việc thay đổi các loại lãi suất nhất định, có thể trực tiếp hay gián tiếp thông qua các nghiệp vụ thị trường mở; quy định mức dự trữ bắt buộc; hoặc trao đổi trên thị trường ngoại hối.
  • Ở Việt Nam, theo Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12, Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

2. Mục tiêu của chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ bao gồm các mục tiêu sau đây:

2.1 Mục tiêu ổn định giá cả

Giá cả ổn định là điều mà cả xã hội đều mong muốn bởi vì mức giá cả tăng lên trong một thời gian dài (lạm phát) gây nên tình trạng khó khăn trong nền kinh tế.

Lạm phát cũng làm cho việc lập kế hoạch trong tương lai bị khó khăn. Các chủ thể trong nền kinh tế (nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân...) phải tính toán chi tiêu tiết kiệm, phải dự trữ để tránh rủi ro. Hơn nữa, lạm phát có thể gây ra căng thẳng các quan hệ xã hội của đất nước: xung đột có thể phát sinh bởi vì mỗi nhóm trong xã hội có thể cạnh tranh với các nhóm khác để đảm bảo cho thu nhập của mình tăng lên theo với mức tăng giá cả.

2.2 Mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế luôn luôn là mục tiêu của mọi quốc gia trong việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô, muốn cho nhịp độ táng trưởng kinh tế bền vững ổn định thì việc ổn định giá trị đồng nội tệ là rất quan trọng. Hơn nữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế quan hệ chặt chẽ với mục tiêu việc làm, vì khi tăng trưởng kinh tế không cao thì người lao động thiếu nơi làm việc, dẫn tới thất nghiệp, ngược lại khi mà tăng trưởng kinh tế ở mức cao phù hợp với nền kinh tế thì người lao động dễ dàng tìm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp thấp.

2.3 Mục tiêu ổn định lãi suất

Chính sách lãi suất là một trong những công cụ chính của chính sách tiền tệ. Tùy thuộc vào từng mục tiêu, quốc gia nào cũng mong muôn có một sự ồn định lãi suất, vì những biến động của lãi suất làm cho nền kinh tế gặp nhiều rủi ro và càng khó lập kế hoạch cho tương lai. Biến động của lãi suất ảnh hưởng đến việc đầu tư của các chủ thể trong xã hội, những người tiêu dùng càng khó quyết định hơn khi phải lựa chọn mua tài sản ở lúc nào thì có lợi, đặc biệt phải vay tiền của các ngân hàng thương mại để mua nhà ở, ô tô và các tài sản có giá trị khác, việc biến động lãi suất tăng làm cho họ gặp rủi ro trong khi phải trả lãi vay ngân hàng cao ngoài dự kiến.

2.4 Mục tiêu ổn định các thị trường tài chính

Việc ổn định thị trường tài chính cũng được vững bền bởi sự ổn định lãi suất. Vì nếu lãi suất tăng lên sẽ làm thiệt hại lớn về vốn cho các chứng khoán dài hạn và tổn thất này có thể làm phá sản các tổ chức tài chính nắm giữ các chứng khoán đó. Trong những năm gần đây những biến động mạnh của lãi suất là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên toàn cầu...

2.5 Mục tiêu tạo nhiều việc làm

Nhiều việc làm là điều mong muốn, nhưng không phải nền kinh tê nào cũng luôn luôn toàn dụng lao động, vì vậy thất nghiệp là một điều tự nhiên của các nền kinh tế, nhưng tỷ lệ thất nghiệp như thế nào là phù hợp? Trong một số trường hợp rõ ràng là tỷ lệ thất nghiệp quá cao: tỷ lệ trên 20% thất nghiệp xảy ra trong thời kỳ đại suy thoái. Những tính toán gần đây về tỷ lệ thất nghiệp phổ biến vào khoảng 6% là hợp lý. Vậy chính phủ cần có những chương trình đào tạo việc làm đi đôi với phát triển kinh tế để có thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.

2.6 Mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái

Trong thời kỳ nền kinh tế thị trường mở cửa như ngày nay thì luồng tiền vào ra là rất lớn. Việc ngăn ngừa những biến động mạnh về tỷ giá hối đoái là điều rất quan trọng, nó giúp hoạt động hoạt động kinh tế đối ngoại được hiệu quả và cán cân thương mại được thăng bằng.

3. Các dạng chính sách tiền tệ

Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia, các chính sách tiền tệ trên thế giới bao gồm các dạng được trình bày trong bảng sau:

Bảng 3.2 Các dạng chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ Biến số tác động Mục tiêu dài hạn
Mục tiêu lạm phát Lãi suất của nợ qua đêm Cố định tỷ lệ lạm phát
Mục tiêu mức giá Lãi suất của nợ qua đêm Cố định mức giá
Tổng cung tiền Tốc độ tăng cung tiền Cố định tỷ lệ lạm phát
Cố định tỷ giá Tỷ giá Tỷ giá
Bản vị vàng Giá vàng Lạm phát thấp đo bằng giá vàng
Chính sách tổng hợp Thường là lãi suất Thường là tỷ lệ thất nghiệp + lạm phát

 

  • Chính sách hướng tới mục tiêu lạm phát hiện đang sử dụng tại Australia, Brazil, Canada, Chile, Colombia, the Czech Republic, Hungary, New Zealand, Norway, Iceland, Philippines, Poland, Sweden, South Africa, Turkey, và Anh Quốc.
  • Loại chính sách tổng cung tiền (monetary aggregates) được các nước tiên tiến sử dụng trong thập niên 1980s (gồm cả Hoa Kỳ).
  • Hoa Kỳ hiện tại đang sử dụng chính sách tổng hợp (mixed policy). Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng từ những năm 1980s và nó còn có tên là "Taylor rule" theo đó đảm bảo rằng lãi suất của FED thay đổi thích ứng với các biến động (shock) lạm phát và sản lượng đầu ra.
  • Tại Việt Nam, chính sách tiền tệ thường chia làm hai loại: mở rộng (nới lỏng) và thu hẹp (thắt chặt).

3.1 Chính sách mở rộng (còn gọi là chính sách tiền tệ nới lỏng)

Chính sách tiền tệ mở rộng là chính sách tăng cung ứng tiền vào lưu thông. Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái thì Ngân hàng TW sẽ hoạch định chính sách này để khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm.

Chính sách mở rộng này làm tăng cung tiền lên hơn mức bình thường.

3.2 Chính sách thu hẹp (còn gọi là chính sách tiền tệ thắt chặt)

Là chính sách tiền tệ thu hẹp lượng tiền cung ứng, dẫn đến khan hiếm tiền trong lưu thông. Chính sách này được áp dụng khi nền kinh tế có lạm phát gia tăng. Tuy nhiên nếu áp dụng chính sách này trong thời gian dài sẽ làm cho trong lưu thông khan hiếm tiền dẫn đến lãi suất tăng, hạn chế đầu tư, sản xuất giảm, việc làm giảm, thu nhập giảm nên kinh tế bị suy thoái.

Tóm lại với hai loại chính sách tiền tệ trên đây, tùy từng quốc gia, tùy theo điều kiện kinh tế cụ thể mà áp dụng chính sách tiền tệ nào hợp lý.

NONE
ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF