Mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài giảng Bài 3: Cân đối cung cầu tiền tệ ở Việt Nam hiện nay sau đây để tìm hiểu về tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, chỉ số trượt giá của hàng hóa, mức thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế,....
Tóm tắt lý thuyết
Theo các văn bản pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về “Chế độ tổ chức điều hòa lưu thông tiền tệ trong hệ thống ngân hàng”đã nêu rõ nguồn cung ứng tiền tăng thêm mỗi năm sẽ được dựa trên các căn cứ sau:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm: nghĩa là ở đây chúng ta vẫn thừa nhận mối liên hệ trực tiếp giữa nhu cầu về tiền tệ với khối lượng hàng hóa - dịch vụ trong lưu thông, và với mục đích đảm bảo cân đối tiền hàng, ngân hàng Trung ương sẽ chủ động đưa tiền vào lưu thông phù hợp với nhu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa.
- Chỉ số trượt giá của hàng hóa: nhân tố này phản ánh tình hình lạm phát làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của đồng tiền.
- Mức thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế: nhân tố này phản ánh khoản bội chi trong quan hệ đối ngoại sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu về ngoại hối trong năm.
Việc cung tiền vào trong lưu thông hàng năm sẽ được phát ra theo hai kênh chủ yếu:
- Kênh tín dụng: Ngân hàng Trung ương sẽ đáp ứng nhu cầu tín dụng, nhằm khai thông năng lực thanh toán cho các ngân hàng thương mại qua con đường tái chiết khấu.
- Kênh Ngân sách: Ngân hàng Trung ương sẽ cho Ngân sách nhà nước vay.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương còn có thể phát hành tiền để mua hàng, ngoại tệ nhằm tăng quỹ dự trữ ngoại hối.
Hiện nay, trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng bước vận dụng linh hoạt các công cụ như; tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn mức tín dụng, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tín dụng... nhằm điều tiết cung cầu tiền tệ. Việc làm này đã đóng góp tích cực trong quá trình kìm giữ và đẩy lùi lạm phát ở nước ta trong thời gian vừa qua.