YOMEDIA
NONE

Bài 5: Chi phí sản xuất trong dài hạn


Cùng tham khảo bài giảng Bài 5: Chi phí sản xuất trong dài hạn để tìm hiểu chi tiết về tổng chi phí dài hạn, chi phí trung bình dài hạn, chi phí biên dài hạn, quy mô sản xuất tối ưu và quy mô sản xuất hợp lý các bạn nhé!

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

Trong dài hạn, tất cả các yếu tố sản xuất của doanh nghiệp đều thay đổi, doanh nghiệp có thể thiết lập bất kỳ quy mô sản xuất nào theo ý muốn. Dài hạn có thể coi như chuỗi những ngắn hạn nối tiếp nhau. Khi xem xét doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định với một quy mô sản xuất cụ thể - tương ứng với giai đoạn ngắn hạn. Nhưng nếu xem xét trong một khoảng thời gian dài, doanh nghiệp có cơ hội để thay đổi quy mô sản xuất theo ý muốn.

1. Tổng chi phí dài hạn (LTC)

Từ đường mở rộng sản xuất đã nêu ở phần trên, ta có thể xác định đường tổng chi phí dài hạn.

Từ đường mở rộng sản xuất trên đồ thị 4.12a:

  • Khi chưa sản xuất thì chưa có chi phí: Q = 0, LTC = 0
  • Muốn sản xuất ở sản lượng Q1, doanh nghiệp sẽ chọn quy mô sản xuất E (L1, K1) với tổng chi phí tối thiểu tương ứng là TC1
  • Ta xác định điểm E (Q1,TC1) trên đồ thị 4.12b.

  • Khi muốn sản xuất sản lượng Q2, doanh nghiệp sẽ chọn quy mô sản xuất F (L2, K2) với tổng chi phí tối thiểu tương ứng là TC2.

Ta xác định điểm F(Q2, TC2) trên đồ thị 4.12b.

Nối các điểm E(Q1,TC1), F( Q2, TC2)... trên đồ thị 4.12b chúng ta có đường tổng chi phí dài hạn (LTC)

Đường tổng chi phí dài hạn là đường có tổng chi phí thấp nhất có thể có tương ứng ở mỗi mức sản lượng, khi doanh nghiệp tự do thay đổi quy mô sản xuất theo ý muốn.

2. Chi phí trung bình dài hạn (LAC)

Từ đường LTC cũng xác định được đường chi phí trung bình dài hạn bằng cách lấy LTC chia cho Q tương ứng:

\(LAC = \frac{LTC}{Q}\)                     (4.19)

Ngoài ra, ta cũng có thể xây dựng đường LAC qua các đường SAC.

Giả sử trong dài hạn, doanh nghiệp có 3 quy mô sản xuất để lựa chọn được biểu thị bởi các đường chi phí trung bình ngắn hạn: SAC1, SAC2, SAC3 trên đồ thị 4.13.

Trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ chọn quy mô sản xuất nào trong 3 quy mô sản xuất trên?

Nguyên tắc sản xuất của doanh nghiệp là luôn muốn sản xuất với chi phí tối thiểu ở bất kỳ sản lượng nào.

Như vậy, quy mô sản xuất mà doanh doanh nghiệp lựa chọn sẽ phụ thuộc vào sản lượng mà doanh nghiệp cần sản xuất, cụ thể là:

  • Nếu muốn sản xuất ở sản lượng tương đối nhỏ Q1, để tối thiểu hóa chi phí sản xuất doanh nghiệp sẽ chọn quy mô (SAC1), vì chi phí trung bình của quy mô sản xuất (SAC1) thấp hơn chi phí trung bình của các qui mô khác.
  • Nếu tăng sản lượng lên Q’, tại sản lượng này SAC1 = SAC2, do đó, trong trường hợp này doanh nghiệp có thể lựa chọn hoặc qui mô (SAC1) hoặc (SAC2).
  • Nếu tăng sản lượng đến Q2: SAC2 < SAC1, do đó phải mở rộng qui mô sản xuất đến (SAC2).
  • Nếu sản xuất ở Q”: SAC2 = SAC3, có thể chọn qui mô (SAC2) hay (SAC3).
  • Nếu sản xuất ở Q3 chọn qui mô SAC3

Từ phân tích trên ta có thể tóm tắt:

  • Khi sản xuất sản lượng từ 0 đến Q’: doanh nghiệp sẽ chọn quy mô (SAC1
  • Khi sản xuất sản lượng từ Q’ đến Q”: doanh nghiệp sẽ chọn quy mô (SAC2)
  • Khi sản xuất sản lượng lớn hơn hay bằng Q”: doanh nghiệp sẽ chọn quy mô (SAC3)

Đường chi phí trung bình dài hạn LAC được hình thành từ các phần thấp nhất của các đường chi phí trung bình ngắn hạn tương ứng ở các mức sản lượng.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết không chỉ có 3 quy mô sản xuất để lựa chọn mà doanh nghiệp có thể thiết lập bất kỳ quy mô sản xuất nào theo ý muốn, không giới hạn về các quy mô. Do đó, chúng ta có hàng loạt các đường SAC.

Đường LAC là đường bao của tất cả các đường SAC (hình 4.14)

Vì đường LAC được thiết lập từ những phần rất bé của các đường SAC, nên có thể coi đường LAC tiếp xúc với tất cả các đường SAC.

Vậy đường chi phí trung bình dài hạn là đường có chi phí trung bình thấp nhất có thể có tương ứng ở mỗi mức sản lượng, khi doanh nghiệp tự do thay đổi quy mô sản xuất theo ý muốn.

 

Trong dài hạn ở bất kỳ sản lượng cho trước nào, LTC và LAC cũng đạt tối thiểu khi các yếu tố sản xuất được phối hợp theo những tỷ lệ hợp lý, thỏa điều kiện:

\(\frac{MP_K}{P_K} = \frac{MP_L}{P_L} = \dots\)

Thông thường, đường LAC cũng có dạng chữ U.

Trong dài hạn, doanh nghiệp gia tăng sản lượng bằng cách mở rộng quy mô sản xuất, xuất hiện tính kinh tế theo quy mô và tính phi kinh tế theo quy mô.

Tính kinh tế theo quy mô (chi phí giảm theo quy mô): Chi phí trung bình dài hạn giảm dần khi gia tăng sản lượng, và tại sản lượng tối ưu Q* chi phí trung bình đạt cực tiểu (LACmin), thể hiện những quy mô sản xuất liên tục lớn hơn có hiệu quả hơn so với các quy mô nhỏ hơn trước đó.

Những yếu tố làm cho LAC giảm, khi mở rộng quy mô sản xuất để gia tăng sản lượng, được gọi là tính kinh tế theo quy mô, bao gồm các yếu tố:

  • Khi quy mô sản xuất được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động và chuyên môn hóa lao động ngày càng sâu và hợp lý hóa sản xuất, kết quả là năng suất trung bình ngày càng tăng, chi phí trung bình giảm dần.
  • Khi quy mô sản xuất được mở rộng, vốn đầu tư cũng tăng lên tương ứng, cho phép áp dụng các quy trình công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại, làm cho năng suất lao động tăng lên, chi phí trung bình giảm xuống.
  • Ngoài ra, quy mô sản xuất lớn hơn tạo điều kiện tận dụng được phế liệu, phế phẩm để sản xuất ra các sản phẩm phụ, do đó giảm được chi phí sản xuất của chính phẩm, trong khi các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ không thể tận dụng.

Ví dụ 12: Nhà máy đường qui mô lớn, sử dụng bã mía làm nguyên liệu sản xuất giấy, rỉ mật để sản xuất cồn.

  • Khi quy mô sản xuất được mở rộng, chi phí máy móc thiết bị trên 1 đơn vị công suất của máy móc thiết bị lớn thường rẻ hơn so với các máy móc thiết bị nhỏ, đồng thời khi sử dụng một lượng lớn nguyên vật liệu sẽ mua với giá ưu đãi, rẻ hơn.

Tính phi kinh tế theo quy mô (chi phí tăng theo quy mô): LAC tăng lên khi gia tăng sản lượng vượt quá sản lượng tối ưu Q*, thể hiện những quy mô liên tục lớn hơn trở nên kém hiệu quả hơn so vói các quy mô nhỏ hơn trước đó, bộc lộ tính phi kinh tế do:

  • Khi quy mô sản xuất mở rộng vượt quá một giới hạn nào đó, thì những khó khăn về phân nhiệm và điều khiển tăng lên gấp bội, do đó việc quản lý doanh nghiệp trở nên kém hiệu quả hơn.
  • Sự liên lạc giữa các nhân viên quản trị tối cao và giữa các cấp ngày càng lỏng lẻo, các thông tin phản ánh không kịp thời, dẫn đến hiệu quả hoạt động của các khâu, các cấp ngày càng kém hiệu quả.
  • Bệnh quan liêu, giấy tờ tăng lên, chi phí quản lý tăng lên.

Xuất phát từ việc mở rộng quy mô sản xuất quá lớn, việc quản lý doanh nghiệp kém hiệu quả, thể hiện năng suất giảm theo quy mô và chi phí tăng lên theo quy mô, bộc lộ tính phi kinh tế theo quy mô.

Tóm lại, khi mở rộng quy mô sản xuất, tính kinh tế theo quy mô xuất hiện và phát huy tác dụng sẽ làm cho LAC giảm (đường LAC đi xuống), sau đó yếu tố phi kinh tế xuất hiện, lớn mạnh và lấn át yếu tố kinh tế, sẽ làm cho LAC tăng lên (đường LAC đi lên).

Tùy theo đặc điểm của mỗi ngành khác nhau mà đường LAC có các dạng khác nhau.

3. Chi phí biên dài hạn (LMC)

Chi phí biên dài hạn là sự thay đổi trong tổng chi phí dài hạn khi thay đổi 1 đơn vị sản phẩm được sản xuất trong dài hạn:

\(LMC = \frac{\Delta LTC}{\Delta Q}\)                                      (4.20)

Đường LMC có mối quan hệ với LAC cũng Tương tự như mối quan hệ giữa MC và AC nghĩa là:

  • Khi LMC < LAC thì LAC giảm
  • Khi LMC = LAC thì LAC đạt cực tiểu
  • Khi LMC > LAC thì LAC tăng

4. Quy mô sản xuất tối ưu và quy mô sản xuất hợp lý

Quy mô sản xuất tối ưu là quy mô sản xuất có hiệu quả nhất trong tất cả các quy mô sản xuất mà doanh nghiệp có thể thiết lập. Đó là quy mô sản xuất tiếp xúc với đường LAC tại điểm cực tiểu của cả 2 đường (hình 4.17).

Tại Q*: LACmin = SACmin = LMC = SMC*

Nhưng ở các Q \(\neq\) Q*: thì SAC > LAC

Do vậy, chỉ ở sản lượng tối ưu Q* doanh nghiệp mới thiết lập quy mô sản xuất tối ưu (SAC*).

Còn ở các sản lượng khác, doanh nghiệp sẽ không thiết lập quy mô sản xuất tối ưu, mà doanh nghiệp sẽ chọn các quy mô sản xuất khác đem lại chi phí thấp nhất tương ứng ở mỗi mức sản lượng.

Ví dụ 13: Trên đồ thị 4.18, nếu sản xuất ở sản lượng Q1, doanh nghiệp sẽ chọn quy mô sản xuất SAC1, là quy mô tiếp xúc với đưởng LAC tại điểm A tương ứng với sản lượng Q1: SAC1 = LAC

  • Như vậy qui mô hợp lý hiệu quả để sản xuất một mức sản lượng cho trước với chi phí sản xuất tối thiểu trong dài hạn, là quy mô sản xuất có đường SAC tiếp xúc với đường LAC tại sản lượng cần sản xuất.
  • Mối liên hệ giữa LMC và SMC:

Khi doanh nghiệp đã thiết lập được quy mô sản xuất hợp lý tương ứng ở mỗi mức sản lượng, thì lúc đó chi phí biên ngắn hạn SMC cũng bằng chi phí biên dài hạn LMC tại sản lượng đó (hình 4.18). Khi sản xuất ở sản lượng Q1, sẽ chọn quy mô sản xuất SAC1 có SAC = LAC, đồng thời SMC = LMC

Ở những mức sản lượng Q < Q1: LMC > SMC

Ở những mức sản lượng Q > Q1: LMC < SMC

Tại Q1: LMC = SMC

Trên hình 4.18, mức sản lượng mà doanh nghiệp sản xuất là Q1 lớn hơn mức sản lượng tối ưu trong dài hạn, qui mô được lựa chọn là SAC1 lớn hơn qui mô tối ưu. Tại Q1: SAC = LAC và SMC = LMC.

Với bất kỳ mức sản lượng nào khác, nếu qui mô được lựa chọn thích hợp với mức sản lượng ấy thì ta đều có SAC = LAC và SMC = LMC, tương tự như ví dụ ở hình 4.18.

NONE
ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF