Mời các em cùng HOC247 tham khảo nội dung Ôn tập chủ đề 7: Cơ thể người trong chương trình Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều để củng cố kiến thức về cơ thể người bao gồm toàn bộ cấu trúc của một con người. Nội dung chi tiết các em tham khảo bài giảng dưới đây!
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Khái quát về cơ thể người
- Cơ thể người gồm các hệ cơ quan: hệ vận động, hệ tiêu hoá, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ nội tiết và hệ sinh dục.
- Mỗi hệ cơ quan gồm nhiều cơ quan, đảm nhận một chức năng riêng, cùng phối hợp hoạt động đảm bảo cơ thể là một thể thống nhất.
Bảng. Tên và chức năng chính của các cơ quan trong mỗi hệ cơ quan
1.2. Hệ vận động ở người
- Hệ vận động gồm xương, khớp, cơ vân, gân và dây chằng hoạt động phối hợp với nhau làm cho cơ thể, các cơ quan, bộ phận của cơ thể có thể di chuyển và cử động được.
- Xương, khớp, cơ, gân và dây chằng có cấu tạo phù hợp với chức năng mà chúng đảm nhiệm.
- Sự sắp xếp của xương, khớp, cơ tạo cấu trúc có dạng đòn bẩy. Nhờ sự điều khiển của hệ thần kinh, cơ co dân, phối hợp cùng sự hoạt động của các khớp làm xương chuyển động.
- Tập thể dục, thể thao vừa sức và đều đặn giúp nâng cao sức khoẻ của hệ vận động.
- Để phòng các bệnh, tật liên quan đến hệ vận động, cần duy trì chế độ ăn, uống đủ chất và cân đối; vận động đúng cách; đi, đứng, nằm, ngồi đúng tư thế; điều chỉnh cân nặng phù hợp;...
1.3. Dinh dưỡng và tiêu hóa ở người
- Dinh dưỡng là quá trình thu nhận, biến đổi và sử dụng chất dinh dưỡng. Chất dinh dưỡng là những chất hay hợp chất trong thức ăn có vai trò cung cấp nguyên liệu, năng lượng cho tế bào để duy trì hoạt động sống của cơ thể.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lí là số lượng, thành phần các loại thực phẩm một người sử dụng giúp cung cấp đầy đủ, cân bằng về năng lượng và các nhóm chất dinh dưỡng, đảm bảo nhu cầu của cơ thể.
- Hệ tiêu hoá gồm ống tiêu hoá và tuyến tiêu hoá. Các cơ quan của hệ tiêu hoá có cấu tạo phù hợp với chức năng mà chúng đảm nhận, hoạt động phối hợp nhịp nhàng với nhau để vận chuyển, tiêu hoá thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng và thải chất cặn bã ra ngoài.
- An toàn vệ sinh thực phẩm là các điều kiện và biện pháp cần thiết để đảm bảo thực phẩm không gây hại đến sức khoẻ của con người.
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng lối sống lành mạnh giúp phòng các bệnh về tiêu hoá (ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, táo bón,...).
1.4. Máu và hệ tuần hoàn ở người
- Máu gồm huyết tương và tế bào máu (gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Máu có chức năng bảo vệ cơ thể, vận chuyển các chất cần thiết cho tế bào và mang các chất thải từ tế bào tới cơ quan bài tiết.
- Miễn dịch là khả năng cơ thể nhận diện và ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh, đồng thời chống lại mầm bệnh khi nó đã xâm nhập vào cơ thể. Kháng nguyên là các chất lạ, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ được các bạch cầu nhận diện và sinh ra các kháng thể tương ứng chống lại mầm bệnh.
- Dựa vào sự khác biệt về kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết tương của mỗi người, người ta phân loại máu thành các nhóm máu. Khi truyền máu cần thực hiện đúng nguyên tắc truyền máu.
- Hệ tuần hoàn gồm tim và hệ mạch máu giúp vận chuyển máu đi khắp cơ thể. Tim đẩy máu ra động mạch và hút máu từ tĩnh mạch. Mao mạch là nơi thực hiện trao đổi chất và khí giữa máu và tế bào của cơ thể.
- Để bảo vệ hệ tuần hoàn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh và hạn chế tác nhân truyền bệnh.
1.5. Hệ hô hấp ở người
- Hệ hô hấp thực hiện quá trình trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường.
- Hệ hô hấp gồm đường dẫn khí và phổi. Các cơ quan trong hệ hô hấp hoạt động phối hợp nhịp nhàng với nhau thực hiện chức năng trao đổi khí.
- Virus, vi khuẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá có thể gây ra một số bệnh về phổi và đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi, cúm, viêm đường hô hấp cấp, hen suyễn, ung thư phổi,....
- Giảm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan bệnh hô hấp truyền nhiễm, tiêm vaccine phòng bệnh, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, giữ gìn môi trường sống trong lành, chế độ dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thể thao thường xuyên giúp phòng các bệnh về phổi và đường hô hấp.
1.6. Môi trường trong cơ thể và hệ bài tiết ở người
- Máu, dịch mô, dịch bạch huyết tạo thành môi trường trong cơ thể.
- Tính chất lí, hoá của môi trường trong được duy trì ổn định, đảm bảo cho tế bào hoạt động bình thường từ đó đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan, hệ cơ quan và cơ thể.
- Bài tiết là quá trình thải chất dư thừa, chất cặn bã sinh ra do quá trình trao đổi chất của cơ thể.
- Hệ bài tiết nước tiểu gồm thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái và ống đái. Thận gồm phần vỏ, phần tuỷ và bể thận. Đơn vị chức năng của thận là nephron. Một nephron gồm cầu thận, ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp.
- Để phòng bệnh về hệ bài tiết, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với mầm bệnh.
- Khi cả hai thận không đáp ứng được chức năng lọc máu thì cần biện pháp điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
1.7. Hệ thần kinh và các giác quan ở người
- Hệ thần kinh có vai trò điều khiển, điều hoà và phối hợp hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Hệ thần kinh gồm hai phần: thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.
- Để phòng bệnh về hệ thần kinh, cần có chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, đảm bảo giấc ngủ, không sử dụng chất kích thích.
- Thường xuyên sử dụng chất gây nghiện sẽ dẫn đến nghiện, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, hoang tưởng, huỷ hoại các tế bào thần kinh.
- Cơ quan cảm giác giúp cơ thể cảm nhận các kích thích từ môi trường. Cơ quan thị giác giúp cảm nhận hình ảnh và màu sắc của vật; cơ quan thính giác giúp cảm nhận âm thanh.
- Để phòng bệnh, tật về mắt, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng; thời gian ngủ phù hợp; tránh đọc sách với khoảng cách gần, thiếu ánh sáng; tránh sử dụng các thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài; vệ sinh mắt đúng cách.
- Để phòng bệnh, tật về tai, cần thực hiện vệ sinh tai đúng cách, tránh viêm họng và nhiễm khuẩn, tránh nghe âm thanh có cường độ cao.
1.8. Hệ nội tiết ở người
- Hệ nội tiết gồm các tuyến nội tiết. Tuyến nội tiết là những tuyến sản xuất và tiết hormone trực tiếp vào máu bảo đảm duy trì ổn định môi trường trong và điều hoà các quá trình sinh lí của cơ thể.
- Có các tuyến nội tiết: vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến tùng, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến ức, tuyến tuỵ, tuyển trên thận, tuyến sinh dục. Mỗi tuyến nội tiết có chức năng riêng.
- Các bệnh nội tiết thường gặp là bệnh bất thường trong sinh trưởng, bướu cổ, đái tháo đường. Để phòng bệnh về tuyến nội tiết cần có chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, không tự ý sử dụng thuốc, kiểm tra sức khoẻ định kì.
1.9. Da và điều hòa thân nhiệt ở người
- Da có chức năng bảo vệ điều hoà thân nhiệt, tiếp nhận cảm giác, bài tiết và tổng hợp vitamin D cho cơ thể.
- Cấu tạo của da gồm ba lớp: lớp biểu bì, lớp bì và lớp mỡ dưới da.
- Thân nhiệt là nhiệt độ cơ thể. Thân nhiệt duy trì ổn định nhờ cơ chế điều hoà thân nhiệt được thực hiện bởi hệ thần kinh và da.
- Con người sử dụng các biện pháp phòng chống cảm nóng, cảm lạnh như mặc quần áo phù hợp với thời tiết, giới hạn thời gian hoạt động dưới thời tiết khắc nghiệt, tăng cường sức đề kháng,...
- Để có làn da khoẻ đẹp, cần sinh hoạt điều độ, uống nhiều nước, bổ sung vitamin và chất khoáng, vệ sinh da, bảo vệ da khỏi những tổn thương,... Nếu không giữ vệ sinh cho da, chúng ta có thể mắc các bệnh như viêm da, ghẻ lở, hắc lào,...
Bài tập minh họa
Ví dụ 1: Cấu tạo của da gồm mấy lớp?
A. 5
B. 4
C. 3
D. 2
Hướng dẫn giải
Cấu tạo của da gồm 3 lớp là biểu bì, hạ bì và mô dưới da. Mỗi lớp của da có cấu tạo và chức năng riêng biệt. Chúng cùng nhau tạo thành một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Đáp án C
Ví dụ 2: Ở người, cấm xác định giới tính thai nhi vì
A. sợ ảnh hưởng đến tâm lý của người mẹ
B. tâm lý của người thân muốn biết trước con trai hay con gái
C. sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
D. định kiến trọng nam khinh nữ dẫn đến hành vi làm thay đổi tỉ lệ nam nữ
Hướng dẫn giải
Ở người, cấm xác định giới tính thai nhi vì định kiến trọng nam khinh nữ dẫn đến hành vi làm thay đổi tỉ lệ nam nữ.
Đáp án D
Luyện tập Ôn tập chủ đề 7 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Học xong bài này các em cần biết:
- Khái quát về cơ thể người
- Phản xạ ở người
- Tính thống nhất của cơ thể người
3.1. Trắc nghiệm Ôn tập chủ đề 7 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Các em có thể hệ thống lại nội dung kiến thức đã học được thông qua bài kiểm tra Trắc nghiệm KHTN 8 Cánh diều Ôn tập chủ đề 7 cực hay có đáp án và lời giải chi tiết.
Câu 4-10: Mời các em đăng nhập xem tiếp nội dung và thi thử Online để củng cố kiến thức về bài học này nhé!
3.2. Bài tập SGK Ôn tập chủ đề 7 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Các em có thể xem thêm phần hướng dẫn Giải bài tập KHTN 8 Cánh diều Ôn tập chủ đề 7 để giúp các em nắm vững bài học và các phương pháp giải bài tập.
Đang cập nhật câu hỏi và gợi ý làm bài.
Hỏi đáp Ôn tập chủ đề 7 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Trong quá trình học tập nếu có thắc mắc hay cần trợ giúp gì thì các em hãy comment ở mục Hỏi đáp, Cộng đồng Khoa học tự nhiên HOC247 sẽ hỗ trợ cho các em một cách nhanh chóng!
Chúc các em học tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!