YOMEDIA
NONE

Nghị luận về vấn đề bạo lực học đường

Viết đoạn văn nghị luận về vấn đề bạo lực học đường.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (2)

  • Trong những năm gần đây nạn Bạo lực học đường là một vấn nạn lớn, làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Gây bức xúc và gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, thầy cô và học sinh. Vậy làm thế nào để giải quyết được tình trạng này.

    Chỉ cần lên Google đánh cụm từ "Học sinh đánh nhau" thì chỉ cần (0,08 giây) thì kết quả google tìm kiếm là 3.140.000 cụm từ liên quan đến việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết những khúc mắc. Đây là một con số thật khủng khiếp và đáng báo động. Hoặc chỉ cần vào Youtube bạn sẽ thấy những hình ảnh, những thước phim bạo lực do học sinh quay lại và tung lên mạng. Những thước phim quay cảnh đấm đá vô nhân tính của các cô cậu mang đồng phục học trò đang đấm đá, xé áo, lột quần, túm tóc… gây ám ảnh cho người xem và nỗi đau về một thế hệ tuổi trẻ với những nhân cách đang bị băng hoại nghiêm trọng.

    Những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực thường là những hành vi do: học sinh cá biệt thành lập băng nhóm để ức hiếp bạn bè; do ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực; do ghen tị về thành tích học tập; do mâu thuẫn nhỏ trong bạn bè dẫn đến xích mích, nổi nóng thiếu kiềm chế; bên cạnh đó là những nguyên nhân cỏn con như "thích thì đánh cho nó chừa", "nhìn đểu"…

    Ông Phạm Ngọc Lưu, Trợ lý thanh niên Phòng Giáo dục quận 9, Tp Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay đang ở mức báo động cấp thiết, đang có nguy cơ nổ bùng và lan rộng. Và sẽ càng nguy hiểm hơn nếu bản thân các em tìm cách tự trả thù theo kiểu "xã hội đen" mà không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường.

    Nguyên nhân của những vụ việc trên có thể do học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực. Chính những thói quen ứng xử hằng ngày của họ đã vô tình gieo trong đầu các em những suy nghĩ không tốt, dẫn đến việc các em có lối cư xử, hành xử không hay trong nhà trường với bạn bè.

    Bạo lực học đường để lại những hậu quả nghiêm trọng, khó lường:

    Gây tổn thương và gây dư chấn về tinh thần và thể xác: học sinh bị bạn bè đánh đập rồi bị quay phim tung lên mạng sẽ dễ bị chấn thương tâm lí, sock về tinh thần, cảm thấy quê với bạn bè, xấu hổ với mọi người xung quanh. Vụ ba học sinh ở thành phố Vinh (Nghệ an) hành hung bạn, vụ học sinh Hà Nội hành hạ bạn giữa vườn hoa công viên: túm tóc, lột áo. Vụ học sinh trường THCS Chu Văn An (Tp Hồ Chí Minh) đánh bạn, quay phim… làm nhức nhối dư luận trong thời gian qua. Chưa hết bàng hoàng thì vừa qua vào tháng 5 năm 2010 học sinh lớp 10 ở trường THPT Hồng Bàng tỉnh Đồng Nai đâm chết bạn ngay tại cửa lớp. Thầy Nguyễn Văn Đạo (42 tuổi), dạy môn Vật lý của trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi bị một nhóm học sinh đánh bị thương nặng phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm, huyện Đức Phổ. Những thông tin này trong một bài viết ngắn không thể đem lên hết được nhưng cũng đủ để chúng ta gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam.

    Đau lòng hơn nữa khi mà những học sinh bị đánh, thầy cô giáo bị hành hung không phải sây sát nhẹ mà phải nằm viện với di chứng về tổn thương thể xác. Bị gãy tay chân, bị chấn thương sọ não. Thậm chí bị hoảng loạn, bị thần kinh, bỏ học, bỏ dạy…

    Giải pháp nào cho Bạo lực học đường?

    Theo phapluat.vn có Bốn giải pháp cấp thiết xóa bạo lực học đường:

    Toàn xã hội cần phải củng cố, nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội. Nghiêm cấm các game bạo lực.

    Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình.

    Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: gia đình – nhà trường – xã hội. Các cơ quan báo chí phải quan tâm thỏa đáng đối với lĩnh vực văn hóa, đạo đức và chấp hành luật pháp của mọi người dân.

    Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Người thầy và nhà trường phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe học sinh.

    Nhà trường cần phát huy trách nhiệm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân học sinh.

    Tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu nghiệm nhất ngăn chặn bạo lực học đường.Theo bản thân người viết: Hs cần nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân, biết kiềm chế để không nổi nóng, biết nhận lỗi khi mình làm sai và biết vị tha khi bạn nhận ra lỗi lầm.

    Với học sinh cá biệt, cần có sự quan tâm của gia đình – nhà trường- xã hội. Nếu tiếp tục vi phạm cần xử lý nghiêm bằng cách cho đi cải tạo, giáo dục nhân cách. Vì một môi trường học đường lành mạnh, Học sinh "HÃY NÓI KHÔNG VỚI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG". Mỗi người lớn trong gia đình phải là tấm gương lớn cho con em noi theo.



      bởi Nguyen Binh 25/10/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Bạo lực học đường – một vấn đề nan giải đối với ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Khi xã hội càng phát triển, dường như vấn đề này lại càng trở nên nhức nhối bởi càng ngày mức độ nghiêm trọng của nó càng tăng và để kiếm soát được nó thì lại không hề dễ dàng. Vậy tại sao “bạo lực học đường” lại là một trong những vấn đề nghiêm trọng và luôn đi đầu trong công cuộc giáo dục giới trẻ hiện nay, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên – lứa tuổi đang có những sự thay đổi và hình thành nhân cách?

     

    Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu “bạo lực học đường là gì? “Bạo lực học đường” là những hành vi ngang ngược, xúc phạm, thô bạo, gây tổn hại đến thể xác và tinh thần người khác, diễn ra trong phạm vi trường học. Nhắc đến bạo lực học đường, người ta có thể liên tưởng ngay đến những cuộc ẩu đả từ cá nhân đến tập thể, từ phạm vi nhỏ diễn ra trong lớp học đến những phạm vi lớn diễn ra ngay bên ngoài cánh cổng nhà trường và dường như, câu hỏi mà dư luận thường quan tâm nhất khi vấn đề này lại nổi lên chính là: “Thầy cô đang làm gì?”. Điều đáng buồn chính là việc xã hội quá đề cao và quan tâm người chịu trách nhiệm ở đây chính là ai mà có lẽ không hề quan tâm cao đến: “Nguyên nhân của nó là gì?”. Có lẽ chăng, xã hội giờ đang đặt nặng vấn đề giáo dục con cái lên đôi vai của nhà trường, lên đôi vai của những người thầy, người cô dạy dỗ các con hàng ngày? Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Tại sao vấn đề này ngày càng trở nên khó kiểm soát và mức độ xảy ra cũng như hậu quả nó để lại ngày càng lớn và nghiệm trọng? Cuối cùng, ai mới phải là người chịu trách nhiệm và phải ngăn chặn chuyện này? Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều sự quan tâm mỗi khi vấn đề này được nhắc tới, được đem ra bàn luận, và có lẽ nó sẽ không bao giờ trở lên thôi “nóng hổi”.

    Như chúng ta đã biết, lứa tuổi vị thành niên – lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi, khi các con đã bắt đầu có sự nhận thức về bản thân, thay đổi tâm sinh lý và hình thành tính cách. Đây là một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, bởi chúng sẽ trở nên rất nhạy cảm và bắt đầu xuất hiện cảm giác “trở thành người lớn”, khi mà “cái tôi” sẽ dần được hình thành và trở thành một trong những điều mà trẻ coi là quan trọng nhất. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, gia đình và nhà trường cần phải có những biện pháp, sự quan tâm đặc biệt nhất đến trẻ, giúp các em có sự định hình và hướng đi đúng đắn nhất.

    Khi xã hội ngày càng phát triển, bố mẹ càng trở nên bận rộn hơn với công việc, đồng nghĩa với việc sẽ dành ít sự quan tâm và chăm lo đối với con cái, khiến chúng trở nên phụ thuộc vào các loại hình công nghệ, phụ thuộc vào mạng xã hội, trò chơi online… Như ta đã biết, mạng xã hội hay game online mang tính chất hai mặt, sẽ trở nên rất tốt nếu như các con biết cách sử dụng, ví dụ như facebook giúp con khám phá ra nhiều kiến thức mới, giúp tuyên truyền giáo dục những nếp sống lịch sự, văn minh hay những hành động tốt đẹp bảo vệ môi trường, an toàn giao thông,…hay game online giúp trẻ rèn tính cẩn thận, khả năng phản xạ hay sự kiên trì. Tuy nhiên, facebook cũng tồn tại rất nhiều những “mặt tối”, tuyên truyền phản động, hành động xấu, tuyên truyền văn hóa không lành mạnh hay nếu như quá lạm dụng, ham mê trò chơi điện tử, dành quá nhiều thời gian cho chúng thì việc học tập của trẻ sẽ giảm sút và thời gian trẻ tiếp xúc, trò chuyện với người thân cũng không còn được trẻ quan tâm và dường như, đó chính là nguyên nhân khiến trẻ trở nên vô cảm hơn – một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường trở nên ngày càng phát triển.

    Hãy trở lại khoảng chục năm về trước, khi thời kỳ công nghệ còn chưa phát triển, bạo lực học đường dường như chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, chỉ đơn giản là những xung đột về lời nói cũng như hành vi giữa các học sinh với nhau, và thường diễn ra ngay trong phạm vi lớp học, còn nếu xảy ra trên quy mô lớn hơn – “đánh hội đồng”, thông thường các con sẽ mất nhiều thời gian hơn để thực hiện. Chính vì vậy, việc ngăn chặn chúng xảy ra sẽ trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều. Còn hiện nay, khi các con chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn cũng có thể tạo ra một “cuộc chiến” trên quy mô lớn chỉ trong vòng năm phút, không những thế, địa điểm diễn ra cũng kín hơn rất nhiều, không đơn giản là trong lớp học hay trước cổng trường, điều đó thật sự trở thành một khó khăn lớn cho nhà giáo dục trong việc phát hiện và ngăn chặn sao cho kịp thời. Có lẽ khi nhìn vào, người ta sẽ nghĩ, chắc hẳn phải có nguyên nhân gì lớn lắm, các con mới làm như vậy. Tuy nhiên, nhiều khi “dẹp loạn” xong, ta mới “ngã ngửa” với những lý do đằng sau chúng: “Do bạn bình luận trên facebook chê bai”, “Do bạn không cho chép bài”, “Do bạn nhìn đểu”… Khi bị động vào lòng tự trọng, động vào “cái tôi” nhạy cảm, nếu không được người lớn xoa dịu hay định hướng kịp thời, các con thường sẽ nghĩ ngay đến xu hướng bạo lực, và dĩ nhiên, hậu quả mà chúng để lại, thật chẳng đơn giản chút nào…

    Có lẽ sẽ không còn quá ngạc nhiên khi tội phạm ở Việt Nam đang trong xu thế bị trẻ hóa, lứa tuổi vị thành niên phạm tội đang ngày một tăng cao, mà nguyên nhân chính là “bóng ma” bạo lực học đường: “Nữ sinh tự tử vì bị tẩy chay”, “Nam sinh đâm chết bạn vì tán tỉnh bạn gái của mình”,… Nếu như ngày trước, hậu quả của bạo lực học đường chỉ dừng lại ở mức độ kỷ luật trong phạm vi nhà trường, hậu quả cũng chỉ ảnh hưởng nhất thời và quy mô sự ảnh hưởng đó cũng rất nhỏ thì hiện nay, hậu quả còn có thể đi xa hơn rất nhiều. Nạn nhân của bạo lực học đường không những chịu sự hành hạ về thể xác và tinh thần nhất thời, mà sự ám ảnh đó còn đeo bám các em khi những hình ảnh các em bị bắt nạt bị ghi lại, sau đó bị “up” trên các trang mạng xã hội, bị lan truyền, các em phải đối mặt với những lời lẽ cay nghiến, cay độc,… Không những thế, nếu không có sự can thiệp kịp thời của gia đình, người thân, các em có thể nghĩ theo những chiều hướng tiêu cực, dễ dàng tìm đến cái chết, chấm dứt cả một tương lai, thật sự hậu quả để lại quá thương tâm và quả thật “không đáng” một chút nào

    Vậy liệu rằng có biện pháp nào có thể ngăn chặn được việc này? Thực tế, để có thể ngăn chặn vấn đề “bạo lực học đường” này một cách triệt để ngay tức thời, quả thật không dễ dàng. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu tần suất cũng như giảm nhẹ đi hậu quả mà chúng để lại, thì ta có thể làm được. Câu trả lời nằm ở chính mỗi gia đình cũng như nhà trường. Thay vì sự thờ ơ, phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường của đại đa số gia đình hiện nay, thì mỗi gia đình, bố mẹ cần phải có thời gian dành cho con cái, quan tâm, chia sẻ với các con nhiều hơn, hãy khiến trẻ coi bố mẹ, người thân như những người bạn, để trẻ có thể thoải mái tâm sự, trao đổi những khúc mắc, sự thay đổi tâm sinh lý, từ đó việc giáo dục, định hướng đường đi đúng đắn cho các con sẽ dễ dàng hơn. Còn với nhà trường, thay vì quá đè nặng lên vấn đề thành tích, thi cử thì việc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống, quả thật sẽ giúp đỡ các em rất nhiều trong việc xây dựng tính đoàn kết, tình cảm bạn bè và từ đó tạo nên những tiền đề vững chắc cho việc định hình cũng như hình thành tính cách cho bản thân sau này. Còn với xã hội, thiết nghĩ nên bổ sung các điều luật đối với trẻ vị thành niên, với hành động gây tổn hại đến tinh thần cũng như thể xác của người khác, để trẻ cảm thấy bị răn đe. Các cơ quan chức năng cần nghiêm ngặt hơn trong việc rà soát để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các cuộc xung đột “bạo lực học đường” diễn ra bên ngoài phạm vi trường học. Và quan trọng hơn hết, chính là sự kết hợp hài hòa giữa gia đình và nhà trường, để các con luôn cảm thấy được an toàn, được thoải mái, được yêu thương và được thấu hiểu.

    Quả thực hiện nay, “bạo lực học đường” không đơn thuần chỉ là một vấn đề mà có lẽ nó đã phát triển trở thành một vấn nạn. Vậy phải làm sao để có thể giải quyết được chúng, chắc hẳn sẽ là một bài toán nan giải và không thể giải quyết được trong nhất thời, đòi hỏi gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội phải có những biện pháp kịp thời giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lí, để trẻ có một môi trường giáo dục và rèn luyện lành mạnh và tốt đẹp hơn.

      bởi Jeff the Killer 18/08/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON