YOMEDIA
NONE

Bài 2: Những nhà xã hội học tiền bối


Mời các bạn cùng tham khảo Bài 2: Những nhà xã hội học tiền bối để tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà xã hội học tiêu biểu như: Auguste Comte, Karl Max, Emile Durkheim,...

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Auguste Comte (1798 - 1857)

Auguste Comte là nhà lý thuyết xã hội, nhà triết học thực chứng người Pháp là người khai sinh xã hội học. Sinh ra trong một gia đình Gia tôn giáo theo xu hướng quân chủ nhưng ông sớm trở thành một người có tư tưởng tự do và cách mạng. Năm 16 tuổi ông vào học ở trường Đại học Bách khoa và ba năm sau, tức lúc 19 tuổi ông được làm thư ký cho Saint - Simon, sau khi tách khỏi Saint - Simon năm 1824, ông bắt đầu giảng giáo trình triết học thực chứng.

Ông từng là người sáng lập ra hiệp hội thực chứng luận và đã chứng kiến những cuộc chiến tranh, những biến động to lớn về chính trị ở Pháp thế kỷ XIX. Ông có các công trình cơ bản như: “Triết học thực chứng”, “Hệ thống chính trị học thực chứng”.

Tư tưởng của Comte chịu ảnh hưởng của khoa học tự nhiên như vật lý học, sinh vật học. Theo ông, xã hội học là khoa học về xã hội và các bộ phận cấu thành và các quá trình của nó. ông còn gọi nó là vật lý học xã hội.

Ông đưa ra 3 nguyên tắc để xây dựng ngành xã hội học: Dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm, thực chứng luận và thuyết vật lí.

Vật lý xã hội học của Comte bao gồm 2 bộ phận phận chính: Tĩnh học xã hội và động học xã hội (cơ thể xã hội)

  • Thứ nhất, tĩnh học xã hội là một bộ phận của xã hội học, nghiên cứu trật tự xã hội, cấu trúc xã hội và các mối liên hệ giữa chúng, tức là các yếu tố có thể coi là tĩnh của xã hội. Comte nghiên cứu các mặt tĩnh của xã hội như:
    • Cá nhân: Với tư cách là những thành phần, những đơn vị cấu thành cấu trúc xã hội. Khi nghiên cứu về cá nhân ông xem xét về năng lực, nhu cầu bên trong của cá nhân và khả năng tiếp nhận của cá nhân khi tham gia các mối quan hệ trong xã hội.
    • Sau đó, quan niệm của ông về cá nhân thay đổi. Ông coi cá nhân không phải là một đơn vị xã hội đích thực của cấu trúc xã hội. Ông cho rằng việc nghiên cứu cá nhân thuộc về lĩnh vực sinh vật học. Nghiên cứu xã hội học chủ yếu nghiên cứu các thiết chế xã hội, các tổ chức xã hội.
    • Gia đình: Là đơn vị xã hội, thiết chế xã hội cơ bản nhất, sơ đẳng nhất. Ông nghiên cứu thành phần gia đình, cấu trúc gia đình, các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Các nghiên cứu này chỉ mang tính sơ lược, thiếu đầy đủ so với K.Marx và F.Engels...
    • Cấu trúc xã hội: Là vấn đề thực sự có ý nghĩa về lý luận xã hội học của ông. cấu trúc xã hội là một hệ thống được tạo ra từ những cấu trúc khác nhỏ hơn, đơn giản hơn gọi là tiều cấu trúc. Do đó, hiểu được cấu trúc xã hội có nghĩa là nắm được đặc điểm, các thuộc tính và các mối liên hệ của các tiểu cấu trúc xã hội. Tĩnh học tập trung nghiên cứu cấu trúc xã hội của các thiết chế như gia đình, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật... Qua phân tích cấu trúc xã hội và cho rằng nó phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp thể hiện qua sự phân hóa, đa dạng hóa, chuyên môn hóa cũng như mức độ liên kết của các tiểu cấu trúc xã hội. Comte còn cho rằng sự duy trì trật tự xã hội, duy trì các tiểu cấu trúc cần phải có sự can thiệp của quyền lực nhà nước, sự đoàn kết, liên kết của các bộ phận, sự chuyên môn hóa và các yếu tố như ngôn ngữ, tôn giáo... có khả năng duy trì trật tự và ổn định xã hội.
  • Thứ hai, động học xã hội là lĩnh vực nghiên cứu các qui luật biến đổi xã hội trong các hệ thống xã hội theo thời gian.
    • Qua việc tìm hiểu sự vận động của xã hội, ông đưa ra quy luật ba giai đoạn để giải thích về sự phát triển của xã hội.
    • Giai đoạn 1: Giai đoạn thần học (thần linh)
    • Giai đoạn này bắt đầu từ thời đại chiếm hữu nô lệ và mọi quan niệm đều bị chi phối bởi sự tưởng tượng về thế lực siêu nhiên, siêu nhân. Các sự kiện xã hội được giải thích một cách thần bí. Ngoài ra các quan hệ xã hội bị chi phối bởi quan hệ quân sự giữa các quốc gia vì tranh giành lãnh thổ nên còn gọi là giai đoạn thần học - quân sự. Vì thế nên lãnh đạo xã hội thời kì này là các giáo sĩ, tăng lữ.
    • Giai đoạn 2: Giai đoạn siêu hình
    • Giai đoạn này tuy đã có sự tiến bộ, song những gì biết được vẫn còn bị chi phối bởi trí tưởng tượng nhưng vai trò của bằng chứng trở nên rõ rệt, buộc đầu óc con người phải phù hợp với thực tế. Các quan hệ xã hội, kinh tế, chính trị trở nên mềm dẻo, linh hoạt nhằm phát triển kinh tế. Lãnh đạo xã hội là các nhà thông thái, triết học.
    • Giai đoạn 3: Giai đoạn thực chứng khoa học.
    • Giai đoạn này tri thức khoa học thực sự thống trị, yếu tố quan sát và bằng chứng chiếm vị trí chủ đạo. Quan hệ xã hội vận hành trên cơ sở quan hệ sản xuất công nghiệp. Lãnh đạo, thủ lĩnh là các nhà khoa học, nhà thực chứng luận.

Xã hội sẽ lần lượt trải qua ba giai đoạn nhưng mỗi nơi thì trải qua ở những thời điểm khác nhau do dân số, chính trị... Comte còn cho rằng xã hội học ra đời vào giai đoạn cuối là một tất yếu lịch sử. Ông đưa ra bảng phân loại các ngành khoa học tự nhiên: Toán học, cơ học, vật lý học, hóa học, sinh học và xã hội học. Vô cơ đơn giản hơn hữu cơ nên hiểu biết về vô cơ tự nhiên sớm đạt đến thực chứng.

Phương pháp luận thực chứng kiểu Comte: ông cho rằng xã hội học có nhiệm vụ sắp xếp, lập lại trật tự xã hội. Xã hội học có thể phát hiện, chứng minh làm sáng tỏ các quy luật tổ chức và biến đổi của xã hội bằng phương pháp luận của chủ nghĩa thực chứng như vật lý học hay sinh vật học. Comte gọi xã hội học là Vật lý học xã hội... Phương pháp nghiên cứu xã hội học này được chia thành 4 phương pháp căn bản:

  • Phương pháp quan sát.
  • Phương pháp thực nghiệm.
  • Phương pháp so sánh.
  • Phương pháp lịch sử.

2. Karl Marx (1818 - 1883)

K.Marx là một nhà triết học, nhà lý luận lớn, là nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học. K.Marx không để lại một lý thuyết hoàn chỉnh về xã hội học nhưng toàn bộ di sản của ông ảnh hưởng rất lớn đến xã hội học - học -thuyết về hình thái kinh tế xã hội là một tiêu biểu điển hình.

Theo K.Marx sự phân hóa xã hội thành các giai cấp là các mối quan hệ xã hội, trong đó ẩn chứa những xung đột giai cấp và đấu tranh giai cấp. Cuộc đời và sự nghiệp của K.Marx gắn liền với quá trình kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và hoàn cảnh thực tiễn. Theo Engels với hai học thuyết lý luận về giá trị thặng dư và chủ nghĩa duy vật lịch sử, K.Marx đã chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, đề cao vai trò của người cộng sản.

K.Marx cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đăng và phân tầng xã hội là sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Do đó cần phải xóa bỏ sở hữu tư nhân và thay vào đó chế độ sở hữu của toàn xã hội để xây dựng xã hội công bằng và văn minh.

Về quy luật phát triển của lịch sử, K.Marx đã chỉ ra lịch sử xã hội loài người có qua năm hình thái kinh tế - xã hội:

  • Hình thái kinh tế - xã hội công xã nguyên thủy.
  • Hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ.
  • Hình thái kinh tế - xã hội phong kiến.
  • Hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.
  • Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

3. Emile Durkheim (1858 - 1917)

Emile Durkheim, là nhà xã hội học người Pháp, người đặt nền móng xây dựng chủ nghĩa chức năng và chủ nghĩa cấu trúc trong xã hội học hiện đại. Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái.

Do học giỏi nên năm 1879, ông được nhận vào học ở trường Escole Normad và cũng tại nơi đây ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ. Ông bắt đầu giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Bordeaux lúc 29 tuổi. Trong thời gian làm việc ở Bordeaux, ông đã hoàn thành những công trình xã hội học đồ sộ sau:

  • Phân công lao động trong xã hội (1893).
  • Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895).
  • Tự từ (1897).
  • Các hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo (1912).

Năm 1913, học hàm giáo sư khoa học giáo dục của Durkheim được chính thức đổi thành giáo sư khoa học giáo dục và xã hội học, và ông trở thành nhà xã hội học chính thức đầu tiên ở nước Pháp. Sự kiện này cùng với việc ông đưa vào giảng dạy môn xã hội học trong nhà trường đại học đã mở đầu cho bước tiến quan trọng của xã hội học với tư cách là khoa học độc lập ở Pháp.

Ông sống trong một xã hội có nhiều biến đổi sâu sắc về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học và kĩ thuật. Vì vậy, ông luôn cho rằng xã hội học có nhiệm vụ hàng đầu là tìm ra các quy luật xã hội để từ đó tạo ra trật tự xã hội trong xã hội hiện đại.

Xã hội học của ông chịu ảnh hưởng của các nhà tư tưởng xã hội, các nhà khoa học Châu Âu như: Auguste Comte, Herbert Spencer, Saint-Simon...

Theo ông, xã hội tồn tại bên ngoài cá nhân và có trước cá nhân với nghĩa là các nhân được sinh ra trong xã hội và phải tuân thủ các chuẩn mực, phép tắc xã hội đã có sẵn trước khi cá nhân sinh ra. Vì vậy, xã hội học cần phải xem xét hệ thống xã hội, cấu trúc xã hội và các hiện tượng xã hội với tư cách là các sự vật, các bằng chứng, các sự kiện đang tác động tới đời sống cá nhân.

Mặc khác, Durkheim cho rằng xã hội biến đổi từ xã hội đơn giản đến xã hội phức tạp, sự tiến hóa xã hội diễn ra chủ yếu dưới tác động của các yếu tố xã hội trong đó có sự biến đổi trong cách phân công lao động của xã hội.

Quan niệm của ông về xã hội học: Có thể định nghĩa xã hội học là khoa học nghiên cứu các sự kiện xã hội. Do sự kiện xã hội có thể tồn tại dưới hình thức các thiết chế xã hội, các chuẩn mực đạo đức nên ta còn bắt gặp nhiều định nghĩa khác của ông về xã hội học như ông định nghĩa xã hội học là khoa học về các sự kiện đạo đức.

Một số khái niệm xã hội học của Durkheim:

  • Sự kiện xã hội:
    • Có tính vật chất: Nhóm người, dân cư.
    • Phi vật chất: Hệ thống giá trị, chuẩn mực, phong tục.

Sự kiện vật chất là sự kiện bên ngoài, áp đặt vào cá nhân, khác với tâm lý học, là sự tồn tại bên ngoài cá nhân, độc lập, khách quan.

Sự kiện xã hội mang đặc điểm: Tính khách quan, tính phổ biến, tính cưỡng chế.

Ví dụ: Luật pháp.

Mặc dù sự kiện xã hội tồn tại bên ngoài cá nhân nhưng nó kiểm soát cá nhân vì cơ chế “xã hội hóa” cá nhân.

  • Đoàn kết xã hội là khái niệm dùng để chỉ các mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với nhóm xã hội. Nếu không có đoàn kết xã hội thì các cá nhân riêng lẻ sẽ không tạo thành xã hội.
    • Có 2 loại đoàn kết xã hội:
    • Đoàn kết cơ học là kiểu đoàn kết dựa trên sự giống nhau giữa các giá trị, phong tục, tín ngưỡng... tồn tại trong xã hội cơ học, nhỏ, ý thức cộng đồng cao, luật pháp cưỡng chế.
    • Đoàn kết xã hội hữu cơ là kiểu đoàn kết dựa trên sự phong phú, đa dạng của các mối liên hệ trong xã hội.

Ông đấu tranh với cả triết học xã hội của Comte và Spencer. Ông phê phán hai nhà xã hội học này chỉ tuyên bố rằng các sự kiện xã hội là những sự kiện tự nhiên nhưng không đối xử với chúng như là các sự vật mà lại chủ yếu áp dụng phương pháp thuần túy tư tưởng.

Ông phê phán triết học và cả lịch sử học vì cả hai khoa học này chỉ lo phát hiện ra cái ý nghĩa chung mà nhân loại hướng vào chứ không phải là tìm kiếm mối quan hệ nhân quả của các sự kiện.

Theo ông, xã hội học coi các hiện tượng xã hội như là sự vật và phải xử lý như các sự vật, tức là xử lý chúng với tư cách là các dữ chứng tạo thành một xuất phát điểm của nghiên cứu khoa học.

4. Herbert Spencer (1820 - 1903)

Herbert Spencer là một nhà triết học. nhà xã hội học người Anh. Ông sinh năm 1820 tại Derby, Anh, gia đình ông theo đạo Tin Lành. Năm 1851, ông viết cuốn “Tĩnh học xã hội”, thuật ngữ này ông chịu ảnh hưởng của Auguste Comte.

Do ảnh hưởng thuyết tiến hóa của Darwin (1809 - 1882), ông đưa ra quan điểm tiến hóa xã hội. Theo Spencer, cuộc sống của con người không chỉ là một sự liên tục mà còn là đỉnh cao của quá trình tiến hóa lâu dài, nhưng ông lại cho rằng có một sự phát triển song song của tinh thần và thể xác chứ không giản lược tinh thần vào thể xác. Quan niệm này của ông là một quan niệm máy móc, nhưng mặt khác, những khái niệm, các nguyên lý xã hội học của Spencer có ý nghĩa rất quan trọng đổi với khoa học xã hội học hiện đại.

Những phân tích về tác nhân của xã hội và các nguyên lý tiến hóa xã hội, nguyên lý về chức năng và cấu trúc xã hội đóng vai trò là nền tảng hình thành nên xu hướng chức năng luận trong xã hội học.

Ông chủ yếu học ở người cha và người thân trong gia đình, ông có kiến thức vững chắc về toán học, khoa học tự nhiên và quan tâm nghiên cứu khoa học xã hội. Ông tin tưởng vào “bàn tay vô hình” tức là cơ chế thị trường và tự do cạnh tranh trong việc duy trì trật tự xã hội, là người đưa ra quan niệm về sự tiến hoá, theo ông chỉ có cá nhân nào, hệ thống xã hội nào thích nghi với môi trường xung quanh thì mới có thể tồn tại được.

Các nguyên lý cơ bản của xã hội học:

  • Siêu sinh thể xã hội: Xã hội như một siêu sinh thể, ông cho rằng xã hội như hiện tượng tự nhiên, hữu cơ, vô cơ... vận động và phát triển theo qui luật. Xã hội học không nên sa đã vào phân tích các đặc thù lịch sử của xã hội mà nên tìm kiếm các thuộc tính, đặc điểm chung, phổ biến, tổng quát và những mối liên hệ nhân quả giữa các sự vật, hiện tượng xã hội.
  • Nguyên lý tiến hoá xã hội: Xã hội tiến hoá theo cấu trúc nhỏ, đơn giản, không ổn định đến xã hội có cấu trúc lớn, liên kết bền vững... Quy mô cơ thể tỉ lệ thuận với nhu cầu của sự phân hoá xã hội.
  • Ông phân chia tác nhân của hiện tượng xã hội ra thành:
    • Tác nhân chủ quan: Trí tuệ, thể lực, các trạng thái xúc cảm.
    • Tác nhân bên ngoài: Môi trường, đất, nước, không khí...
    • Tác nhân tự sinh: Bắt nguồn từ điều kiện bên trong và bên ngoài như dân số, mối liên hệ, tương tác giữa các xã hội.

Cũng như cơ thể sinh học thì cơ thể xã hội cùng có các cơ quan chuyên môn hoá đảm bảo cho nhu cầu sống của xã hội. Các cơ quan chuyên môn hoá đều có khả năng sinh tồn và phát triển. Nhưng cái khác ở cơ thể xã hội là các cơ quan chuyên môn hoá tác động tích cực một cách gián tiếp lẫn nhau thông qua ngôn ngữ, kí hiệu mà cơ thể sinh vật không có.

Cơ thể xã hội: Các bộ phận tác động lẫn nhau dẫn đến phát triển, suy tàn, phát triển...

Những phân tích về các tác nhân xã hội và các nguyên lí tiến hoá xã hội, nguyên lí về chức năng và cấu trúc xã hội đóng vai trò là nền tảng hình thành nên xu hướng chức năng luận trong xã hội.

Một số tác giả phê phán ông quá đề cao phương pháp luận quy đồng xã hội với cơ thể sinh học.

Vấn đề khách quan và chủ quan của phương pháp luận:

  • Khó khăn khách quan:
    • Nguyên nhân từ đối tượng nghiên cứu: Các hiện tượng, quá trình xã hội luôn gắn với động cơ, nhu cầu, tình cảm... xã hội học không phải là khoa học chính xác. Mặc dù đối tượng nghiên cứu là sự tiến hoá của cơ thể xã hội và lịch sử tự nhiên.
    • Không đo lường được trạng thái chủ quan của cá nhân, nhóm xã hội.
    • Không nghiên cứu hết mà nghiên cứu những chủ đề được lựa chọn, thu thập các số liệu đã chọn.
    • Khắc phục: Thu thập hết các dữ liệu liên quan.
  • Khó khăn chủ quan: Thuộc về trình độ, quan niệm, ý thức người nghiên cứu.

Ông phân loại xã hội thành các kiểu sau:

  • Xã hội quân sự là kiểu xã hội với cơ chế tổ chức, điều chỉnh mang tính tập trung, độc đoán cao nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh, trật tự. Chế độ phân phối diễn ra theo chiều dọc mang tính tập trung cao độ từ trên xuống do nhà nước quản lý, kiểm soát.
  • Xã hội công nghiệp là kiểu xã hội mức độ tập trung và độc đoán ít hơn. Mục tiêu là sản xuất, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa với sự kiểm soát mềm dẻo.

5. Max Weber (1864 - 1920)

Weber chào đời tại Erfurt trong vùng Thuringer nước Đức. Năm 1882, Weber vào học luật tại Đại học Heidelberg. Sau đó, ông phục vụ trong quân đội Đức tại Strasbourg.

Các tác phẩm chính: Xã hội học tôn giáo, tôn giáo Trung Quốc, tôn giáo Án Độ.

Phương pháp luận xã hội học: Quan niệm của Max Weber về phương pháp khoa học, có sự khác biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội:

    Khoa học tự nhiên Khoa học xã hội
Thứ nhất Đối tượng nghiên cứu Là sự kiện vật lý Hoạt động xã hội của con người
Thứ hai Tri thức xã hội Trong thiên nhiên, nên ngoài cá nhân Hiểu biết về xã hội, do con người tạo ra
Thứ ba Phương pháp nghiên cứu Quan sát tự nhiên, tường thuật Lý giải động cơ, quan niệm, thái độ

 

Khoa học xã hội thực sự là khoa học, trung lập, khách quan và tự do, không bị ràng buộc bởi hệ thống giá trị trong quá trình nghiên cứu. ông cũng thừa nhận khoa học xã hội có khi cũng rất phi khoa học (thứ nhất).

Quan niệm của Weber giống Durkheim: Trong nghiên cứu phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, khoa học... khoa học xã hội có tính độc lập.

Quan niệm về xã hội học: Xã hội học là khoa học giải nghĩa hoạt động xã hội và tiến tới cách giải thích nhân quả về đường lối và hệ quả của hành động xã hội.

Theo ông nghiên cứu hành động xã hội mà chỉ xem xét, phân tích những đặc điểm quan sát được từ bên ngoài thì không đủ, thậm chí còn không có ý nghĩa xã hội học mà còn phải năm bắt, lý giải được hiện tượng bên trong nó.

  • Có 2 loại lý giải:
    • Trực tiếp, là việc nắm bắt ý nghĩa hành động thông qua quan sát trực tiếp.
    • Gián tiếp, là thông qua cảm nhận để nhận xét.

Khó áp dụng khái niệm chính xác của khoa học tự nhiên để chỉ hành động xã hội.

Xã hội học của Weber là để chỉ động cơ và ý nghĩa của hành động xã hội, tức là giải thích nguyên nhân, điều kiện và hệ quả của hành động xã hội, vừa có đặc điểm của khoa học xã hội, tức là giải thích mục đích, nhu cầu, ý nghĩa của hành động xã hội.

Khái niệm hành động xã hội: Là việc chủ thể gan cho hành vi của mình một ý nghĩa chủ quan nào đó. Hành động kể cả hành động thụ động và không thụ động. Được gọi là hành động xã hội khi ý nghĩa chủ quan của nó tính đến hành vi của người khác trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó định hướng hành động.

Ông giải thích sự định hướng của hành động xã hội thông qua việc phân chia hành động xã hội làm 4 loại:

  • Hành động hợp lý theo mục đích.
  • Hành động hợp lý theo giá trị.
  • Hành động theo truyền thống.
  • Hành động mang tính cảm xúc.

Ông nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo với kinh tế và thông qua đó để nhìn nhận về vai trò của tôn giáo và văn hoá đối với sự phát triển của xã hội. Ông cho rằng sự phát triển của xã hội không chỉ do động lực kinh tế mà ngoài ra còn do yếu tố tôn giáo, văn hoá...

về quan điểm quyền lực xã hội và bất bình đẳng xã hội, ông cho rằng yếu tố kinh tế không phải là yếu tố quyết định (khác với K.Marx) mà các yếu tố như uy tín, dòng dõi, chủng tộc... cũng là những nguyên nhân làm nên sự bất bình đẳng và quyền lực trong xã hội. Ngoài ra trong xã hội hiện đại, các yếu tố như cơ may cuộc sống và khả năng tiếp cận thị trường của các cá nhân có ý nghĩa lớn trong việc xác định địa vị xã hội và tạo ra những bất bình đẳng trong xã hội.

Đóng góp về phương pháp: ông đã để lại nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng phương pháp quan sát, giải thích, giải nghĩa và phương pháp thực nghiệm.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON