Bài học có nội dung trình bày khai niệm thuật ngữ xã hội học, đối tượng nghiên cứu của xã hội học, quan hệ giữa xã hội học với các khoa học khác. Để tìm hiểu chi tiết nội dung bài học, mời các bạn cùng tham khảo Bài 1: Đối tượng nghiên cứu của xã hội học.
Tóm tắt lý thuyết
1. Xã hội học là gì?
Thuật ngữ Xã hội học được một nhà xã hội học người Pháp - Auguste Comte (1798 - 1857) sử dụng vào năm 1838. Được ghép từ hai chữ, có hai nguồn gốc khác nhau: “Socius”, từ gốc Latinh và “Logos”, từ gốc Hi Lạp.
Xã hội học là môn khoa học xã hội còn rất non trẻ. Mặc dù vậy, khoa học đã và đang trở thành một ngành khoa học có vị trí quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những kết quả nghiên cứu của nó ngày càng trở nên thiết thực và có tác dụng không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên, xã hội học là gì? Một câu hỏi không dễ trả lời trong một định nghĩa ngắn gọn và đây là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong suốt một thời gian dài, song nó cũng tạm lắng xuống bởi các nhà xã hội học cảm thấy rằng “đơn giản là không có một xã hội học duy nhất được thừa nhận và cung cấp được tất cả các câu trả lời, vì không có kiểu phát triển duy nhất của xã hội cho nên sẽ không có quan điểm xã hội học duy nhất”, và họ hướng tới tìm các câu trả lời cho các câu hỏi như xã hội học nghiên cứu ai, nghiên cứu như thế nào, ở đâu, lĩnh vực nào của đời sống xã hội? Nghiên cứu nó để làm gì và để giải quyết vấn đề nào?...
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tìm hiểu qua một số quan niệm về xã hội học sau: nhà nghiên cứu Arce Alberto (Hà Lan) đã nói “Xã hội học là khoa học nghiên cứu về con người và xã hội”, TS Nguyễn Minh Hoà của thì kết luận “Xã hội học là khoa học nghiên cứu về các quan hệ xã hội thông qua các sự kiện, hiện tượng và quá trình xã hội”. Trong một kết luận khác từ Bruce J Cohen và cộng sự thì “Xã hội học là khoa học nghiên cứu có hệ thống về đời sống của các nhóm người”.
Qua những quan niệm trên chúng ta có thề đi đến kết luận sau: “Xã hội học là khoa học về các quy luật phát triển của các hệ thống xã hội có tính chất tổng thể (toàn xã hội) cũng như bộ phận. Xã hội học nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa các hiện tượng xã hội khác nhau và nghiên cứu những quy luật phổ biến trong hành động xã hội của con người”.
Nói một cách khác, xã hội học là một môn khoa học về các quy luật phổ biến và đặc thù của sự hoạt động và phát triển của các hình thức biểu hiện các quy luật ; trong đó, các hoạt động của các cá nhân, các tập đoàn xã hội, các giai cấp, các dân tộc được thể hiện.
2. Đối tượng nghiên cứu của xã hội học
Giống những khoa học khác, xã hội học cũng có nhiều trường phái khác nhau, nên cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu của xã hội học cũng được nhìn nhận khác nhau. Có thể nói trong một thời gian dài, xã hội học bị xem là khủng hoảng về mặt lí luận, bởi những bất đồng về đối tượng nghiên cứu của các trường phái xã hội học. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó với các cách tiếp cận sau:
- Thứ nhất, tiếp cận vĩ mô : đây là hướng tiếp cận của xã hội học Châu Âu, xác định xã hội học là khoa học về các hệ thống xã hội. Theo trường phái này, hành động xã hội của cá nhân chịu sự chi phối của các cơ chế xã hội mà biểu hiện là các thiết chế xã hội, các giá trị, chuẩn mực xã hội. Các cơ chế này tạo thành những khuôn mẫu, qui tắc xã hội bắt buộc mọi cá nhân trong xã hội phải chấp nhận và tuân theo. Như vậy, đối tượng nghiên cứu xã hội học theo trường phái này là các cơ cấu, các hệ thống xã hội mà biểu hiện của nó là các thiết chế xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, gia đình,...
Cách tiếp cận vĩ mô cho rằng xã hội là một hệ thống thống nhất hành động của cá nhân, cho nên muốn đạt đến sự thống nhất trong xã hội thì chỉ cần hoàn thiện cơ cấu xã hội. Như vậy, cách tiếp cận này đã tin tưởng tuyệt đối vào sự chi phối của xã hội đối với hành động xã hội của cá nhân.
- Thứ hai, tiếp cận vi mô: đây là hướng tiếp cận của xã hội học Mỹ, theo cách tiếp cận này, đối tượng nghiên cứu của xã hội học là hành vi xã hội hay hành động xã hội của con người. Các cơ chế hình thành các hành động đó bao gồm các tương tác xã hội giữa các cá nhân, sự hình thành động cơ và các tác nhân hành động của nhóm. Như vậy, chúng ta chỉ cần chuẩn hóa hành động xã hội thì xã hội sẽ đạt được sự thống nhất xã hội. Tiếp cận vi mô đã chỉ ra hành động xã hội của cá nhân trong các tình huống xã hội cụ thể để hướng tới chuẩn hóa nhung không nói rõ được cơ chế chi phối xã hội đối với hành động xã hội.
- Thứ ba, cách tiếp cận tích hợp: cách tiếp cận này cho rằng, đối tượng nghiên cứu của xã hội học là cả xã hội loài người và hành vi xã hội của con người. Có thể thấy, đây là sự tổng hợp của trường phái xã hội học Châu Âu (vĩ mô) và trường phái xã hội học Mỹ (vi mô).
Qua ba cách tiếp cận trên, chúng ta có thể thấy được vấn đề gây tranh cãi: với hướng tiếp cận thứ nhất, đối tượng nghiên cứu của xã hội học là cơ cấu xã hội, hệ thống xã hội thì xã hội học đã bị triết học lấn át. Tiếp cận vi mô, là nghiên cứu hành vi, hành động xã hội của cá nhân, hướng này tâm lý học sẽ lấn át và với cách tiếp cận thứ ba, xã hội bị cho là có đối tượng nghiên cứu không rõ ràng, do con người và xã hội còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học khác, không riêng gì xã hội học.
Tuy nhiên, những phân tích trên có khả năng mở ra hướng thoát cho đối tượng nghiên cứu xã hội học khỏi sự khủng hoảng và bị biến mất. Thực vậy, có thể thấy rằng đối tượng nghiên cứu của xã hội học không phải ở chỗ hoặc nghiên cứu về con người hoặc nghiên cứu về xã hội hay nghiên cứu cả hai: con người và xã hội. Mà nghiên cứu mối quan hệ hữu cơ, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa một bên là con người và một bên là xã hội.
3. Quan hệ giữa xã hội học với các khoa học khác
Xã hội học có tính độc lập tương đối của nó trong mối quan hệ với các khoa học khác. Nó có đối tượng, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cụ thể. Dù vậy, xã hội học với một số khoa học khác vẫn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau.
- Quan hệ giữa xã hội học với triết học.
- Triết học nghiên cứu các quy luật chung về sự hình thành và phát triển xã hội. Quan hệ giữa triết học và xã hội học là quan hệ giữa khoa học cụ thể với thế giới quan khoa học. Các nhà xã hội học Mácxít vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng duy vật làm công cụ lý luận sắc bén để nghiên cứu và cải thiện mối quan hệ giữa con người và xã hội.
- Trong quan hệ với triết học, các nhà xã hội học tránh hai quan niệm cản trở sự phát triển của xã hội học.
- Quan niệm thứ nhất: Cho rằng xã hội học là một bộ phận của triết học, quan niệm này đã đồng nhất việc nghiên cứu lý luận xã hội học với chủ nghĩa duy vật lịch sử trong việc giải thích đời sống xã hội. Thực tế, quan niệm này trong một thời gian đã làm ngưng trệ quá trình hình thành xã hội học như là một khoa học độc lập ở một số nước.
- Quan niệm thứ hai: Cho rằng xã hội học biệt lập hay đối lập với triết học. Những người theo quan niệm này lập luận rằng, xã hội học ra đời với tư cách là một khoa học cụ thể, đối lập với triết học tư biện, kinh viện, giáo điều, bất lực trước các vấn đề mới mẻ nảy sinh từ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội Châu Âu thế kỷ XIX. Nói cách khác, xã hội học không có mối liên hệ gì đáng kể so với triết học.
- Quan niệm này cố tình làm ngơ hoặc không nhìn thấy một thực tế là xã hội học bao giờ cũng có tính triết học và tính tư tưởng. Tính triết học của xã hội học thể hiện ở chỗ xã hội học tìm hiểu bản chất của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, nhận thức quy luật chung của sự vận động, phát triển của con người và xã hội.
- Trong xã hội học, tính triết học của xã hội học gắn liền với thế giới quan, hệ tư tưởng và tính giai cấp. Các nhà xã hội học Mácxít xây dựng học thuyết xã hội học trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử, xã hội và con người, luôn coi triết học Mác - Lênin là thế giới quan, phương pháp luận, là vũ khí tư tưởng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội công bằng, văn minh.
- Vì vậy, có thể nói giữa xã hội học và triết học có mối quan hệ biện chứng. Các nghiên cứu xã hội học cung cấp những thông tin và phát hiện các vấn đề, bằng chứng mới làm phong phú kho tàng tri thức và phương pháp luận triết học. Trên cơ sở nắm vững tri thức xã hội học ta có thể vận dụng một cách sáng tạo tri thức triết học vào thực tiễn.
- Quan hệ xã hội học và tâm lý học.
- Chúng ta có thể khó phân biệt ranh giới giữa tâm lý học và xã hội học, chúng đều nghiên cứu về con người (đặc biệt khó phân biệt giữa tâm lý học xã hội và xã hội học).
- Ở giai đoạn đầu phát triển, xã hội học Châu Âu không chấp nhận vai trò của tâm lý học trong việc giải quyết các vấn đề xã hội học. Trong khi đó ở xã hội học Mỹ, một số tác giả như G.Homans cho rằng cần sử dụng tâm lý học để giải thích các hiện tượng xã hội học, bởi hành động con người, tương tác giữa các cá nhân là nền tảng của các quá trình xã hội, cơ cấu xã hội mà hành động cá nhân được coi là kết quả của tâm lý cá nhân. Do vậy, các quy luật tâm lý cá nhân phải là những nguyên lý nghiên cứu cơ bản của xã hội học.
- Cuộc giằng co lý luận giữa xã hội học và tâm lý học vẫn còn tiếp diễn, không phân thắng bại. Kết quả là tâm lý học xã hội trở thành một chuyên ngành của cả tâm lý học và xã hội học.
- Tuy nhiên, giữa xã hội học và tâm lý học có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, các nhà xã hội học có thể vận dụng cách tiếp cận của tâm lý học để xem xét hành động xã hội với tư cách là hoạt động cảm tính, có đối tượng, có mục đích.
- Như vậy, xã hội học không bị tâm lý học lấn át vì xã hội học không tập trung nghiên cứu về cá nhân, về hành vi xã hội, về hoạt động tâm lý của con người. Xã hội học cũng không phải là “khoa học nửa nọ nửa kia” vì không nghiên cứu theo kiểu “mỗi thứ một ít”, tức là vừa nghiên cứu con người vừa nghiên cứu xã hội một cách biệt lập với nhau.
- Như vậy, xã hội học có thể vận dụng cách tiếp cận tâm lý học để xem xét hành động xã hội với tư cách là hoạt động cảm tính, có đối tượng, mục đích.
- Quan hệ giữa xã hội học và kinh tế học.
- Xã hội học và kinh tế học có mối quan hệ gắn kết. Kinh tế học nghiên cứu quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng của cải vật chất xã hội. Nó cũng nghiên cứu những vấn đề như việc làm, thất nghiệp, lạm phát... Trong các lĩnh vực như vậy, xã hội học nghiên cứu về tương tác giữa con người với con người trong kinh tế (sản xuất, phân phối, lưu thông), nghiên cứu những mô hình tương tác trong quan hệ kinh tế.
- Một số khái niệm và lý thuyết kinh tế học đã được vận dụng để nghiên cứu về xã hội học như khái niệm thị trường, giá trị, lý thuyết trao đổi xã hội... Ngược lại, một số khái niệm, phương pháp và thành tựu nghiên cứu xã hội học được các nhà kinh tế học hết sức quan tâm. Sự giao thoa này cho ra đời ngành Kinh tế học xã hội.
- Quan hệ giữa xã hội học và nhân chủng học.
- Như đã nói, Xã hội học và Nhân chủng học có nhiều mối tương đồng về đối tượng nghiên cứu, nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau để phân chia chúng thành hai môn khoa học độc lập. Nhân chủng học thường có đối tượng nghiên cứu là các xã hội, dân tộc phát triển chậm. Còn xã hội học thường định hướng vào các xã hội hiện đại, các xã hội phát triển, các xã hội công nghiệp.
- Nhiều khái niệm và phương pháp nghiên cứu của xã hội học bắt nguồn từ nhân chủng học. Chẳng hạn khái niệm “văn hóa” được sử dụng lần đầu tiên trong công trình nghiên cứu của nhà nhân chủng học Tylor người Anh.
- Xã hội học cũng có tác động trở lại với nhân chủng học về mặt phương pháp nghiên cứu. Ví dụ: việc vận dụng lý thuyết của Durkhiem về vai trò của cơ cấu xã hội, chức năng của các thiết chế xã hội, nhà nhân chủng học người Anh Radcliffe Brown đã lý giải sự sống và khác nhau giữa các xã hội cụ thể đặc thù.
- Quan hệ giữa xã hội học với luật học.
- Pháp luật là hệ thống các chuẩn mực và quy tắc hành động do cơ quan có thẩm quyền chính thức ban hành, có tác dụng quy định và kiểm soát xã hội đối với hành động và các quan hệ xã hội nên từ lâu các nhà xã hội học rất quan tâm nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu có thể vận dụng lý thuyết xã hội học để phân tích sự phát triển của hệ thống pháp luật cũng như mối liên hệ giữa pháp luật với cơ cấu, hệ thống xã hội. Từ đó hình thành một lĩnh vực giáp ranh giữa luật và xã hội học. Các nhà xã hội học trước đây như K.Marx, Durkheim, Weber đều chú ý phân tích xã hội học về tổ chức và thiết chế pháp luật.
- Các nhà nghiên cứu có thể vận dụng lý thuyết xã hội học để phân tích sự phát triển của hệ thống pháp luật, cũng như mối liên hệ giữa pháp luật và cơ cấu xã hội. Khi nghiên cứu về nhà nước và pháp luật, K.Marx đã đưa ra nhiều ý tưởng khái quát rất quan trọng đối với xã hội học về luật.
- Ví dụ: Theo quan điểm của K.Marx, hệ thống pháp luật tư sản là một bộ phận của nhà nước tư sản, là công cụ áp bức giai cấp, K.Marx nhận định tư tưởng thống trị là tư tưởng của giai cấp thống trị.
- Các nhà xã hội học rất quan tâm tới vai trò của luật pháp đổi với xã hội. Ví dụ: Weber cho rằng luật pháp là một lực lượng đoàn kết, tập hợp và biến đổi xã hội. Weber đã phân tích tầm quan trọng của luật pháp với tư cách là một nhân tố của quá trình duy lí góp phần hình thành và phát triển xã hội hiện đại và chủ nghĩa tư bản ở phương Tây.
- Ngày nay các nhà xã hội học thường quan tâm xem xét, đánh giá ảnh hưởng qua lại giữa hệ thống luật pháp và hệ thống xã hội.